Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29/8/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 6: 17-29)

Hồi ấy, vua Hêrôđê đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!" Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”. Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được”. Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì đây?" Mẹ cô nói: "Đầu Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm”. Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Suy niệm 1

Vì chân lý, Gioan Tẩy Giả phải ra trước mặt Vua Hêrôđê. Gioan nói với nhà vua về việc tôn thờ Thiên Chúa, việc tuân giữa giới răn của Ngài và về lương tâm của đức vua, vì lý do đó thánh nhân đã phải bị ở tù và bị chặt đầu.

Nguyên nhân cái chết của Gioan không đơn thuần là do lòng độc dữ của Hêrôđê cho bằng chính do sự nhát đảm, nhu nhược của nhà vua. Ông ta sợ vợ, sợ tiếng chê cười của khách dự tiệc, nên ông ta thực hiện lời hứa với đứa con gái của vợ. Chính sự nhu nhược nhát đảm nầy đã đưa ông ta đến chỗ phạm tội ác. Đứng đối diện với một người công chính, Hêrôđê đã không đủ can đảm vượt thắng sự hèn nhát của mình vì tính nhu nhược.

Tính nhu nhược là nguyên nhân của hư hèn nơi con người  chúng ta. Chỉ vì một chút tự ái, một tí danh vọng, một chút bổng lộc vật chất, nhiều người đã không ngần ngại quay lưng lại với chân lý. Vì muốn kiếm một chút danh lợi biết bao nhiêu nhà chính trị công giáo không đủ can đảm bảo vệ chân lý, họ đã liên minh với những thế lực trần gian để chống lại Giáo Hội. Họ đã không ngần ngại bỏ phiếu ủng hộ phá thai, li dị, ngừa thai, kết hôn đồng tính. Họ đã giết chết lương tâm.

Tính nhu nhược cũng là nguyên nhân của sự phản bội. Ngày nay cũng có biết bao người Kitô hữu đã rời bỏ đức tin vì sợ thiệt thòi vật chất, sợ mất người yêu, sợ mất việc làm, sợ mất chỗ tốt trong xã hội… Vì mhững cái sợ đó, chân lý đã bị bóp chết, Đức tin bị khứơc từ.

Tính nhu nhược cũng đưa đẩy chúng ta đồng lõa với những người thù nghịch đức tin. Đứng trước trào lưu chống phá Giáo Hội, chúng ta đã làm gì để bảo vệ Đức tin? Chúng ta đã có thái độ khẳng khái như Gioan: “Ngài không được làm như vậy”, hay là chúng ta hành động như Hêrôđê để bảo vệ một chút tự ái?

Lạy Chúa, khi chúng con lên án Hêrôđê, có lẽ chúng con đã quên nhìn đến thái độ sống đức tin của chúng con. Trong cuộc sống nhiều khi vì nhát đảm, chúng con đã quay lưng lại với chân lý, vì một chút lợi lộc thế trần, chúng con đã làm những điều ngược với lương tâm. Lạy Chúa, xin giúp chúng con, xin thêm lòng can đảm cho chúng con để chúng con sống và bảo vệ chân lý. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy niệm 2
Nghe danh tiếng của Đức Giê-su, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hê-rô-đê cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy : « Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy ! » Đó là một sai lầm ; nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi.
  • Vua Hê-rô-đê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một Gioan Tẩy Giả khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.
  • Vua Hê-rô-đê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo : « Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi » (Tv 141, 10).
  • Đức Giê-su không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ bị giết chết cách bất công như thánh Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có thánh Gioan.

  1. Thánh Gioan, “Người đi trước mặt Chúa” (Lc 1, 17 và 76)
Cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả được Tin Mừng Mác-cô, và hai Tin Mừng nhất lãm còn lại cũng vậy, tường thuật lại trong một bối cảnh đặc biệt, đó là những thắc mắc liên quan đến Đức Giêsu: (x. Mc 6, 16). Và để làm sáng tỏ những thắc mắc này, tác giả Tin Mừng đã kể lại thật chi tiết cái chết của Gioan. Như thế, cuộc đời của Gioan gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu biết bao. Vì thế, trong lời nguyện nhập lễ, chúng ta thưa với Thiên Chúa rằng thánh Gioan là người đi trước loan báo Đức Kitô cả trong cách sinh ra lẫn trong cách chết đi. Thậy vậy, khi vừa được sinh ra, bố Giacaria của Gioan đã nói rằng:
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.
(Lc 1, 76)
Và với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta “chứng kiến” thánh Gioan hoàn tất thật trọn vẹn sứ mạng của mình, vì ông không chỉ đi trước chuẩn bị cho những lối bước của Đức Chúa bằng lời rao giảng và phép rửa, nhưng bằng cả cái chết nữa, và xét cho cùng, bằng cả cách mình được sinh ra nữa.
Chúng ta cũng vậy, bởi tình yêu và ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, cũng gắn liền với Đức Giêsu, vấn đề là chúng ta có nhận ra hay không.

  1. Thánh Gioan, người loan báo Đức Giê-su bằng cái chết
Như thế, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay rất mạnh mẽ, nhưng cũng thật kín đáo: thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giê-su một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.
Thật vậy, bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của thánh Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Chúng ta có thể đọc lại từ từ và ghi lại những suy nghĩ và tâm tình mà trình thuật gợi ra cho chúng ta. Thánh Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và có thể nói, thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự…
Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải sự dữ triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, bởi vì Người là Con Chiên Vô Tội. Trong mầu nhiệm Vượt Qua, đối diện với Người sẽ là Sự Dữ và Sự Chết tuyệt đối, bởi lẽ Người là Sự Thiện và Sự Sống tuyệt đối. Người tự nguyện trở thành nạn nhân của Sự Dữ để hủy diệt Sự Dữ và chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ ngay hôm nay.

  1. Phúc của thánh Gioan
Tuy nhiên, khi nghe hay đọc trình thuật này, chúng ta có thể tự hỏi một cách tự phát: vậy đâu là phúc của thánh Gioan, được loan báo khi mới sinh ra, khi mà ông đã cho đi tất cả, dâng hiến tất cả và cuối cùng, đã phải chịu chết như thế? Thánh Gioan loan báo Đức Kitô trong sự sinh ra, trong cuộc sống và trong cái chết, thì phúc của thánh Gioan, chính là trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Ki-tô. Và Tin Mừng đã kín đáo nói cho chúng ta điều này: sau khi bị giết chết, có kẻ nói về Đức Giê-su: “Đó là Gioan Tẩy Giả, từ cõi chết chỗi dậy” (c. 14). Như thế, phúc của thánh Gio-an là trở nên một với Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
Nếu là như thế, phúc của thánh Gioan, cũng là phúc của mọi người Kitô hữu chúng ta, những người sống đời sống hôn nhân, cũng như những người sống đời dâng hiến, đó là Đức Giêsu Kitô trở nên một với chúng ta, nơi mầu nhiệm Nhập Thể và nơi mầu nhiệm Thánh Thể, để cho chúng ta có thể trở nên một với Ngài trong hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, để cùng với Người đi vào Cõi Hằng Sống, là Sự Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc