Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 12/3/2021

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 12/3/2021
"Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi" (Mc 12, 28b-34).
Người Do thái có quá nhiều luật. Họ như bị lạc trong rừng. Không biết điều luật nào là chính, điều nào phụ. Một người trong nhóm kinh sư (Luật sư bây giờ) đến hỏi Đức Giêsu: Điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật?. Người đáp: Anh phải yêu mến Thiên Chúa, là Chúa anh và yêu mến người lân cận, không còn giới răn nào lớn hơn hai điều đó”.
Để hiểu rộng ra; Yêu mến Thiên Chúa là thờ lạy, giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách, sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng ta tôn thờ, yêu mến.
Còn yêu người là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, màu da hay chủng tộc...
Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu là phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.
Chúa không bao giờ chấp nhận yêu thương theo thỏa thuận. Thí dụ: "Chúa cho con trúng số để con làm việc thiện"...
Cảm nhận tin mừng. Chúng con đã được Thiên Chúa yêu thương, thì bây giờ chúng con cũng phải biết yêu thương những anh chị em chung quanh, chẳng may vì lý do hay hoàn cảnh nào đó mà phải chịu khổ cực.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Xin giúp chúng con biết thay đổi cách sống. Chỉ khi nào chúng con kính mến Chúa thật sự, thì chúng con mới dễ dàng yêu thương, quảng đại và sống chan hòa với anh chị em chúng con. Amen.
Chuyện đọc thêm: Chị nữ tu phục vụ.
Mẹ Têrêsa Calcutta kể: “Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ với vẻ mắt vui tươi, thanh thản đầy thương mến...
Người lạ đến gặp tôi và nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây với đầy lòng căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới.
Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia.
Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có được nghị lực để yêu tha nhân được”.

Chân Phước Angela Salawa
(1881 - 1922)

 

 Angela phục vụ Ðức Kitô và những người bé mọn của Ðức Kitô với tất cả sức mạnh của ngài.

 

Sinh ở Siepraw, gần Kraków, Ba Lan, ngài là người con thứ 11 của ông bà Bartlomiej và Ewa Salawa. Vào năm 1897, ngài đến Kraków để sống với người chị Têrêsa. Trong Thế Chiến I, ngài giúp đỡ các tù nhân chiến tranh bất kể quốc tịch hay tôn giáo. Ngài thích nghiền ngẫm các văn bản của Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá.

 

 

Cũng trong thời chiến, ngài đã hết mình chăm sóc các thương binh của Thế Chiến I. Sau năm 1918, vì lý do sức khoẻ ngài phải chấm dứt công việc tông đồ này. Trong nhật ký, ngài tâm sự với Ðức Kitô, "Con muốn Chúa được kính mến nhiều cũng như khi Chúa bị khinh miệt." Ở chỗ khác, ngài viết, "Lạy Chúa, con sống bởi thánh ý Chúa. Chết hay sống là tùy thuộc ý Chúa muốn; xin gìn giữ con vì Chúa có thể làm điều ấy."

 

 

Trong lễ phong chân phước năm 1991 ở Kraków, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Chính trong thành phố này mà ngài đã hoạt động, đã chịu đau khổ và đã nên thánh. Trong khi sống theo tinh thần của Thánh Phanxicô, ngài vẫn đáp ứng một cách phi thường với tác động của Chúa Thánh Thần" (Báo L'Observatore Romano, tập 34, số 4, 1991)

 

Lời Bàn

 

Ðừng bao giờ lầm tưởng sự khiêm hạ với thiếu tự tin, thiếu ý chí và không có hướng đi. Chân Phước Angela đã đem Tin Mừng và sự giúp đỡ vật chất cho một số người "bé mọn" của Ðức Kitô. Sự hy sinh này phải khích động chúng ta hành động tương tự.

 

 

Lời Trích

 

Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết: "Các Kitô Hữu tốt lành nhất và đầy sức sống nhất thì không thể tìm thấy trong những người khôn ngoan hay tài giỏi, người trí thức hay có đầu óc chính trị, hoặc những người có địa vị xã hội. Bởi đó, những gì họ nói thì không được báo chí để ý đến; những gì họ làm thì công chúng không ai biết. Ðời sống của họ ẩn khuất dưới con mắt thế gian, và nếu họ có được chút gì nổi tiếng, điều đó thường xảy đến cách muộn màng, và rất ngoại lệ, và luôn luôn kèm theo nguy cơ bị bóp méo" (The Splendor of the Church [Sự Huy Hoàng của Giáo Hội], trang 187).

 

 

Trích từ NguoiTinHuu.com