Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 13/8/2017

Filled under:


NIỀM TIN THẮNG LO SỢ
Đức Giê-su bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27).
Suy niệm: Sợ hãi là tâm trạng thường tình khi ta đứng trước những hiểm nguy, những mối đe dọa nghiêm trọng. Không ít những sách báo hướng dẫn cách thức đương đầu với các mối lo sợ để có cuộc sống an vui hạnh phúc. Chúa Giê-su không xa lạ với những nỗi âu lo sợ hãi của con người. Chính Ngài trong vườn Giết-sê-ma-ni đã trải qua những giây phút kinh hoàng sợ hãi. Tuy nhiên Phúc Âm cho thấy, Ngài là Thiên Chúa toàn năng. Ngài đã chiến thắng và luôn sẵn sàng để giúp con người chiến thắng nỗi lo sợ. Ngài có đủ uy quyền để chế ngự mọi thế lực ác thần và mang đến cho ta sự bằng an, hạnh phúc đich thực miễn là ta đặt niềm tin nơi Ngài. Khi các môn đệ hốt hoảng vì sóng to gió lớn Ngài ra lệnh cho trời im biển lặng và khiển trách Phê-rô khi ông tỏ ra kém lòng tin.
Mời Bạn: Trong đời sống bạn không tránh khỏi những lúc lo âu: những cám dỗ, đau ốm bệnh tật, nguy cơ mất đức tin, mất việc làm, thất bại,.. Khi chạm trán với bão tố thử thách như thế, ta không tránh được nỗi lo lâu sơ sệt. Nhưng điều quan trọng là ta không được phép để cho nỗi sợ làm tê liệt chúng ta, làm cho ta không còn ý chí phấn đấu, nhất là ngã lòng trông cậy, đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa. Hãy luôn tin Chúa đang ở gần bên ta. Chúa không bỏ rơi ta. Những lúc gặp giông bão trong đời là cơ hội để cho ta được trưởng thành trong đức tin.    
Sống Lời Chúa: “Bạn hãy phó thác bản thân trong tay Đấng Quan Phòng giàu lòng thương xót, hãy phó thác cho Mẹ Maria Vô Nhiễm và hãy ở trong sự bình an.” (Thánh Kon-bê) 
Cầu nguyện: Đọc kinh Tin-Cậy-Mến.



Thánh Pontian và Thánh Hippolytus
(k. 235)
Vào năm 235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu bách hại người Kitô Giáo. Một trong những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai thánh tử đạo.

Thánh Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Đức Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus lên ngôi hoàng đế, Đức Pontian cùng chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia.

Hippolytus là một linh mục và là học giả ở Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là bậc thầy tài giỏi. Hippolytus thất vọng với Đức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử đạo năm 217) vì đức giáo hoàng không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc. Khi Đức Callistus I được bầu làm giáo hoàng kế vị Đức Zephyrinus, Hippolytus cũng không hài lòng. Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và họ đồng lòng bầu Hippolytus lên làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã không chế ngự được tính kiêu ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ, Hyppolytus bị bắt và cũng bị lưu đầy đến Sardinia.


Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, môät phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù. Đức giáo hoàng Pontian gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức giận đều tiêu tan. Đức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận ra nhu cầu của mỗi người là phải giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình bác ái của Đức Giêsu Kitô. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.

Bức Tường Ô Nhục

Ngày 13/8/1961, sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá Linh. Bức tường này được dựng lên không những để đánh dấu sự đọan tuyệt giữa Ðông và Tây, nhưng còn để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián điệp. Còn phía Tây Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục... Nhưng dù được gọi dưới danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con người mà chính con người đã tạo nên...
Có những bức tường ngăn cách về kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên... Nhưng cũng có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách với người khác.
Bức tường vô hình đó trước tiên là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính mình trong cô đơn...
Bức tường vô hình cũng là bức tường của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai trước những gì đang xảy ra cho người khác...
Bức tường đó cũng có thể là bức tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy và thông cảm với những người xung quanh...
Nhưng bức tường nào cũng là một nấm mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở trong nhân cách...