Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31.01.2018

Filled under:

Lời Chúa: Mc 6, 1-6
1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? ” Và họ vấp ngã vì Người.4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.
Suy nim 1
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi. 
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát. 
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo… 
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy. 
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
Bởi đâu ông này được như thế? 
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?”
 (c. 2). 

Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận 
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm 
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ. 
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, 
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài? 
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu. 
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ. 
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông, 
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ. 
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu. 
Chính cái biết này đã ngăn cản 
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ. 
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ 
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế: 
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ. 
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường, 
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét. 
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa? 
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. 
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy niệm 2

Chúa Giêsu đã làm cho những người theo Chúa hết sức ngạc nhiên khi nói rằng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4). Quả thật, trước sự cứng lòng tin của những người cùng quê hương xứ sở, Chúa Giêsu đã phải thốt lên những lời chua xót.

Dân thành Na-da-rét đã vấp ngã vì Chúa Giêsu và đã không đón nhận lời rao giảng của Người bởi lẽ đối với họ, Chúa Giêsu chỉ là một người thợ bình thường. Người cũng xuất thân từ một gia đình không có gì nổi bật và cũng quá quen thuộc giữa xóm làng của họ. Chính những định kiến đó đã làm cho tâm trí họ đóng kín trước những chân lý và giáo huấn của Chúa Giêsu. Và điều đáng nói là do sự tự mãn và thành kiến của mình, họ đã không nhận ra căn tính đích thực của Chúa Giêsu là Đấng mà họ mong chờ. Đó cũng là lý do Người đã không thể làm được phép lạ nào giữa họ.

Chúa Giêsu đến để cứu chữa con người khỏi những đau khổ của bệnh tật, khiếm khuyết không chỉ về thể lý mà còn về tâm linh. Nhưng trên hết, Người đến để giải thoát con người khỏi sự giam cầm của tội lỗi và cái chết. Thế nhưng Tin Mừng cứu độ chỉ dành cho những ai có tâm hồn đơn sơ và khiêm tốn nhận mình bất toàn, lỗi tội. Vậy với bài học của dân thành Na-da-rét, chúng ta cần có thái độ nào để có thể lãnh nhận tự do và bình an của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô?

Lạy Chúa Giêsu nhân lành, Chúa đến để khoả lấp mọi ước vọng của chúng con. Xin cho chúng con có một tâm hồn đơn sơ khiêm tốn để có thể nhận ra chỉ nơi Chúa, chúng con mới tìm gặp được niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực cho đời mình. Amen.

Ngay từ đầu Tin Mừng, tác giả Máccô cho thấy Chúa Giêsu hành động với uy quyền trước toàn dân. Nhưng sau đó, những trở ngại đã xuất hiện: thân nhân Người đi bắt Người về, vì cho rằng Người đã mất trí; các kinh sư thì nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và dùng quyền của nó mà trừ quỷ; bằng kiểu diễn tả bóng bảy, Người đã nói đến sự cứng lòng của dân Israel; trận bão trên biển không nhận chìm được con thuyền của Người, là một hình ảnh cho hiểu là sứ vụ của Người sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đứng vững; yêu cầu của dân Ghêrasa cũng ở trong chiều hướng ấy.

Chúa Giêsu trở lại quê hương Nadarét. Người vào hội đường để giảng dạy, tức là thi hành sứ mạng ngôn sứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù đã biết các phép lạ Chúa Giêsu làm và nay vừa nghe Người giảng, dân làng Nadarét lại chỉ coi Người như là “bác thợ, con bà Maria, anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn” mà thôi.

Tin Mừng Máccô cho thấy liên hệ huyết thống cũng như tình đồng hương không giúp người ta nhận biết Chúa Giêsu trong chân tính của Người. Muốn khám phá ra mầu nhiệm Chúa Giêsu, người ta phải để cho chính Người dẫn dắt và giáo huấn ngày qua ngày.

Trang Tin Mừng tường thuật chuyến về thăm Nadarét cũng nói đến thái độ không tin của người dân Nadarét, khiến họ không chấp nhận Chúa Giêsu. Như thế, truyện này tóm tắt một vài đề tài đã được triển khai trong các phân đoạn trước: tư cách môn đệ và lòng tin, Chúa Giêsu là thầy và là vị làm phép lạ, sự hiểu lầm và sự loại trừ Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu về quê, có các môn đệ đi theo, và bắt đầu giảng dạy cho bà con ở quê nhà. Nhưng đây không có gì là một cuộc “vinh qui” cả. Người ta ngạc nhiên nhận ra sự khôn ngoan của Ngài, và trong đầu họ bật lên một loạt dấu hỏi. Chỉ tiếc là những hiểu biết và kinh nghiệm vốn có của họ về “bác thợ Giêsu” đã dập tắt sự ngạc nhiên nơi họ và không cho phép họ khám phá được gì xa hơn về Ngài. Ta thấy định kiến tai hại biết bao. Và đến lượt Chúa Giêsu ngạc nhiên về sự thiếu khả năng ngạc nhiên nơi những người đồng hương của Ngài: “Ngài lấy làm lạ vì họ không tin”.

Tin Mừng hôm nay cho thấy niềm tin và tình yêu khiến cho người ta nhạy cảm được với những gì liên can đến đấng hay người mình yêu, và nghi kỵ, hận thù khiến cho người ta mù lòa, điếc lác trước tha nhân, như được phản ảnh trong 2 Sm 24, 2.9-17 : ở đây, cho thấy sau khi ra lệnh kiểm tra dân số, với tâm hồn nhạy cảm trong tương quan với Thiên Chúa, Đavít phát hiện ra làm như thế là xúc phạm đến Đức Chúa, vì không hoàn toàn tín thác nơi Ngài mà có vẻ cậy dựa vào binh lực hơn.

Người Nadarét nuôi quan niệm sai lầm về Ðấng Cứu thế. Theo họ thì vị thiên sai phải là một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc, một nhà cải cách xã hội tài ba, một vị tướng lãnh tài giỏi, bách chiến bách thắng, có thể đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Khi họ nhận ra Chúa Giêsu không thích hợp với với quan niệm họ sẵn có về Ðấng cứu thế, thì họ từ khước Người. Vì thế đối với họ, Chúa Giêsu không thể là Ðấng cứu thế.

