Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

28/04 – Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

Filled under:

Bánh trường sinh.

"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".


Lời Chúa: Ga 6, 30-35
Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời".
Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".
Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi".
Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

Những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của vô số những người không muốn nhìn lên khỏi đáy giếng tăm tối của họ. Dù chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa, nhất là đã được Ngài cho ăn no thoả, nhưng cái nhìn của họ không vượt lên khỏi bao tử của họ. Khi Chúa Giêsu cho họ ăn bánh no nê và mời gọi họ đến thứ bánh không hư nát, họ đã chối từ Ngài; đôi mắt họ chỉ dán chặt vào thứ cơm bánh chóng qua; họ chỉ hướng đến cái trước mắt.
Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người. Đức tin ấy chính là ánh sáng chiếu dọi vào đáy giếng tăm tối mà con người đã rơi xuống. Đức tin ấy là sức mạnh lôi kéo con người khỏi cái tăm tối ấy. Đức tin ấy cũng chính là cái nhìn về chân trời đầy ánh sáng Thiên Chúa ban cho con người.
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta đức tin ấy. Cảm tạ Chúa đã cứu độ vào lôi kéo chúng ta ra khỏi vùng tăm tối của tội lỗi. Xin cho chúng ta được mãi là con người mới với Đức Kitô Phục sinh, được cùng tiến bước với Ngài để luôn sống như Ngài, nhìn đời bằng chính đôi mắt của Ngài và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.


SUY NIỆM

Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo, thậm chí sự chênh lệch ngay trong cùng một nước, là hiện tượng không thể chối cãi được trong nền văn minh tiêu thụ ngày nay. Nguyên nhân chính của sự chênh lệch ấy chắc chắn là do sự ích kỷ của con người. Càng có, con người càng muốn có thêm và chỉ muốn chiếm giữ riêng cho mình. Do đó, sự giàu có về của cải vật chất không đương nhiên làm cho con người được thêm phong phú.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống là chính Chúa, chỉ có Ngài mới đáp ứng được khát vọng thâm sâu của con người. Đám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, hôm sau lại tìm đến với Người. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm mình không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ, hoặc để nghe được giáo huấn của Người, nhưng chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Chúa Giêsu kêu gọi họ tìm kiếm của ăn vĩnh cửu qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều.

Thật thế, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là chính Người. Chúa Giêsu là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người. Ai tin nhận Người, đón nhận sức sống của Người, người đó cũng sẽ được sống trường sinh. Người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Chúa Giêsu, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người.

Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã nuôi sống một đám đông trên năm ngàn người. Quả thật, Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời cũng đủ nuôi sống cả nhân loại, nhưng Người đã không đến như một phù thủy, Người cũng chẳng đến để mang lại bất cứ giải pháp kinh tế nào. Người đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Ai thực sự ăn tấm bánh ấy, người đó cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh, mà chỉ vì thiếu những tấm lòng quảng đại, thiếu những bàn tay được mở ra và san sẻ cho người khác.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn được nuôi sống bằng tấm bánh Giêsu, và cũng xin cho mỗi người chúng con luôn trở nên tấm bánh bẻ ra và trao cho người khác. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường