Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 27/7/2016

Filled under:

Mt 13, 44-46
Ghi nhớ: “Tìm được viên ngọc quí, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,46).
Suy niệm: Cuộc sống của con người phải luôn có những sự chọn lựa, mà sự chọn lựa nào cũng đòi buộc phải biết từ bỏ. Những chọn lựa hôm nay đều là hệ quả cho cuộc sống mai sau. Cho nên vấn đề quan trọng là phải biết khôn ngoan để chọn lựa cái nào để gắn bó và xây dựng ngay từ bây giờ và ngay hôm nay. Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta biết Nước Trời là viên ngọc quý, đáng cho chúng ta lựa chọn và gắn bó. Vì thế, chúng ta hãy vâng nghe theo Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là sự sống mà biết quan tâm và chọn lấy Nước Trời. Chúng ta hãy sẵn lòng “bán hết ” mọi thứ ở trần gian mà lo “ mua lấy ” và xây dựng Nước Trời để chúng ta có được Quê hương đích thực và vĩnh cửu.
Sống Lời Chúa: Hãy chọn Chúa làm gia nghiệp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết luôn tỉnh thức và khôn ngoan mà biết chọn lựa Nước Trời là quê hương vĩnh cửu và hạnh phúc của con. Amen 

Suy niệm với Mẹ 

“Nước Trời giống như chuyện kho báu
chôn giấu trong ruộng” (Mt 13,44b).
Như Mẹ: Có bao giờ chúng ta tìm kiếm Nước Trời như nhân vật trong bài Tin Mừng hôm nay không? Ông ấy đã vui mừng về bán tất cả để tậu cho bằng được kho báu đó. Niềm vui của Thiên Chúa là thấy chúng ta nhanh nhẹn tìm kiếm Nước Trời, và chắc chắn Ngài sẽ ban.
Với Mẹ: Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con sự khôn ngoan để biết chọn lựa kho tàng đích thực. Xin Chúa thánh hoá mọi sinh hoạt của con trong đời sống thường ngày, để con bắt đầu hưởng hạnh phúc Nước Trời ngay khi đang còn sống nơi trần gian này.
Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Hiển Tu, xin Mẹ đồng hành với con trong cuộc hành trình tiến về quê hương vĩnh cửu. Quê hương đó chính là Nước Trời, là hạnh phúc con được sống trong tình yêu của Cha.
Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Chân Phước Antôniô Lucci
(1682-1752)
Antôniô cùng học chung và là người bạn của Thánh Francesco Antonio Fasani, là người đã ra tòa án Giáo Hội để làm chứng cho sự thánh thiện của Antôniô sau khi ngài từ trần.

Sinh ở Agnone miền nam nước Ý, đó là một thành phố nổi tiếng về sản xuất chuông và đồ đồng, Antôniô có tên rửa tội là Angelo. Ngài theo học trường của các tu sĩ Phanxicô và gia nhập cộng đoàn này khi 16 tuổi. Antôniô hoàn tất chương trình tu tập ở Assisi và thụ phong linh mục năm 1705. Sau đó, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và được bổ nhiệm làm giáo sư ở Agnone, Ravello và Naples. Ngài cũng là cha bề trên nhà dòng ở Naples.

Được bầu làm bề trên giám tỉnh năm 1718, và năm sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư trường Thánh Bônaventura ở Rôma. Ngài giữ chức vụ này cho đến năm 1729, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII chọn làm giám mục của Bovino (gần Foggia). Đức giáo hoàng cho biết, "Tôi vừa chọn được một thần học gia xuất chúng và vị đại thánh làm giám mục Bovino."

Trong 23 năm làm giám mục, Đức Lucci thường đến thăm các giáo xứ và canh tân đời sống phúc âm của giáo dân trong địa phận. Ngài dùng tiền lương của một giám mục để hỗ trợ cho công việc giáo dục và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên dòng, Đức Giám Mục Lucci đã viết cuốn sách về các thánh và các chân phước của dòng Phanxicô trong 200 năm đầu tiên.

Ngài được phong chân phước năm 1989, ba năm sau khi người bạn của ngài là Cha Francesco Antonio Fasani được phong thánh.

Lời Bàn
Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong năm 1975, con người ngày nay "được cảm kích bởi các chứng nhân hơn là người giảng dạy, và nếu họ nghe những người này, đó là vì người giảng dạy cũng là các chứng nhân" (Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay, #41).
Ánh Sáng Cho Ðền Thờ

Tại một khu phố cổ của Ấn Ðộ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không bao giờ được đốt lên thường xuyên. Dù vậy, từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, người ta thấy có treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu. Bình thường, ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng, cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn soi lối để đi qua các khu phố, họ cũng mang chính ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách kỳ lạ...
Ngôi đền thờ chỉ sáng lên nhờ chính những ngọn đèn mà các tín hữu mang đến. Ðó có lẽ phải là hình ảnh đích thực của đời sống đạo chúng tạ
Chúng ta lãnh nhận đức tin từ một cộng đồng Giáo Hội và đức tin của chúng ta chỉ có thể sống và lớn mạnh trong cộng đồng Giáo Hội mà thôi. Không ai có thể là người tín hữu Kitô mà có thể ở ngoài Giáo Hộị
Cộng đồng giáo xứ nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong đức tin thường được biẻu trưng bằng một ngôi thánh đường. Chính nơi đó người tín hữu Kitô gặp gỡ nhau, chính nơi đó, người tín hữu Kitô chia sẻ và củng cố đức tin cho nhau. Ngôi thánh đường sẽ chỉ là một đền thờ lạnh tanh và tăm tối nếu mỗi người tín hữu không mang đến chính ánh sáng của mình. Mỗi người một ít, nhưng chính nhờ sự đóng góp ấy mà ngôi đền thờ trở nên rực sáng và tràn đầy sức sống.
Mỗi một người tín hữu Kitô trong cộng đồng Giáo Hội cũng giống như một ánh đèn chiếu sáng trong tay để làm cho ngôi thánh đường của cộng đồng giáo xứ được sáng lên.