Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Suy niệm CN 18 C - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Nhà phú hộ ngu ngốc (Lc 12,13-21)

Tolstoy kể lại câu chuyện về một người nông dân tên là Pakhom.
Ông ta dành dụm từng đồng và mua được bốn sào đất. Ông hết sức vui mừng.
Tuy nhiên, ít lâu sau, ông vẫn còn cảm thấy chật chội,
ông bèn bán bốn sào đất đó đi và mua tám sào ở một vùng khác.
Nhưng điều đó cũng không làm ông thoả mãn, nên ông bắt đầu tìm kiếm ở chỗ khác.
Một buổi tối nọ, một người khách lạ đến.
Pakhom đã nói về ước muốn của ông có thêm nhiều đất đai.
Người khách lạ nói với ông rằng bên kia dãy núi nơi sinh sống của một bộ tộc.
Những con người đơn sơ ở đây có rất nhiều đất đai muốn bán.
Ngày hôm sau, ông ra đi.
Người tộc trưởng tiếp đón ông và nói: “Chỉ cần bỏ ra một ngàn rúp, ông sẽ có được một số đất đai mà ông rảo bước trong một ngày. Nhưng ông phải quay về điểm xuất phát cũng trong ngày hôm đó, nếu không kịp, ông phải chịu mất số tiền”.
Pakhom sung sướng rộn ràng.
Suốt đêm đó ông không ngủ được mải nghĩ đến những đất đai sẽ thuộc về ông. Ngay khi mặt trời vừa ló dạng ở chân trời, người ta cắm một cái mốc trên đỉnh gò, và ông xuất phát. Có những người cỡi ngựa theo sau và đóng xuống đất những cọc để đánh dấu lộ trình mà ông đã đi qua.
Ông bước nhanh và mỗi lúc một nhanh hơn. Càng đi xa đất càng màu mỡ.
Trong lúc tham lam, ông đi một vòng thật lớn mà quên mất thời gian.
Và rồi ông hoảng hốt khi thấy mặt trời bắt đầu xuống.
Ông quay đầu chạy về cái gò, nơi ông xuất phát thật nhanh.
Khi ông vừa lên đến đỉnh gò thì mặt trời đã lặn.
Tuy nhiên, ngay lúc đó ông đã ngã quỵ xuống, úp mặt trên đất.
Người tộc trưởng nói:
“Tôi khen ngợi ông, ông đã có nhiều hơn bất cứ người nào mà tôi còn nhớ”.
Nhưng Pakhom không đáp lại. Người ta lật ngửa ông lên. Ông đã chết.[1]
Pakhom đã chết và cái chết của ông cũng là cái chết mà Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn nhà phú hộ ngu ngốc:
 “Đồ ngốc! Nội đêm nay,
  người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Ai là người sẽ sở hữu của cải mà người chủ đất đã “làm ra”?
Ai là người sẽ sở hữu những của cải đã tích trữ sau khi ông mất?
Chuyện dụ ngôn về người giàu có ngu ngốc hướng sự chú ý của chúng ta đến một thực tế rõ ràng nhưng thường bị bỏ qua: Dần dần, tất cả mọi thứ chúng ta nghĩ rằng mình sở hữu sẽ được sở hữu bởi người khác.
Vì thế việc giữ lấy mọi thứ cho riêng mình thật thiển cận và ngốc nghếch,
vấn đề không phải ở chỗ liệu có ai đó sẽ sở hữu không;
vấn đề chỉ là khi nào và như thế nào mà thôi.
Chúa Giêsu khép lại dụ ngôn trên bằng một lời cảnh báo nghiêm khắc:
“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.
Định nghĩa của Chúa Giêsu về người tham lam là:
Người chỉ lo tích trữ của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
Lời răn dạy thật sự từ câu chuyện này là:
những người hăm hở tích trữ của cải vật chất hơn là sẵn lòng giúp đỡ người khác sẽ mất tất cả khi họ chết đi: mất tất cả mọi thứ trong đời này và cũng mất luôn cuộc sống đời sau.
Nhà phú hộ trong chuyện dụ ngôn không chỉ mất đi mạng sống mình mà còn mất tất cả những thứ mà ông xem là “cuộc sống”.
Theo lời Chúa Giêsu, ông ta là người ngu ngốc.
Ông ta là kẻ ngốc khi cho rằng vận may của ông đến từ chính ông.
Ông là kẻ ngốc khi không chia sẻ cho những người kém may mắn hơn.
Một kẻ ngốc mà chúng ta có khuynh hướng bắt chước theo, cùng một sự ngốc nghếch như thế.
Qua dụ ngôn về người giàu có ngu ngốc Chúa Giêsu đã chỉ ra hai điều:
Thứ nhất, thế nào là một người tham lam theo quan điểm của Thiên Chúa.
Thứ hai, Chúa đưa ra một giải pháp đơn giản đối với lòng tham.
Quả thật, lòng tham giống như ngọn lửa: ta càng thoả mãn nó bằng cách chất thêm củi thì lửa càng bùng lên và càng đòi thêm nhiều củi.
Chứng bệnh trầm trọng nhất của con người trong nền văn minh hưởng thụ này là con người không biết khi nào là đủ.
Hãy xem những con chim,
khi chúng xây dựng tổ ấm, chúng chỉ tìm vài nhánh cây để làm tổ.
Hãy xem những con nai, khi chúng khát, chúng chỉ uống vừa đủ.
Sao chúng ta không đơn giản như những con chim và những con nai kia! Amen








[1] McCathy CN 18C TN