Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - Ngày 25/7/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 20: 20-28)

20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy."22 Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi."23 Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

SUY NIỆM 1

Thánh Giacôbê tông đồ, Giáo Hội mừng kính hôn nay, là con của ngư phủ Giêbêđê và bà Salomê, anh của tông đồ Gioan. Phúc Âm thường nhắc đến hai anh em này. Chúa có lần gọi Giacôbê là “con của thiên lôi”, điều này cho thấy rằng Ngài là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào. Phản ứng của Ngài đối với các dân thành Samari đã giải thích điều đó : “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9, 54).

Với toan tính hoàn toàn con người của Bà Sa-lô-mê, là mẹ của Ngài, đã Thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng : “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20, 21). Trước khi trả lời, Đức Giêsu hỏi lại: "Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?"

Chén": Biểu tượng của đau khổ. Chính Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu đã thốt lên "Xin cho con khỏi uống chén này" (14,36). Đức Giêsu hỏi hai ông có thể chịu những đau khổ và sự chết của Ngài không.

Mặc dù có những suy nghĩ và tham vọng đi ngược với vai trò và tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giê-su vẫn gọi và chọn Ngài  đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa. Được Chúa huấn luyện, dạy dỗ, cùng với lòng chân thành theo Chúa, Gia cô bê đã trở thành người đầu tiên trong nhóm 12 đã lấy máu đào làm chứng cho Chúa Giêsu. Vua Hêrôđê Antipas đã ra lệnh chặt đầu Ngài vào năm 44 (Cv 12,2 ).

Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Ki-tô quả là sức mạnh làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ Ngài đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa.

Noi gương thánh Giacôbê,mỗi người  không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa. Dù con người mình vẫn chấp chứa đày những toan tính, ước vọng  tầm thường, vẫn còn những đam mê tội lỗi. nhờ Ơn Chúa, chúng ta nỗ lực từng ngày,  biết từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hướng về Chúa, sống cho Chúa cách trọn vẹn hơn.

Lạy Chúa, Thập giá luôn gắn liền với Chúa. Vì thập giá là đỉnh cao của tình yêu mà Chúa dành cho Chúa Cha và cho con người. Xin cho chúng con biết rằng, đời của chúng con muốn bước theo Chúa phải luôn biết sống hy sinh, từ bỏ, hoán cải từng ngày, theo gương Thánh Giacôbê để cho Chúa biến đổi con người, để hoàn toàn mang trong lòng suy nghĩ và cách sống của chính Chúa Giêsu.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy niệm 2

1. “Người Gieo Giống đi ra gieo giống”
Trước khi lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2)[1].
Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong giáo xứ của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.

2. Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn
Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng, nói về Thiên Chúa bằng dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống; chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời, như thánh sử Mát-thêu tường thuật trong bài Tin Mừng
Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,
công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
(c. 35)
Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giê-su thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào.

3. Dụ ngôn hạt cải và nắm men
Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men diễn tả Nước Trời là hai dụ ngôn rất nhỏ bé và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có), nhỏ bé và tự nhiên như chính hình thức (rất ngắn) và nội dung của dụ ngôn (hạt cải và nắm men nhỏ bé khiêm tốn). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:
Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp Sự Dữ, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp hạt giống rất nhỏ bé mong manh đang có trong thế giới, trong cộng đoàn và trong lòng chúng ta, Nước Trời mà chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, tất yếu sẽ hiện hữu, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.
Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.
Điều mà hai dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa.Hạt giống và nắm men chính là Lời Chúa, như chính Đức Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia:
Lời TA, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.
(Is 55, 11)
* * *
Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: « Anh em là bạn của Thầy » và « Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình » (Ga 15, 13-14). Qua hành vi trao bánh và rượu cho các môn đệ, qua hành vi rửa chân của các ông, Đức Giêsu muốn thánh Phê-rô và tất cả chúng ta hiểu ra rằng, Ngài không chỉ muốn gieo Lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính bản thân của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một, như chính Ngài đã ví mình như hạt lúa:
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
(Ga 12, 24)
Hạt giống và nắm men chính là Sự Thiện và Sự Sống nơi Đức Kitô, mạnh hơn Sư Dữ và Sự Chết. Chính vì thế, sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.j.


[1] Hình ảnh này đã có thể nói cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi: đám đông sẽ xổ đẩy Ngài vào sự chết, và Ngài cứ để như thế, để làm cho dụ ngôn Người Gieo Giống được hoàn tất cách trọn vẹn: Người Gieo Giống gieo chính mình, vì ngôi vị của Ngài là Hạt Giống, sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm, khi “được gieo” vào lòng đất.