16/07/2016 THỨ BẢY
Mt 12,14-21
Ghi nhớ: “ Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết ” (MT 12,15).
Suy niệm: Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy thái độ hồ hởi của dân chúng đi theo Đức Giêsu đã trái ngược với thái độ căm ghét và hận thù của nhóm biệt phái. Tuy Chúa Giêsu trách những người biệt phái nhưng Ngài vẫn dè dặt trước sự phấn khởi của đám đông. Vì thế chúng ta hãy siêng năng đến với Chúa và bước đi theo Ngài để được Chúa chữa lành và nhất là nhận được hồng ân cứu chuộc của Ngài. Bí tích Thánh thể và Bí tích Hoà giải là hai nguồn tình yêu và chữa lành mà Chúa dùng để thông ban những sự tốt lành cho hồn xác con người.
Sống Lời Chúa: Năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hoà giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm lòng mến Chúa nơi con, để con luôn cảm nghiệm được niềm vui và an ủi khi tham dự các mầu nhiệm thánh. Amen.
Suy niệm với Mẹ.
“ Dân chúng theo Người đông đảo
và Người chữa lành hết” (Mt 12,15).
Như Mẹ: Chúa Giêsu đi vào thế gian để đem bình an, hạnh phúc và sự tha thứ cho mọi người. Vì thế Người đã đến đồng cảm, chia sẻ và cứu chữa những con người khốn khổ, nghèo hèn và bệnh tật. Bất cứ ai đến với Chúa và đặt niềm tín thác vào tình yêu của Người thì đều được chữa lành.
Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con mãi lo lắng cho cuộc sống vật chất, nhưng lại thờ ơ với đời sống cầu nguyện. Xin giúp chúng con vượt qua những lo lắng, những rào cản trong cuộc sống mà đến với Chúa để được Chúa chữa lành và đón nhận sự bình an từ Chúa.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng, xin dạy chúng con biết chủ động đến với Chúa và đặt niềm tín thác vào Chúa để được Chúa an ủi, cứu chữa.
Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây. Họ xây một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ. Cho đến thế kỷ 13, họ được gọi là "Các Tiểu Đệ của Đức Bà Núi Camêlộ" Sau đó, họ dành một ngày đặc biệt để mừng kính Đức Maria. Vào năm 1726, ngày lễ ấy trở nên chính thức trong Giáo Hội hoàn vũ dưới tên Đức Bà Núi Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Camêlô tự coi mình có liên hệ đặc biệt với Đức Maria. Các thần học gia và các thánh vĩ đại của dòng Camêlô thường cổ động lòng sùng kính Đức Maria và bênh vực cho đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria.
Thánh Têrêsa Avila gọi Dòng Camêlô là "Dòng của Đức Trinh Nữ." Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng Đức Maria đã cứu ngài khỏi chết đuối khi còn nhỏ, đã dẫn dắt ngài đến dòng Camêlô và đã giúp ngài thoát khỏi tù ngục. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu tin rằng Đức Maria đã chữa ngài khỏi bệnh. Vào ngày Rước Lễ Lần Đầu, ngài dâng mình cho Đức Maria. Trong những ngày cuối đời, ngài thường nói về Đức Maria.
Có một truyền thuyết nói rằng Đức Maria đã hiện ra với Thánh Simon Stock, một bề trên Dòng Camêlô, và đã trao cho ngài một khăn choàng, bảo ngài hãy cổ động lòng sùng kính khăn ấy. Khăn choàng là một hình thức biến đổi của áo Đức Bà. Nó tượng trưng cho sự bảo vệ đặc biệt của Đức Maria và kêu gọi người mang khăn ấy hãy tận hiến cho ngài trong một phương cách đặc biệt. Hiển nhiên, điều này không có nghĩa được cứu chuộc một cách lạ lùng. Đúng hơn, khăn choàng nhắc nhở chúng ta nhớ đến lời mời gọi của Phúc Âm là hãy siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội -- là lời mời gọi mà Đức Maria đã thể hiện một cách tốt đẹp nhất.
Lời Bàn
Ngay từ thuở ban đầu, các tu sĩ dòng Cát Minh thường được gọi là các "Tiểu Đệ của Đức Bà Camêlộ" Danh xưng này có nghĩa, các ngài không chỉ coi Đức Maria như một "người mẹ", mà còn là một "người chị". Chữ chị nói lên ý nghĩa Đức Maria rất gần với chúng ta. Ngài là người con của Thiên Chúa và do đó có thể giúp chúng ta trở nên con cái xứng đáng của Thiên Chúa. Ngài còn giúp chúng ta quý trọng tha nhân như anh chị em mình. Ngài giúp chúng ta nhận thức rằng mọi người đều thuộc về một gia đình của Thiên Chúa. Chỉ khi nào mọi người đều tin tưởng như vậy thì nhân loại mới hy vọng tìm thấy con đường dẫn đến bình an.
Lời Trích
"Nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa mà Giáo Hội đã chấp nhận trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo khuynh hướng và sự hiểu biết của người tín hữu, để đảm bảo rằng, trong khi người mẹ được tôn vinh thì người Con cũng được nhận biết cách xứng hợp, được kính mến, được vinh danh và các giới răn của Người được tuân giữ, vì qua Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col. 1:15-16) và trong Người mà Thiên Chúa Cha hài lòng vì tất cả được viên mãn nơi Người (x. Col. 1:19) (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).
Không Gì Ðẹp Bằng...!
Trả lời cho một thanh niên mong mỏi được biết rõ về mình, một cụ già nọ đã kể một câu chuyện như sau:
Ngày nọ, từ một đỉnh núi cao, người ta thấy ở một chân trời xa tắp có hai bóng đen ôm lấy nhau. Một em bé thơ ngây buộc miệng nói: "Hai bóng đen đó là ba với má đang ôm nhau". Một chàng thanh niên đang mơ mộng phát biểu: "Ðó là hai tình nhân đang quấn quýt nhau". Người có tâm hồn cô đơn thì nhận xét: "Hẳn phải là hai người bạn gặp lại nhau sau hằng vạn thế kỷ xa nhau". Kẻ có lòng tham lam chỉ nghĩ đến tiền bạc thì lại quả quyết: "Ðây hẳn phải là hai thương gia vừa ký với nhau một giao kèo làm ăn". Một người đàn bà có quả tim trìu mến thì thào thốt lên: "Ðây là một người cha trở về từ chiến trận đang ôm lấy đứa con gái của mình". Một tên sát nhân đứng gần đó góp ý: "Ðây phải là hai người đàn ông đấm đá vật lộn nhau trong một cuộc giao chiến một mất một còn". Một người đàn ông không màng đến những gì đang xảy ra xung quanh mình lên giọng gắt gỏng: "Ai mà biết được họ ôm nhau hay cắn xé nhau".. Nhưng cuối cùng, một vị thánh có quả tim chứa đầy Thiên Chúa mới mỉm cười giảng hòa: "Không có gì đẹp bằng hai người ôm nhau".
Kể xong câu chuyện trên đây, cụ già kết luận: "Mỗi một tư tưởng của bạn để lộ bạn là ai. Bạn nên tự vấn lương tâm xem thử bạn thường tưởng nghĩ đến những gì. Hơn bất cứ một bậc thầy nào, những tư tưởng của bạn có thể nói cho bạn biết bạn là ai".
"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", chúng ta thường trích dẫn câu thơ này của cụ Nguyễn Du để nói lên hình ảnh của tư tưởng, của tâm cảnh đối với ngoại giới. Khi chúng ta vui, cảnh cũng vui lây, người cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh cũng buồn, mà người cũng buồn lây. Khi chúng ta vui, chúng ta muốn cho mọi người cùng vui với chúng ta. Khi chúng ta buồn, chúng ta cũng cảm thấy khó chịu khi người khác vuị
Hãy chất đầy tâm hồn bằng những tư tưởng vui tươi, lạc quan: đó là một trong những bí quyết để được hạnh phúc trên đời này. Riêng đối với người Kitô hữu chúng ta, bí quyết sống hạnh phúc của chúng ta chính là: trở thành Ðền thờ sống động của Chúa. Có Chúa ngự trị trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn đời, nhìn người bằng chính cái nhìn của Ngàị