ƠN CỨU ĐỘ CHO MỌI NGƯỜI
“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” … “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.” (Mt 15,27.28)
Suy niệm: Cho đến nay, lối sống đạo của nhiều Ki-tô hữu chúng ta khiến người khác nghĩ rằng Đạo chỉ giới hạn trong khuôn viên nhà thờ, trong hàng rào nhà người công giáo, không thể ra xa hơn. Bỗng dưng, người ta tự rào kín Nước Thiên Chúa trong một mảnh đất nhỏ, một nhóm người quen thuộc. Người Do Thái ngày xưa cũng tưởng rằng lời Chúa hứa dành cho Áp-ra-ham và dòng dõi ông, như thể ân sủng của Thiên Chúa là độc quyền của họ. Hậu quả là họ đã lánh xa các anh chị em khác và tự làm nghèo đi các ân sủng mình được nhận lãnh. Thực ra, Thiên Chúa muốn mọi dân nước cũng được hưởng ân phúc từ dòng dõi của Áp-ra-ham. Đức Giê-su cũng không giới hạn sứ mạng của Người chỉ nơi biên giới Do Thái, mà mở rộng ra đến mọi dân tộc. Hơn nữa, Ngài còn nêu lòng tin của người phụ nữ Ca-na-an này như một gương mẫu cho các tín hữu. Bởi ý muốn của Thiên Chúa là cứu độ hết mọi người (x. 1Tm 2,4), và những người chưa biết Chúa đã là mảnh đất tốt sẵn chờ hạt giống Tin Mừng gieo vào (x. Vat II, Lumen Gentium 16).
Mời Bạn góp phần mở rộng các sinh hoạt giáo xứ tới những gia đình chưa biết Chúa và chưa đón nhận Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Chúng ta không ngại giới thiệu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô bằng lời nói và nhất là bằng chứng tá đời sống của mình tại những môi trường mình hiện diện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, này con đây, xin sử dụng con tuỳ Chúa muốn, để qua con, Chúa có thể đi đến, gặp gỡ, yêu thương và phục vụ nhiều anh chị em còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa hôm nay.
(1891-1942) |
Edith Stein, một nữ tu Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm và một văn sĩ sáng giá, không những ngài có ảnh hưởng lớn ở thời ấy mà ngày nay, ảnh hưởng ấy đang lan tràn trong giới triết gia và trí thức ở Đức cũng như trên toàn thế giới. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là di sản, và cuộc đời ngài được dâng hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc Do Thái.
Sinh ngày 12 tháng Mười 1891 trong một gia đình Do Thái ở Breslau, nước Đức, ngay từ nhỏ Edith Stein đã chứng tỏ năng lực học hỏi lạ thường, và vào lúc bắt đầu Thế Chiến I, ngài đã học xong triết và ngữ văn tại đại học Breslau và Goettingen.
Sau cuộc chiến, ngài tiếp tục cao học tại Đại Học Freiburg và lấy bằng tiến sĩ ưu hạng về triết. Sau đó ngài là giáo sư phụ tá và là cộng tác viên của Giáo Sư Husserl, cha đẻ của hiện tượng học và cũng là người có ảnh hưởng lớn đến tư duy của thánh nữ.
Trong tất cả các ngành học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm chân lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo sau khi đọc tự truyện của Thánh Têrêsa Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày đầu năm 1922.
Sau khi trở lại đạo, Edith dùng toàn thời giờ để dạy học, diễn thuyết, viết lách và dịch sách, và không bao lâu ngài trở nên một triết gia và tác giả nổi tiếng, nhưng điều ngài khao khát là cuộc sống cô độc và tịnh niệm của dòng Camêlô, là nơi ngài tận hiến cho Thiên Chúa và người dân của ngài. Trước khi Đức Quốc Xã bách hại người Do Thái khiến ngài phải ngưng mọi hoạt động thì cha linh hướng đã đồng ý để ngài gia nhập dòng Camêlô Hèn Mọn ở Cologne-Lindenthal vào tháng Mười năm 1933. Vào tháng Tư năm kế tiếp, ngài được mặc áo dòng và lấy tên là "Têrêsa Bênêđícta của Thánh Giá." Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1935, ngài khấn trọn.
Khi sự bách hại người Do Thái gia tăng mãnh liệt và điên cuồng, Sơ Têrêsa Bênêđícta nhận thấy sự nguy hiểm khi có mặt tại nhà dòng Camêlô ở Cologne, và ngài đã xin phép bề trên để di chuyển đến một tu viện ở ngoại quốc. Vào đêm 31 tháng Mười Hai 1938, ngài bí mật vượt biên giới đến Hòa Lan là nơi ngài được tiếp đón một cách nồng nhiệt vào dòng Camêlô ở Echt. Ở đây ngài sáng tác văn bản sau cùng là Thánh Giá Học.
Chính Thánh Giá của ngài thì ngay ở trước mặt, vì lúc ấy Đức Quốc Xã đã xâm lăng Hòa Lan, và khi các giám mục Hòa Lan công bố lá thư mục vụ phản đối việc trục xuất người Do Thái và đuổi các học sinh Do Thái ra khỏi trường Công Giáo, thì Đức Quốc Xã ra lệnh bắt giữ mọi người Công Giáo thuộc gốc Do Thái ở Hòa Lan. Sơ Têrêsa Bênêđícta bị bắt vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được chở đến trại tử thần Auschwitz. Ngài chết trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz ngày 9 tháng Tám 1942.
Vào ngày 1 tháng Năm 1987, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Sơ Têrêsa Bênêđícta, và sau cùng sơ được phong thánh ngày 11 tháng Mười 1998.
Lời Bàn
Các sáng tác của Sơ Têrêsa Bênêđícta có đến 17 tập, phần lớn đã được dịch sang Anh ngữ. Là một phụ nữ chính trực, ngài theo đuổi chân lý mà bất cứ đâu chân lý đưa đẩy đến. Sơ Josephine Koeppel, O.C.D., người đã dịch vài cuốn sách của Sơ Têrêsa Bênêđícta, nhận xét tổng quát về vị thánh này như sau, ngài "học biết cách sống trong bàn tay Thiên Chúa."
Lời trích
Trong bài giảng lễ phong thánh, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Vì Edith Stein là người Do Thái nên cùng với người chị là Rosa và những người Công Giáo cũng như Do Thái khác bị đưa từ Hòa Lan đến trại tập trung Auschwitz, là nơi ngài chết vì hơi ngạt. Ngày nay, chúng ta tưởng nhớ ngài với lòng tôn trọng sâu xa. Một vài ngày trước khi bị trục xuất, người phụ nữ đạo đức này đã gạt bỏ vấn đề được cứu nguy: 'Đừng làm như vậy! Tại sao tôi phải được miễn trừ? Không đúng sao khi tôi chẳng được ích gì từ bí tích Rửa Tội? Nếu tôi không thể chia sẻ số phận với anh chị em của tôi, đời sống của tôi chắc chắn bị tiêu diệt'."
Với những người trẻ có mặt trong buổi lễ, đức giáo hoàng nói: "Cuộc đời các con không phải là một chuỗi không cùng của những cánh cửa mở! Hãy lắng nghe tâm hồn mình! Đừng dừng ở ngoài mặt nhưng đi sâu vào tâm điểm của mọi sự! Và khi đến giờ, hãy có can đảm quyết định! Thiên Chúa chờ đợi các con phó thác sự tự do của mình trong bàn tay nhân ái của Người."
Xin Hãy Dùng Con Như Khí Cụ Bình An!
Ngày 09/8 hàng năm, hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.
Ðúng 11 giờ 03 phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.
Ngày 09/8/1945, quả bom nguyên tử đầy tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu hủy gần như trọn vẹn thành phố Nagasaki.
Lên tiếng trong một tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu như sau: "Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại.
Cũng trong bài diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên bang nga và Hoa Kỳ hãy ngồi vào bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hòa bình giữa Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân...
Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào là sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.
Lời kêu gọi trên đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên bang nga. Lời kêu gọi đó cũng phải được truyền đến tận tai của từng người.
Nhưng hòa bình không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao tặng cho con ngườõ. Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên được chiều kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn con người.
Con người cần phải cầu nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có hủy bỏ mọi vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó...