Mt 12,1-8
Ghi nhớ : “Quả thế, Con Người làm chủ ngày Sa-bat ” (Mt 12,8).
Suy niệm: Chúa Giêsu chỉ cho người Do thái thấy rằng: luật là nhằm phục vụ cho con người, giúp cho con người sống đúng với vai trò của mình. Tinh thần của luật chính là tình yêu . Không có tình yêu thì việc giữ luật sẽ trở thành một ghánh nặng, nhàm chán và máy móc, không có ích lợi gì. Chúa Giêsu cũng xác nhận với người Do thái rằng: Chính Ngài làm chủ ngày Sabat và cũng là Chủ của Lề luật. Ngài ước mong con người đừng lấy Lề luật làm thước đo lòng người, làm tiêu chuẩn để xét đoán người khác. Ngài ban lề luật cho con người là vì yêu thương con người và muốn cho con người được hạnh phúc và tìm được sự sống vĩnh cửu.
Sống Lời Chúa: Tuân giữ luật bằng tình yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết tuân giữ và thi hành luật của Chúa bằng tấm lòng và bằng con tim yêu mến tha thiết. Amen.
Suy niệm với Mẹ.
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt hẳn các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội “(Mt 12,7).
Như Mẹ: Con người ngày nay vốn chuộng hình thức, họ ngày càng trở nên ích kỉ khi chỉ biết nghĩ đến lợi lộc của mình. Họ sẵn sàng kết án, phán xét người khác theo vẻ bên ngoài. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can và lòng dạ con người. Dù chúng ta như thế nào, Người một lòng yêu thương con người chúng ta.
Với Mẹ: Những người Pharisêu luôn tìm cách chống lại Chúa, và cho rằng mình là người hiểu biết, là người đạo đức. Con cũng có thái độ như thế để nhìn Chúa và anh chị em con. Xin Chúa giúp con tránh xa thái độ đó.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như Hòm bia Thiên Chúa vậy, và Mẹ là Mẹ của lòng xót thương. Xin Mẹ giúp con luôn ý thức rằng các điều răn và giới luật của Chúa là yêu thương và bác ái.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
Thánh Bônaventura -- một tu sĩ Phanxicô, một thần học gia, một Tiến Sĩ Hội Thánh --vừa uyên bác và vừa thánh thiện. Vì nét linh đạo luôn luôn thể hiện nơi con người và văn bản của ngài, nên lúc đầu ngài được gọi là Tiến Sĩ Đạo Đức; nhưng trong các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến Sĩ Thánh theo gương "Cha Thánh" là Thánh Phanxicô, vì ngài sống tinh thần đích thực của một tu sĩ Phanxicô
Vào năm 1257, ngài được chọn làm bề trên Dòng khi mới ba mươi lăm tuổi và đã thành công trong việc hòa dịu các xáo trộn trong Dòng vì những bất đồng nội bộ. Ngài rất có công với Dòng và đã viết lại tiểu sử của Thánh Phanxicô. Ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê IV bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của York, nhưng ngài xin đừng ép buộc phải chấp nhận vinh dự ấy. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã buộc ngài phải chấp nhận một vinh dự cao hơn, đó là chức Hồng Y và Giám Mục của Albanô.
Vào sáng ngày 15 tháng Bảy 1274, trong khi Công Đồng Lyon II đang khai diễn, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X và các giáo phụ trong Công Đồng đã phải bàng hoàng khi nghe tin Đức Bônaventura từ trần. Một người chép sử vô danh đã ghi lại cảm tưởng về ngài: "Một người uyên bác có tài hùng biện, và thánh thiện ngoại hạng, ngài nổi tiếng về sự nhân từ, dễ làm quen, hòa nhã và giầu lòng thương người. Với tất cả các đức tính ấy, ngài được Thiên Chúa yêu dấu và thực sự là một con người. Trong tang lễ của ngài, nhiều người đã nhỏ lệ, vì Thiên Chúa đã ban cho ngài một ơn sủng, đó là bất cứ ai biết đến ngài đều quý mến ngài một cách chân thành."
Lời Trích
"Hạnh phúc thì không gì khác hơn là vui hưởng sự Toàn Thiện, và vì sự Toàn Thiện ở trên chúng ta, nên chúng ta không thể có hạnh phúc nếu không vượt lên trên chính mình. Tự sức mình, chúng ta không thể siêu thoát nếu không có sự trợ giúp của quyền lực siêu nhiên mà quyền lực ấy đã hạ xuống thấp để nâng chúng ta lên. Dù đời sống nội tâm của chúng ta có tiến bộ như thế nào, điều đó không ích gì cho chúng ta nếu nỗ lực ấy không được sự trợ giúp từ trên cao. Thiên Chúa sẵn sàng cứu giúp những ai tìm kiếm với tâm hồn khiêm tốn và thành khẩn; điều này thực hiện được qua sự chân thành cầu nguyện.
"Như vậy, cầu nguyện là nguồn gốc của mọi hành trình tiến đến Thiên Chúa. Do đó, mỗi người chúng ta hãy trở về với đời sống cầu nguyện và thưa với Chúa: 'Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con trên con đường của Chúa, để con có thể bước đi trong chân lý của Ngài.'" (Thánh Bônaventura).
Dây Chuyền Của Liên Ðới
Một người Ả Rập nọ có một con ngựa rất đẹp... Ai thấy cũng gợi lòng tham muốn. Một người láng giềng tìm đủ mọi cách để mua cho kỳ được con ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ chối. Không còn biết làm cách nào để thuyết phục chủ nhân, người đó đành phải nghĩ ra mưu kế để chiếm đoạt.
Biết người chủ ngựa thường hay đi qua sa mạc, hắn mới cải trang thành một người hành khất nằm rét run bên vệ đường. Người chủ ngựa là một người tốt bụng, gặp bất cứ ai hoạn nạn cũng đều ra tay cứu giúp. Vừa thấy người hành khất, người đó cảm thấy thương hại, mới đề nghị trở về một quán trọ để săn sóc.
Khi người chủ ngựa vừa mở miệng đề nghị, thì tên bất nhân mới than thở: "Ðã mấy ngày nay, tôi không có được một hạt cơm trong bụng, lấy sức đâu để leo lên ngựa". Nghe thế, con người tốt bụng xuống ngựa để giúp người hành khất leo lên lưng ngựa. Nhưng vừa leo lên lưng ngựa, tên bất lương hiện nguyên hình... Hắn giựt dây cương và thúc vào hông ngựa mà chạy... Người chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết nhìn theo mà hối tiếc! Nhưng ông cũng cố gắng chạy theo và nói với tên bất lương như sau: "Ngươi đã ăn cắp con ngựa của ta. Nhưng ta sẵn sàng bỏ qua cho. Ta chỉ xin ngươi một điều là đừng bao giờ kể cho bất cứ ai nghe mưu mẹo ngươi đã dùng để cưỡng chiếm con ngựa của ta. Một ngày nào đó, sẽ có những người bệnh thật sự nằm rên rỉ bên vệ đường và kêu cầu sự giúp đỡ. Ta e ngại rằng sẽ không còn ai dám dừng lại để cứu giúp kẻ hoạn nạn nữa".
Dè dặt, thủ thế, nghi kỵ có lẽ là thái độ thường tình của tất cả những ai đang sống dưới chế độ độc tài. Lừa lọc, phản bội, tố cáo lẫn nhau đã khiến cho lòng người mỗi ngày một thêm khép kín... Sợi dây chuyền của khép kín mỗi lúc một dài ra và quấn lấy con ngườị
Mỗi một hành động xấu, trong dây chuyền của tình liên đới, đều gia tăng đau khổ cho người khác. Khi tôi lừa đảo, không những hành động của tôi chỉ trực tiếp hãm hại một vài người có liên hệ, nhưng nó cũng góp phần giảm thiểu niềm tin của không biết bao nhiêu người xung quanh. Khi tôi bạo động, không những tôi chỉ xúc phạm đến người trong cuộc, nhưng hành động của tôi cũng xóa mờ đi phần nào lòng tự ái của nhân loại.... Tôi là một phần của nhân loại. Cả nhân loại sẽ đau đớn rên rỉ vì một vết thương của tôi cũng như vì một nhát gươm của tôị
Người Kitô luôn được mời gọi để nhìn nhận hình ảnh của Chúa nơi mọi người và đón nhận mọi người như anh em của mình. Trong cái nhìn ấy, cuộc sống của chúng ta phải luôn hướng đến người anh em của chúng ta: niềm đau của người anh em cũng chính là niềm đau của chúng ta, hạnh phúc của người anh em cũng chính là hạnh phúc của chúng tạ