Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 17: 1-9)
Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia". Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ!" Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy".
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp “Evangelium Vitae” (Tin Mừng về sự sống) đã khẳng định: “Con người được gọi tới sự sống sung mãn vượt xa những chiều kích của cuộc sinh tồn trên trái đất này, vì được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa” (EV số 2). Quả thật cuộc sống của con người “được sáng tỏ nhờ lời hứa ban sự sống thần linh và được canh tân nhờ ơn ban sự sống thần linh” (EV số 2). Do đó sự hiện hữu của con người chứa đựng bản chất thần linh trong thân xác. Sự biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor xác quyết điều đó. Giáo lý Công giáo tuyên xưng: Chúa Giêsu là người thật, có nghĩa Chúa Giêsu cũng mang lấy thân xác bụi tro của đời sống nhân sinh và thân xác đó đã biến đổi chói ngời của Đấng thần linh. Sự hiển dung này đã chỉ cho chúng ta nhận ra “tính thần linh” nơi thân xác của chúng ta, để chúng ta làm một cuộc trở về. Trở về với bản chất đích thật của con người.
Cuộc trở về này không là một cuộc cách mạng đòi quyền làm Chúa. Con người mãi muôn đời vẫn là con người, có nghĩa là mãi là thụ tạo của Thiên Chúa. Con người được mang lấy bản chất thần linh không do yếu tính của mình, nhưng do tình yêu của Thiên Chúa. Bởi yêu thương, Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người được dự phần vào ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa, để nhờ đó con người khám phá và yêu mến những gì là chân là thiện (x. GS số 15). Bởi vậy lời mời gọi trở về không gì hơn là kêu gọi con người ý thức sự hiện hữu của mình để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Do đó trở về với bản chất thần linh của mình chính là thực hiện một cuộc gặp gỡ với Đấng nhờ đó mà mình được hiện hữu. Đấng đó chính là Chúa Giêsu. Thật vậy nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Chính khi gặp gỡ với Chúa Giêsu, chúng ta thực sự sẽ được Người biến đổi, vì Người như thế nào chúng ta sẽ trở nên giống như vậy.
Sự hiển dung của Chúa Giêsu trên núi Tabor là dấu chỉ của niềm hy vọng và cũng là lời mời gọi chúng ta bước vào cuộc hành trình trở về với chính mình, một thụ tạo được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và được trao ban cho sự sống thần linh. Sự trở về này được thực hiện trong từng giây phút của cuộc sống thường nhật bằng một thái độ đáp trả chân thành trước lời mời gọi của Đấng yêu thương, biến những đau khổ thành niềm hoan lạc vinh quang, biến những khước từ thành sự chiến thắng khải hoàn, biến những mất mát vì tình yêu Chúa thành kho tàng bất diệt và như thế chúng ta đang thực sự biến đổi dung mạo của thân phận bụi tro thành dung mạo chói ngời vinh quang Chúa.
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã thắp sáng niềm hy vọng về tương lai của chúng con sau này qua cuộc biến hình của Chúa. Xin cho chúng con sống trung thành với đức tin đã được Chúa ban tặng, để chúng con xứng đáng dự phần vào vinh phúc với Chúa sau này. Amen.
Biến cố Chúa Hiển Dung chúng ta mừng kính hôm nay được Tin mừng Nhất Lãm thuật lại (Mt 17,1-9; Mc 9,2-10; Lc 9,28-36). Biến cố này diễn ra sáu ngày sau lời loan báo về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu lần thứ nhất và khoảng một năm trước khi Ngài chịu chết khổ hình thập giá. Qua biến cố này, xin được gợi mở một vài suy niệm sau đây:
1. Biến cố Hiển Dung giúp các môn đệ tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Từ khi theo Thầy cho tới hôm nay, dầu ở gần Thầy, được nghe Thầy giảng, được chứng kiến nhiều phép lạ Thầy làm, nhưng các môn đệ vẫn chỉ thấy một Đức Giêsu của bản tính con người bằng xương bằng thịt. Nhưng hôm nay các ông thực sự thấy Ngài với một diện mạo khác: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”(Mt 17,2). Bên cạnh đó, các ông còn thấy các bậc vị vọng của Cựu Ước xuất hiện và đàm đạo với Ngài: “Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người” (Mt 17,3). Ngoài ra, các ông còn được Chúa Cha cho biết về Đức Giêsu rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Thấy những điều đó, các ông đã “sấp mặt xuống đất” (x. Mt 17,6). Thái độ này cho chúng ta biết, các ông tin lời Chúa Cha phán, tin Đức Giêsu thực sự là một vị Thiên Chúa.
