Mt 13, 47 - 53
Ghi nhớ: “Nước Trời lại giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá” (Mt 13,47).
Suy niệm: Ai trong chúng ta cũng muốn xây dựng cho mình một cuộc sống tốt lành, hạnh phúc và được mọi người thương mến. Thế nhưng, những hoàn cảnh thực tế đã đưa con người đi quá xa ước muốn đó. Nếu không biết tỉnh thức, hồi tâm và sám hối thì ngày cuối cùng sẽ đến với họ và số phận đời đời của họ chắc chắn sẽ muôn đời trong đau khổ. Còn người lành thì sẽ đời đời sống trong hạnh phúc bên cạnh Thiên Chúa của họ. Mẻ lưới của ngày tận thế sẽ thâu tóm hết mọi người trong đó, nhưng số phận của mỗi người sẽ mỗi khác: “cá tốt thì cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài, quăng vào lửa và phải khóc lóc nghiến răng ” muôn đời. Thời giờ Chúa ban cho mỗi người chúng ta sẽ là vừa đủ để chúng ta hoàn thành sứ mạng của mình. Xin đừng lãng phí nó kẻo phải muôn đời đau khổ.
Sống Lời Chúa: Hãy sống tốt giây phút hiện tại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để chúng con mãi ngủ mê trong những đam mê trần thế mà sao lãng những việc bổn phận của mình, hầu khi Chúa đến chúng con được hân hoan ra đón Chúa. Amen.
Suy niệm với Mẹ
“Cá tốt thì cho vào giỏ,
cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,48).
Như Mẹ: Đời sống hiện tại sẽ quyết định số phận của ta trong Nước Trời mai sau. Thiên Chúa luôn ban mọi ơn để cho con người tự do chọn lựa cuộc sống của mình hầu đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Một quy luật mà con người thường áp dụng trong cuộc sống: tốt thì lấy, xấu thì bỏ. Đến ngày chung thẩm thì cũng vậy, ai tốt thì được chọn, còn ai tội lỗi thì bị loại.
Với Mẹ: Xin cho các tín hữu của Chúa sống tinh thần Tin Mừng một cách sát sao hơn. Xin Chúa giúp con biết sử dụng đời sống này để đạt tới Nước Chúa qua đời sống làm con cái Ngài, luôn bám víu vào lòng thương xót Chúa.
Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh, xin giúp con biết thức tỉnh, và xin Mẹ hãy dìu dắt con trong đời sống hiện tại này.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
Thánh Leopold Mandic (1887-1942) |
Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.
Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban."
Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.
Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Đạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.
Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Đông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.
Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.
Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.
Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ "hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa" (Quy Luật 1223, Chương 10) -- đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ "sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu."
Lời Trích
Thánh Leopold thường hay tự nhủ: "Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn... Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: 'Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'" (Gioan 10:16).
Những Kỷ Niệm Nhỏ
Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ I, là người rất thận trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.
Lần kia, ông và phu nhân cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại một thành phố thuộc tiểu bang Montanạ
Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Nhưng, không hiểu làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia. Một cậu bé tìm cách tặng cho kỳ được lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà em đang cầm trên tay. Cảnh sát cố tình ngăn chận cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy tay em một cách nhiệt tình.
Cậu bé khác cảm thấy buồn hiu vì em không có gì để dâng tặng cho tổng thống. Em cố gắng mò mãi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho tổng thống. Em sung sướng vô cùng, bởi vì chính tổng thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất cả trang trọng.
Năm năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Bà Wilson xếp đặt lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy có một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận ra ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách đây năm năm. Ông quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theọ
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật... Một Thiên Chúa giàu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta cho bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh, phục vụ quên mình của chúng ta....
Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng thành của con người. Lần kia, Ngài vào đền thờ và quan sát những người đang dâng cúng tiền của. Ai ai cũng bỏ tiền vào hòm, chợt có một người đàn bà góa chỉ bỏ có một đồng xu nhỏ. Vậy mà Ngài đã tuyên bố: Người đàn bà này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, bởi vì trong khi mọi người bố thí những của dư thừa của mình, còn người đàn bà nghèo này lại dâng cúng tất cả những gì mình có để độ nhật...
Thiên Chúa luôn trân trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng Ngài. Những lễ vật càng đơn sơ, nhỏ bé dưới mắt người đời, càng có giá trị trước mặt Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên mình từng ngày, của những việc làm vô danh...