Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa 21/8/2017

Filled under:

BÍ QUYẾT ĐI VÀO CÕI SỐNG
“Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi… Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn… và nếu muốn nên hoàn thiện, hãy bán tài sản, đem cho người nghèo.” (Mt 9,17.21)
Suy niệm: Bí quyết đi vào cõi sống đời đời là (1) tin vào Đấng có khả năng ban cõi sống đời đời ấy; và (2) thực hành phương thế mà Đấng ấy đưa ra. Đấng ấy là Thiên Chúa và phương thế là điều răn yêu thương của Ngài. Thiên Chúa là Đấng duy nhất tốt lành, mọi điều tốt lành cũng như những người được gọi là tốt lành đều phải qui chiếu và chia sẻ sự tốt lành của Ngài. Tựa như “lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt” (thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu), các điều răn của Chúa bao trùm mọi sinh hoạt của đời sống con người. Bất cứ ai đã là người, nếu muốn sống tốt lành, đều phải tuân giữ Mười Điều Răn hay còn được gọi là luật tự nhiên. Thảo kính cha mẹ, tôn trọng sự sống mình và người khác, sống khiết tịnh, thành thật và công bằng… là những giá trị ngàn đời. 
Mời Bạn: Chúa Giê-su còn muốn nâng cấp các giá trị ấy khi Ngài bảo hãy cho đi của cải trần gian rồi theo Ngài. Điều anh thiếu là mối tương quan cá vị với Ngài, Đấng giúp anh đi vào mối hiệp thông với Chúa Cha, Đấng ban cho anh sự sống đời đời làm gia nghiệp. Phải chăng, tựa như chàng thanh niên, mối quan hệ thân thiết với Chúa Giê-su là điều bạn đang thiếu ngày hôm nay?
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống cho đi. Cho đi của cải, thời giờ, tiện nghi… điều ấy giúp tôi có khả năng cho đi những thứ lớn lao hơn khi Chúa cần đến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là sự sống đời đời của cuộc đời con. Xin cho con một khi đã khám phá được bí quyết của sự sống đời đời như lời Chúa dạy, thì nỗ lực hết khả năng để thực hiện. 


Thánh Giáo Hoàng Piô X
(1835-1914)
Thánh Giáo Hoàng Piô X có lẽ được nhiều người Công Giáo nhớ đến qua việc ngài khuyến khích chúng ta thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nhất là trẻ em.

Tên thật của ngài là Joseph Sarto và là người con thứ trong 10 người con của một gia đình người Ý nghèo nàn. Ngài lên ngôi giáo hoàng khi 68 tuổi, lấy tên là Piô X, và là một trong những giáo hoàng vĩ đại của thế kỷ 20.

Luôn luôn nhớ đến gốc gác khiêm tốn của mình, ngài tuyên bố: "Tôi sinh ra nghèo nàn, tôi sống nghèo nàn và tôi sẽ chết nghèo nàn." Ngài cảm thấy khó chịu vì hình thức bề ngoài ở giáo triều, có lần ngài ngấn lệ nói với một bạn thân, "Hãy coi phẩm phục mà người ta khoác cho tôi đây." Với một người bạn khác, ngài nói: "Đó là sự đền tội khi buộc phải chấp nhận các nghi thức này. Họ dẫn tôi đi với binh lính bao quanh như Đức Giêsu khi bị bắt trong vườn Giệtsimani."

Vì rất lưu tâm đến chính trị, ngài khuyến khích người Công Giáo Ý tham dự vào sinh hoạt chính trị nhiều hơn. Một trong những hành động đầu tiên khi lên giáo hoàng là ngài chấm dứt sự can thiệp của các nhà cầm quyền vào việc bầu cử giáo hoàng -- là một thói quen đe dọa sự tự do của cơ mật viện khi chọn tân giáo hoàng.

Vào năm 1905, khi Pháp bất đồng với Tòa Thánh và đe dọa sẽ tịch thu tài sản của Giáo Hội nếu không cho phép chính quyền xen vào các vấn đề nội bộ của Giáo Hội, Đức Piô X đã can đảm từ chối thỉnh cầu này.
Tuy ngài không ban bố các thông điệp xã hội nổi tiếng như vị tiền nhiệm, Đức Piô X đã lên án việc đối xử tệ hại các thổ dân trong những đồn điền ở Peru, ngài cũng sai một ủy ban cứu trợ đến Messina sau trận động đất và xây dựng nơi tạm cư cho các người tị nạn mà chính ngài chịu sự tốn phí.

Vào ngày kỷ niệm ngài lên ngôi giáo hoàng năm thứ 11 thì Âu Châu rơi vào cuộc Thế Chiến I. Đức Piô đã thấy trước điều đó, và viễn ảnh ấy đã giết ngài chết. "Đây là sự đau khổ sau cùng mà Chúa gửi đến cho tôi. Tôi sẽ sung sướng hy sinh tính mạng để gìn giữ con cái đáng thương của tôi khỏi tai họa khủng khiếp này." Ngài từ trần sau khi cuộc chiến bắt đầu được vài tuần lễ.

Lời Bàn
Quá khứ khiêm tốn của Đức Piô X không phải là một cản trợ cho sự tương giao với Thiên Chúa và với người dân mà ngài thực sự quý mến. Ngài có được sức mạnh, sự nhân từ và nhiệt tình đối với dân chúng do bởi nguồn gốc của mọi ơn sủng, đó là Thần Khí Đức Giêsu. Trái lại, chúng ta thường cảm thấy khó chịu vì quá khứ của chúng ta. Sự tủi hổ khiến chúng ta xa rời những người hơn mình. Ngược lại, nếu ở địa vị cao sang, chúng ta thường khinh miệt những người mộc mạc. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, "mọi sự phải quy phục Đức Kitô," nhất là những người bị tổn thương của Thiên Chúa.

Lời Trích
Để diễn tả Đức Piô X, một sử gia viết rằng ngài là "một người của Thiên Chúa biết sự bất hạnh của thế giới và sự khó khăn của đời sống, và với sự cao quý của tâm hồn


Kẻ Thù Trong Mơ

Ðời Trang Công, nước Tề, có một người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một người to lớn, mặc áo vải quần gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt mà đõ. Ông ta giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không tài nào ngủ lại được.
Sáng hôm sau, ông nói chuyện với một người bạn với lời lẽ như sau: "Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi vốn là một người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm hôm qua, có người đã đến làm nhục tôi.
Kể từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy được kẻ thù.
Ðã tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù, ông ta trở về nhà uất người lên và chết.
Nhà diễn giả hùng biện nhất của đế quốc La Mã là Cicero có nói: "Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình". Câu chuyện của người nằm mơ thấy kẻ thù, để rồi đi tìm kẻ thù và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình phải chăng không là một minh họa cho câu nói của Cicero.
Chúa Giêsu không đến để chối bỏ sự hận thù, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của nó và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan, kẻ thù đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo sự thù hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối và tiêu diệt nhau.
Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài.

Nếu con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt nó ngay chính trong chúng ta.