2. Biến cố Hiển Dung giúp các môn đệ biết đón nhận đau khổ.
Biến cố Hiển Dung không chỉ giúp các môn đệ tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa mà còn giúp các ông biết đón nhận đau khổ. Thật vậy, qua biến cố này, các môn đệ hiểu được rằng, Đức Giêsu phải trải qua đau khổ mới tới vinh quang. Hay nới cách khác, Thập giá và Phục sinh luôn nối kết với nhau không thể tách rời. Hiểu được như vậy, nên các môn đệ dễ dàng chấp nhận lời loan báo của Đức Giêsu về thập giá và sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của người môn đệ Đức Giêsu, như lời Ngài mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Nhờ đó, các môn đệ nói chung và ba môn đệ được diễm phúc chứng kiến cuộc Hiển Dung hôm nay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Thầy trao phó: Thánh Phê-rô hoàn thành nhiệm vụ Tông đồ trưởng đã chết tử đạo, Thánh Gia-cô-bê là vị Tông đồ lãnh nhận phúc Tử đạo đầu tiên và Thánh Gioan là chứng nhân cuối cùng của các Tông đồ.
3. Biến cố Hiển Dung trở thành niềm hy vọng và an ủi cho hết thảy mọi người Kitô hữu.
Thật vậy, đứng trước đau khổ, con người thường có thái độ chán chường, thất vọng. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa đau khổ, nhất là khi biết nhìn vào biến cố Hiển Dung, con người sẽ tìm được niềm hy vọng và nguồn an ủi. Cho nên, biến cố Hiển Dung là niềm hy vọng và sự nâng đỡ cho những ai đang trong tình trạng đau khổ về tinh thần cũng như thể xác: Đó là những bệnh nhân đang ở trên dường bệnh; Đó là những tù nhân đang ở trong các trại giam; Đó là những ai đang ở trên bờ vực thẳm của đau khổ, sự chết …Chắc chắn họ sẽ tìm được sự nâng đỡ và ủi an khi suy niệm về biến cố Hiển Dung này. Dietrick Bonhoffer, vị mục sư người Đức đã bị giam tù vì can đảm lên tiếng chống lại chủ trương dã man độc ác của Đức Quốc Xã. Trong tám tháng bị giam giữ, ông đã không ngừng suy nghĩ về biến cố hiển dung của Chúa Giêsu và tìm thấy được ánh sáng ngay giữa những đêm dài vô tận trong một nhà tù ở Berlin. Ngay chính buổi sáng bị đem ra hành quyết, ông đã thốt lên: “Thế là hết! Cuộc sống đã khởi đầu đối với tôi .” Trong bài thơ có tựa đề Những Tiếng Thì Thầm Trong Đêm Tối, ông đã kêu gọi: “Hỡi những người anh em, sau những đêm dài, bao lâu ngày của chúng ta chưa đến, chúng ta hãy chiến đấu .” (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ của Radio Veritas Asia ).
4. Biến cố Hiển Dung mời gọi mọi người chúng ta “biến hình” mỗi ngày.
Đức Giêsu đã biến hình để cho các môn đệ thấy bản tính Thiên Chúa của Ngài. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Nhưng với thời gian, tội lỗi đã làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa. Muốn gần Thiên Chúa, muốn giữ được bản tính làm Con Thiên Chúa, chúng ta cần phải “biến đổi”: Nếu chúng ta đang là con người xấu, chúng ta hãy biến đổi trở thành con người tốt. Nếu chúng ta đang trong tình trạng tội lỗi hãy biến đổi thành con người lành thánh. Nếu chúng ta đang là những con người dối trá, lừa lọc hãy biến đổi thành những con người trung tín, thành thật. Không những chúng ta biến đổi mà còn giúp người khác biến đổi. Để biến đổi, chúng ta cũng phải lên núi cao và sống tinh thần tĩnh lặng giữa chúng ta với Chúa: Đó là những khi chúng ta cầu nguyện; Đó là khi chúng ta đọc và suy gẫm Lời Chúa; Đó là khi chúng ta đọc kinh phụng vụ; Đó là khi chúng ta tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích; Đó là thời gian chúng ta tĩnh tâm, chúng ta đang ở riêng với Chúa.
5. Biến cố Hiển Dung cũng nhắc nhở chúng ta vâng nghe Lời của Đức Giêsu.
Đức Chúa Cha đã phán với ba môn đệ rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Vâng nghe Lời Đức Giêsu tức là vâng nghe những giáo huấn của Ngài được ghi lại trong các cuốn Tin mừng. Vâng nghe lời Đức Giêsu là tuân giữ Mười điều răn của Chúa, sáu điều răn Hội Thánh. Vâng nghe không chỉ bằng môi miệng nhưng phải đem ra thực hành trong đời sống, vì “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết .” (Gc 2,17)
Tóm lại, biến cố Chúa Hiển Dung không những củng cố đức tin cho các môn đệ mà còn củng cố đức tin cho mỗi người chúng ta vào Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đồng thời, qua biến cố này, giúp các môn đệ và mỗi người chúng ta chấp nhận và vượt qua những thử thách đau khổ trong cuộc đời với niềm hy vọng được phục sinh vinh quang.
Lạy Chúa, xin củng cố đức tin cho chúng con như xưa Chúa đã cũng cố đức tin cho các môn đệ. Xin giúp mỗi người chúng con hiểu biết nguyên tắc căn bản này là muốn tới vinh quang phải qua con đường thập giá. Amen.
Ý NGHĨA BIẾN CỐ HIỂN DUNG ?
Hiển Dung là minh chứng Đức Giêsu chiến thắng mọi ác thần trong suốt cuộc đời của Ngài chịu cám dỗ, khởi đi từ phép rửa ở sông Giođan cho tới núi Sọ.
(2) NÚI CÁM DỖ
(4) NÚI HIỂN DUNG
VINH QUANG
(1) PHÉP
RỬA
(3) NÚI TỬ NẠN
+ P. SINH
Nhìn vào lược đồ trên cho chúng ta thấy : những gì xảy ra ở (4) thì cũng diễn ra ở (1) và (2) ; đồng thời cũng sẽ xảy ra ở (3) .
Bằng chứng :
- Phép rửa với Hiển Dung :
Lời của Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu cho nhân loại : “Đây là Con chí ái Ta, kẻ Ta sủng mộ”, chỉ xuất hiện hai lần trong cuộc đời của Ngài : Khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giođan (x Mt 3,17) và lúc Ngài Hiển Dung ở núi cao (Mt 17,5a ; Mc 9,2 ; Lc 9,28b: Tin Mừng).
b- Cám dỗ với Hiển Dung và Tử Nạn:
Đức Giêsu bị cám dỗ liên lỉ, điển hình :
- Đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu, quỷ cám dỗ Ngài ba lần (x Mt 4,11).
- Tại núi Hiển Dung, môn đệ cám dỗ Đức Giêsu đừng xuống núi để các ông làm ba lều (x Mt 17,4 : Tin Mừng).
- Vào giờ Đức Giêsu chịu Tử Nạn, mọi người cám dỗ Ngài ba điều :
- Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại?
- Hãy cứu lấy mình đi?
- Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào? (Mt 27,40).
c- Hiển Dung với Tử Nạn, Phục Sinh, và Lên Trời.
Ta thấy các chi tiết ở núi Hiển Dung đều xảy ra vào giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu:
- Ông Matthêu ghi “sáu ngày sau” Đức Giêsu Hiển Dung (x Mt 17,1) là báo trước Ngài bị giết vào ngày thứ sáu, rồi ngày thứ I trong tuần, tức là ngày thứ tám Ngài sống lại và lên trời (x Lc 24).
- Tại núi Hiển Dung, cũng như núi Cây Dầu, vào giờ Tử Nạn, Đức Giêsu bị bắt đều có ba ông Phêrô, Gioan và Giacôbê ở với Đức Giêsu (x Mt 17,4 = Mt 26,37).
- Nơi núi Hiển Dung và núi Sọ (vào lúc 3 giờ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh), rồi lên trời đều có mây bao phủ ngọn núi (x Mt 17,5 = Mt 27,45 = Cv 1,9).
- Nơi núi Hiển Dung có hai ông Môsê và Êlya hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu (x Mt 17,3 ; Mc 9,4 ; Lc 9,30: Tin Mừng) ; thì vào lúc Đức Giêsu phục sinh có hai Thiên thần từ trời đến báo cho các bà ra mộ : Đức Giêsu không còn ở đây (x Ga 20,12) ; và chính lúc Đức Giêsu lên Trời, cũng có hai Thiên thần nói với các môn đệ đang đứng nhìn Thầy về Trời : các ông hãy trở về, Ngài sẽ đến cùng một thể thức như các ông vừa thấy (x Cv 1,10).
B. GIÁO HUẤN
CÁC KITÔ HỮU PHẢI DIỄN TẢ VINH QUANG THIÊN CHÚA
Biến cố Hiển Dung, chắc chắn Chúa Giêsu muốn ta đạt ba vinh quang :
- Thân xác khỏe mạnh.
