Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 3/8/2017

Filled under:

NHẮM TỚI TRẬN CHUNG KẾT
“Nước Trời cũng giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển…” (Mt 13,47)
Suy niệm: Giải bóng đá chưa khai mạc, người ta đã ồn ào tiên đoán những đội bóng nào sẽ vào chung kết và đội nào sẽ vô địch. Càng đi sâu vào giải càng nhiều bất ngờ. Nhưng dẫu cho có bất ngờ, đội vô địch bao giờ cũng phải thực sự là một đội mạnh. Dụ ngôn lưới cá được đặt sau một loạt các dụ ngôn về Nước Trời, tổng hợp chủ đề của các dụ ngôn đó để tiết lộ về toàn cảnh hồi chung kết của cuộc đua vào Nước Trời: đó là sự phân định rạch ròi giữa tốt và xấu, và dù thế nào đi nữa, chỉ có những gì thực sự là tốt mới được vào Nước Trời. Vì thế, trong trận chung kết để vào Nước Trời, không có chuyện người này loại bỏ kẻ kia, mà chỉ có những người tự loại bỏ mình ra khỏi Nước Trời vì trong cuộc sống họ đã không dứt khoát loại bỏ điều xấu để chọn điều tốt.
Mời Bạn: Như một huấn luyện viên tài ba luôn nhắm đến trận chung kết, thánh Phao-lô dạy chúng ta, để làm một vận động viên xuất sắc trong cuộc đua vào Nước Trời, phải dám “mất hết, coi mọi sự như rác, để được Đức Ki-tô”  “chỉ chú ý một điều là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình tới trước” nhắm“chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho những ai được kêu gọi trong Đức Ki-tô” (x. Pl 3). Biết tiêu chí của Nước Trời là chọn điều tốt, và với phương pháp của thánh Phao-lô, bạn đã sẵn sàng bước vào cuộc đua để được đón nhận vào Nước Trời chưa?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi quyết tâm dứt khoát từ bỏ một tật xấu làm trì trệ đời sống thiêng liêng của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa, Chúa của con. Amen. (theo Pl 3,8)
Vị Đáng Kính Antôn Margil
(1657-1726)
Antôn sinh ở Valencia, Tây Ban Nha. Sau khi gia nhập dòng Phanxicô và được thụ phong linh mục, ngài quyết định trở thành nhà truyền giáo. Khi hội thừa sai Santa Cruz ở Querétaro, Mễ Tây Cơ, được thành lập, Cha Antôn tình nguyện đến làm việc. Khi ngài đến Vera Cruz vào năm 1683, thành phố ấy tiêu điều vì hải tặc tấn công. Đời sống ở Tân Thế Giới không dễ dàng gì.
Trong 43 năm mục vụ, Cha Antôn ngang dọc khắp lãnh thổ rộng lớn ở Tân Tây Ban Nha. Ngài làm việc ở Costa Rica, Guatemala, Mễ Tây Cơ và Texas. Sau 13 năm làm giám đốc ở Querétaro, ngài thiết lập các hội thừa sai ở Guatemala City và ở Zacatecas, Mễ Tây Cơ.
Tuy Cha Antôn rất quen với sự hy sinh nhưng đời sống truyền giáo vẫn có nhiều cơ hội để hãm mình phạt xác. Ngài phải đi bộ hàng ngàn dặm và phải can trường đối phó với thái độ thù nghịch của người da đỏ.
Năm 1716, các nhà truyền giáo thuộc hội thừa sai Zacatecas thành lập trung tâm truyền giáo Guadalupe ở miền đông tiểu bang Texas. Còn Cha Antôn thì thiết lập các hội thừa sai ở Dolores và San Miguel cũng trong tiểu bang này. Khi cuộc chiến với Tây Ban Nha khiến người Pháp đổ bộ vào miền đông Texas năm 1719, Cha Antôn và các nhà thừa sai rút về Trung Tâm San Antonio (sau này gọi là Alamô), được thành lập vào năm trước đó. Vào năm 1720, ngài bắt đầu thành lập Trung Tâm San José ở San Antonio.
Cha Antôn từ trần ở Mexico City ngày 6 tháng Tám 1726. Năm 1836, ngài được tuyên xưng là đấng đáng kính.

Lời Bàn

Các nhà truyền giáo như Cha Antôn có cuộc sống rất vất vả. Công việc thì khổ cực mà kết quả thì chưa thấy đâu. Cũng như các nhà thừa sai trước đó và sau này, Cha Antôn tin tưởng rằng, Thiên Chúa mới là người sau cùng đem lại kết quả tốt đẹp cho những hy sinh ấy.

Lời Trích

"Nhưng trước khi tất cả các điều ấy xảy ra, thì người ta sẽ bắt bớ và ngược đãi anh em; họ sẽ nộp anh em cho các hội đường và nhà tù, và anh em sẽ bị điệu đến trước vua chúa quan quyền vì danh Thầy... Vậy anh em nhớ đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào; vì chính Thầy sẽ cho anh em tài ăn nói và sự khôn ngoan mà không đối thủ nào có thể chống lại hay phủ nhận được" (Luca 21:12, 14-15).

03. 8 Thánh Phêrô Julian Eymard, Linh mục (1811-1868)

Ngài sinh tại La Mure d'Isère ở Đông Nam Pháp quốc, hành trình đức tin của ngài đưa ngài từ một linh mục giáo phận Grenoble (1834) gia nhập Dòng Marists (1839 – Dòng Tiểu đệ Đức Mẹ do Lm Jean Claude Colin thành lập tại Pháp năm 1817, chuyên việc giáo dục), rồi ngài lập Dòng Thánh Thể (Congregation of the Blessed Sacrament, viết tắt SSS từ Latin là Societas Sanctissimi Sacramenti) năm 1856.
Ngài còn đối phó với sự nghèo đói, với việc cha ngài phản đối ơn gọi của ngài, bệnh nặng, sự bành trướng của giáo phái Gian-sen (xem chú thích ở ngày 1-8), những khó khăn của giáo phận, nhưng sau đó được ĐGH phê chuẩn dòng mới của ngài.
Những năm ngài là tu sĩ Dòng Tiểu đệ Đức Mẹ, ngài thấy đắm mình trong việc sùng kính Thánh Thể, nhất là khi ngài giảng Bốn Mươi Giờ ở các giáo xứ. Mới đầu ngài được linh hứng bởi tư tưởng phạt tạ vì sự lãnh đạm với Thánh Thể, cuối cùng ngài bị thu hút vào tâm linh tích cực hơn đối với tình yêu tập trung vào Chúa Kitô. Các tu sĩ của Dòng Thánh Thể xen kẽ đời sống tông đồ và chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Ngài và Marguerite Guillot thành lập Dòng Nữ tỳ Thánh Thể (Congregation of the Servants of the Blessed Sacrament).
Lm Phêrô Julian Eymard được phong chân phước năm 1925 và được phong thánh năm 1962, một ngày sau khi kết thúc khóa họp thứ nhất của Công đồng Vatican II.

 Dòng Nước Từ Sa Mạc

Có một người Ả Rập nghèo nọ phải băng qua giữa sa mạc trong cơn đói khát và mệt lả. Tình cờ, người đó bắt gặp một dòng suối.
Sau nhiều ngày vất vả, ông đã đến thủ đô Baghdad. Tìm đủ mọi cách để tiếp kiến với quan đầu tỉnh, ông dâng kính cho quan tặng vật là chính bầu nước. Quan đầu tỉnh đón nhận món quà một cách vui vẻ. Cho nước vào trong ly, ông uống cạn và cám ơn người Ả Rập, đồng thời tưởng thưởng ông một cách quảng đại.
Những người hầu cận cứ nghĩ thầm rằng đây là một thứ nước kỳ diệu nên ai cũng mong được nếm thử. Nhưng quan đầu tỉnh nhất mực từ chốõ. Chờ cho người Ả Rập đi khuất, quan mới giải thích về cử chỉ của mình. Nước để lâu trong bầu da đã trở nên rất bẩn vàhôi thối.
Quà tặng cao quý nhất mà người Ả Rập đã biếu cho quan đầu tỉnh chính là những giọt nước đa cứu sống mình. Quan đầu tỉnh đã tặng cho ông món quà quý giá nhất bằng cách uống lấy nước ông dâng biếữ. Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu con người chỉ biết đối xử với nhau bằng những cử chỉ tế nhị và thân ái.