Bế mạc Ðại hội Thánh Mẫu
toàn quốc La Vang lần thứ 31
Bế mạc Ðại hội Thánh Mẫu toàn quốc La Vang lần thứ 31.
Huế (WHÐ 16-08-2017) - Ðại hội Thánh Mẫu toàn quốc La Vang lần thứ 31 với chủ đề "Sống tinh thần Sứ điệp Fatima", khai mạc lúc 5 giờ chiều Chúa nhật 13 tháng 08 năm 2017, đã bế mạc với Thánh lễ trọng thể mừng kính Ðức Mẹ Lên Trời, lúc 5 giờ sáng thứ Ba 15 tháng 08 năm 2017. Trước đó, Ðức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã chủ sự nghi lễ cung nghinh Ðức Mẹ từ Linh đài đến Lễ đài phía trước Vương cung thánh đường.
Ngay đầu Thánh lễ có nghi thức choàng dây pallium cho Ðức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Huế và là Trưởng giáo tỉnh Huế, do Ðức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Ðức Thánh Cha Phanxicô, cử hành. Dây này đã được Ðức Thánh Cha làm phép và trao cho Ðức Tổng giám mục Giuse trong ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ vào ngày 29 tháng Sáu năm 2017 tại Vatican. Dây pallium là dấu chỉ sự hiệp thông giữa vị Tổng giám mục với người Kế vị thánh Phêrô, đồng thời cũng là dấu chỉ mối quan tâm mục vụ của người mục tử nhân lành vác chiên trên vai mình.
Sau đây là bài giảng của Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong Thánh lễ mừng kính Ðức Mẹ Lên Trời, bế mạc Ðại hội:
* * *
"Sống tinh thần Sứ điệp Fatima" là chủ đề của Ðại hội La Vang 2017. Trong hai ngày qua, các bài giảng cũng như bài giáo lý và giờ diễn nguyện đều tập trung vào chủ đề này. Hôm nay, trong Thánh Lễ mừng kính Mẹ Maria lên trời, cũng là Thánh lễ bế mạc Ðại hội, để tiếp tục khơi dậy tinh thần đó, tôi muốn mời anh chị em nhìn lại sự kiện Fatima và La Vang trong bối cảnh lịch sử cụ thể và dưới ánh sáng Lời Chúa, để khám phá sự gần gũi giữa Fatima và La Vang.
1. Ai cũng biết Ðức Mẹ đã hiện ra ở Fatima nhiều lần trong năm 1917 nhưng có lẽ ít ai để ý đến bối cảnh đất nước Bồ Ðào Nha vào thời điểm đó. May mắn là giờ diễn nguyện tối hôm qua có nhắc lại một chút bối cảnh này. Lịch sử kể lại rằng vào năm 1910, một cuộc cách mạng lớn nổ ra ở Bồ Ðào Nha và những người cầm đầu chính phủ mới đa phần là người của Hội Tam điểm, thù ghét Giáo Hội Công giáo. Vì thế khi họ nắm chính quyền, Giáo Hội bị bách hại nặng nề: tài sản bị tịch thu, các tu viện bị phá hủy, nhiều tu sĩ bị trục xuất, đồng thời chính quyền ban hành nhiều luật lệ chống tôn giáo: cấm dạy đạo trong trường học, cấm kéo chuông nhà thờ, cấm cử hành tôn giáo nơi công cộng, chính quyền chỉ định giáo sư chủng viện ... Chính trong bối cảnh đó, Ðức Mẹ hiện ra nhiều lần với ba trẻ tại Fatima.
Giáo Hội Việt Nam cũng ở trong tình trạng khó khăn như thế dưới triều vua Cảnh Thịnh. Ngày 17-8-1798, nhà vua ra sắc chỉ cấm đạo. Giáo dân Quảng Trị phải chạy trốn vào vùng rừng thiêng nước độc, thiếu thốn trăm bề, lại còn phải chịu nhiều thứ bệnh tật. Chính trong bối cảnh đó, Ðức Mẹ đã hiện đến với con cái tại La Vang.
Nhắc lại sự kiện Fatima trong bối cảnh lịch sử Bồ Ðào Nha và sự kiện La Vang trong bối cảnh lịch sử Việt Nam để thấy thân phận của Giáo Hội là thân phận bị bắt bớ và bách hại. Thân phận ấy đã được báo trước trong Kinh Thánh. Bài đọc I hôm nay (Kh 11,19-12,10) kể lại thị kiến về một phụ nữ "có thai, đang kêu la đau đớn vì sắp sinh con", và con Mãng Xà dữ tợn đang rình chực nuốt lấy đứa trẻ mà người phụ nữ sắp sinh.
