Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 4/9/2016

Filled under:

CẤP ĐỘ ƯU TIÊN TRONG TÌNH YÊU
“Ai đến với tôi, mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26)
Suy niệm: Chúa Giê-su có đòi hỏi một điều “phản tự nhiên” không khi Ngài yêu cầu người ta phải “dứt bỏ” người thân và cả mạng sống mình nữa thì mới được làm môn đệ của Ngài? Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa nói rõ hơn về “cấp độ ưu tiên” này: “Ai yêu cha hay mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với thầy. Ai yêu con trai hay con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37). Nhớ chuyện Áp-ra-ham vâng lời Thiên Chúa, đem người con duy nhất của mình là I-xa-ác hiến tế cho Ngài, để hiểu được rằng Ngài là Đấng Tối Cao sáng tạo nên muôn loài, đã tín thác vào Chúa, thì cũng yêu mến Ngài “trên hết mọi sự,” trên cả tình yêu dành cho cha mẹ, anh em, chị em, con trai con gái, và thậm chí, dám hy sinh cả mạng sống mình, nếu Ngài muốn.
Mời Bạn: Kinh Mười Điều Răn được tóm kết bằng câu: “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy.” Hai điều răn kính mến Chúa và yêu thương người không được tách biệt nhau. Khi dạy ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự, Chúa không hạ giá tình yêu nhân loại mà Ngài lại nâng nó lên tầm cao vô biên của tình yêu Thiên Chúa. Nhờ đó, khi “yêu Chúa trên hết mọi sự” ta sẽ “yêu người như Chúa yêu ta.”
Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm một việc thờ phượng Chúa, bạn luôn luôn kèm theo một việc bác ái phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con nhận rõ cấp bậc ưu tiên trong tình yêu để con yêu Chúa hết lòng, và cũng yêu người như Chúa yêu con.

Thánh Rosa ở Viterbo
(1233-1251)
T hánh Rosa đạt được sự thánh thiện trong cuộc đời ngắn ngủi 18 năm. Ngay từ khi còn nhỏ, Rosa đã ao ước thiết tha muốn cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo. Khi còn trẻ, ngài đã bắt đầu hãm mình. Ngài độ lượng với người nghèo bao nhiêu thì lại khắt khe với chính bản thân bấy nhiêu. Vào lúc 10 tuổi, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô và không lâu sau đó, ngài đi rao giảng về vấn đề tội lỗi và sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Thành phố Viterbo, nơi ngài sinh trưởng, đã nổi dậy chống đối đức giáo hoàng. Khi Rosa đứng về phía đức giáo hoàng chống với hoàng đế, ngài và gia đình bị đuổi ra khỏi thành phố. Cho đến khi phe bênh vực đức giáo hoàng chiến thắng ở Viterbo, Rosa mới được phép trở về. Vào năm 15 tuổi, ngài cố gắng thành lập một tu hội nhưng thất bại, sau đó ngài trở về với đời sống cầu nguyện và hãm mình tại nhà của vị thân sinh, cho đến khi lìa đời năm 1251. Rosa được phong thánh năm 1457.
Lời Bàn
Danh sách các thánh dòng Phanxicô dường như bao gồm một ít người không thành đạt được điều gì đáng kể. Thánh Rosa là một trong những người ấy. Ngài không có ảnh hưởng đến đức giáo hoàng hay các vị vua, chưa bao giờ làm phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi người đói, và chưa bao giờ thành lập được tu hội như mơ ước. Nhưng ngài đã biến cuộc đời thành một nơi đầy ơn sủng của Thiên Chúa, và như Thánh Phanxicô, ngài coi cái chết như cửa ngõ dẫn đến sự sống mới.
Lời Trích
Di chúc mà Thánh Rosa để lại cho cha mẹ có viết: "Con chết với niềm vui, vì con khao khát được kết hợp với Thiên Chúa. Hãy sống sao để đừng sợ chết. Vì những ai sống tốt lành ở đời này thì không sợ chết, nhưng cái chết sẽ đáng quý và ngọt ngào."

Người Ta Sao, Tôi Vậy!

Theo khuynh hướng tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để hành động.
Chúng ta thử quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ hành cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người ta thường thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài của những xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh để qua đường.
Quan sát cho kỹ, thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất bình thường: nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc không đủ kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ, thì lúc đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ băng qua đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ... Những người đi theo này có lẽ không nhìn thấy những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối với những người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà là gương của người khác.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động, không cư xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo gương kẻ khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường của chúng ta.
Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một chấn động nào đó với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống như một hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với người khác.
Riêng với những môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật thế, Chúa Giêsu đã quả quyết: "Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian".
Ước gì cuộc sống chứng ta của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức trở thành dấu hiệu của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người khác, người Kitô cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sống theo Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến với Ngài.