Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 17-3-2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 17-3-2020
“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? ”. (Mt 18,21).
Khi Phê-rô hỏi câu hỏi trên, là ông đã có ý tốt lắm rồi, bởi vì theo luật cũ là: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Tin mừng hôm nay cho biết, Đức Giêsu còn độ lượng hơn rất nhiều trước câu hỏi của Phê-rô: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” (Mt. 18, 21-22).
Tha thứ như Đức Giêsu dạy là tha mãi mãi, tha không giới hạn, không điểm dừng, không so đo tính toán thiệt hơn. Tha thứ như thế thì mới được Thiên Chúa tha thứ cho mình, bởi không ai là người vô tội.
Nhận mình là tội nhân không phải dễ dàng, bởi ta thường thích đổ lỗi cho người khác và kể tội người khác. Khi nhận mình là kẻ có tội, là ta đã bước đầu tiên đến lãnh nhận ơn tha thứ. Nhận mình là kẻ có tội, ta đã tin vào Thiên Chúa.
Cảm nhận tin mừng: Chỉ có Thiên Chúa mới được phép luận tội và tha thứ. Tất cả chúng con đều là kẻ có tội và được thương xót tha thứ.
Lạy Chúa, Nếu chúng con không tha thứ cho anh chị em chúng con đây thì làm sao chúng con được Chúa thứ tha. Xin cho chúng con có lòng nhân hậu như Chúa, biết yêu thương, biết tha thứ không ngừng nghỉ. Amen.


Thánh Patrick   (385?-461)

Truyền thuyết về Thánh Patrick thì quá nhiều; nhưng điều có ích lợi cho chúng ta là khi nhìn đến hai đức tính chắc chắn của ngài: khiêm tốn và dũng cảm. Chính thái độ cương quyết khi chấp nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người Ái Nhĩ Lan.
Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan, có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.
Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.
Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.
Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám mục. Trong một thị kiến, dường như “mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong lòng mẹ vươn cánh tay” đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.
Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn. Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của ngài.
Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, County Down, Ái Nhĩ Lan là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.
Ngày nay cả toàn dân Á Nhĩ Lan qua các thời đại, nhớ công ơn người, ngày 17 tháng 3 được coi là ngày quốc lễ. Ái Nhĩ Lan, qua các vị thừa sai, các dòng tu đã đem Tin Mừng cho nhiều nước khác.