THẾ NÀO LÀ BIẾT ĐỨC KI-TÔ?
“Người ta nói: Con Người là ai?” (Mt 16,13)
Suy niệm: Người ta nói Đức Giê-su là ngôn sứ. Điều này không sai, vì Đức Giê-su đến trần gian Người đảm nhận sứ vụ ngôn sứ, là truyền đạt lời Chúa Cha cho nhân loại. Tuy nhiên, Đức Giê-su còn hơn cả ngôn sứ. Người là Đấng được xức dầu làm vua và làm Chúa; Người là Thiên Chúa. Do đó, câu trả lời của Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” là rất chính xác.
Mời Bạn: Chúng ta có thể lấy câu nói của thánh Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” làm câu trả lời cho câu hỏi Đức Giê-su là ai. Tuy nhiên, nếu chỉ biết Đức Giê-su bằng một câu trả lời suông như thế chỉ là biết theo lý thuyết. Trong khi cái biết sâu sắc về Đức Giê-su là cái biết của thực hành, của việc đi theo Đức Giê-su và nên một với Người trong cuộc thương khó, trong cái chết và phục sinh.
Chia sẻ: Bạn cảm nghiệm thế nào khi liên kết đau khổ của mình với cuộc thương khó của Đức Giê-su?
Sống Lời Chúa: Nhẩm đi nhẩm lại câu: Đối với tôi Đức Giê-su là ai?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con đường Chúa đi là đường thương khó và phục sinh, xin cho chúng con can đảm chứng minh rằng chúng con biết Chúa bằng cách chia sẻ cuộc thương khó và phục sinh với Chúa.
(1786-1859) |
Thật ít người có được sự quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua các trở ngại và đạt được các kỳ công. Thánh Gioan Baotixita Vianney (còn được gọi là Cha Sở họ Ars) là một người có quyết tâm: Ngài muốn trở nên một linh mục. Nhưng trở ngại lớn nhất là ngài không có căn bản học vấn cần thiết.
Sau thời gian nhập ngũ và trở lại chủng viện, ngài không hiểu nổi các bài học bằng tiếng Latinh nên bị đuổi ra khỏi trường. Nhờ sự giúp đỡ kiên nhẫn của Cha Balley để dạy riêng ở nhà, sau cùng Gioan được nhận trở lại và được thụ phong linh mục với nhiều cay đắng.
Hầu như chẳng giám mục nào muốn có một linh mục như Gioan, do đó, họ đưa ngài về một giáo xứ hẻo lánh, chỉ có 40 gia đình nhưng có đến 4 quán rượu. Khi ngài đến tỉnh Ars nước Pháp, lúc ấy đã 31 tuổi, hầu như chẳng ai thèm lưu ý. Tỉnh này nổi tiếng là nơi đầy ải các linh mục. Giáo dân thì thờ ơ với việc đạo đức và thoải mái với nếp sống cố hữu của họ.
Không bao lâu họ thấy có những thay đổi. Khi nhìn trộm qua cửa sổ họ thấy cha sở gầy gò ốm yếu cầu nguyện suốt đêm. Có người thấy ngài vất bỏ các bàn ghế đắt tiền và thay chiếc giường nệm êm ấm bằng các khúc gỗ sần sùi. Cũng có người thấy ngài chia sẻ quần áo cho người ăn xin, và chính ngài chỉ ăn có hai củ khoai mỗi ngày. Một vài người tò mò đến nhà thờ nghe giảng, và họ thấy tiếng nói của ngài như xé vào tai nhưng có sức đánh động tâm hồn. Từ tò mò dẫn đến nghi vấn. Có thể nào đây là một linh mục đích thực? Và nhà thờ bắt đầu đông người trở lại.
Cha Gioan đã trở nên một phần tử của cộng đồng nhỏ bé ấy. Mỗi ngày ngài đi thăm các giáo dân và lắng nghe những ưu tư của họ. Ngài không hiểu tiếng Latinh nhưng ngài rất hiểu các nỗi khó khăn của đời sống người dân. Do đó, sau mười hai năm, hầu như mọi người trong tỉnh đều tham dự Thánh Lễ hàng ngày và các nông dân vừa lần chuỗi vừa cầy cấy nơi đồng áng.
Sự thay đổi không phải dễ dàng. Những dèm pha, đàm tiếu, chụp mũ Cha Gioan cũng không thiếu. Đối phó với những người ấy, ngài chỉ im lặng và nhẫn nhục chịu đựng.
Công việc giải tội là thành quả đáng kể nhất của Cha Gioan. Khi mới chịu chức linh mục, ngài không được phép giải tội vì học lực quá kém. Nhưng ở họ đạo Ars, điều giáo dân lưu tâm là ngài có khả năng thấu suốt linh hồn họ, khuyên bảo họ một cách chân thành với tấm lòng quý mến.
Dân chúng từ khắp Âu Châu đổ về tỉnh nhỏ xíu ấy chỉ để xưng tội. Trong những tháng mùa đông, ngài phải mất từ 11 đến 12 tiếng đồng hồ để đưa người ta về với Thiên Chúa. Trong mùa hè, thời gian giải tội lên đến 16 tiếng. Đó là chưa kể cảnh giáo dân, vì quá ái mộ ngài nên họ luôn rình rập để cắt áo, cắt tóc và lấy trộm mũ của ngài làm kỷ niệm. Nhưng các điều ấy không tệ hại cho bằng cứ phải nghe những câu chuyện đau lòng trong toà giải tội. Nếu một người không quyết tâm sống ơn gọi linh mục thì không thể nào chịu đựng nổi sự hy sinh bền bỉ như vậy.
Với thân hình mảnh khảnh nhưng gánh nặng quá lớn vì yêu quý các linh hồn, sức khoẻ của ngài ngày càng sa sút. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài tìm cách trốn khỏi giáo xứ để có chút thời giờ tĩnh dưỡng, nhưng cả xứ biết tin đã tìm cách chặn đường ngài. Bất chấp điều ấy, ngài lên đường trở về quê nhà nhưng cả đoàn người hành hương lại theo ngài đến đó. Biết rằng không thể nào được yên thân, ngài trở về họ đạo.
Ngài từ trần ngày 4 tháng Tám 1859 sau cơn bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1925 và năm 1929, ngài được đặt làm quan thầy chính thức của các cha xứ.
Lời Trích
Nhận xét về sự cầu nguyện chung trong phụng vụ, Thánh Gioan Vianney cho biết: "Cầu nguyện riêng giống như cọng rơm rải rác đó đây: Nếu bạn đốt lên nó chỉ tạo thành ngọn lửa nhỏ. Nhưng gom các cọng rơm ấy lại và đốt lên, bạn có được ngọn lửa lớn, vươn lên cao như một cột lửa đến tận trời xanh; cầu nguyện chung thì cũng giống như vậy."
Sức mạnh Của Thiên Chúa
Ðược biết đến và được yêu mến như cha sở họ Ars, cha Gioan Maria Vianney, vị thánh được giáo hội mừng kính hôm nay, là một trong những người làm chứng về lời thánh Phaolô đã nói: "Thiên Chúa đã chọn những người không ra gì, để làm rối loạn những người mạnh mẽ".
Năm 1815, thầy Gioan được truyền chức linh mục.
Sau ba năm tập sự dưới sự hướng dẫn của cha Balley, cha Gioan được chỉ định đến xứ Ars. Trên đường đi nhận họ đạo, khi đi đến khúc đường chật hẹp, cỏ mọc ngụp đầu người, giữa lúc không còn biết hướng đi, cha Gioan đã dừng lại hỏi cậu bé mười tuổi tên Anton đang chăn cừu gần đấy. Cậu bé lịch sự chỉ lối cho cha.
Ngày nay tại nơi đây, dân làng Ars đã dựng một tượng đài để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, gồm có tượng đồng diễn tả thánh Gioan Vianney đang đứng trò chuyện với cậu Anton, một tay ngài đặt lên vai cậu, một tay chỉ lên trời.
Thực ra, cha Gioan đã không những giữ lời mình đã hứa chỉ đường cho một mình em Anton về quê Trời mà thôi, nhưng cho cả giáo xứ Ars và trăm ngàn người khác từ khắp nơi kéo đến hành hương, để được xưng tội và được hướng dẫn trở về đường ngay nẻo chính.
Ý thức bổn phận của linh mục là dấn thân phục vụ cho đàn chiên, cha Gioan đã hoạch định cho mình một chương trình sống, một chương trình chúng ta có thể gói gém vào ba hoạt động chính sau đây: Nếp sống khắc khổ hy sinh, tôn sùng Phép Thánh Thể và thi hành việc mục vụ qua lời giảng dạy cũng như trong tòa Giải Tội.
Ðể thi hành việc mục vụ, cha Gioan đã cho tha nhân thời giờ của mình: Mỗi ngày cha chỉ dùng 2 hay 3 giờ để nghỉ ngơi lấy sức. Giờ còn lại cha dùng để cầu nguyện và giải tội.
Quỳ lâu trong nhà thờ vào lúc canh khuya, cha Gioan duyệt lại trước Thánh Thể hoàn cảnh của tất cả 230 tín hữu trong họ đạo Ars, từng người một, từng nhu cầu của mỗi người.
Ngoài ra, mỗi ngày vào mùa đông lạnh lẽo, cha Gioan giải tội trung bình khoảng 11 hay 12 tiếng đồng hồ. Vào mùa hè, có khi ngài sử dụng đến 16 giờ để giao hòa các hối nhân lại với Thiên Chúa.
Cha Gioan thường gọi những giờ giải tội lâu dài này là "Giờ của Thiên Chúa". Trong suốt 41 năm mục vụ, cha Gioan có dịp nghe những tội lỗi của con người, những vấn đề, những khó khăn của trần gian. Ðể xoa dịu, mỗi sáng bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ, cha mang theo hết mọi ý nguyện, mọi hoài bão cũng như mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm của toàn dân, để xin Thiên Chúa thanh luyện, cải hóa.