Thành kiến của họ đã làm cản trở cho đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng của Chúa như Chúa muốn họ tin tuởng. Do đó Chúa Giêsu nói với họ: Ngôn sứ có bị coi rẻ thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình (Mc 6, 4). Phúc âm hôm nay ghi lại: Người đã không thể làm phép lạ nào tại đó, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân (Mc 6, 5). Sở dĩ Chúa Giêsu không làm phép lạ nào được vì như lời Phúc âm ghi lại họ cứng lòng tin (Mc 6, 6)

Con người hôm nay, những người Nadarét mới, vẫn đang thấy Chúa Giêsu là một cớ gây ngạc nhiên và vấp ngã. Do sự từ khước của con người hôm nay, hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến, họ không hiểu được cốt lõi tinh túy của sứ điệp, cũng không tạo cơ hội cho các việc kỳ diệu có thể xảy ra hay cho ơn Chúa có thể đến được với chính họ và người khác.

Từ đây, chúng ta có thể đi đến một nhận định: cộng đoàn Kitô hữu có hai trách nhiệm, bởi vì phải vừa biết nhận ra các ngôn sứ được Thiên Chúa cho xuất hiện giữa các thành viên của mình, vừa phải hỗ và làm gia tăng ơn Chúa mà sự hiện diện của họ mang lại. Ý thức này đòi hỏi cộng đoàn phải trở thành một tập thể sẵn sàng, trong tư thế cầu nguyện, có cái nhìn khôn ngoan, để nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa.

Tất cả các điều này không đơn giản: trong đời sống mỗi ngày, chúng ta ghi nhận rằng cộng đoàn chúng ta đang bước đi giữa hai đe dọa: một bên, cộng đoàn có thể rơi vào một thứ hứng khởi dễ dãi mà chạy theo bất cứ một chủ trương đổi mới nào, để rồi cuối cùng bị lạc hướng và bị phân tán; một bên, cộng đoàn dễ bị thu hút bởi xu hướng bất động và sự cứng ngắc do bám vào một vài điều xác tín nào đó.

Nếu ta chỉ đi tìm Chúa nơi những người quyền cao chức trọng, hay ở những nơi huy nga tráng lệ mà thôi, ta sẽ khó tìm thấy Chúa. Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bình thường mà ta thường gặp, cũng như những sự việc xẩy ra thường ngày. Ta khó nhận ra những dấu vết của Chúa nơi người khác cũng như sự việc ta gặp hằng ngày nếu ta để cho thái độ quen quá hoá nhàm xâm chiếm đời sống tư tưởng của ta.

Ta có thể tìm thấy Chúa nơi người đau yếu, bệnh tật, nghèo khổ và tù đầy. Ðó là điều Chúa nói trong Phúc âm thánh Mátthêu: Khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn (Mt 25, 35). Ðể có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở. Nếu ta để cho thành kiến về đạo giáo làm mù quáng, thì những thành kiến có thể làm cản lối Chúa vào nhà tâm hồn.

Nếu ta vịn cớ nọ cớ kia để đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng chịu, không vào được, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do và Chúa tôn trọng tự do của loài người. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn của mỗi người. Chúa không ép buộc ai theo Chúa và sống theo đường lối đức tin. Chúa chỉ mời gọi. Việc chấp nhận hay không là tuỳ thuộc vào mỗi người.

Để có khả năng ngạc nhiên trước Chúa Giêsu và tin vào Ngài, ta cần nhìn, lắng nghe và kinh nghiệm Chúa Giêsu một cách mới mẻ ở đây và lúc này, chứ đừng đóng chặt Ngài trong bất cứ khuôn kinh nghiệm nào thuộc quá khứ. Đây là một việc đầy thách đố, song đây cũng là bước quyết định của công cuộc Tân Phúc Âm hóa!

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:23

Xin bớt tự vệ

Filled under:

Ngày nay, tín hữu chúng ta ngày càng ngả theo chiều hướng tự vệ hơn là dám mạo hiểm chịu đóng đinh cho thế gian. Chúng ta làm việc này với thiện hướng tốt, nhưng thiện hướng tốt không đứng vững, vì hành động của chúng ta đi ngược lại với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu yêu mến thế gian đến nỗi để chính mình bị đóng đinh trên thập giá hơn là tự bảo vệ mình để thoát khỏi nó.
Ngày nay khuynh hướng tự vệ đầy dẫy trong các giáo hội, dù không phải là nó không có nguyên do hợp lý. Gần như mọi nơi trên thế giới, giáo hội đang bị vây hãm theo nhiều kiểu, hoặc do ngược đãi thực sự, hoặc do đơn thuần do bất kính, nhận thức sai lầm hay đối xử bất công. Nền văn hóa thế tục hóa mang trong mình một tâm thức chống Kitô giáo và chống hàng giáo sĩ, nhiều tín hữu cảm thấy điều này chính là thứ định kiến cuối cùng được chấp nhận về mặt lý thuyết trong nền văn hóa của chúng ta.
Và ý nghĩ này chẳng hoang tưởng chút nào. Thực sự là có như vậy. Nền văn hóa thế tục có những đặc tính tốt của nó, nhưng nó cũng bao hàm một thứ gì đó thiếu chính chắn và tự đại đối với di sản Do Thái - Kitô giáo. Không khác gì cảm giác của một đứa trẻ dậy thì khi lần đầu tiên cảm nhận được sức mạnh của mình, nền văn hóa thế tục cũng có thể phê phán quá mức và đối xử bất công đầy chua cay với những gì là nguồn cội của nó. Những đứa trẻ dậy thì thường rất khắc nghiệt với cha mẹ và nền văn hóa thế tục cũng thường rất khắc nghiệt với di sản Do Thái - Kitô giáo của nó.
Vì thế, tôi có thể hiểu được tại sao thời nay, quá nhiều lãnh đạo cũng như các thành viên tận tụy trong giáo hội ngày càng thủ thế hơn. Tuy nhiên, dù hiểu được bản chất ẩn khuất trong điều này, tôi vẫn không thể đồng ý với phản ứng như thế, cụ thể là khuynh hướng co cụm phòng thủ, đóng chặt mọi lối vào dù là nhỏ nhất, và xem nền văn hóa của chúng ta là một địch thủ chống lại những gì chúng ta cần tự vệ hơn là xem nó như một thế giới mà Chúa Giêsu đã dùng cái chết để chuộc lấy và là điều mà chúng ta được mời gọi hãy đến để yêu thương và cứu lấy nó. Tại sao sự tự vệ này sai lầm, do bởi tất cả những nguyên do dường như chúng ta được mời gọi để làm vậy hay sao?
Điều sai lầm trong khuynh hướng tự vệ của chúng ta là vì nó thật sự đối lập với những gì Chúa Giêsu đã làm.  Chúng ta thấy điều này suốt trọn Tin Mừng. Các môn đệ của Chúa Giêsu luôn mãi cố để bảo vệ Ngài khỏi những nhóm khác nhau, những người mà họ cho là không xứng đáng đứng trước Ngài, và Chúa Giêsu thì luôn làm rõ rằng Ngài không cần hay không muốn được bảo vệ: “Hãy để họ đến với ta!” chính là một trong những câu hay nói của Chúa.
Thêm vào đó, và quan trọng hơn nữa, các môn đệ cố gắng đế bảo vệ Ngài khỏi những người và những việc mà họ cho là nguy hại đến Ngài.  Do đó, họ cố gắng thuyết phục Ngài đừng chấp nhận chịu đóng đinh thập giá, và thực thế, lúc Ngài bị bắt, họ dùng gươm để cố bảo vệ Ngài. Khi Ngài sắp bị bắt, họ hỏi Ngài: Chúng con nên dùng vũ lực để bảo vệ Thầy hay không? Chúng con có nên tuốt gươm khỏi vỏ hay không? Đáng buồn thay, họ không đợi Ngài trả lời, khi cố gắng bảo vệ Chúa, Phêrô đã rút gươm, chặt đứt tai một trong số những kẻ đang bắt Chúa Giêsu.
Vậy Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào trước nỗ lực bảo vệ này? Chúa đã nói: Không được làm thế! Nhưng chúng ta không biết Chúa nói với giọng như thế nào. Giận dữ và quở trách dữ dội? Hay thất vọng vì thấy Phêrô, tảng đá của Chúa, giáo hoàng tương lai đã hiểu lầm đến tệ hại những gì Chúa muốn nói? Hay, với giọng buồn của một bà mẹ khi bảo con mình đừng đánh nhau nữa, dù lúc đó sự cam chịu trong giọng nói của bà cho bà biết chúng sẽ chẳng bao giờ làm như thế?  Cho dù với giọng như thế nào, thông điệp trong đó vẫn rất rõ ràng: Những môn đệ tiên khởi của Chúa không hiểu được một trong những điều cốt yếu về Thầy mình. Chúa Giêsu đã dành trọn cuộc đời rao giảng của mình để chữa lành, trong đó có chữa tai cho kẻ điếc được nghe, và trong đêm cuối cùng trên thế gian này, trưởng tông đồ của Ngài lại đi cắt tai kẻ khác để cố bảo vệ Ngài.
Bài học cho chúng ta thật thâm thúy thay: Việc Chúa Giêsu chữa lành các đôi tai thể hiện mong ước được đối thoại của Ngài, còn hành động cắt lìa tai của Phêrô lại thể hiện ý muốn chấm dứt đối thoại. Trọn con người và thông điệp của Chúa Giêsu đã thể hiện và rao giảng cho sự yếu đuối sẵn sàng chịu tổn thương và chấp nhận triệt để thập giá hơn là tự vệ, còn các môn đệ của Ngài, ngay lần đầu gặp thù địch, đã đáp trả bằng bạo lực và tự vệ.
Chúng ta không được quên bài học này: Tất cả mọi sự đều cho thấy Chúa Giêsu rao giảng về sự sẵn sàng chấp nhận tổn thương hơn là tự vệ. Chúa sinh ra máng lừa, một máng đựng thức ăn, nơi gia súc đến để ăn, và đến cuối đời, Chúa đặt mình trên bàn, “thịt hằng sống cho thế gian”, để thế gian ăn lấy Ngài, những lời đầu tiên của Ngài là kêu gọi sám hối, thay đổi tâm thức, như thế là đối lập với hoang tưởng kình địch, và cuối cùng, Ngài phú mình chịu đóng đinh hơn là tự vệ. Đó là lời đáp của Chúa Giêsu với thế gian, một thế gian hiểu lầm và đối xử tàn tệ với Ngài. Ngài mở rộng cánh tay trong sự yếu đuối dễ tổn thương hơn là nắm chặt nắm đấm để tự vệ.
Và theo đúng lý tưởng của Chúa, đó là cách chúng ta nên đáp trả khi thế gian bất công với chúng ta. Không như Phêrô, người theo bản năng đã rút gươm ra khỏi vỏ mà chẳng nhớ gì đến lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta không nên để một mối đe dọa bên ngoài xóa sạch những gì là tâm điểm trong con người và giáo lý của Chúa Giêsu, cũng như đừng đáp trả bằng một lối đi ngược lại Tin Mừng, một kiểu thù địch đáp trả thù địch, thiếu chính chắn đáp trả thiếu chính chắn.
J.B. Thái Hòa dịch

“Lời ca tụng cho sự khát khao” là chủ đề cho tuần tĩnh tâm của Vatican
cath.ch, 2018-01-29
“Lời ca tụng cho sự khát khao” là chủ đề các bài suy niệm của linh mục José Tolentino Mendonça cho tuần tĩnh tâm của Đức Phanxicô và giáo triều Rôma từ ngày 18 đến 23 tháng 2-2018 ở Ariccia, vùng ngoại ô của Rôma. Linh mục Tolentino Mendonça là phó viện trưởng Viện Đại học công giáo Lisbon (Bồ Đào Nha), cha cũng là cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về văn hóa.
Dưới sự hướng dẫn của Linh mục Mendonça, giáo triều Rôma và Đức Phanxicô sẽ suy niệm về đề tài “khát khao”: hiểu biết về khát khao, nhận ra mình khát khao, khát khao Chúa Giêsu, giọt nước mắt nói lên khát khao, uống cho thỏa cơn khát của mình, ân phúc của khát khao. Ngày tĩnh tâm bắt đầu bằng một thánh lễ, trước khi nghe giờ suy niệm. Sau đó vào buổi chiều sẽ có một bài suy niệm khác.
Vừa là nhà thần học, vừa là  thi sĩ, theo một số người, Linh mục Tolentino Mendonça được xem là một trong các tiếng nói có ảnh hưởng nhất về văn hóa của nước Bồ Đào Nha. Linh mục là người đại diện nước Bồ Đào Nha trong ngày thế giới thơ năm 2014. Các tác phẩm thơ của cha được nhiều giải thưởng. Cha cũng viết rất nhiều tác phẩm thiêng liêng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:17

Tin Mừng Chúa Nhật 5 Quanh Năm Năm B

Filled under:

Tin Mừng Chúa Nhật 5 Quanh Năm Năm B

Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7                        "Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối".
Trích sách Gióp.
Bấy giờ Gióp nói rằng: "Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: "Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối". Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc".     Ðó là lời Chúa.
 Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can (c. 3a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. - Ðáp.
2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. - Ðáp.
3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. - Ðáp.
 Bài Ðọc II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23
"Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.
Ðó là lời Chúa.
 Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.
 Phúc Âm: Mc 1, 29-39
"Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.     Ðó là lời Chúa.
 Suy Niệm:
Một ngày ở Caphanaum, Ðức Giêsu bận bịu với biết bao nhiêu công việc. Ngài giảng dạy trong hội đường; chữa bà già ông Simon khỏi cơn sốt nặng. Chiều đến lại chữa mọi bệnh tật được người ta mang đến. Ðược thúc đẩy vì tình yêu Cha và yêu con người. Ðức Giêsu tất bật với sứ vụ được trao phó... Ngài mãi còn thao thức bồn chồn cho đến khi sứ vụ được hoàn tất.
 Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Cuộc sống của chúng con cũng có biết bao nhiêu nhiệm vụ phải chu toàn. Xin Chúa hãy đốt lên trong chúng con tình yêu mến, để chúng con luôn hăng say không mệt mỏi. Xin cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ trong gia đình, nhiệm vụ nơi công sở, nhiệm vụ nơi xứ đạo, nhiệm vụ với mọi người. Trong mọi công việc, chúng con sẽ thi hành tốt nhất để đẹp lòng Chúa Cha. Amen.

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN (B)

Chủ tế: Anh chị em thân mến, đời là bể khổ thật sự nếu không hướng lên cùng Chúa. Và cuộc đời con người chỉ gặp toàn là đau thương bất hạnh, nếu không sống theo Tin Mừng của Chúa. Luôn tin tưởng mãnh liệt vào quyền năng của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1.   Hội Thánh có sứ mạng đem niềm vui và niềm an ủi đến cho nhân loại đau khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các công cuộc từ thiện bác ái của Hội Thánh / xoa dịu được phần nào đau khổ của con người / đồng thời giúp những anh chị em chưa nhận biết Chúa nhận ra Thiên Chúa là tình yêu.
2.   Trên thế giới ngày nay / đủ thứ bệnh tật đang hành hạ và giết chết nhiều triệu người mỗi năm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật / cảm thấy mình được thông phần vào cuộc thương khó của Đức Kitô / và luôn được Người yêu thương chăm sóc.
3.   Chúa là Cha giàu lòng thương xót / Chúng ta hiệp lời cầu xin Người an ủi / nâng đỡ những ai đang lam lũ khổ đau / và làm cho phẩm giá họ được tôn trọng xứng đáng.
4.   Giúp đỡ cụ thể và thiết thực cho những bệnh nhân nghèo khổ / là một trong những cách rao giảng Tin Mừng có hiệu quả rất cao / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ Sơn Lộc  chúng ta / biết luôn quan tâm và trợ giúp cho những ai đang bệnh hoạn yếu đau.

Chủ tế: Lạy Chúa, khi Tin Mừng của Đức Giêsu Con Chúa được rao giảng tới đâu, thì đau khổ, bệnh tật, ác thần rút lui tới đó. Xin Chúa cho các tín hữu luôn rao giảng Tin Mừng bằng chính đời sống bác ái yêu thương của mình. Chúng con cầu xin…

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:56

Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân trong trận hỏa hoạn tại một bệnh viện Hàn Quốc

Filled under:


Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi trận hỏa hoạn tại một bệnh viện Hàn Quốc, trong đó có ít nhất 37 bệnh nhân tử vong.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn bi thảm ở một bệnh viện ở Hàn Quốc đã giết chết ít nhất 37 người và làm bị thương nhiều người khác.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người bị thương trong vụ hỏa hoạn tại bệnh viện Sejong, ở thành phố Miryang.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng ca ngợi các cơ quan dân sự và các nhân viên cấp cứu khi họ anh dũng giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này, và trên hết ngài cầu nguyện xin Chúa gìn giữ họ, tăng cường sức mạnh và an ủi họ.

Ngọn lửa được tin là đã bắt đầu ở phòng cấp cứu tại bệnh viện Sejong phía đông nam thành phố Miryang.

Gần 200 bệnh nhân đa số là những người lớn tuổi đang ở bên trong tòa nhà và nhà dưỡng lão bên cạnh khi ngọn lửa bùng phát vào buổi sáng ngày thứ Bẩy 27 tháng Giêng.


Đức Thánh Cha viếng thăm đền thờ Thánh Sofia của người Công Giáo Đông phương Ukrain


Lúc 4h chiều Chúa Nhật 28 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm đền thờ Thánh Sofia của người Công Giáo Đông phương Ukraine tại Rôma.

Đền thờ Thánh Sofia là một tiểu Vương Cung Thánh Đường, được xây dựng vào năm 1963, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thánh hiến năm 1969. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba viếng thăm đền thờ này. Trước ngài, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã đến thăm đền thờ này vào năm 1984.

Nhà thờ được mô phỏng theo thiết kế của các nhà thờ Ukraine thời Trung cổ ở Kiev, và hiện là nơi thờ phượng của khoảng 14,000 người Ukraine sống trong giáo phận Rôma.

Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine là Giáo Hội Công Giáo tự trị lớn nhất, trong số các Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.

Sau lời chào mừng ngài của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là Tổng Giám Mục Kiev, và cũng là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ trong đó ngài nhắc đến các gương sáng của Đức Hồng Y Josyp Slipyi, Đức Tổng Giám Mục Stephane Czmil, và Đức Hồng Y Lubomyr Husar.

Đức Thánh Cha cũng đã đến viếng và cầu nguyện tại ngôi mộ của Đức Tổng Giám Mục Stephane Czmil. Ngài mô tả Đức Tổng Giám Mục là “một người đã làm cho tôi biết bao điều tốt đẹp”, và giải thích rằng khi còn là một cậu bé ở Á Căn Đình, vị Tổng Giám Mục đã dạy ngài “phục vụ bàn thờ trong các Thánh Lễ, đọc bảng chữ cái của anh chị em, và từ ngài tôi đã học được vẻ đẹp trong phụng vụ của anh chị em, những câu chuyện về chứng tá sống động của bao nhiêu chứng nhân đức tin đã được thử thách và tôi luyện trong cuộc bách hại vô thần tồi tệ nhất trong thế kỷ vừa qua “.

Trong bài diễn văn của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói đến cuộc xung đột ở Ukraine và nỗi đau của người dân ở đó. Ngài nói: “Tôi hiện diện ở đây hôm nay để nói với tất cả những người Ukraine là tôi gần gũi với các bạn: gần gũi trong trái tim tôi, trong những lời cầu nguyện của tôi và khi cử hành Thánh Lễ.”

Sau đó ngài cầu nguyện xin Chúa cho vũ khí chiến tranh bị câm nín.

Đức Thánh Cha cũng ca ngợi nhiều phụ nữ Ukraine có đức tin, lòng dũng cảm và lòng bác ái. Ngài nói “Các bạn rất quý giá và các bạn đang mang đến lời tuyên xưng Thiên Chúa cho các gia đình Ý.”



Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến toà Thượng Thẩm Rota

WHĐ (31.01.2018) – Sáng 29-1-2018, nhân dịp khai mạc Năm tư pháp mới của Giáo hội, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các thẩm phán, luật sư của toà Thượng Thẩm Rota ở Roma. Trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc lại tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân và nhấn mạnh đến vai trò trọng yếu của lương tâm.
Đức Thánh Cha nói: “Lương tâm đóng vai trò quyết định trong những lựa chọn quan trọng mà những người sắp kết hôn phải đối mặt” khi dấn thân vào đời sống hôn nhân. Ngày nay lương tâm của họ thường bị “điều kiện hoá”: “Làm sao để cứu người trẻ khỏi những ồn ào huyên náo của cái phù du, vốn chỉ đưa họ đến chỗ từ chối dấn thân cách vững bền và tích cực cho điều thiện hảo của cá nhân cũng như cộng đoàn?” Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, đồng thời  nhấn mạnh tính cấp bách của việc huấn luyện cho họ biết “xây dựng và gìn giữ ngôi đền thâm sâu của lương tâm con người.
Một kinh nghiệm sống đức tin, đức cậy và đức ái liên lỉ lại càng cần thiết hơn để giúp người trẻ có thể quyết định, với một lương tâm chắc chắn và lành mạnh, bước vào đời sống hôn nhân để mở ra cho cuộc sống là niềm vui lớn lao cho Thiên Chúa, cho Giáo hội và cho nhân loại.
Một chương trình huấn luyện “lâu dài và khó khăn”
Đức Thánh Cha nói thêm: Công cuộc huấn luyện này, lâu dài và khó khăndựa trên “mối tương quan cần thiết giữa “việc trung thành với Huấn quyền và sự quan tâm cấp bách của Giáo hội đối với các tiến trình tâm lý và đạo đức của tất cả những ai được kêu gọi sống đời hôn nhân.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, mối quan tâm đến “lĩnh vực thiêng liêng của lương tâm các tín hữu là trng tâm của công việc của các thẩm phán và luật sư của Toà Thượng Thẩm Rota, những người có trách nhiệm phân định tính vô hiệu của một cuộc hôn nhân, đồng thời nhắc nhở họ rằng theo nghĩa này họ đang thi hành “thừa tác vụ đem lại bình an cho lương tâm.
Đức Thánh Cha cảnh báo: Sự liên kết chặt chẽ giữa lĩnh vực lương tâm và lĩnh vực của các vụ xử hôn phối mà anh em thi hành hng ngày, đòi hỏi phải tránh đừng để việc thi hành công lý chỉ còn là một nhiệm vụ thuần túy bàn giấyNếu các toà án giáo hội rơi vào cám dỗ này, đó là phản bội lương tâm Kitô giáoNgài nhấn mạnh thêm: “Chúng ta đừng để cho lương tâm của các tín hữu đang gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân khép lại với con đường của ân sủng.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại việc ban hành hai Tự sắc (Mitis Iudex Dominus Iesus và Mitis et misericors Iesus) vào tháng Chín 2015, nhằm đẩy nhanh tiến trình và tạo sự dễ dàng hơn trong thủ tục của t án về các vụ án cứu xét tính vô hiệu của hôn nhâncũng như vai trò chính của Đức giám mục giáo phận, đích thân ngài là “thẩm phán duy nhất” trong thủ tục vắn tắt của các vụ án hôn phối.
Khi tuyên bố một cuộc hôn nhân vô hiệu, Giáo hội nhận định rằng bí tích đã không được cử hành một cách có hiệu lực, do đó cuộc hôn nhân ấy chưa từng tồn tại, chứ không đặt vấn đề rằng một cuộc hôn nhân luôn là bất khả phân ly nên không thể hủy bỏ. Lời tuyên bố hôn nhân vô hiệu cho phép đôi vợ chồng được tái hôn theo phép đạo, trong khi Giáo hội không chấp nhận việc ly dị và coi việc tái hôn dân sự là không chung thủy với người chồng/vợ thật sự.
(Theo La Croix)

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:52

5 Phút cho Lời Chúa ngày 31/1/2018

Filled under:

CÓ PHÚC VÌ ĐÃ ĐỨC TIN
“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?” (Mc 6,2)
Suy niệm: “Ta hãy chấp nhận sự thật, ngay cả khi sự thật ấy làm ta ngạc nhiên và thay đổi cái nhìn của ta” (nhà văn G. Sand). Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Na-da-rét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giê-su rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin. Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan? Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi định kiến của họ về Ngài: Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô. Hạnh phúc được tin vào Đức Ki-tô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một định kiến.
Mời Bạn: Đức Ma-ri-a được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc 1,45). Bạn cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Tôi bày tỏ lòng tri ân Chúa ban cho mình ơn đức tin qua việc chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, cũng như tham dự Thánh Lễ không chỉ ngày Chúa Nhật mà cả các ngày thường trong tuần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài. Xin Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy. Amen.


