Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Về Người Thắng và Kẻ Thua bởi phanxicovn

Filled under:

Xã hội chúng ta có khuynh hướng chia thành người thắng kẻ thua. Đáng buồn là chúng ta thường không nghĩ xem chuyện này tác động thế nào với mối quan hệ giữa chúng ta với nhau, cũng không nghĩ đến tác động của nó đến chúng ta trong tư cách Kitô hữu.
Vậy mối quan hệ kiểu này là gì? Về căn bản, mối quan hệ của chúng ta với nhau có khuynh hướng cạnh tranh và ghen tương, bởi chúng ta bị tiêm nhiễm những động cơ muốn làm hơn người, thành tựu hơn người và vượt lên người khác. Ví dụ như, tôi xin đưa ra một vài khẩu hiệu được xem là khôn ngoan trong thời nay! Chiến thắng! Hãy là người giỏi nhất trong việc gì đó! Cho người khác thấy bạn tài năng hơn họ! Cho họ thấy bạn khôn lanh hơn người khác! Đừng xin lỗi khi nghĩ đến bản thân trước hết! Đừng làm kẻ thua cuộc!
Những lời này không phải là những câu châm ngôn vô tội khích lệ chúng ta làm việc chăm chỉ hơn, nhưng là những con virus tác hại chúng ta khiến cho mọi thứ trong cuộc đời bắt tay với tính ái kỷ có sẵn trong con người chúng ta để thúc đẩy chúng ta phải thành công, phải là vận động viên giỏi nhất, người mặc đẹp nhất, xinh đẹp nhất, có tài năng âm nhạc nhất, nổi tiếng nhất, kinh nghiệm nhất, du lịch nhiều nhất, am hiểu nhất về xe cộ, phim ảnh, lịch sử, tình dục ... Chúng ta thúc đẩy mình bằng mọi giá để tìm cho được thứ mà chúng ta có thể vượt trội hơn người khác. Chúng ta cố gắng bằng mọi giá tìm cách tách mình ra và vượt lên trên người khác. Ý niệm đó gần như thâm căn cố đế trong chúng ta rồi.
Và bởi khuynh hướng đó, chúng ta thường có xu hướng phán xét sai lầm về người khác, cũng như sai lầm về ý nghĩa và mục đích đời mình. Chúng ta xây dựng mọi thứ quanh thành tựu và sự nổi bật. Khi thành công, khi chiến thắng, khi hơn người khác trong chuyện gì đó, thì cuộc sống của chúng ta dường như trọn vẹn hơn, cái tôi của chúng ta vênh vang, và chúng ta cảm thấy tự tin cũng như thấy mình thật có giá trị. Ngược lại, khi chúng ta không thể nổi bật, khi chúng ta chỉ là một người trong đám đông, thì chúng ta cố gắng duy trì một hình ảnh đẹp về mình.
Nhưng trong cả hai trường hợp, chúng ta đều luôn mãi đấu tranh với tính ghen tương và bất mãn bởi khi đem bản thân so sánh với người khác, chúng ta không thể không thấy mình luôn thiếu tài năng, vẻ đẹp và thành tựu. Và chúng ta vừa ghen tỵ vừa hờn ghét những người tài năng, xinh đẹp, quyền lực, giàu có và nổi tiếng. Chúng ta tâng bốc họ dù cho vẫn âm thầm chờ đợi họ sa cơ, hệt như đám đông tung hô Chúa Giêsu trong Lễ Lá rồi mấy ngày sau lại la hét đòi đóng đinh Chúa vào thập giá.
Và điều này khiến chúng ta bất hạnh. Làm sao chúng ta có thể tạo nên một cộng đồng, khi tài năng và thành tựu của người này là cái cớ ghen tỵ và phẫn uất cho người khác,cũng như là nguồn gây ra đố kỵ cũng như tranh giành? Làm sao chúng ta yêu thương nhau khi tinh thần cạnh tranh khiến chúng ta xem nhau như kẻ thù?
Chỉ có thể có cộng đoàn khi chúng ta để tài năng và thành tựu của người khác làm đẹp cho cuộc đời chúng ta, đồng thời để tài năng và thành tựu của mình làm đẹp chứ không đe dọa cuộc đời của người khác. Nhưng chúng ta hầu như không thể làm việc này. Chúng ta bị tiêm nhiễm tính cạnh tranh quá nặng nên không thể không xem thành tựu và tài năng của người khác là mối đe dọa, đồng thời cũng không thể dùng tài năng của mình nhằm làm đẹp cuộc sống người khác thay vì làm nổi bật bản thân.
Chúng ta có khuynh hướng phân ra người thắng kẻ thua, ngưỡng mộ và ganh ghét người thắng, tỏ lòng thương hại kẻ thua, và luôn mãi đánh giá nhau, cân đo cơ thể, tóc tai, trí tuệ, áo quần, tài năng và thành tựu của người khác. Nhưng khi làm như thế, là chúng ta dao động từ khủng hoảng và bị xem thường khi thua kém người khác, cho đến tự mãn vênh vang khi mình có vẻ hơn người khác.
Và càng khó khăn hơn nữa khi chúng ta ngày càng thêm ám ảnh về nhu cầu phải nổi bật, phải đặt biệt, phải ăn trên ngồi trốc, phải tạo dấu ấn trong đời. Chúng ta sống trong chứng ghen tỵ mơ hồ mà kinh niên, khi xem tài năng của người khác là mối đe dọa thường trực với mình. Và như thế chúng ta cứ bồn chồn lo lắng, và bớt trung thành với đức tin Kitô.
Đức tin Kitô của chúng ta mời gọi đừng so sánh mình với người khác, đừng cố nổi bật, đừng để mình thấy lo sợ và ghen tỵ với ơn của người khác. Đức tin của chúng ta mời gọi hãy tin rằng không cần phải nổi bật hay đặc biệt, tin rằng tài năng của người khác không phải là mối đe dọa, nhưng là một sự làm phong phú cho mọi con người trên đời, và trong đó có cả chúng ta.
Khi chúng ta chia ra người thắng kẻ thua, thì những tài năng và ơn ích của chúng ta trở thành gốc rễ của ghen tỵ, thành vũ khí của cạnh tranh và ham muốn trở nên thượng đẳng hơn người khác. Điều này không chỉ đúng với từng cá nhân, mà còn đúng cho các quốc gia nữa.
Một trong những khẩu hiệu cạnh tranh trong nền văn hóa của chúng ta bảo rằng: Chỉ cho tôi thấy một người thua cuộc cao đẹp, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy một kẻ thua cuộc! Nếu nghĩ như thế, thì Chúa Giêsu là người thua cuộc. Người ta lắc đầu trước cái chết của Ngài, và chẳng ai đeo vòng nguyệt quế cho Ngài cả. Dưới con mắt người đời, Ngài chẳng được gì. Chỉ là một kẻ thua cuộc! Nhưng nhờ sự kém cỏi của Ngài, mà chúng ta được ơn cứu độ.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch



Vững vàng tin tưởng.

Có một giai thoại kể rằng: Có một thanh niên thích chơi những trò chơi mạo hiểm. Hôm đó anh mang một chiếc dù lớn đến bên bờ một vực thẳm tính để chơi cho thoả chí mạo hiểm của anh, không biết loay hoay thế nào, anh trượt chân té xuống vực thẳm. May quá, anh bám được một nhánh cây chìa ra trên bờ vực. Khi đã nắm được nhánh cây kia, anh thở phào một cái, tuy nguy hiểm vẫn chưa qua, nhưng anh nghĩ như thế này là có hy vọng sẽ được cứu.
 
Anh ngước mắt nhìn lên bờ vực, không thấy có bóng dáng một ai, cúi xuống, anh nghĩ chỉ còn cách cầu nguyện. Thế là anh cầu xin: “Lạy Chúa, xin cứu con, con xin hứa con sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn”. Bỗng có tiếng Chúa từ trời vọng xuống: “Được, Ta sẽ cứu con, nhưng trước khi cứu con, Ta muốn con có thực sự tin Ta có thể cứu con được không”. Anh thưa ngay: “Lạy Chúa, con tin chứ, con tin chắc là Chúa cứu được con, Chúa cứu con ngay đi con mỏi tay lắm rồi”. Chúa nói: “Được, nếu con tin thì con cứ buông tay con đang bám vào nhánh cây đó đi”. Chàng thanh niên vẫn bám chặt vào nhánh cây chứ không chịu buông tay ra, rồi chàng ngẩng nhìn lên bờ cố la lớn: “Có ai ở trên bờ không, cứu tôi với”. Giả sử chúng ta là chàng thanh niên trên đây, liệu chúng ta có dám buông tay ra không? Đức tin của chúng ta có đủ mạnh để tin vào quyền năng của Chúa qua những nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống của chúng ta không? Điều Thiên Chúa muốn là chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Chúa. Lòng tin tưởng của chúng ta phải như em bé trong câu truyện sau:
 
