Đức Thánh Cha tiếp các Đại biểu quốc hội Công Giáo quốc Tế
VATICAN. ĐTC nhắc nhở các đại biểu quốc hội Công Giáo rằng các luật lệ phải luôn phục vụ việc xây dựng một xã hội nhân bản và công bằng hơn.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chiều ngày 27-8 vừa qua dành các tham dự viên Hội nghị kỳ 8 các đại biểu quốc hội Công Giáo quốc tế tiến hành từ ngày 24 đến 27-8-2017 tại Frascati gần Roma.
Tham dự hội nghị có 220 nhà chính trị đến từ 30 quốc gia, trong đó cũng có ĐHY Christoph Schoenborn, TGM giáo phận Vienne Chủ tịch HĐGM Áo. Ngài đảm nhận một bài thuyết trình về đề tài ”hình ảnh con người Kitô đứng trước những đòi hỏi chính trị hiện nay”.
Trưa chúa nhật ngày chót của khóa họp, các đại biểu đã về Roma tham dự buổi đọc kinh truyền tin với ĐTC tại Quảng trường thánh Phêrô và gặp gỡ ngài vào ban chiều cùng ngày. Trong dịp này ĐTC cũng nói rằng: ”Các luật lệ mà quí vị thông qua và được thi hành, phải giúp kiến tạo những nhịp cầu đối thoại giữa các quan điểm chính trị khác nhau.. Các nhà lập pháp cần đặc biệt quan tâm đến những người rốt cùng và bị gạt ra ngoài lề xã hội, nhất là những người bị bó buộc phải rời bỏ quê hương. Ngoài ra, việc lập pháp cũng phải nhắm phục vụ một môi sinh học nhân bản đúng đắn và hợp thiên nhiên. Các tín hữu Kitô cần đưa vào trong chính trị một nhân sinh quan tôn trọng phẩm giá con người, dấn thân bênh vực tự do tôn giáo và bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn”.
ĐTC cũng bày tỏ vui mừng vì sự gia tăng con số các thành viên hội các đại biểu quốc hội Công Giáo, với nhiều người đến từ các nước Phi châu.
Trong những ngày họp ở Trung tâm hội nghị của dòng Don Bosco ở Frascati, các đại biểu quốc hội đã bàn đến vấn đề di dân và tị nạn, các quyền con người và những vụ bách hại các tín hữu Kitô ở Trung Đông và một số vấn đề của Phi châu.
Trong lời chào mừng ĐTC tại cuộc gặp gỡ, Ông Christian Altin von Geusau, điều hợp viên của nhóm nói đến sự kiện Âu Châu đang nỗ lực thực thi một thứ thực dân hóa ý thức hệ tại Phi châu. Các đại biểu quốc hội tại nhiều nước thuộc đại lục này tố giác sự kiện nhiều quốc hội Phi châu phải sửa đổi luật để cho phép phá thai thì mới nhận được viện trợ từ tây phương. Nhưng điều này là một thương tổn lớn cho dân Phi châu. Các phụ nữ Phi châu không muốn những luật này vì chúng hoàn toàn đi ngược văn hóa tôn trọng sự sống của họ.
Trong số các tham dự viên khóa họp vừa qua của các đại biểu quốc hội Công Giáo quốc tế, cũng có Đức Cha Anba Pavly, đại diện tòa Thượng Phụ Chính Thống Copte ở Alexandria Ai Cập. Ngài nói về tình trạng các tín hữu Kitô ở Bắc Phi. Đức Cha Sebastian Francis Shaw, TGM giáo phận Lahore ở Pakistan, đã thuyết trình về nạn bách hại các tín hữu Kitô tại nước này (KP 27-8-2017)
G. Trần Đức Anh OP
Thánh giá có Chúa Giêsu lớn nhất thế giới
Một trong những điểm đến linh thiêng, thu hút nhiều người viếng thăm bất kể tôn giáo tại bang Michigan của Mỹ, chính là Cross in the Woods, nơi đặt cây thập giá có tượng Chúa Giêsu lớn nhất thế giới.
