Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Bổ nhiệm Tân Giám đốc Hội đồng Giáo hoàng về Truyền giáo tại Việt Nam

Filled under:


Ngày 06/06/2017 vừa qua, Cha Hiêrônimô Nguyễn Đình Công, Chánh xứ Thịnh An, Giáo phận Xuân Lộc đã được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám đốc Hội đồng Giáo hoàng về Truyền giáo tại Việt Nam, thay thế linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên, giáo phận Sài Gòn, đã mãn nhiệm.
Bổ nhiệm Tân Giám đốc Hội đồng Giáo hoàng về Truyền giáo tại Việt Nam

Linh mục Hiêrônimô Nguyễn Đình Công sinh ngày 03/03/1971, học triết học và thần học tại Đại chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn (1997–2003) và thụ phong linh mục ngày 30/09/2005 tại giáo phận Xuân Lộc. Sau khi thụ phong, cha Công được bổ nhiệm làm phó xứ Hà Nội, giáo phận Xuân Lộc (2005–2007). Từ năm 2007 đến 2015 cha được gửi đi du học tại Học viện Đời sống Thánh hiến Á châu (ICLA) và Đại học Santo Tomas (UST), Manila, Philippines, tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ thần học, chuyên ngành Truyền giáo học. Từ năm 2011 đến nay, cha làm Phó ban Loan báo Tin mừng, sau đó, làm Trưởng ban. Từ năm 2012 đến nay, cha làm giáo sư môn Truyền giáo học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Xuân Lộc. Hiện nay cha đang làm chánh xứ giáo xứ Thịnh An, giáo phận Xuân Lộc và là linh mục Thừa sai Lòng Chúa Thương Xót của Toà Thánh.

Hội đồng Giáo hoàng về Truyền giáo bao gồm:
1) Liên hiệp Giáo hoàng Truyền giáo (Pontifical Missionary Union – PMU) nhằm thúc đẩy tinh thần và hoạt động truyền giáo nơi hàng giáo sĩ.
2) Hoạt động Giáo hoàng Truyền giáo của Hội Truyền bá Đức tin (Pontifical Society for The Propagation of The Faith – PSPF) nhằm mở rộng trái tim của tất cả các tín hữu để hướng về truyền giáo bằng việc đóng góp tinh thần cũng như của cải để mở rộng Nước Chúa.
3) Hội Thánh Phêrô Tông đồ (Pontifical Society of Saint Peter the Apostle – PSSPA) nhằm gây ý thức về truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu, khích lệ họ cộng tác vào việc đào tạo các linh mục và tu sĩ nam nữ là những nhà truyền giáo tương lai.
4) Hội Nhi đồng Thánh (Pontifical Society of Missionary Childhood – MCA) nhằm khích lệ và hướng dẫn tinh thần truyền giáo nơi các thiếu nhi để giúp các em ý thức sống giá trị cao cả của người con Chúa và hăng say loan báo Tin mừng.
 
Sau đây là Sắc lệnh bổ nhiệm của Bộ Rao giảng Tin mừng cho các Dân tộc:


BỘ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC
SẮC LỆNH
 
Trong lúc chức vụ Giám đốc Quốc gia (Điều hành Toàn Quốc) về hoạt động Truyền giáo thuộc Giáo hoàng bị khuyết vị tại Việt Nam, sau khi tham khảo ý kiến của các vị hữu trách và cân nhắc các khía cạnh liên quan, Bộ Truyền giáo, bằng Sắc lệnh này, tuyển chọn, bổ nhiệm và cắt đặt:
Linh mục
HIERONIMO NGUYỄN ĐÌNH CÔNG
Giáo sĩ thuộc giáo phận Xuân Lộc
làm GIÁM ĐỐC QUỐC GIA TẠI VIỆT NAM 
(ĐIỀU HÀNH TOÀN QUỐC TẠI VIỆT NAM)
 
Của Liên hiệp Giáo hoàng Truyền giáo dành cho các giáo sĩ cũng như những nam nữ tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm, và các Hoạt động Giáo hoàng Truyền giáo của Hội Truyền bá Đức tin, của Hội Thánh Phêrô Tông đồ và của Hội Nhi đồng Thánh, trong nhiệm kỳ 5 năm (2017–2022), với mọi quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm và đặc ân của chức vụ này theo Quy chế được Giáo hoàng phê chuẩn và theo Huấn thị của Bộ này.
Được ban hành tại Rôma,
từ trụ sở của chính Bộ Rao giảng Tin mừng cho các Dân tộc,
ngày 06 tháng Sáu năm 2017.
Ấn ký
+ Hồng y Fernando Filoni
Bộ trưởng
+ Tổng Giám mục Savio Hàn Đại Huy
Thư ký

