Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng
Sức mạnh đến từ bên trong
Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 13,18-21) Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời giống như hạt cải và nắm men. Cả hai tuy bé nhỏ nhưng lại mang trong mình một sức phát triển lớn mạnh. Nước Thiên Chúa cũng thế, vì sức mạnh của Nước Trời là đến từ bên trong.
Trong bài đọc trích thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh rằng, những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới, vinh quang đang đợi chờ chúng ta. Luôn có sự căng thẳng giằng co giữa đau khổ và vinh quang. Trong mối giằng co ấy, có lòng mong đợi mặc khải lớn lao về Nước Thiên Chúa. Lòng mong đợi ấy không chỉ dành cho chúng ta mà thôi, còn cho cả các tạo vật nữa. Các tạo vật cùng với chúng ta, đợi trông mặc khải của Con Thiên Chúa. Đó là sức mạnh nội tại đưa chúng ta tới sự viên mãn trong Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần.
Đây là hành trình hy vọng. Niềm hy vọng ấy đưa chúng ta tới sự viên mãn, đưa chúng ta thoát khỏi nhà tù, thoát khỏi những giới hạn, thoát khỏi kiếp nô lệ, thoát khỏi những thứ lạm dụng lạm quyền tham nhũng, để đưa chúng ta tới bến bờ vinh quang. Đó là cuộc hành trình của niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Điều ấy Chúa Thánh Thần ban tặng trong cõi lòng chúng ta. Điều ấy thật tuyệt vời, thật tự do, thật là vinh quang lớn lao. Chúa Giêsu đã nói: hạt cải quả là bé nhỏ, nhưng có một sức lớn mạnh không thể tưởng tượng được.
Đấng ban sức mạnh
Trong chúng ta, trong các loài thụ tạo, có một sức mạnh lớn lao, có một sức sống vĩ đại, đó là Chúa Thánh Thần. Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn mạnh để vươn tới độ hoàn thiện, và đợi chờ chúng ta trong vinh quang. Khi hạt cải được gieo vãi và nắm men được vùi vào đấu bột, dường như chẳng có gì thay đổi, nhưng kỳ thực sức mạnh nội tại vẫn có đó. Đó là sức mạnh của Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh nội tại, sức mạnh toát ra từ bên trong.
Nước Trời phát triển từ bên trong, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Giáo hội luôn cần can đảm để trở thành hạt cải được gieo vãi, trở thành nắm men vùi trong bột. Tuy nhiên luôn có nỗi sợ khi làm điều ấy. Nhiều lần chúng ta thấy rằng, chúng ta thích một loại mục vụ nắm giữ bảo tồn, chứ không biết để cho Nước Trời phát triển. Nếu cứ nắm giữ như thế, chúng ta vẫn chỉ là chúng ta, vẫn bé nhỏ như thế, chúng ta an toàn… Nhưng khi ấy, Nước Trời không phát triển. Bởi vì, để Nước Trời có thể phát triển, chúng ta phải can đảm gieo hạt, can đảm trộn men với bột.
Nhân đức hy vọng
Thật sự là khi gieo hạt giống, chúng ta chấp nhận mất mát. Khi trộn men vào trong bột, chúng ta chấp nhận bàn tay bị lấm lem. Và như thế, chúng ta luôn cần chấp nhận sự mất mát nào đó, để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên. Khốn cho những ai công bố Nước Trời với ảo tưởng rằng bàn tay không hề bị lấm lem. Những người ấy chỉ giống như người bảo vệ chăm sóc các bảo tàng, chỉ muốn bảo tồn những gì đẹp đẽ, nhưng không có sức mạnh của việc gieo vãi, không có sức mạnh của việc đi ra, không có sức sống, không có sức phát triển. Còn sứ điệp của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô luôn có sức giằng co, để kéo chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, để dẫn chúng ta đến sự viên mãn trong vinh quang. Niềm hy vọng ấy là hành trình tiến bước, tiến bước trong hy vọng, không thoái lui. Niềm hy vọng ấy quá bé nhỏ, rất bé nhỏ, tựa hạt cải, tựa nắm men.
Hy vọng là “nhân đức khiêm tốn nhất, nhỏ bé nhất”, nhưng nơi nào có hy vọng, nơi ấy có Chúa Thánh Thần. Ở nơi đó, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới Nước Trời. Hôm nay chúng ta tự hỏi lòng mình về niềm hy vọng. Hãy ở lại trong niềm hy vọng ấy, hãy ở lại trong nội tâm mình và thân thưa với Chúa Thánh Thần.
3 phút tĩnh tâm: tôn trọng người khác
Lời Chúa (Lc 21,1-2)
Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.
Suy niệm
Nhìn bề ngoài, cả hai hành động có vẻ giống nhau – tức là mọi người đều bỏ tiền dâng cúng vào đền thờ. Tuy nhiên, khi câu chuyện lộ ra, chúng ta nhận thấy phần đóng góp không hề đều nhau. Người giàu dâng cúng từ phần dư thừa của họ, trong khi bà góa rút từ cái túng thiếu của bà mà dâng. Dù đó là thời gian hay tiền bạc của chúng ta, thì việc cho đi phải nảy sinh từ một khao khát chia sẻ với mọi người những điều chúng ta sở hữu. Việc này phải được thực hiện với sự công bằng, sự công bằng dựa trên tình yêu. Trong Thánh Kinh, chúng ta thường thấy sự công bằng của Thiên Chúa được diễn tả qua lòng thương cảm dành cho bệnh nhân, người nghèo, và những ai túng thiếu. Là môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta tôn trọng người khác qua việc đối xử với họ bằng lòng thương cảm mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Câu hỏi phản tỉnh
Ngày hôm nay, tôi có thể chia sẻ thời gian, tài năng và của cải cho những ai?
Tôi có sẵn sàng trao ban từ cái túng thiếu của mình, thay vì từ cái dư thừa?
Lời nguyện
(Hãy thưa chuyện với Chúa Giê-su bằng lời nguyện dưới đây hoặc bằng những lời tâm sự của bạn)
Lạy Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Chúa biết rõ những điều kín ẩn trong trái tim con. Xin Chúa giúp những chia sẻ nhỏ bé của con trở nên hữu ích đối với những ai đang gặp thiếu thốn.
Quang Khanh, S.J.