Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

-Suy Niệm Phúc Âm CN XXIII TN C

Filled under:

CN XXIII THƯỜNG NIÊN C (Lc 14,25-33) 

1. Bài Đọc

 “Có rất đông người (1) cùng đi đường với Chúa Giêsu. Người quay lại bảo họ: ‘Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được’.
 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. 
“Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh 2 mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

2. Chú Thích 
(1) Có rất đông người: Sau khi Chúa Giêsu kể dụ ngôn: Khách được mời xin kiếu, có rất đông người theo Chúa Giêsu.

3. Suy Niệm 
(1) Môn đệ của Thiên Chúa là người truyền bá đạo của Thiên Chúa, để cho người ta biết mến Thiên Chúa và yêu thương người, ngõ hầu sống xứng đáng con người có sứ mạng làm vinh danh Thiên Chúa, và xây dựng hạnh phúc cho nhân loại. Mục đích cao trọng như thế, nên phải có những điều kiện khác thường. Trước là không được vương vấn thứ gì làm cho mình phải sao lãng. Theo luật của Thiên Chúa, mỗi công việc gì của người ta cũng phải do từ lý trí, qua tâm tình, đến ý chí tự do, rồi đến tay chân cử động. Càng nhất trí, duy nhất bao nhiêu, càng có hiệu lực bấy nhiêu. Muốn truyền bá đạo của Thiên Chúa, trước tiên, chính mình phải hiểu biết cho xác đáng rõ ràng. Ngoài việc nghe lời Thiên Chúa giảng dạy, nhìn cử chỉ, hành vi, thái độ của Chúa Cứu Thế trong mỗi trường hợp; còn phải tập trung ý tưởng đến từng điều. Càng tập trung, càng tránh được ý tưởng nào khác, thì càng thêm hiểu biết rõ ràng thấu đáo. Tâm tình của mình cũng không được chia sẻ cho nhiều việc hay nhiều người, không còn vương vấn lo lắng cho ai ngoài việc cho người ta mến Thiên Chúa như mình hay là hơn mình. Ngoài những việc thiên nhiên cần thiết cho tinh thần hay cơ thể, không còn muốn gì hay làm gì khác. Việc truyền bá đạo Thiên Chúa mới đúng ý nghĩa và có hiệu nghiệm. 

(2) Vì thế, phải bỏ tận những tập quán trở ngại, phải dấn thân vào một cuộc đời mới, phải vào con đường khác với quá khứ, nên không khỏi vất vả, khó khăn, mệt nhọc, có khi cũng phải đau đớn, gọi là vác thập giá của mình. Mỗi người ai cũng mang nặng quá khứ di truyền, do mấy đời truyền lại, và chính tự nơi mình mang nặng quá khứ của mình, hoặc vắn hoặc dài, trước khi mình tự chọn theo đường lối của Thiên Chúa. Trong quá khứ đó, không ai tránh khỏi những điều phản nghịch đạo Thiên Chúa, khác nhau và hơn thua nhau, chỉ vì ít hay nhiều. Nhưng ai cũng cần phải có 3 thay đổi, phải chịu khó. Thực ra, Thiên Chúa không muốn cực nhọc đau khổ cho ai. Cha mẹ thương con, chỉ muốn cho con vui vẻ dễ dàng mà theo mình. Nhưng người con nào phải điều vất vả, khó khăn, chỉ vì quá khứ của nó, tự nó đã phải tiêm nhiễm, và nay phải thay đổi sửa sang, khác nào như phải chữa bệnh tật. Như tổ tiên nhân loại được ơn Thiên Chúa ban trên phần thiên nhiên, được ở trong vườn địa đàng, đầy đủ sung sướng, vui vẻ, nhẹ nhàng. Nếu cứ giữ như thế, thì đâu có phải vác thập giá mà theo Thiên Chúa, vẫn theo một cách dễ dàng. Nhưng từ đó đến nay, từ tội nguyên tổ đến thế hệ của mình, đã qua bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu những điều vương vấn sai lầm, vì ai và vì chính mình, nên có bao nhiều điều cần phải sửa đổi, để vào con đường của Thiên Chúa, là đường mến Thiên Chúa yêu thương người. 

(3) Biết thay đổi quá khứ là điều cần thiết và khôn ngoan. Lại còn cần phải biết suy nghĩ, tính toán, lo liệu về tương lai. Như Chúa Giêsu đã kể hai câu chuyện ví dụ cụ thể của hai người. Vẫn hay không nên lo lắng, lo sợ và lo ngại về ngày tương lai và sức lực của mình, nhưng trước khi làm một việc gì, cũng cần phải thành thực suy nghĩ, xem khả năng của mình được chừng nào. Ai cũng cần phải hy vọng ơn Thiên Chúa và công người ta giúp sức; nhưng ơn Thiên Chúa hay công của người ta đều dựa trên điều kiện tác động của mình, chứ không có liều lĩnh mong đợi tình cờ; hay là chờ đợi đòi hỏi phép lạ trên trời rơi xuống. Không nên lầm lẫn việc cần thiết cho mình và điều mình mong muốn. Đối với người kia, việc xây tháp không phải là cần, nên thấy sức mình không thể hoàn tất, thì bỏ đi. Còn đối với ông vua, hòa bình là điều rất cần, nhưng vì quân đội của mình không đủ, thì phải biết cầu hòa, dùng lời nói, chứ không nên dùng vũ lực. Theo hai câu chuyện đó, trước khi làm một việc gì, trước khi chọn một mục đích nào, phải xem thử có cần thiết chăng. Nếu thấy quá sức mình, và chính mình không biết có phương thế nào khác, không biết nhờ cậy ai, phải nhận không cần thiết cho mình. Khi thấy việc cần thiết, thì phải tìm phương thế trong khả năng của mình. Như việc làm môn đệ của Thiên Chúa, thay đổi quá khứ, có nhiều hạng và nhiều cách, cầu nguyện, suy nghĩ, bàn hỏi, tìm xem mình nên làm cách nào, vào hạng nào. Như vua kia, tìm người để gửi đi sứ với đối phương, chỉ bảo họ phải điều đình thế nào, điều gì có thể nhượng bộ hay không ... Đại khái, việc làm môn đệ Thiên Chúa, còn cần hơn nhiều việc khác, phải cầu xin, suy nghĩ, bàn hỏi cho cẩn thận 4 thấu đáo, làm thế nào để bỏ cả mọi sự và vác thập giá, không nên liều lĩnh, vội vàng./

- @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT MÙA THƯỜNG NIÊN C

Sắp hết Mùa Thường Niên của Năm Thánh, chúng ta mau mắn và nhiệt thành hơn trong việc hưởng ứng ý nguyện của Giáo Hoàng Phanxicô, muốn dâng trọn năm Phụng Vụ này (từ Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8.Dec.2015 - đến Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ 20.Nov.2016), là Năm Thánh tôn vinh ‘Lòng Thiên Chúa Thương Xót’. 
Đây là thời gian quý hóa và thuận tiện, cần tận dụng để biến đổi tâm hồn và đời sống, để có đủ điều kiện đón nhận ơn phúc Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào, đúng như Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa vốn dành cho toàn nhân loại, cũng như cho mỗi người, bây giờ và cho đến muôn đời. Chia sẻ Lòng Thương Xót đến với tất cả Anh Chị Em của mình, bằng quyết tâm làm việc bác ái với cả tấm lòng quảng đại./-

 Thân gửi, QUÝ VỊ và QUÝ BẠN