Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Bài giảng lễ Chúa Hiển Dung - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Chúa Hiển Dung (Mt 17,1-9)
Nhà tâm lý học Abraham Maslow kể lại câu chuyện một người mẹ trẻ như sau: "Vào một buổi sáng nọ, cô sửa soạn bữa sáng cho gia đình. Nhà bếp chan hòa ánh sáng, những đứa con của cô đang cười đùa vui vẻ, và chồng cô đang đùa giỡn với đứa con út. Trong khi cô đang trét bơ trên bánh và rót nước cam, ngay lúc đó, cô cảm thấy tràn trề niềm vui sướng và yêu thương trong gia đình. Rưng rưng nước mắt, cô đã cảm động đến nỗi không thể nói lên lời."
Maslow gọi lúc đó là giây phút tột đỉnh. Nó là những giây phút ngắn ngủi quí báu chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang nhìn thấy một thế giới khác.
Ý tưởng về giây phút tột đỉnh giúp chúng ta hiểu được phần nào những gì mà Phêrô, Giacôbê và Gioan đã cảm nghiệm trong bài Phúc Âm hôm nay. Các ngài đã cảm nghiệm được những giây phút tột đỉnh.
Chỉ trong một mấy phút quí báu, các ngài đã thấy được Chúa Giêsu trong một hình thức hoàn toàn khác biệt.
Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy Thiên Chúa chiếu rọi qua con người bề ngoài của Chúa Giêsu.
Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã nhìn thấy một thế giới vượt trên thế giới này.
Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy từ ngoại diện của Chúa Giêsu đến những gì bên trong nội diện: Con Thiên Chúa vinh hiển và tuyệt mỹ.
Đó chính là  mục đích của việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor.
Tuy nhiên trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối.
Mặt tối là đêm vườn Cây Dầu đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi cao.
Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt tối, mặt u ám của đêm vườn Cây Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng của Người trên núi cao thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các ngài đã bỏ đi hết, thì lấy ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?
Vì thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ngài thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho các ngài thấy Người là “Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm vườn Dầu sắp đến.
Ngôi nhà nào cũng có mặt trước mặt sau. Nếu người ta chỉ nhìn mặt sau tồi tàn của ngôi nhà mà không nhìn mặt tiền hoành tráng của nó, người ta sẽ thất vọng.
Tấm huy chương nào cũng có mặt trái mặt phải. Nếu chỉ biết mặt trái sần sùi của tấm huy chương mà không để mắt đến mặt phải vinh hạnh của nó, thì người ta sẽ xem thường nó.
Hoa hồng rất đẹp và kiêu sa nhưng cũng đầy gai. Nếu người ta chỉ chú trọng đến những gai nhọn của hoa hồng mà không để ý đến sắc hương tuyệt vời của nó thì hoa hồng chẳng còn gì hấp dẫn.
Sự kiện Chúa Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người trên núi cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người trong đêm vườn Cây Dầu và đêm Khổ Nạn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang trên núi Tabor để củng cố đức tin cho các môn đệ khi họ gặp gian truân thử thách. Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng rằng: Nếu cùng với Chúa vượt qua mọi khó khăn hôm nay thì cũng chắc chắn được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa. Amen