Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 04/08/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 13: 54-58)

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?". Và họ vấp phạm đến Người. Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

Suy niệm 1

Sau khi rời quê hương Nazaret, Chúa Giêsu miệt mài rao giảng Tin Mừng ở Caphacnaum và quanh biển hồ Galilê.

Hôm nay, Chúa trở về Nazaret. Cứ ngỡ sự hiện diện cũng như lời rao giảng đầy quyền năng và giáo lý mới mẽ của Chúa, người con của dân làng, sẽ khiến dân làng đón nhận và tự hào. Nào ngờ kết quả ngược lại. Một mặt dân làng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì nhận ra Chúa “khôn ngoan” và “làm được những phép lạ”, nhưng mặt khác chỉ vì nhân thân của Chúa, không những họ không đón nhận giáo lý, mà còn đánh giá thấp và khinh dể Chúa chỉ vì Chúa là “con bác thợ, con bà Maria”“Họ vấp ngã vì Chúa” vì gia thế của Chúa Giêsu không sáng giá.

Dù không đến nỗi như các kinh sư, cho rằng Chúa “dựa vào thế quỷ vương” để làm phép lạ, để trừ quỷ, nhưng chính thái độ khinh thường ra mặt cũng đủ “nâng” họ lên ngang tầm các kinh sư.

Đừng xem diện mạo mà đánh giá con người. Đó là điều mà chúng ta phải luôn luôn ý thức. Hãy nhìn anh chị em mình bằng cái nhìn tôn trọng, yêu thương, đón nhận. Hãy nhớ rằng mỗi người đều được Chúa tạo dựng, trân trọng và cứu độ. Hãy nhớ rằng từng con người đều không vô danh, nhưng đều được Chúa yêu thương, đều được khắc trên bàn tay từ ái của Chúa. Hãy nhớ rằng từng con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được Chúa khắc ghi muôn đời trong nước hằng sống.

Hãy nhớ rằng vì sự kiêu ngạo, người đồng hương của Chúa đã không nhận được sự chữa từ thể xác đến tâm hồn. Sự kiêu ngạo đã làm họ rơi xuống, chứ không thể đi lên. Sự kiêu ngạo đã lôi họ ra khỏi tình yêu cứu độ của Chúa, dù Chúa vẫn ấp ủ ý muốn cứu độ họ.

Cũng vậy, bất cứ sự kiêu ngạo nào cũng sẽ làm chúng ta vấp ngã, a tòng với tội lỗi (tổ tông là bằng chứng), tự tách khỏi tình yêu và ơn cứu độ. Hãy khiêm nhường. Chúa luôn yêu sự khiêm nhường. Người sẽ bù đắp cân xứng cho những ai sống khiêm nhường.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết gở bỏ mọi rào cản của định kiến, của ý nghĩ tự nâng cao mình và hạ thấp người khác, để chúng con hoàn toàn khiêm nhường, hoàn toàn sống lòng xót thương và chấp nhận anh chị em chúng con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2
Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,
có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.
Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao kỷ niệm.
Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.
Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.
Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.
Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),
và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.
Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho nhu cầu dân làng.
Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.
Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.
Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.
Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.
Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,
nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.
Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.
Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.
Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.
Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,
Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế ? (cc. 54. 56).
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.
Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.
Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.
Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ ?
Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được ?
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.
Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến
khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.
Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu… ?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.
Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.
Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,
để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.