- Trí tuệ thông minh, tài ba.
- Tâm hồn đạo đức thánh thiện.
Thánh Tôma Tiến sĩ nói : “Mỗi vấn đề phải được giải quyết trong lãnh vực của nó”.
1/ Muốn có thân xác khỏe mạnh, ta phải ăn uống điều độ và đủ chất dinh dưỡng ; thêm vào mỗi ngày ta phải tập thể thao thể dục.
2/ Muốn có trí tuệ thông minh, tài ba, ta phải chăm chỉ học hành và cần cù làm việc.
3/ Muốn có tâm hồn đạo đức thánh thiện, ta phải là người Công Giáo siêng năng hiệp dâng Thánh Lễ, để tâm nghe và thực hành Lời Chúa qua Phụng Vụ của Hội Thánh.
Nhưng
a- Nghe Lời Chúa ở đâu ?
Phải khẳng định rằng ta chỉ được trực tiếp nghe Lời Con yêu dấu của Chúa khi Hội Thánh giảng dạy trong Phụng Vụ (x Dt 1,1-2). Chân Lý này đã được mạc khải trong trình thuật Đức Giêsu Hiển Dung, Chúa Cha đã giới thiệu Con của Người, và buộc loài người phải nghe Lời Con của Người : “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Ngài” (Mt 17,5 : Tung Hô Tin Mừng). Thế mà sau đó, Đức Giêsu lại ra lệnh cho các môn đệ : “Chúng con phải im lặng cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mt 17,9 ; Mc 9,9: Tin Mừng). Như chúng ta biết từ lúc Đức Giêsu bị xử án, Ngài đã chấm dứt giảng dạy, ai muốn nghe Giáo Lý của Đức Giêsu, Ngài bảo : “Cứ vào Nhà Thờ hỏi người nghe tôi giảng dạy, vì hằng ngày tôi giảng cách công khai ở đó” (x Ga 18,19-21), thì ta phải hiểu đó chính là lúc Hội Thánh cử hành Phụng Vụ, là ta thực hành giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Phụng Vụ số 7: “Thiên Chúa hiện diện thiết thực khi ta đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh”. Vì trong Phụng Vụ Hội Thánh thể hiện quyền giáo huấn Chúa đã ban riêng cho, bằng cách chọn các Bài đọc trích từ Kinh Thánh và giáo sĩ giảng phải dựa vào các Bài đọc ấy mà trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và những Quy Tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ (x HCPV số 24 và 52).
Vậy lệnh Đức Giêsu cấm các môn đệ không được nói cho ai những gì họ đã được mắt thấy tai nghe ở trên núi Hiển Dung, cho đến khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, TRỞ THÀNH LỜI GIẢI THÍCH lệnh : “Chúa Cha truyền phải nghe Lời Con của Người”, chính là CHÚA CHA BUỘC MỌI NGƯỜI PHẢI NGHE LỜI HỘI THÁNH.
Mặt khác, ta lại biết ngay từ lúc Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai tại tiệc cưới Cana, để rồi lên đường đi giảng Lời, thì đã có Mẹ Maria dặn bảo loài người : “Đức Giêsu bảo gì cứ làm theo” (Ga 2,5). Như vậy Mẹ Maria đã dặn mọi người phải nghe và thực hành Lời Đức Giêsu trong ba năm Ngài giảng dạy bằng con người xương thịt ; còn Chúa Cha thì buộc mọi người phải nghe và thực hành Lời Con chí ái của Ngài, khi Hội Thánh lên tiếng giảng trong Thánh Lễ.
Ta biết lý do ba môn đệ muốn dựng ba lều ở trên núi Hiển Dung : một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlya, là vì các ông nhận ra rằng nơi đây là Nhà Tạm của Thiên Chúa. Vì trong thời ông Môsê còn dẫn dân bỏ Ai Cập về đất Hứa, trước khi ông có ý kiến với dân, thì ông vào Lều Hội Ngộ (Nhà Tạm của Thiên Chúa), nơi đặt hai Bia Đá để thỉnh ý Chúa, lúc ấy có mây bao phủ Lều (x Xh 33,7t). Đây là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, nên nhiều thế kỷ sau, khi Đền Thờ được khánh thành, mây cũng bao phủ khắp Đền Thờ (x 1V 8,10).
