Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

THƯ GỬI HỌC SINH - SINH VIÊN CÔNG GIÁO NHÂN DỊP ĐẦU NĂM HỌC 2017-2018 CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOL

Filled under:

Các con rất thương mến,
1. Nhân dịp đầu năm học 2017-2018, cha muốn chia sẻ với các con những tâm tình buồn, vui, phấn khởi, lo âu của ngày đầu năm học mà các con đang cảm nhận. Buồn vì những ngày hè thoải mái đã trôi qua; vui vì được gặp lại thầy cô, bạn bè nơi trường lớp; phấn khởi cùng với lo âu vì một năm học mới bắt đầu. Đặc biệt, một số không nhỏ trong các con đang có những lo lắng khi bước vào năm đầu tiên hay cuối cấp của bậc trung học, cao đẳng hoặc đại học. Đồng thời, cha cũng cảm nhận được tâm trạng lo lắng của các bậc cha mẹ, khi phải tìm trường, phải lo học phí, và bao bận tâm khác vì các con.
2. Trong tất cả những cảm nhận và tâm tình của dịp đầu năm học, điều cha muốn nhấn mạnh với các con trong năm nay là “hãy nhắm đến niềm vui đích thực”, là kết quả mà các con sẽ nhận được khi kết thúc năm học. “Niềm vui đích thực” hay “hạnh phúc đích thực” phải trở thành mục tiêu việc học của các con. Về mặt tri thức, qua học tập, các con lãnh hội được những tinh hoa của bao thế hệ trước về nhiều phương diện (lịch sử, văn hóa, khoa học, kỹ thuật…); thế nhưng, việc giáo dục tại trường học còn nhắm đào tạo các con một cách toàn diện hơn nữa, qua ba lãnh vực là thể dục, trí dục, và đức dục. Với sức khỏe, với sự khôn ngoan hiểu biết và với những đức tính nhân bản, các con sẽ phát triển và thành công trong cuộc sống, tìm được hạnh phúc đích thực cho mình, cho gia đình mình, đồng thời cũng mang lại hạnh phúc cho những người chung quanh.
3. Năm học mới của các con bắt đầu tiếp sau Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ 7 vừa diễn ra tại Indonesia từ ngày 30/7-06/08 vừa qua với chủ đề “Các bạn trẻ Á châu hãy vui lên! Sống tinh thần Tin mừng giữa bối cảnh đa văn hóa ngày hôm nay”. Niềm vui, sống Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và bối cảnh văn hóa xã hội tại Việt Nam, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, là ba yếu tố cụ thể mà cha muốn gởi đến các con trong năm học mới này.
4. Trước hết, cha cầu chúc cho năm học của các con được tràn đầy niềm vui, dù sẽ phải trải qua những vất vả, cố gắng trong học tập. Đây chính là niềm vui kitô giáo được đặt trên nền tảng Niềm vui Phục sinh của Chúa Giêsu. Niềm vui phục sinh này có khả năng ôm trọn lấy những vất vả, khó khăn và là điểm đến của con đường thập giá. Các con chỉ có thể đạt được niềm vui này cụ thể vào cuối năm học, sau khi đã trải qua những ngày tháng hy sinh, vất vả, chuyên cần học tập.
Niềm vui này khác với “sự vui vẻ” chóng qua, luôn hấp dẫn lôi cuốn tuổi trẻ của các con. Việc “cúp cua”, “a dua” nổi loạn, hay vô kỷ luật… có thể đem lại một chút “vui vẻ” nào đó, nhưng kết quả sẽ là hạnh kiểm xấu hay thất bại vào kỳ thi. Nếu chạy theo những cám dỗ ấy, các con đánh mất đi “niềm vui đích thực”, niềm vui của “hạt giống” trổ sinh hoa trái với điều kiện phải chịu “mục nát” đi. Trong năm học này, các con hãy nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả, và phải chấp nhận “mất mát” những cuộc vui chóng qua, để có thể đạt tới thành công và niềm vui đích thực.
5. Yếu tố thứ hai chính là động lực giúp các con có thể vượt qua được những thử thách, khó khăn trong học tập. Động lực này có được khi các con cố gắng sống Tin Mừng tình yêu của Chúa Giêsu. Tin Mừng của Chúa Giêsu và tình yêu của Người giúp các con cảm nghiệm một cách sâu xa tình yêu của cha mẹ và những người thân dành cho các con. Những sinh viên, học sinh từ các tỉnh thành, hay những vùng quê xa xôi đến Sàigòn học tập càng dễ dàng cảm nhận được tình yêu lớn lao của cha mẹ qua bao nhiêu mồ hôi, vất vả, hy sinh để các con có điều kiện ăn học. Các con hãy trân trọng tình yêu mà cha mẹ và người thân dành cho mình, hãy sử dụng những trợ cấp nhận được một cách hợp lý cho việc học tập. Sống Tin Mừng trong môi trường học đường còn thôi thúc các con phải biết chia sẻ những điều kiện và khả năng trí tuệ Chúa ban với bạn bè chung quanh.
6. Cuối cùng, yếu tố thứ ba là bối cảnh văn hóa xã hội tại thành phố Sàigòn này, một thành phố “có bộ mặt văn hoá đa dạng và nhiều sắc thái”. Với khẩu hiệu là thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, thành phố đang phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng đô thị; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân cũng liên tục được nâng cao… Thế nhưng, bên cạnh lối sống văn minh hiện đại ấy, vẫn còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội và trong học đường liên quan đến văn hóa ăn mặc, văn hóa giao thông, và văn hóa ứng xử của người trẻ.
Một số người đang tự làm xấu đi hình ảnh của mình với thời trang “trống trên hở dưới, thiếu trước hụt sau”, hay thời trang “kinh dị” với những chiếc áo in slogan gây sốc, và hình ảnh bạo lực, chết chóc… Nhiều người không bao giờ tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Lối suy nghĩ thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng của họ khi đi đường không chỉ làm khó chịu mà còn gây nguy hiểm cho người khác. Không ít người muốn thể hiện bản thân qua việc “nói tục, chửi thề” hay không biết “kính trên, nhường dưới”. Nhưng biểu hiện nhức nhối hơn của lối sống thiếu văn hóa ứng xử là nạn bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp.
Trong bối cảnh văn hóa xã hội như thế, cha mời gọi các con hãy giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm tin vào sức mạnh của Tin Mừng, các con hãy trở nên men muối trong môi trường của mình, làm cho lòng trung thực, tình yêu thương, và sự hy sinh cho tha nhân lan tỏa tới mọi nơi qua cách sống của các con trong gia đình, và nhất là tại trường học hay giảng đường.
7. Trong năm nay, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại làng Fatima, xin Mẹ Maria luôn đồng hành và nâng đỡ các con.
Với lòng thương mến, Cha cầu nguyện và xin Chúa chúc lành cho tất cả các con trong năm học mới này.
Thân ái chào các con!
(đã ký và đóng dấu)
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám Mục