Xin chúc Mừng Cha Hiêrônimô , Chánh xứ Thịnh An và xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên Cha để Cha chu toàn sứ mạng mới cách tốt nhất
(Nguồn : Web : HĐGMVN)

Xem thêm:


Giây phút sau khi rước lễ là giây phút cần thiết cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa. Đôi khi chúng ta lặn nhanh sau khi rước lễ vì chúng ta bận chuyện khác. Nhưng nếu cộng đoàn không để ý thì chưa chắc ... Chúa đã  không để ý!
Nơi tôi lớn lên, rất hiếm khi một tín hữu bỏ về trước khi lễ xong. Nhưng trong nhiều lần đi đây đó, tôi ngạc nhiên thấy mỗi vùng có mỗi cách, thậm chí trong từng vùng, giáo xứ này cũng khác giáo xứ kia. Khi sự việc này chỉ có một hoặc hai người làm thì không sao, nhưng khi một nửa nhà thờ biến mất trước khi linh mục ban phép lành thì tôi buồn lắm.
Bạn có cần biết có một lý do nào tốt để ở lại cho đến hết lễ không?
Tôi là nữ tu, tôi sẽ làm gương xấu nếu tôi vội vã rời nhà thờ ngay sau khi rước lễ. Nhưng nếu tôi ở lại thì vì những lý do sau:
  1. Rước lễ là chia sẻ: là nhận chính Chúa Giêsu. Đi ngay lập tức sau đó thì cũng giống như bạn được bạn bè mời tới ăn, vừa nuốt miếng bánh tráng miệng xong, bạn chào từ giã: “Bánh thật ngon, chúa nhật tuần sau nhé, tôi hy vọng!”. Nếu thật sự rước Chúa vào lòng, chúng ta cần bỏ chút thì giờ để chia sẻ giây phút này với Ngài.
  1. Về quá sớm thì cũng giống như đóng sầm cửa lại: ở tu viện, trước thánh lễ, chúng tôi dành ra nửa giờ để suy niệm Phúc Âm. Đôi khi đi trễ, tôi chạy nhanh vào chỗ, đầu cúi xuống, mắc cở vì tôi chưa tỉnh. Nhưng gần đây tôi hiểu, không phải vì sợ người khác đánh giá mà tôi phải đi đúng giờ, nhưng Chúa Giêsu là người tôi gặp. Vì sao chúng ta đặt quan trọng vào phản ứng của người khác, trong khi chính Chúa Giêsu mới quan trọng? Vì sao chúng ta hấp tấp đi lo các sinh hoạt bình thường, trong khi Đấng Tạo Dựng vũ trụ đang chờ chúng ta?
  1. Thánh lễ không phải là thêm một sinh hoạt: tôi thường thấy nhiều người vội vã rời thánh lễ như họ mong làm cho xong một bổn phận. Là người công giáo không phải là làm cho xong một loạt bổn phận, nhưng là được mời để sống trong đức tin. Nếu chúng ta đi lễ chỉ duy nhất để cảm thấy mình tuân theo luật Giáo hội thì chúng ta đi bên lề đời sống thiêng liêng, một đời sống mời gọi chúng ta có một quan hệ đích thực với Chúa và để biến đổi chúng ta.
  1. Phép lành cuối cùng là quan trọng: Ông Zacaria, thân phụ của Thánh Gioan Tẩy Giả vào Đền thánh ngày thiên thần báo cho ông và vợ ông biết họ sẽ có một đứa con trai. Giáo dân đứng bên ngoài chờ ông đi ra ban phép lành nhưng ông Zacaria đi ra câm lặng, vì ông không tin vào lời thiên thần. Ban phép lành là một cử chỉ cao quý và chắc chắn giáo dân đã hẳn rất thất vọng. Khi linh mục ban phép lành vào cuối lễ là chính Chúa ban phép lành cho chúng ta. Nếu chính Chúa Giêsu sắp ban phép lành, thì liệu chúng ta có rời nhà thờ hay ở lại chờ thêm một chút?
  1. Chúng ta thật sự nhận ơn: theo sách giáo lý, “hoa trái của các bí tích tùy theo tình trạng của người nhận”. Các bí tích tự chính nó có một quyền lực, nhưng chúng ta mới là người quyết định có để cho quyền lực đó vào tâm hồn mình không. Nếu chúng ta vội vã ra khỏi nhà thờ sau khi rước lễ, thì có thể chúng ta không ý thức trọn vẹn sự việc phi thường vừa xảy ra, chúng ta vừa rước Mình Máu Thánh Chúa vào lòng. Đó không phải là chuyện thường! Nhưng đó là một chuyện xứng đáng được tôn kính, vì chúng ta cần tất cả ơn sủng mà chúng ta có thể nhận được.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có các nữ tu, thế giới chúng ta chắc chắn sẽ khác đi.