Quần thể Thánh giá trong rừng (tên tiếng Anh: Cross in the Woods) là một địa điểm nổi tiếng của Công giáo tại cộng đồng Indian River, bang Michigan của Mỹ. Nó đã được Hội đồng các Giám mục Mỹ công nhận là địa điểm linh thiêng cấp quốc gia vào ngày 15.9.2006. Với cây thánh giá có tượng Chúa Giêsu lớn nhất thế giới, chiều cao 9,5m, nơi đây trở thành một trong những điểm thu hút nhiều người đến nhất của địa phương, bất kể tín ngưỡng. Dù dân số tại Indian River chưa đầy 2.000 người, nhưng tính trung bình có từ 275.000 đến 325.000 người đến thăm quần thể ấn tượng này mỗi năm.
Vào tháng 4.1946, Đức Giám mục Francis J. Haas của giáo phận Grand Rapids, hiện là thành phố lớn thứ hai ở bang Michigan, tìm kiếm một mảnh đất có thể xây nhà thờ mới cho vùng Indian River, nhằm phục vụ cho các giáo dân thường phải lặn lội đường xa đến đô thị mỗi khi dự lễ. Ông James J. Harrington, một cư dân ở Burt Lake, đã đề nghị hỗ trợ vị trí xây nhà thờ, với hy vọng thị trấn Cheboygan có linh mục sở tại đầu tiên. Thế là ông lùng sục khắp công viên quốc gia Burt Lake và chọn trúng mảnh đất ở vị trí tuyệt đẹp bên hồ, nhưng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Michigan lúc đó bác bỏ đề nghị mua đất của ông này.
Hai tháng sau, cha Charles D. Brophy trở thành người coi sóc của ngôi thánh đường ... vẫn chưa được xây. Trong thời gian chờ đợi, các thánh lễ được cử hành đều đặn trong tòa thị chính. Ông Harrington lại đề xuất xây một nhà thờ lộ thiên, và cha Brophy cho rằng đây là ý tưởng vô cùng hay ho, có thể thu hút du khách từ nơi khác đến vùng đất vẫn chưa được khai phá. Đến tháng 5.1948, họ đã nhận được mảnh đất như mong muốn với giá chỉ ...1 USD, kèm theo hộp kẹo cho người đứng đầu cơ quan quản lý đất đai. Sau khi thảo luận với những người liên quan, cha Brophy quyết định cho làm một cây thánh giá có tượng Chúa chịu đóng đinh bằng gỗ lớn nhất thế giới, ở phía bắc nhà thờ mới thành lập tên là Long House Chapel.
Tháng 7.1952, Đức Giám mục Babcock cho phép khởi công dự án. Phần đế của cây thánh giá là một cái bục đúc bằng bê tông và thép cao 4,6m, nằm trên ụ đất được đắp cao đến 4,6m, dài 23m. Còn bản thân cây thánh giá được cưa từ gỗ đỏ ở bang Oregon và chở đến Michigan trên xe lửa. Phải mất đến 2 ngày để dựng xong phần thân cao 17m. Trong khi đó, Marshall Fredericks, một nhà đúc tượng nổi tiếng trong vùng, tiếp nhận công trình tạo ra bức tượng Chúa trên cây thánh giá. Ông phải mất 4 năm để hoàn thành, từ công đoạn phác thảo đến khâu nặn khuôn. Kế đến, bức tượng được đúc bằng đồng ở Oslo, Na Uy. Với trọng lượng 7 tấn và cao 8,5m từ đầu đến chân, đây là một trong những bức tượng được đúc khuôn lớn nhất từng được vận chuyển xuyên Đại Tây Dương. Đến ngày 9.8.1959, các công nhân đã nâng bức tượng vào vị trí, cố định nó bên trên thánh giá bằng 13 cây đinh có đường kính 51 mm và dài 760 mm.
BẠCH LINH