THÁNH GIOAN BOSCO HIỂN TU
(1815-1888)
Ngày lễ Đức Mẹ lên trời năm 1815 cũng là ngày thánh Gioan Bosco ra đời. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo khó, lại mồ côi cha từ lúc lên hai, Bosco không được may mắn hưởng những ngày thơ ấu êm đềm như các trẻ cùng tuổi. Mẹ cậu là bà Margarita phải làm lụng vất vả mới kiếm đủ tiền nuôi con. Bà rất tiết kiệm, yêu việc lao động và ham thích cầu nguyện. Cậu Bosco có nhiều đức tính cao quý, một trí tuệ thông minh sắc sảo, một trí nhớ như nhựa. Cậu rất ham thích học hỏi, nhưng không có đủ tiền học, cậu đến nhà cha sở để học. Nhưng rủi thay ít lâu sau cha sở lại qua đời.
Đã đến lúc phải chọn hướng đi cho cuộc đời, Bosco tỏ ý muốn làm linh mục. Từ trước Bosco vẫn có ý định muốn vào tu
dòng thánh Phanxicô, nhưng đến sau, theo lời chỉ dẫn của cha linh hướng, Bosco đã bỏ ý định trên.
Thiên Chúa quan phòng muốn tuyển trạch chàng để sau này sáng lập dòng mới theo ý hướng của Chúa.
Ngày 30-10-1835 Gioan Bosco vào đại chủng viện Turinô. Thầy Bosco học hành rất chăm chỉ và rất giỏi. Thời gian thấm thoát trôi qua, ngày mong ước đã tới: ngày 5-6-1841, Gioan Bosco được chịu chức linh mục. Trong ngày Gioan Bosco thụ phong linh mục, mẹ ngài đã nói một câu mà ngài ghi nhớ và suy niệm suốt đời: "Con ơi, ngày nào con bắt đầu uống Máu Thánh, là ngày con bắt đầu đau khổ". Làm linh mục rồi, ngoài việc coi xứ, ngày ngày linh mục Bosco đi thăm viếng các người nghèo khó và các bệnh nhân trong bệnh viện và cả các tù nhân trong các đề cao ở Turinô.
Từ ngày 08-12-1841, linh mục Bosco dồn hết tâm lực vào việc lựa nhân viên để thiết lập dòng Salêdiêng tương lai. Ngài nhận một em bé vô thừa nhận bị người coi nhà thờ đánh đập thậm tệ và xua đuổi đi rất tàn nhẫn: cậu bé đó tên là Carelli. Vì chưa xây được nhà, thánh nhân đành cho cậu trú ngụ trong nhà mặc áo nhà thờ thánh Phanxicô. Ngài cho cậu học chữ và giáo lý để chuẩn bị rước lễ lần đầu. Dần dà không những ngoài Carelli trong nhà ngài còn rất nhiều trẻ em khác.
Ngày 2-2-1842, trong nhà mặc áo thánh đường Phanxicô, người ta thấy có đến hai mươi em bé mồ côi. Rồi dần dà con
số đó tăng lên tới 100 em. Năm 1844, cha Gioan Bosco được cử làm Giám đốc viện dưỡng lão Phônêma, đồng thời ngài
kiêm thêm việc quản trị một cô nhi viện do bà hầu tước Barôlô sáng lập.
Không bao lâu, cô nhi viện không còn chỗ dung nạp thêm. Số các em đã tăng lên với con số 300.
Được sự chấp thuận của Đức cha Franxoni, Tổng Giám mục thành Turinô, cha Bosco sử dụng ngôi nhà thờ thánh Martinô
cũ kỹ với năm chữ vàng khắc trên cửa nhà thờ: "Tu viện thánh Phanxicô Salê" Nhưng vì các em nô đùa nghịch ngợm làm
huyên náo cả một khu phố, thánh nhân buộc lòng phải di cư cô nhi viện đến nhà thờ thánh Phêro do bà bá tước Cavua (Cavour) nhường lại, nhưng rồi sau cùng lại phải di cư đi chỗ khác. Lần này không kiếm đâu ra nhà nữa, thánh nhân đành phải dẫn dắt đoàn con côi cút đến sống ngay giữa cánh đồng cỏ. Gặp thời mưa sa, gió rét, lại phải chạy vào trú ẩn ở những lẫm lúa miền Vanđôccô, ngài dốc toàn lực lượng để xây cất một ngôi nhà cho con cái ngài có chỗ nương thân. Lo cho có chỗ ở, ngài còn phải tần tảo để kiếm cơm ăn, áo mặc và có chỗ học tập cho bầy con côi cút.
Vì quá lao lực, tháng 7 năm 1846, thánh nhân bị bệnh sưng màng phổi. Các bác sĩ đều thất vọng. Nhưng có lẽ Chúa chưa muốn để bầy trẻ phải vất vưởng không người săn sóc. Mùa đông năm đó thánh nhân được bình phục, lại trở về Turinô tiếp tục công việc ngài đã vất vả xây dựng. Vì hiếm người, thánh nhân mời mẹ tới lo việc bếp nước và may vá cho đoàn trẻ. Thánh nhân thuê được hai gian nhà ở gần lẫm Vanđôccôâ: gian trước dùng làm nhà bếp và nhà ở cho mẹ ngài; gian sau dùng làm bàn giấy và phòng ngủ của ngài. Lẫm Vanđôccôâ được dùng làm nhà nguyện. Thánh nhân cũng cấp tốc mở các lớp học tối.
Ngài nhận thấy muốn cho công việc giáo dục có kết quả, cần áp dụng chính sách "có mặt", nghĩa là ngài phải để mắt coi sóc các con cái ngài suốt ngày đêm. Thánh nhân dự định mở một ký túc xá. Để đạt ý định đó, lần hồi ngài đã thuê được cả toà nhà thuộc khu trại Vanđôccôâ. Tuy nhiên, ngài vẫn cảm thấy chật chội. Chủ trại bán cho ngài cả toà nhà ông đang ở với giá 30.000 quan. Nhờ lòng hào hiệp của các vị ân nhân, ngày 19-2-1851, ngài đã kiếm được đủ số tiền để trả. Sau đó ngài lại kiếm thêm được tiền để xây cất một ngôi nhà thờ đồ sộ. Ít lâu sau lại sừng sững mọc lên một toà nhà lộng lẫy, đội tên là nhà thờ của thánh Phanxicô Salê.
Bí quyết của thánh Bosco trong công cuộc giáo dục trẻ em đơn sơ nhưng rất kỳ diệu. Với một tình yêu người mẹ hiền và với lòng nhân hậu của người cha, thánh nhân đã gây trong lòng những người con yêu dấu của ngài một lòng tín nhiệm sâu xa và một lòng kính yêu chân thành, và chỉ có thế đã đủ để công cuộc giáo dục của thánh nhân được kết quả mỹ mãn.
Thánh nhân không chỉ nguyên lo việc phát triển thể xác của con cái ngài, nhưng ngài còn lo lắng mở mang trí tuệ và nhất là lo huấn luyện tâm hồn các em. Thánh nhân khích lệ con cái ngài năng xưng tội, rước lễ và nhất là lo tập cho các em thói quen xem lễ hằng ngày.
Trẻ em được thánh nhân huấn luyện đều rất ngoan ngoãn và chăm chỉ. Mọi hành động của các em đều quy về mục đích là
mến Chúa và làm đẹp lòng Người.
Mẹ thánh nhân từ trần vào mùa đông năm 1856. Chính thánh nhân đã làm các phép bí tích sau cùng cho mẹ. Cùng với cái tang đau đớn đó, thánh nhân còn phải đương đầu với những trở ngại, những khó dễ do chính phủ Ý gây nên.
Đứng trước tình thế nguy ngập trên, thánh Bosco phải đi tìm thêm một số linh mục khác cộng tác với ngài để thực hiện xong những ý định của ngài. Một số linh mục ở Turinô nhận hợp tác với ngài.
Qua năm 1857, thánh nhân chiêu mộ được một con số chừng 15 linh mục và một số giáo lý viên để thành lập một dòng tu với mục đích lo giáo dục các trẻ mồ côi nghèo khổ. Dòng mới này được mệnh danh là dòng Salêdiêng. (Đức Thánh Cha Piô IX châu phê luật dòng của thánh nhân năm 1874).
Qua năm 1872, hai hội dòng khác được thánh nhân sáng lập để củng cố và phát triển công cuộc của ngài: hội Đức Mẹ phù hộ giáo hữu. Hội này được thành lập với mục đích phát triển và nâng đỡ ơn thánh triệu linh mục.
Nhờ hội trên, thánh Bosco đã cống hiến cho Giáo hội hơn mười ngàn linh mục; thánh nhân lập thêm một dòng nữ mệnh danh là dòng Các Bà Phước Đức Mẹ Phù hộ, tức dòng nữ Salêdiêng. Dòng nữ này được thành lập với mục đích cứu trợ và giáo dục các em cô nhi.
Công cuộc vĩ đại của thánh Bosco đã mang đến cho thời đại ngài nhiều lợi ích và tiến bộ đáng kể. Thánh nhân đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn lao và nan giải của thời đại ngài trong lúc hàng vạn con trẻ Ý lang thang vất vưởng trên các nẻo phố; thánh nhân đã huấn luyện cho nhiều thanh thiếu niên có nghề nghiệp sinh sống. Ngài hành động để xoa dịu một phần nào những đau thương của xã hội. Nhưng công việc đáng kể là thánh nhân đã tuyển mộ cho Giáo hội được một số linh mục đạo đức. Ngay từ thời thánh nhân còn sống, dòng của ngài đã mọc lên như nấm khắp nước Ý.
Năm 1863, thánh Gioan Bosco mở một trường trung học vĩ đại ở Marabel và một trường khác ở Lanso. Người ta đã tặng
cho ngài danh hiệu "thánh Vinhsơn Phaolô" của nước Ý.
Thánh nhân làm nhiều phép lạ trong khi ngài thực hiện công việc bác ái. Người ta thuật lại rằng một lần kia Đức Thánh Cha Piô IX đã nói với một bệnh nhân đến xin Đức Thánh Cha chữa bệnh cho ông như sau: "Nếu con muốn khỏi bệnh, con hãy đến với cha Gioan Bosco, cha sở Turinô, ngài sẽ chữa con khỏi bệnh".
Thực ra, thánh Bosco là một vị thánh đã thực hiện đức bác ái một cách hoàn hảo. Hơn ai hết, thánh nhân đáng tự hào về những lời đáng kính của Thầy Chí Thánh: "Trước hết các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người ".
Công cuộc vĩ đại của thánh nhân, ngay từ khi còn sống đã lan rộng tới các hang cùng ngõ hẻm trong khắp nước Ý, sang Pháp và cả Châu Mỹ. Nhiều lần ngài đi công cán bên Pháp, đi đến đâu dân chúng cũng kéo đến vây quanh ngài với một lòng thành kính đặc biệt. Mọi người đều cảm phục trước vẻ oai nghiêm, vui vẻ đơn sơ và nhân hậu của thánh nhân. Là người nổi danh ở Turinô thánh nhân giảng thuyết với những lời lẽ đơn sơ dễ hiểu và êm dịu. Ngài giảng thuyết rất nhiều về trẻ em và hình như ngài chỉ nói vấn đề đó, một vấn đề ngài đã đem hết tâm lực để phụng sự.
Vì quá lao lực, năm 1884, cha ngã bệnh nạêng, lúc đó ngài đã ngoài 60 tuổi. Nhưng nhờ lời cầu nguyện của đại gia đình Salêdiêng, ngài lại được bình phục.
Mặc dầu tuổi đã cao, thánh nhân vẫn còn hoạt động cách sáng suốt và hiệu lực. Thể theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Lêô XIII, thánh nhân khởi công xây cất một ngôi thánh đường đồ sộ trên đồi Esquilinộ Để thực hiện công cuộc vĩ đại đó, thánh Bosco rảo khắp nước Ý, Pháp và Tây Ban Nha để quyên tiền và vật liệu…
Nhưng vì tuổi cao sức yếu, và vì lao lực quá, ngài lại ngã bệnh. Ngày 08-12-1887, thánh nhân còn thảo một bức thư gửi đại gia đình Salêdiêng. Bao lâu còn gượng được thánh nhân vẫn cố gắng giải tội lâu giờ. Ngày 01- 01-1888 tình trạng sức khoẻ của thánh nhân có vẻ khả quan hơn. Đức Giám mục Lie (Liège) xin thánh nhân thiết lập tu viện Salêdiêng ở giáo phận ngài. Thánh nhân đồng ý và đây là ngôi nhà dòng Salêdiêng cuối cùng do thánh nhân thiết lập.
Ít lâu sau, bệnh cũ lại trở lại, và nguy kịch hơn, Đức Hồng Y Hisơn (Hicherd) đích thân đến thăm viếng thánh Bosco và thánh nhân đã khẩn khoản xin Đức Hồng Y ban phép lành. Sau khi đã ban phép lành cho thánh Bosco, Đức Hồng Y cũng quỳ gối xin thánh nhân ban phép lành cho mình.
Thứ ba ngày 30 tháng giêng, bệnh tình thánh nhân càng ngày càng trầm trọng. Vào khoảng hai giờ sáng, Đức Thánh Cha từ đền thánh Phêrô ban phép lành Toà Thánh cho thánh nhân, khoảng bốn giờ ba khắc, sau khi đã chịu các phép bí tích, thánh nhân thở hơi cuối cùng giữa đoàn con yêu quý đứng vây quanh giường ngài, mắt rướm lệ.
Cả thành phố Turinô đau đớn chịu tang vị đại ân nhân. Họ buồn vì mất một người cha, nhưng lại vui mừng vì được một vị thánh như lời Đức Thánh Cha Lêô đã nói khi hay tin thánh nhân từ trần: "Don Bosco là một vị Thánh!".
Tuy chết đi nhưng hình ảnh của người cha hiền đó sẽ còn sống mãi trong lòng nhân thế. Lòng nhiệt thành và từ tâm của ngài đối với bầy trẻ côi cút phải là bài học sáng ngời soi dẫn tâm hồn con người trong muôn thế hệ. 