Cách đây ít lâu, báo chí tường thuật lại một sự kiện: Vào một đêm kia, một đám cáy bùng lên tại một ngôi nhà trong khi ngọn lửa đang phừng phừng bốc lên, người ta trông thấy người cha, người mẹ và mấy đứa con hấp tấp chạy ra tức khắc, họ buồn rầu nhìn ngôi nhà mình bốc cháy. Bất chợt họ nhận ra mình thiếu đứa con nhỏ nhất, một đứa bé trai năm tuổi. Đứa bé lúc đó chạy ra, thấy khói lửa nghi ngút, nó hoảng sợ lùi lại rồi leo lên tầng trên. Mọi người nhìn nhau: không thể liều lĩnh đi vào trong nhà bây giờ chỉ còn là một lò lửa hừng hực. Thì kìa, một khung cửa trên kia mở toang, đứa bé giơ tay kêu cứu.
 
Cha nó thấy nó, ông quát to: “Nhảy xuống đi”. Đứa bé chỉ thấy khóí lửa mịt mù, nhưng nó nghe ra tiếng cha nó, nó liền đáp: “Ba ơi, con không thấy ba đâu cả”. Cha nó lại quát: “Ba thấy con, nhảy đi”, đứa bé đã nhảy, và đã bình an vô sự rơi vào vòng tay cha nó, vì ông kịp đỡ lấy nó.
 
Đứa bé đứng trong ngôi nhà bốc cháy ấy lại không phải là hìng ảnh diễn tả người Ki-tô hữu đứng trước mặt Thiên Chúa sao? Trong cơn khốn quẫn, chúng ta nghe ra tiếng Chúa bảo mình: “Hãy tin tưởng vào Ta, hãy nhảy vào vòng tay của Ta”, và rất nhiều phen chúng ta đã trả lời: “Chúa ơi, con chẳng thấy Chúa đâu cả”, và đã tưởng rằng Chúa bỏ rơi mình. Có bao giờ chúng ta nghĩ như thế không hay nghĩ tương tự như thế không? Dường như Chúa đi đâu vắng lúc chúng ta cần đến Ngài.
 
Bài Tin Mừng hôm nay,một lần nữa, nhắn nhủ chúng ta về giá trị của đức tin. Đức tin có sức mạnh, có khả năng đảo ngược được tình cảnh trong đời người, giúp chúng ta vượt được gian khó, và làm được những việc quá sức tự nhiên của mình. Ngưòi phụ nữ ngoại giáo trong Tin Mừng đã có một đức tin như thế, nên bà đã nhận được điều bà muốn xin. Tuy con gái bà bị quỷ ám khốn cực và các thầy thuốc đã vô phương cứu trị, tức là tình cảnh của bà đã tuyệt vọng về mặt tự nhiên, nhưng bà đã tin Chúa có thể cứu chữa được con bà, nên bà đã đến kêu xin Chúa, và dù Chúa thử thách bà, bà vẫn kiên nhẫn hết lòng tin tưởng. Chính vì lòng tin vững mạnh đó, Chúa đã làm phép lạ cứu chưã con gái bà.
 
Có lẽ sau đức tin của viên đại đội trưởng ở Caphácnaum thì phải kể đến đức tin của người phụ nữ Canaan này, là người ngoại giáo nhưng hết lòng tin tưởng vào quyền phép của Chúa Giêsu. Đây là tấm gương và bài học cho chúng ta khi cầu nguyện: Chúng ta hãy kiên nhẫn, cầu xin chưa được, cầu xin tiếp, cầu xin mãi, đừng bao giờ nản lòng, vì ai kiên nhẫn và tin tưởng cầu xin, sẽ được như ý.