Trong ngày lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời mà Hội Thánh lại chọn bài đọc này thì chắc chắn hình ảnh người phụ nữ trong bài đọc phải là hình ảnh về Ðức Mẹ. Thế nhưng, trước khi là hình ảnh về Ðức Mẹ thì đây đã là hình ảnh về Giáo Hội, một Giáo Hội đang mang Chúa Giêsu trong lòng và muốn đem Chúa Giêsu đến cho thế giới, và cũng vì thế phải chống chọi với sự đe dọa và tấn công của ma quỷ. Tóm lại, là một Giáo Hội bị bắt bớ và bách hại.
Trong bất cứ thời đại nào, nếu Giáo Hội đồng lõa với thế gian thì thế gian sẽ để cho yên, nhưng nếu Giáo Hội thực sự mang trong mình Chúa Giêsu và muốn đem Chúa Giêsu đến cho thế giới thì chắc chắn sẽ gặp sự chống đối quyết liệt của ma quỷ, sẽ bị bách hại. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta như thế: "Các con ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Nếu các con thuộc về thế gian thì thế gian đã yêu thương những gì thuộc về nó, nhưng không, các con không thuộc về thế gian, nên thế gian ghét các con" (Ga 15,18-19). Ngày nay vẫn thế, kể cả trong những đất nước được cho là tự do, Giáo Hội vẫn bị bách hại, nhiều khi bằng những phương thế hiểm độc hơn những sắc lệnh bắt đạo của vua chúa ngày xưa. Cũng đừng quên lời nhắn nhủ của Ðức Bênêđictô XVI: Ngày nay Giáo Hội phải chịu đau khổ không chỉ từ bên ngoài mà còn từ bên trong, do tội lỗi của chính con cái trong Giáo Hội, cũng không chỉ từ giáo dân mà còn từ tội lỗi trong hàng giáo sĩ. Vì thế tất cả và từng người chúng ta đều phải sám hối và thanh tẩy không ngừng. Sứ điệp sám hối của Fatima vẫn là sứ điệp thời sự và khẩn thiết cho Giáo Hội ngày nay.
2. Giáo Hội bước đi giữa thử thách nhưng Giáo Hội cũng ngập tràn niềm an ủi. Chính trong bối cảnh các tín hữu bị bắt bớ và bách hại mà Ðức Mẹ hiện đến an ủi, chữa lành và nâng đỡ con cái của Mẹ. Ở Fatima cũng thế và ở La Vang cũng vậy. Tại La Vang, Ðức Mẹ đã hiện ra và nói với con cái rằng: "Mẹ đã nhận lời các con cầu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện".
Người Công giáo xác tín và cảm nhận sâu sắc về tình thương từ mẫu của Ðức Mẹ, và chính cảm nhận đức tin đó đã biến những chốn xa xăm thành trung tâm hành hương. Fatima xưa kia chỉ là một thôn làng nhỏ bé nhưng sau khi Ðức Mẹ hiện ra, ở đó đã xuất hiện ngôi nhà thờ và theo dòng thời gian, trở thành Trung tâm thu hút khách hành hương trên toàn thế giới. La Vang xưa kia là chốn rừng thiêng nước độc nhưng sau khi Ðức Mẹ hiện ra ở đây, các tín hữu đã nhiều lần xây dựng nhà thờ ở La Vang để tôn kính Mẹ. Năm 1961, La Vang được Hội đồng giám mục chọn là Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc, và nhà thờ được nâng lên hàng Tiểu Vương cung thánh đường. Năm 1972, nhà thờ bị tàn phá vì chiến tranh, chỉ còn lại tháp chuông. Năm 2012, Hội đồng giám mục đặt viên đá đầu tiên xây lại Vương cung thánh đường, và hôm nay, chúng ta đã có thể cử hành Thánh Lễ tại tiền đường Nhà thờ mới.