Kỳ Quan Của Thế Kỷ 19

Ngày 31 tháng 1, cách đây đúng một thế kỷ, thế giới mất đi một người mà ông Rattazzi, thủ tướng nước Italia, thời bấy giờ nổi tiếng là người chống báng Giáo Hội, đã phải thốt lên: "Ngài là kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 19. Cả nước Pháp đã suy tôn Ngài như một vị Thánh Vinh sơn đệ Phaolô của thế kỷ". Con người đó chính là Thánh Don Boscọ 
Thánh nhân chào đời năm 1815 tại miền Piemonte, thuộc mạn bắc nước Italiạ Mẹ Ngài là bà Magarita mong ước cho Ngài được làm linh mục. Nhưng bà đã dặn dò con mình: "Mẹ đã sinh ra trong nghèo khó, mẹ đã sống trong nghèo khó, mẹ cũng muốn chết trong nghèo khó. Nếu con muốn làm linh mục để giàu có, mẹ sẽ không bao giờ bén mảng đến với con". 
Don Bosco đã thực hiện lời khuyên của mẹ. Không những Ngài đã sống nghèo, nhưng chỉ sống với người nghèo, nhất là trẻ em nghèọ Ngài đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu nhặt những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ. 
Nếu mãi đến năm 1848, Karl Marx mới đưa ra tuyên ngôn kêu gọi giới công nhân đứng lên, đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi của họ, thì trước đó, Don Bosco cũng đã tranh đấu cho giới công nhân rồị 
Thời của Thánh nhân, kỹ nghệ mới phát triển, nhiều vấn đề xã hội được đặt rạ Thánh nhân chủ trương không chỉ mang lại cho giới trẻ một nền giáo dục về mặt tinh thần hay tu đức, mà còn giúp cho giới trẻ một nghề nghiệp trong tay. Thánh Don Bosco đã được xem như là cha đẻ của những trường huấn nghệ ngày nay. 
Phương pháp sư phạm được Thánh nhân đề ra nhắm đến sự đề phòng hơn là trừng phạt. Thay vì chữa trị những sai trái, tốt hơn là đề phòng để những sai trái không xảy rạ Trong tất cả mọi sự, tình thương và sự dịu dàng là cơ sở cho tất cả mọi cư xử của Thánh Don Bosco. 
Hiền lành và vui vẻ là hai nhân đức trội vượt trong sự thánh thiện của Thánh Don Boscọ Với sự hiền lành đầy cảm thông, Thánh nhân nhìn mọi người bằng chính cái nhìn của Chúa Giêsụ Cái nhìn đó muốn nói với tội nhân hay bất cứ một tâm hồn xấu xa nào rằng: "Bạn có một giá trị cao cả. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương bạn. Bạn đừng ngã lòng". 
Ði đôi với sự hiền lành chính là vui vẻ. Châm ngôn của Thánh Don Bosco chính là: Phụng sự Chúa trong vui tươị Sự vui vẻ của Thánh Don Bosco là liều thuốc hữu hiệu nhất cho thời đại đầy ohiền muộn và chán nản của chúng tạ Niềm vui của Thánh nhân xuất phát từ một xác tín cơ bản trong Kitô giáo của chúng ta: Thiên Chúa là Tình Yêụ Do đó những người được Thiên Chúa yêu thương không thể nào buồn thảm được. 
Sứ điệp của Thánh Don Bosco vẫn luôn hợp thời, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của chúng tạ Giữa một xã hội mà tương quan con người được xây dựng trên thù hận, nghi kỵ, bon chen, giành giật, lừa đảọ Thánh Don Bosco nói với chúng ta rằng: Con người vẫn còn đáng thương yêu, vẫn còn đáng tôn trọng và tin tưởng. 
Giữa một xã hội mà sự buồn thảm đang ngự trị, Thánh nhân muốn đem lại cho chúng ta nụ cười của lạc quan. Nụ cười lạc quan đó chỉ có thể nở rộ khi con người còn tin tưởng ở Tình Yêu của Thiên Chúạ Giữa những mất mát từng ngày, Thánh Don Bosco mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm lại mọi sự trong Tình thương của Chúa.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:31