Nhưng Đức Giêsu không cho các ông dựng Lều ở trên núi Hiển Dung, đó mới chỉ là dấu chỉ Nhà Tạm của Thiên Chúa, do đó Ngài buộc các ông phải xuống núi để đi loan báo Tin Mừng, quy tụ muôn dân vào Hội Thánh. Đấy mới thực là Lều của Thiên Chúa, Ngài luôn hiện diện với dân, đặc biệt khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ. Nơi đây người ta được Chúa dạy bảo, hơn xưa ông Môsê vào Lều Hội Ngộ (Nhà Tạm) thỉnh ý Chúa.
b- Nghe Lời Chúa, tâm tư ta phải thế nào ?
Đức Giêsu phục vụ đến mất mạng mới có Lời dạy trong Thánh Lễ, nên ta không phải chỉ là nghe Lời Chúa bằng lỗ tai, mà nghe bằng con tim thể hiện bằng hành động như Đức Giêsu. Đức Hồng y Newmann nói : “Giảng là trái tim nói với trái tim” (Cor ad cor loquitur). Có thế, trong ngày cánh chung, ta mới được vinh quang giống Chúa Giêsu (x 1Ga 3,2). Vì “nếu ta cùng chịu đau khổ với Ngài, thì ta sẽ cùng sống ; nếu ta chịu đựng, ta sẽ đồng hiển trị” (2Tm 2,11-12a).
c- Nghe và thực hành Lời Chúa đem lại cho ta điều gì ?
Vinh quang của Chúa Giêsu Phục Sinh đã bày tỏ cho ba chứng nhân là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Sau khi Đức Giêsu chết và sống lại, ông Phêrô mới tiết lộ : “Tôi đã được thấy tận mắt vẻ huy hoàng lẫm liệt của Người, Người được Cha ban vinh quang danh dự, như Lời Chúa Cha xác nhận : “Đây là Con yêu dấu của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ” (2Pr 1,16-17 : Bài đọc II), và “Người được Chúa Cha trao cho quyền thống trị vĩnh cửu, muôn người thuộc mọi chi tộc, mọi quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Ngài” (Dn 7, 9-10.13-14 : Bài đọc I), vì “Người là Vua hiển trị, Đấng cao cả trên khắp địa cầu” (Tv 97/96,1a.9a : Đáp ca). Nhưng Đức Giêsu chỉ chăm sóc đoàn chiên của Ngài là những kẻ biết nghe Lời Ngài (x Ga 10,27-30), nên thánh Phêrô nói tiếp : “Chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào Lời Kinh Thánh. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì Lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2 Pr 1,19 : Bài đọc II). Vì mỗi ngày ta tham dự tiệc Thánh Thể, được Hội Thánh dùng quyền năng Chúa Thánh Thần khắc ghi Lời Chúa vào thân xác và linh hồn (x 2Cr 3,3). Nhờ đó ta “không còn rập theo thói đời này, trái lại, phải canh tân lương tri mà biến hình đổi dạng” (Rm 12,2a), để được vinh quang như Đức Giêsu đã bày tỏ trên núi Thánh.
Vậy mỗi khi ta tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh, đặc biệt là Thánh Lễ, ta được nghe Lời Con chí ái của Cha, và trở nên một trong Người, thì ta như một thanh sắt được nung trong lửa, vì Thiên Chúa là Lửa (x Dt 12,29). Do đó ngôn sứ Daniel nói : “Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra” (Dn 7,9c-10a : Bài đọc I). Khi thanh sắt đã được nung đỏ, thì không ai nhìn nó như cây sắt, nhưng thấy nó là thanh lửa. Thế nên ta cũng được thông dự vinh quang với Con Thiên Chúa đã hé mở trên núi Hiển Dung, và được tồn tại muôn đời, như hai ông Môsê và Êlya, cùng xuất hiện trong vinh quang trên núi Hiển Dung với Đức Giêsu, chỉ vì hai ông có liên hệ mật thiết với Lời Chúa, đúng như Lời Đức Giêsu đã nói : “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24,35). Nghĩa là ai liên hệ mật thiết với Lời Chúa, thì họ là con người vĩnh cửu như ông Môsê. Điều ấy Kinh Thánh chứng minh : Dù người ta đã chôn cất ông trong xứ Môab theo lệnh của Chúa, nhưng không ai tìm ra mộ của ông (x Dnl 30,6) ; còn ông Êlya thì đang sống, Chúa đã cất giấu ông đi và sẽ cho xuất hiện trong ngày Chúa quang lâm (x Hc 48,1 ; Ml 3,23).
THUỘC LÒNG
Nếu việc phục vụ Lề Luật - thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá - mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Môsê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang - dù đó chỉ là vinh quang chóng qua -, thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao? (2 Cr 3, 7-8).