Trong nhiều năm, mỗi ngày gia đình tôi đều cầu nguyện để có “nhiều linh mục và tu sĩ”, nhưng tôi luôn nghĩ, “nhất là có thêm linh mục”. Chúng tôi nghĩ ơn gọi đang thiếu là ơn gọi các linh mục, vì vậy chúng tôi phải cầu nguyện nhiều cho họ. Nhưng đúng là một sai lầm lớn, các tu sĩ nam nữ cũng quan trọng không kém, và thế giới sẽ khác đi nếu không có họ.
Các nữ tu ngăn không cho sự dữ lan tràn trên thế giới
Chúng ta lấy ví dụ Mẹ Têrêxa. Với rất nhiều người, Mẹ là hình ảnh đạo công giáo của thế kỷ 20. Thật vậy, Mẹ đã đổi cách nhìn của chúng ta về những người nghèo nhất và chúng ta đã học để đối xử với họ một cách xứng đáng hơn.
Chúng ta cùng đọc bài thơ của nhà thơ Robert Louis Stevenson viết về các nữ tu trong một trại cùi:
Nhìn lòng thương xót vô biên ở nơi này,
Tứ chi bị ăn mòn, gương mặt bị hủy hoại,
Sự đau khổ của người vô tội mỉm cười với hình phạt,
Một tên điên muốn phủ nhận Chúa,
Hắn nhìn và hắn đi lui; nhưng hắn lại nhìn lại,
Ở đó, cái đẹp nảy sinh giữa đau đớn!
Cái đẹp của các nữ tu trên bờ đau khổ,
Và ngay cả tên điên, hắn cũng ở lại và thờ phượng.
Trên thế giới, rất nhiều người noi gương Mẹ Têrêxa, họ giảng dạy cho nhiều thế hệ học sinh làm thế nào để hành động như một người công giáo. Từ các trường học của họ phát xuất ra những người bảo vệ cho nhân quyền, những người lãnh đạo cho việc phò-sự sống, cả một khối lượng khổng lồ người làm việc bác ái. 
Các nữ tu viết lên những trang sách thiêng liêng thời hiện đại
Thánh Têrêxa Lisiơ qua đời năm 1897, nhưng các bài viết của Thánh Têrêxa vẫn còn vang trong Giáo hội trong thế kỷ 20. “Tiếng nói nhỏ” của Thánh Têrêxa đã đặt nền tảng cho ơn gọi của người công giáo, hàng ngày “làm những việc nhỏ, với một tình thương bao la” và đã trực tiếp dẫn đến lời kêu gọi chung cho sự thánh thiện của Công đồng Vatican II.
Rồi chúng ta thấy được sự phong phú vô biên trong phần huấn giáo ngắn nhất của tràng chuỗi lòng thương xót Chúa mà Thánh Faustine truyền lại: “Vì cuộc tử nạn đau buồn của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. Đọc kinh này là hiểu, sự thương khó của Chúa Kitô đã hoàn tựu một lần cho tất cả, rằng tội lỗi là bi thảm cho chúng ta cũng như cho người khác, nhưng chúng ta có thể giúp để được lành.
Mẹ Angélique là tác giả của một công trình có một chiều sâu thiêng liêng lạ lùng. Nhưng sự có mặt của Mẹ bên cạnh các nhân vật lớn của đạo công giáo, là ở sự việc Mẹ dám cho đức tin có một chỗ trong ngành truyền thông mạnh nhất của thế kỷ 20: ngành truyền hình.
Chứng từ của đời sống các nữ tu và lời cầu nguyện của họ đã biến đổi chúng ta
Gần đây một Viện bảo tàng ở bang Ohio, nước Mỹ đã đăng một quảng cáo về các Nữ tu Dòng Đức Mẹ Đi Viếng ở Aberdeen (Nam Dakota): “Chúng tôi không có lương bổng, không có phần thưởng, không có nghỉ hè, không có hưu trí, chúng tôi chỉ có một mái nhà khiêm hèn, với một ít tiện nghi”. Và sự việc có nhiều người vui vẻ hưởng ứng cho chúng ta thấy, thách thức chúng ta học được có một cái gì chúng ta phải hiểu một cách khác: Chúa thật sự hiện diện và ý Chúa là niềm vui duy nhất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch