Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 1/8/2017

Filled under:

VÌ LÒNG YÊU CHÚA
“Xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua thức ăn.” Đức Giê-su bảo: “… Chính anh em hãy cho họ ăn.” (Mt 14,13-21) 
Suy niệm: Xét về mặt kinh tế, giải pháp các môn đệ đưa ra là tối ưu: chiều đã xuống, không còn thì giờ lo liệu cho bữa ăn với số người hàng ngàn, khoảng cách từ nơi tụ họp đến nơi mua thức ăn lại xa, tiền bạc không đủ thiếu gì, nên tốt nhất là giải tán dân chúng để ai lo phận nấy. Nhưng đối với Chúa Giê-su, đó lại là giải pháp tệ hại xét về phương diện truyền giáo. “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Một đám đông như thế họp lại để nghe Lời Chúa nói lên thái độ của dân chúng rất đáng trân trọng khiến cho các ông không thể giải tán họ một cách vô trách nhiệm được. Một lời tông đồ nói, một việc tông đồ làm, nhất là việc dám đảm nhận trách nhiệm trong hoàn cảnh cam go chỉ vì sứ mệnh truyền giáo, người tông đồ đã đáp ứng yêu cầu của Chúa Giê-su rồi. Người tông đồ không làm hết, cũng không thể làm hết mọi sự, họ chỉ làm theo khả năng của họ, phần còn lại Chúa sẽ ra tay.
Mời Bạn: Bạn cứ thắc mắc về thành quả quá khiêm tốn của công việc truyền giáo nơi khu vực bạn sống. Vậy có bao giờ bạn đáp ứng Lời Chúa yêu cầu bạn như trên không?
Chia sẻ: Cả Nhóm bàn luận và chọn một công việc truyền giáo để thực hành.
Sống Lời Chúa: Đảm trách ngay một công việc để thực thi điều Chúa muốn “Chính anh em hãy cho họ ăn”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết quý những dịp chúng con được qui tụ bên nhau trong lối xóm, trong nhóm bạn, trong lớp học, đó là cơ hội quý báu cho con sống chứng nhân của Chúa. Xin Chúa cho con biết quảng đại sống đời tông đồ.


Thánh Anphong Liguori
(1696-1787)
Công Đồng Vatican II xác định rằng, thần học luân lý phải được nuôi dưỡng bởi Phúc Âm, và chứng tỏ được sự cao quý của ơn gọi người Kitô Hữu, và nhiệm vụ của họ là trưng ra kết quả ấy trong đời sống bác ái giữa trần gian. Vào năm 1950, Thánh Anphong được Đức Piô XII tuyên xưng là quan thầy của các thần học gia luân lý, ngài thật xứng với danh hiệu ấy. Trong cuộc đời ngài, thánh nhân phải tranh đấu để giải thoát nền thần học luân lý khỏi sự khắt khe của chủ thuyết Jansen. Thần học luân lý của ngài, đã được tái bản 60 lần trong thế kỷ sau khi ngài từ trần, chú trọng đến các vấn đề thực tiễn và cụ thể của các cha xứ và cha giải tội. Nếu có thói vụ luật và giảm thiểu hóa luật lệ xen vào thần học luân lý, chắc chắn nó không thuộc về mô hình thần học tiết độ và nhân từ của Thánh Anphong.

Vào năm 16 tuổi, ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Đại Học Naples, nhưng sau đó đã bỏ nghề luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài được thụ phong linh mục và dồn mọi nỗ lực trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và thành lập các đoàn thể Kitô Giáo.

Ngài sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế năm 1732. Đó là một tổ chức của các linh mục và tu sĩ sống chung với nhau, tận tụy theo gương Đức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại phúc cho nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau một thời gian hoạt động, những người đồng hành với ngài ngay từ khi thành lập đã từ bỏ tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng tu hội cố gắng sống còn và được chính thức chấp nhận vào 17 năm sau, dù rằng khó khăn vẫn chưa hết.

Sự canh tân mục vụ lớn lao của Thánh Anphong là cách giảng thuyết và giải tội -- ngài thay thế kiểu hùng biện khoa trương, thùng rỗng kêu to, bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Tài viết văn nổi tiếng của ngài phần nào đã làm lu mờ công lao khó nhọc mà ngài đã ngang dọc vùng Naples trong 26 năm trường để tổ chức tuần đại phúc.

Ngài được tấn phong giám mục khi 66 tuổi và ngay sau khi nhậm chức, ngài đã cải tổ toàn diện giáo phận.
Vào năm 71 tuổi, ngài bị đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với "sự tăm tối" vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi đức tính.

Thánh Anphong nổi tiếng về nền tảng thần học luân lý, nhưng ngài cũng sáng tác nhiều trong lãnh vực tâm linh và thần học tín lý. Văn bản Các Vinh Dự của Đức Maria là một trong những công trình vĩ đại về chủ đề này, và cuốn Viếng Thánh Thể được tái bản đến 40 lần trong đời ngài, đã ảnh hưởng nhiều đến sự sùng kính Thánh Thể trong Giáo Hội.

Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.

Lời Bàn
Trên hết tất cả, Thánh Anphong nổi tiếng là một con người thực tế đối phó với các vấn đề cụ thể hơn là trừu tượng. Cuộc đời ngài quả thật là một gương mẫu "thực tiễn" cho Kitô Hữu ngày nay đang bị khó khăn để nhận chân giá trị của đời sống Kitô Giáo giữa cơn lốc khó khăn, đau khổ, hiểu lầm và thất bại. Thánh Anphong đã trải qua tất cả những đau khổ ấy. Ngài là thánh bởi vì ngài luôn duy trì sự liên hệ mật thiết với Đức Kitô thống khổ qua tất cả những thử thách cuộc đời.

Lời Trích
Khi Thánh Anphong làm giám mục, một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng lại mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Thánh Anphong mời đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Thánh Anphong ôn tồn nói, "Hãy bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Đây không phải lần đầu tiên mà cha đạp Chúa dưới chân mình."

Bài Giảng Của Vị Giáo Trưởng

Trong một thị trấn nhỏ bên Liên bang Nga. Một số người Do Thái đang chờ đón vị giáo trưởng của họ. Đã lâu lắm cộng đoàn của họ không có người lãnh đạo.
Khi ông đến nơi, sự căng thẳng càng hiện lên trên nét mặt của nhiều người.
Nhưng không, trái với sự chờ đợi của mọi người, hết bài ca này đến bài ca khác, ông không ngừng bắt lên những bài ca mới.
Khi các điệu vũ đã chấm dứt, mọi người trở về chỗ ngồi của mình. Lúc bấy giờ, vị giáo trưởng mới lên tiếng nói và ông chỉ nói có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi như sau: "Tôi tin chắc rằng tôi đã trả lời cho mọi thắc mắc của anh chị em".
Cô đơn là nguyên nhân gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng ta.
Có những người bị người khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn. Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết, là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Để ra khỏi cô đơn, liều thuốc duy nhất chính là làm cho người khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất lên để mời gọi mọi người cùng hát với mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi mọi người cùng phấn khởi với mình, một nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với nhau trong một niềm vui chung, người ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc trong tâm tư.
Có ra khỏi chính mình để chia vui sẻ buồn với người, có ra khỏi chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu tư phiền muộn của người, có ra khỏi chính mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi cô đơn của mình và cũng giúp người bớt cô đơn.
Cho thì có phúc hơn nhận lãnh: càng trao ban, càng ra khỏi chính mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi những ưu tư, lo lắng của mình...