CN XVI THƯỜNG NIÊN C (Lc 10,38-42)
1. Bài Đọc
”Trong khi Thầy trò đi đường (1), Chúa Giêsu vào làng kia (2). Có một người phụ nữ tên là Martha đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người dạy. Còn cô Martha thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: ’Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!’. Chúa Giêsu đáp: ’Martha! Martha ơi! Con lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất (3) và sẽ không bị lấy đi”.
2. Chú Thích
(1) Thầy trò đi đường: Sau khi kể câu chuyện dụ ngôn, người Samaria cứu giúp nạn nhân, cho người Luật Sĩ đến hỏi Chúa Giêsu, Chúa Giêsu và các môn đệ đến làng Bêtania trên đường đi lên Giêrusalem.
(2) Làng kia: Đó là Bêtania, một làng cách Giêrusalem ba cây số, về phía Đông, trên triền núi Cây Dầu, giữa đường đi Giêricô. Tại đây, Chúa Giêsu có một gia đình thân hữu gồm có ba chị em: Martha, Maria và Lagiarô.
(3) Chọn phần tốt nhất: Nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành; nhiều nhà giải thích Thánh Kinh đã cho là hai chị em Martha và Maria đại diện cho hai trường phái tu hành: Martha đại diện cho giới hoạt tu (Dòng Tu hoạt động xã hội), còn Maria đại diện cho giới tĩnh tu (Dòng Tu chiêm niệm).
3. Suy Niệm
(1) Hai chị em đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách. Có lẽ theo tính tình mỗi người, theo tuổi tác, và theo chức phận của mỗi người, chưa nói được ai mến Thiên Chúa hơn ai. Nhưng theo lời Chúa Giêsu phán, có thể hiểu lời Chúa Giêsu dạy việc nào cần hơn. Vì không hiểu biết, hay là hiểu biết sai lầm, công việc có thể hư hỏng tai hại. Nhiều người không biết rõ hoàn cảnh, môi trường, ưu nhược điểm thế nào, phải dùng phương pháp phương thế làm sao, cứ theo thói quen hay là chỉ theo nhiều người khác xưa nay, mà không suy nghĩ nhận định cho xác đáng, thành ra thất bại. Khi chưa rõ bạn muốn gì hay cần gì, người có tình có thể niềm nở đón tiếp, biếu tặng thứ này thứ kia, nhưng không chắc vui lòng bạn bằng khi đã hiểu rõ tâm trạng tính tình của bạn. Ví như khi Chúa Giêsu vào nhà, chưa rõ Người muốn dạy bảo điều gì, dừng lại lâu hay chóng, Martha theo thói quen vội vàng lo dọn đồ ăn thức này thứ khác. CònMaria có đến thưa hỏi Chúa Giêsu có được khỏe chăng? Có gì buồn vui không? Có ở lại được lâu chăng? Có muốn dạy bảo điều gì không? Rồi chăm chỉ ngồi nghe lời Chúa Giêsu. Đây chỉ là một cách ước đoán để tìm hiểu vấn đề theo luật thiên nhiên. Nhưng điều vẫn chắc là Thiên Chúa muốn nhắn nhủ mọi người, bao giờ cũng phải để ý tìm hiểu cho xác đáng rõ ràng trước khi thi hành.
(2) Còn về siêu nhiên, có lẽ Chúa Giêsu muốn dạy những người tin Thiên Chúa và biết Thiên Chúa phải tôn kính thiên tính nhiều hơn nhân tính. Tuy Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, nhưng vẫn là Thiên Chúa, nên người ta phải tôn thờ thiên tính, đừng lo nhân tính quá đến nỗi dường như quên thiên tính. Nhưng cũng đừng tưởng có thiên tính đến nỗi xem như không có nhân tính.Martha lo dọn dẹp các thứ hữu hình vật chất, như đối với một người thân yêu. Còn Maria thì quỳ dưới chân mà nghe dạy bảo, nhớ cả thiên tính và nhân tính, nên chọn phần tốt nhất. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ mọi người, muốn đem lòng kính mến tôn thờ Thiên Chúa, thì điều thiết yếu trước tiên là phải tìm hiểu giáo lý của Thiên Chúa, nghĩa là phải biết Thiên Chúa dạy những gì, Thiên Chúa muốn cho người ta ăn ở làm sao, không phải chỉ những điều thường nghe trong luân lý tự nhiên cổ truyền, trong các đạo khác, hay là ngay cả đạo Do Thái. Đó là điều hệ trọng trước tiên, chứ không phải chỉ lo xây nhà thờ cho sang trọng, vẽ hình cho khéo, tô tượng cho đẹp hoặc cho thảm thiết, nhiều khi chỉ tưởng tượng đến nỗi trái với giáo lý và vô phép với Thiên Chúa, hay là nhấn mạnh đến các phần cơ thể của Chúa Cứu Thế, mà không lo làm đẹp lòng Thiên Chúa, trung thành theo điều Thiên Chúa dạy. Vẫn hay những việc của Martha làm là vì lòng mến Thiên Chúa, nhưng bà lo quá đến nỗi trách em. Có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn dùng dịp ấy để nhắn nhủ với những người ham lo về nhân tính nơi Chúa Cứu Thế, về những nghĩa đen trong ngôn ngữ hay cử chỉ của Chúa Cứu Thế, mà trách người lo về thiên tính hay về nghĩa bóng, nhưng vẫn không quên Thiên Chúa giáng sinh làm người.
(3) Xưa nay, trong Công Giáo, có nhiều người mượn câu chuyện này để so sánh đời tĩnh tu và đời hoạt tu, đặt cao việc ẩn tu chiêm niệm hơn việc hoạt động bác ái xã hội. Cần phải phân biệt nguyên tắc rõ ràng. Điều kiện thiết yếu trên hết là kết hợp với Thiên Chúa, trước là sống như Thiên Chúa muốn, đón nhận ơn Thiên Chúa, thưa lời hỏi han Thiên Chúa, lắng tai nghe tiếng Thiên Chúa; sau là chuyển ý Thiên Chúa và ơn Thiên Chúa sang cho người khác. Ai cũng cần phải có mục đích thứ nhất, có thể với phương pháp ẩn tu hay hoạt tu. Nếu không theo đuổi mục đích này, thì dù có ẩn mình trong rừng xanh núi đỏ, hay là trong tám chín bức tường hãm mình đến nỗi chỉ còn da bọc xương, hoặc có những hoạt động long trời lở đất, quên ăn mất ngủ, cũng chưa phải là tu thân hay tu đức. Người ta có thể đạt đến mục đích thứ hai, bằng đọc kinh cầu nguyện, hãm mình đền tội, lao động tinh thần, trí óc hay tay chân. Lao động nào cũng phải có sản xuất thực sự, nghĩa là phải có sản phẩm, để nuôi sống mình và giúp đỡ người ta, chứ không phải ăn bám hay làm giàu. Việc nào cũng cần phải có BIẾT, trước hết và cần nhất là Biết Ý Thiên Chúa và Luật Thiên Chúa. Có nhiều cách để BIẾT: MỘT là học với thầy, HAI là học với sách, BA là tự mình suy nghĩ hay là suy gẫm. Khi suy gẫm mà có dừng lại hỏi han, trò chuyện với Thiên Chúa là suy niệm. Đến lúc đã quen hay là nhờ ơn Thiên Chúa và nghe được tiếng Thiên Chúa, gọi là chiêm niệm hay chiêm ngưỡng. Đó là việc quý hóa vô cùng trên mặt đất này, dường như khởi sự thiên đàng. Nhưng có mấy ai thực hiện được như thế? Không thể biết được, dù có nhiều người được gọi hay là tự xưng chuyên môn. Vì trong lãnh vực này, rất dễ lầm tâm lý thiên nhiên và huyền nhiệm siêu nhiên, sức mình tưởng tượng và ơn Thiên Chúa thay đổi. Tuy nhiên, biết mà không truyền sang cho người khác, có nhà khoa học hay triết học nói chỉ biết để mà biết, nhưng người tin Thiên Chúa và biết Thiên Chúa không thể nói như thế, nhất là người Thiên Chúa Giáo, bao giờ cũng nhớ căn bản và gương mẫu của mình là mầu nhiệm Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể; theo đó, không quên có Thiên Chúa, có mình và có người ta, mình phải đem siêu nhiên vô hình vào trong thiên nhiên hữu hình, là ngôn ngữ, cử chỉ, câu văn, việc làm, để thực hiện đường lối Thánh Thomas kể là hay nhất:
Lưu tâm chiêm niệm cả đời,
Đem điều chiêm niệm tặng người anh em.
Còn trong thực tế hay đối với Thiên Chúa, tùy khả năng tính tình, khuynh hướng của mỗi người, dù theo đường lối nào cũng phải thực hiện mến Thiên Chúa yêu thương người, theo bên ngoài, chẳng dám nói và không nên nói ai hơn ai thua./-