Ðiều đáng nói ở đây là sự đóng góp của tất cả mọi người trong Giáo Hội Việt Nam, vì yêu mến Ðức Mẹ. Không có ngôi nhà thờ nào ở Việt Nam có sự đóng góp của tất cả mọi người như thế. Chỉ có Vương Cung Thánh Ðường La Vang được quan tâm như thế, và mỗi người Công giáo Việt Nam khi đến đây, chạm tay vào tường nhà thờ, đều có thể nói đây là Nhà của Chúa, Nhà tôn vinh Ðức Mẹ, và tôi có phần đóng góp ở đây, dù rất nhỏ bé.
3. Giáo Hội bước đi giữa muôn vàn thử thách nhưng Giáo Hội cũng được ngập tràn niềm an ủi, vì thế, sứ điệp của Fatima và La Vang là sứ điệp hi vọng. Ở Bồ Ðào Nha thời cấm cách, thủ tướng Alfonso Costa từng tuyên bố: "Trong vòng 2 thế hệ sẽ dẹp bỏ hoàn toàn Ðạo Công giáo", nhưng đến nay, 100 năm nhìn lại, ông đã chết từ lâu và Fatima vẫn còn đó, trở thành trung tâm hành hương của cả thế giới. Các vua chúa bách hại Ðạo Công giáo ở Việt Nam đã qua đi từ lâu, cả chế độ quân chủ cũng chỉ còn là quá khứ, nhưng La Vang vẫn còn đây, trở thành trung tâm hành hương của cả Việt Nam. Ðúng là "Chúa hạ bệ kẻ quyền thế xuống khỏi vị cao, và nâng người hèn mọn lên" (Lc 1,52).
Ðây cũng là sứ điệp mà ngày lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời công bố. Bài đọc I không kết thúc bằng hình ảnh con mãng xà nuốt lấy đứa trẻ, nhưng là người Phụ Nữ được đưa đến nơi Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà, cũng là hình ảnh báo trước mầu nhiệm Mẹ lên trời. Như thế, dù Giáo Hội vẫn phải đối diện với bao thử thách, dù mỗi người và mỗi gia đình vẫn phải đương đầu với bao khó khăn, chúng ta không để mình bị nhận chìm trong thất vọng, nhưng hãy ngước mắt nhìn lên Ðức Mẹ là Ngôi Sao Hy Vọng và mạnh mẽ bước tới trong đức tin.
Kết: Còn hình ảnh nào sống động hơn về Giáo Hội Việt Nam cho bằng những gì đang diễn ra tại Linh địa La Vang lúc này: sự hiện diện của Ðức Tổng giám mục Ðại diện Toà Thánh, của Hội đồng giám mục Việt Nam, đông đảo các linh mục, tu sĩ, cả trăm ngàn giáo dân từ khắp mọi miền đất nước hành hương về đây. Tất cả chúng ta cùng quy tụ chung quanh bàn thánh Chúa, tại nơi Ðức Mẹ đã hiện ra an ủi con cái Mẹ trong cơn bách hại.
Hãy chiêm ngắm Mẹ và bước theo Mẹ. Ðức Mẹ thương người nghèo vì bản thân Ðức Mẹ cũng là người nghèo. Trong kinh Magnificat, Mẹ xưng mình là "phận hèn tớ nữ của Chúa" và nhìn nhận mọi sự mình có là do lòng Chúa thương xót. Mẹ phó thác trọn vẹn nơi Chúa.
Theo gương Ðức Mẹ, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một Giáo Hội nghèo, nghĩa là một Giáo Hội không cậy dựa vào bất cứ quyền lực nào của thế gian, nhưng chỉ cậy dựa vào một mình Chúa mà thôi; một Giáo Hội không mang trong lòng bất cứ tham vọng trần thế nào nhưng chỉ mang trong lòng chính Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người.
Ðồng thời, theo gương Ðức Mẹ vội vã lên đường đem Chúa Giêsu và Tin Mừng đến cho gia đình bà Elisabeth, chúng ta hãy cất bước lên đường đem Chúa Giêsu và tình thương của Chúa đến cho mọi người. Và hãy bắt đầu từ chính gia đình mình, vì mỗi gia đình là một Hội Thánh tại gia.
Cũng vì thế, để kết thúc suy niệm này, tôi mời tất cả anh chị em cùng hát lên lời kinh Ngợi Khen, lời kinh của Ðức Mẹ, lời kinh của kẻ nghèo, khiêm tốn nhìn nhận mình là phận hèn tôi tá, nhưng nhờ đó, mở rộng tâm hồn đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.
WHÐ