THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN
THÁNH BONAVENTURA, GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 12: 1-8)
1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn.2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát! "3 Người đáp: "Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao?6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. -7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát."
SUY NIỆM
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế”
Người Do Thái rất tôn trọng lề luật, nhất là luật về ngày sa-bát. Nhưng họ tôn trọng một cách thái quá đến việc giải thích sai lạc. Và Chúa Giêsu đã lên án họ về cách giải thích sai lạc này, nhất là giải thích sai lạc về luật ngày sa-bát. Họ trách cứ các tông đồ bức lúa mà ăn trong ngày sa-bát mà họ lại quên đi giới răn yêu thương nhân hậu. Mặt khác, họ không biết rằng Con vua Đa-vít, là Con Người, còn cao trọng hơn cả đền thờ nữa, Người đã được Thiên Chúa ban cho quyền giải thích việc giữ luật ngày sa-bát. “Ngày sa-bát vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát”.
Chúa Giêsu luôn luôn huấn luyện các môn đệ không chỉ bằng lời giảng dạy, nhưng còn bằng việc làm, bằng thái độ và gương sáng đời sống của Người. Chúa chữa lành những người tật nguyền, ủi an những người sầu khổ, và phục sinh kẻ chết. Chúa bày tỏ lòng nhân từ đối với những kẻ tội lỗi và làm cho con người nhận ra tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.
Chúa chú trọng đến tâm tình bên trong hơn là hình thức bên ngoài. “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”. Và người hằng đề cao, quan tâm đến hạnh phúc của con người trước, chứ không chỉ đề cao lề luật. Trong Tin mừng hôm nay một cách cụ thể : Chúa quan tâm đến các môn đệ đang đói hơn là chỉ chú ý đến việc chu toàn lề luật kiêng việc phần xác ngày sa-bát. Qua đó, Chúa bày tỏ tâm tình : “Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế”.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết bày tỏ tâm tình yêu mến Chúa, qua việc chúng con tuân giữ lề luật của Chúa không chỉ bằng những lý thuyết đẹp mà còn bằng các thực hành cụ thể với tâm tình quảng đại cho mọi người. Amen
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
« Con Người làm chủ ngày sa-bát »(Mt 12, 1-8)
1. Vi phạm lề luật
Đi băng qua cánh đồng lúa, các môn đệ đói bụng và bứt lúa ăn. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu chất vấn Đức Giê-su : « Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát ! » Trước hết, chúng ta ta hãy cảm thương Đức Giê-su, vì trò phạm lỗi, nhưng người ta lại đi chất vấn Thầy, như thể Thầy phải chịu trách nhiệm. Sau này, trong cuộc Thương Khó và trên Thập Giá Đức Giê-su sẽ nhận vào mình tất cả mọi tội lỗi, dưới sự phán xét của Lề Luật, không chỉ của các môn đệ, nhưng là của cả loài người chúng ta.
Xét về luật, những người Pha-ri-sêu thật có lý để lên án các môn đệ, vì, để ăn hạt lúa, họ phải « gặt và xay » cây lúa. Như thế, họ đã phạm luật cấm lao động trong ngày Sa-bát ! Tuy nhiên, lỗi này là chuyện nhỏ, không nghiêm trọng gì mấy ; có lẽ Đức Giê-su chỉ cần nhắc nhở các môn đệ là xong chuyện. Nhưng có điều gì đó thật nghiêm trọng và không hề là chuyện nhỏ ; Đức Giê-su sẽ mặc khải cho chúng ta điều này.
2. Dò xét và tố cáo
Thật vậy, chúng ta có thể tự hỏi : làm sao, ở ngoài đồng bao la như thế, những người Pha-ri-sêu lại biết được việc này ? Chắc họ đã phải kín đáo nhiều ngày đi theo, rình mò, theo dõi và quan sát thật kĩ nhóm của Đức Giê-su, giống như khi người ta muốn bắt quả tang người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 2-11). Hành động này hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án, và chỉ cần chờ hoặc tìm kiếm dịp mà thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không có dịp, chính họ sẽ tạo ra dịp để Đức Giê-su và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy.
Thế mà, Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết rằng, ý muốn lên án cho dù chưa có lý do, vốn thuộc về Satan (x. St 3, 1-7 ; Dcr 3, 1; Gi 1, 11 ; 2, 6; Kh 12, 7-10 » ; xem bài đọc thiêng liêng « Sự Dữ). Là thuộc về Satan, nhưng hành động này lại không hiếm thấy trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, những người hành động theo Satan, cho dù không nhận ra mình đang hành động theo Satan, là những người có ý muốn lên án và để lên án, thì phải dựa vào lề luật để tìm kiếm, rình mò, thậm chí gài bẫy hay ngụy tạo nhằm có bằng chứng hành vi vi phạm lề luật. Vì thế, một đàng thật hợp lý khi người ta dựa vào lề luật để lên án hành vi vi phạm, như trường hợp các môn đệ bứt lúa ăn vào ngày sa-bát, nhưng đàng khác, ý muốn lên án, vốn là đặc điểm của Satan và tự nó là xấu xa, đã luôn có đó rồi. Biết như thế, nhưng không ai làm gì được, vì có lề luật là chỗ dựa, thậm chí, là chỗ ẩn nấp thật kín đáo, kín đáo nhất của Sự Dữ. Và đó chính là cách người ta lên án chết Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su là Đấng Vô Tội tuyệt đối (chúng ta thì không, vì bị rình mò một hồi là ra tội), vì thế kẻ kết án chỉ có thể là Satan, hành động nơi những con người cụ thể ; và khi kết án Đấng Vô Tội tuyệt đối, nhân danh Lề Luật : « Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7), Sự Dữ bị lộ ra nguyên hình.
Hơn nữa, và điều này còn nghiêm trọng hơn, ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ ơn huệ sự sống được cứu khỏi sự chết của cả một dân tộc trong biến cố Xuất Hành, bởi lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Đnl 5, 12.15). Nhưng trong thực tế, ngày Sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những qui định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để lên án và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Điều này sẽ được khởi động rất sớm : « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su ». Và mưu đồ này sẽ đi đến cùng trong cuộc Thương Khó, khi người ta nhân danh Lề Luật để giết Đấng Vô Tội tuyệt đối.
3. Sự sống và lề luật
Như các môn đệ, không ai trong chúng ta không vi phạm luật ; và như những người Pha-ri-sêu, không ai trong chúng ta tránh được sức mạnh của Sự Dữ thúc đẩy chúng ta dùng lề luật để dò xét và tố cáo bản thân mình và người khác. Vậy, « tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! » (Rm 7, 24-25)
Thật vậy, Đức Giê-su đã đứng về phía các môn đệ, những « bị cáo », và qua các môn đệ, Ngài đứng về phía chúng ta. Ngài biện minh cho họ bằng những lời mạc khải có tầm mức hết sức rộng lớn. Trước hết, Ngài dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh. Trong sách Samuel quyển 1, chương 21, kể lại chuyện vua Đa-vít và những người tùy tùng của ông, lúc đói đã vào nhà Thiên Chúa ăn bánh dùng để dâng tiến, thứ bánh chỉ có tư tế mới được ăn.
Khi nêu ra một biến cố lịch sử, được kể lại trong Sách Thánh, Đức Giê-su muốn nói cho người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho chúng ta về chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa :
- Sự sống ưu tiên hơn lề luật. Vì Thiên Chúa thông truyền sự sống trước khi ban lề luật (x. St 2-3). Và xét cho cùng, mọi lề luật được đặt ra để phục vụ cho sự sống. Sự sống chính là cùng đích của lề luật. Dùng lề luật để kết án, cho dù có lý, vẫn là hành động không phù hợp với cùng đích của lề luật, thậm chí thuộc về hành động của Satan.
- Luật đúng là thánh, như thánh Phaolo nói trong thư Roma (Rm 7). Nhưng ngôi vị cũng là thánh, vì vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, trong hành vi phạm luật, phải chú ý đến hoàn cảnh, quá khứ, giáo dục, môi trường, những vấn đề và vết thương của nội tâm… Như Đức Chúa nói với ngôn sứ Samuen : « Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng » (1Sm 16, 1)
- Con Người, nguồn sự sống, là chủ ngày Sa-bát. Mặc khải này của Đức Giê-su phải làm cho chúng ta tin tưởng và bình an, vì Đấng ban luật cũng là Đấng thương xót, bao dung, không lên án, nhưng cứu vớt. Không phải Chúa bao che chúng ta, những là vì chỉ có lòng thương xót mới có sức mạnh biến đổi và chữa lành tận căn con tim của chúng ta (x. dụ ngôn « Người Cha nhân hậu » trong Lc 15, 11-32).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J