Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 10/7/2016

Filled under:

Lc 10, 25 - 37
Ghi nhớ: “ Nhưng ai là người thân cận của tôi” (Lc 10, 29)
Suy Niệm: Người thông luật không phải không biết điều răn quan trọng mang lại sự sống đời đời vì khi Chúa Giêsu hỏi lại, anh trả lời một cách lưu loát. Nhưng ở đây anh muốn đi tìm một định nghĩa vì người thân cận nên mới đặt cho Chúa Giêsu câu hỏi gay go này, vì chưng người Do Thái giới hạn người thân cận chỉ là những người trong gia tộc (Xh 20, 16-17; Xh 21, 17-25). Nên Chúa Giêsu không đưa ra câu trả lời mà kể một dụ ngôn của người Samaria. Bởi vì người Do Thái hay khinh miệt và xem người Samaria như kẻ thù. Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh người mà dân Do Thái xem là kẻ thù để mạc khải lòng nhân từ của Thiên Chúa và bảo cho người thông luật biết người thân cận anh ta là mọi người. Chúa Giêsu nhắc người thông luật đừng đi tìm định nghĩa về người thân cận mà hãy tỏ ra là người thân cận với mọi người. Chúng ta cũng thế, thay vì hỏi: ai là người thân cận của tôi? Thì hãy tỏ ra mình là người thân cận của người đang cần mình
Sống Lời Chúa: Hãy nhân từ như Thiên Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đem những lời Chúa dạy để thực hành trong cuộc sống bằng cử chỉ bác aí yêu thương anh em xung quanh. Amen.

Suy niệm với Mẹ.

Ngươi phải yêu mến người thân cận
như chính mình ” (Lc 10,27).
Như Mẹ: Bài Tin Mừng cho thấy người Samari thật tốt lành, đã thương giúp người bị hoạn nạn tận tình vô vị lợi. Tình yêu này đích thực là tình yêu phát xuất từ con tim. Tình yêu này phần nào phản chiếu tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu quên mình, và chỉ hướng đến tha nhân.
Với Mẹ: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con biết thương cảm. Xin cho chúng con đôi mắt của Chúa, để nhận ra sự đau khổ của anh chị em chúng con. Xin cho đôi tay và đôi chân chúng con mau lẹ ra đi để phục vụ với tình yêu chân tình, vô vị lợi.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng sốt mến lạ lùng, Mẹ đã tận tình giúp đỡ người chị họ của Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con biết đối xử tinh tế và yêu thương với anh chị em đồng loại, nhất là những người đau khổ.
Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Thánh Vêrônica Giuliani
(1660-1727)
Ước ao của Thánh Vêrônica là được giống Đức Kitô bị đóng đinh và mong ước ấy đã được nhận lời với năm dấu thánh.

Thánh Vêrônica tên thật là Ursula Giuliani, sinh trưởng ở Mercatello nước Ý. Người ta kể lại khi mẹ của ngài hấp hối, bà đã gọi năm cô con gái đến cạnh giường và phó thác mỗi người con cho một vết thương của Chúa Giêsu. Ursula được phó thác cho vết thương cạnh sườn bên dưới trái tim Chúa Giêsu.

Ngay từ khi còn nhỏ, Ursula đã được các cảm nghiệm thần bí. Ngài viết: "Tôi nhớ là khi bảy hay tám tuổi, Đức Giêsu đã hiện ra với tôi hai lần trong Tuần Thánh." Từ đó trở đi, Ursula hãm mình phạt xác và bị chính Satan tấn công nhiều lần.

Vào năm 17 tuổi, sau khi thuyết phục được người cha không ép buộc đi lấy chồng, Ursula gia nhập dòng Thánh Clara Hèn Mọn do các tu sĩ Capuchin điều khiển và lấy tên là Vêrônica. Trong những năm đầu đệ tử viện, ngài làm việc trong nhà bếp, bệnh xá, phòng thánh và là người giữ cửa. Vào lúc 34 tuổi, ngài làm giám đốc đệ tử viện và đã giữ chức vụ này trong 22 năm.

Trong thời gian tu trì, Sơ Vêrônica thường bị Satan quấy phá. Nó xô ngài ngã xuống cầu thang, nó giả dạng làm sơ giám đốc và đánh đập ngài tàn nhẫn. Nhưng Đức Giêsu đã tỏ lòng quý mến ngài đặc biệt qua nhiều lần hiện ra và dưới nhiều hình thức. Có những lúc tưởng như sơ đã bị dập mặt xuống đất, nhưng lại được bảo bọc trong sự chiêm niệm thần bí.

Ba mươi lăm năm cuối cuộc đời là thời gian Sơ Vêrônica hoàn toàn đắm chìm trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã thử thách để sơ phải trải qua sự khô khan khủng khiếp. Satan cũng lợi dụng cơ hội này để tấn công ngài dữ dội. Chính trong thời gian ấy, Đức Giêsu đã trao vương miện mão gai của Chúa cho sơ. Và điều ấy đã hoàn tất việc chuyển trao tất cả năm dấu thánh của Chúa.

Giới chức quyền trong Giáo Hội ở Rôma muốn thử nghiệm các vết thương của Sơ Vêrônica và mở cuộc điều tra. Ngài tạm thời phải từ chức giám đốc đệ tử viện và không được phép tham dự Thánh Lễ hàng ngày, ngoại trừ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc. Trong những điều kiện khắt khe ấy, Sơ Vêrônica vẫn không cay đắng, và sau đó cuộc điều tra đã phục hồi chức giám đốc cho ngài.

Vào năm 56 tuổi, mặc dù ngài phản đối, các nữ tu trong dòng đã chọn ngài làm bề trên và ngài đã giữ chức vụ ấy trong 11 năm cho đến khi từ trần.

Sơ Vêrônica rất sùng kính Thánh Thể và Thánh Tâm. Ngài dâng hiến những đau khổ của mình cho công cuộc truyền giáo. Sơ Vêrônica được phong thánh năm 1839.

Lời Bàn
Tại sao Thiên Chúa lại ban năm dấu thánh cho Thánh Phanxicô Assisi và cho Thánh Vêrônica? Chỉ có Thiên Chúa mới biết được các lý do sâu xa, nhưng như Tôma Celano giải thích, các dấu thánh bên ngoài là để xác nhận lòng quý mến thập giá hằng ngày của các thánh nhân. Các dấu thánh xuất hiện trên thân thể của Thánh Vêrônica đã bắt nguồn từ lâu trong tâm hồn ngài. Đó là một kết quả xứng hợp với lòng yêu mến Thiên Chúa của thánh nữ cũng như sự bác ái của ngài đối với các nữ tu trong dòng.

Lời Trích
Tôma Celano nói về Thánh Phanxicô như sau: Mọi vui thú thế gian là thập giá cho ngài, vì ngài đã mang thập giá Đức Kitô được ăn sâu trong tâm hồn. Và vì thế năm dấu thánh mới hiện ra bên ngoài thân thể, vì tự bên trong các dấu thánh ấy đã được phát sinh từ tâm trí của ngài" (2 Celano, #211).

Lời Lãi Cả Thế Gian Ðể Làm Gì?

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời: đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho con ngườị
Thông thường, những kẻ than thân trách phận, những con người bất mãn trong cuộc sống, những kẻ chán đời, không phải là những kẻ nghèo khổ, những người kiếm cơm kiếm gạo từng ngày, mà chính là những con người dư dả, giàu sang.
Thi sĩ Anh, Lord Byron, mặc dù sống trên nhung lụa, vẫn than thở: "Sâu bọ, ruồi nhằn, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi". Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dù có một đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt lên: "Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa của cuộc sống là vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ... Phải chi tôi đừng sinh ra thì hơn".
Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 19, sau một quãng đời sống trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày sinh 83 như sau: "83 năm của đời tôi đã đi qua, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ".
Tại sao những con người trên đây đã tỏ ra đắng cay và thất vọng về cuộc sống? Thưa là bởi vì họ đã không tìm ra được mục đích của cuộc đời. Một cuộc đời không có mục đích thì chẳng khác nào một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi vật liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ công trình nàọ
Một cuộc sống không có mục đích, một cuộc sống không có lý tưởng thường cũng chỉ kéo theo cay đắng, buồn sầu, bất mãn... Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta: "Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?".Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai khóc lóc, phúc cho những ai đói khát công chính, phúc cho những ai có lòng thương xót, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, phúc cho những ai bị bách hại vì Nước Trời.... Trước khi công bố Hiến Chương của Hạnh Phúc ấy, Chúa Giêsu hẳn phải là con người hạnh phúc. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này.
Ngài đã sống như một con người đau khổ. Ngài đã không trốn chạy khỏi đau khổ. Ngài đã không cất lấy đau khổ khỏi cuộc đời này.
Hạnh phúc của Ngài chính là tiếp nhận đau khổ, là đi vào cõi chết, nhưng không tiếp nhận đau khổ và đi vào cõi chết như một ngõ cụt, trái lại khai thông con đường dẫn đến sự sống. Cuộc đời đã có một hướng đi. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người.