Mt 13, 16 - 17
Ghi nhớ: “ Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe ” (Mt 13,16)
Suy niệm: Khát vọng lớn nhất của con người là tìm thấy được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đích thực không thể tìm thấy ở nơi trần gian này. Chúa Giêsu đến trần gian và đã chỉ cho con người thấy hạnh phúc thật. Các môn đệ ngày xưa là những con người thật sự có phúc, vì được thấy Chúa và được nghe lời Chúa. Vì thế, ai thật sự lắng nghe Lời Chúa và sống theo Lời Chúa thì chắc chắn sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực cho mình. Ngày nay, tuy chúng ta không trực tiếp nhìn thấy Chúa bằng xương bằng thịt, hay được nghe chính Chúa giảng dạy, nhưng chúng ta sẽ có phúc hơn các Tông đồ ngày xưa nếu chúng ta biết nhìn thấy và nhận ra Chúa nơi anh em, nơi công việc, nơi các biến cố của cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa là Lời ban sự sống. Xin cho chúng con thật sự biết lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa mỗi ngày. Amen.
Suy niệm với Mẹ.
“Mắt anh em có phúc vì được thấy,
tai anh em có phúc vì được nghe” (Mt 13,16).
Như Mẹ: Trong thời Tân Ước, Thiên Chúa đã phán dạy con người qua chính người con của mình, họ đã thấy tận mắt và nghe trực tiếp bao lời giáo huấn của Chúa. Thật có phúc cho những ai đã chứng kiến những điều Chúa đã làm và nghe những lời Chúa đã dạy. Nhưng ai không thấy và không nghe mà vẫn tin thì lại càng có phúc biết chừng nào!
Với Mẹ: Chúng con cũng có phúc vì được nghe, được thấy những điều tốt lành Chúa đã làm qua Giáo Hội và trong đời sống của mình. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn biến đổi mỗi khi con đón nhận Lời Chúa.
Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, xin cho con mặc lấy tâm tình yêu mến và suy đi gẫm lại Lời Chúa trong lòng như Mẹ.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
Thánh Gioankim và Thánh Anna
Trong Kinh Thánh, các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp cho chúng ta phả hệ của Đức Giêsu. Các ngài đi ngược trở về tổ tiên dòng họ của Người chỉ để chứng minh rằng Đức Giêsu là cực điểm của các lời hứa trọng đại. Nhưng bên ngoại của Đức Giêsu thì bị lãng quên, chúng ta không có một dữ kiện gì về các đấng sinh thành ra Đức Maria. Ngay cả tên Gioankim và Anna cũng xuất phát từ một truyền thuyết được viết lại sau khi Đức Giêsu về trời khoảng hơn một thế kỷ.
Tuy nhiên, đức tính anh hùng và thánh thiện của các ngài được suy đoán từ bầu khí của toàn thể gia tộc Đức Maria. Dù chúng ta dựa trên truyền thuyết về thời kỳ thơ ấu của Đức Maria hoặc suy đoán từ các dữ kiện trong Phúc Âm, Đức Maria là một thể hiện của biết bao thế hệ những người siêng năng cầu nguyện mà chính ngài là một người đắm chìm trong các truyền thống đạo đức của người Do Thái.
Các đức tính nổi bật của Đức Maria khi ngài thi hành các quyết định, khi liên lỉ cầu nguyện, khi trung thành với quy luật tôn giáo, khi bình tĩnh trước những khủng hoảng và khi tận tâm với người bà con -- tất cả những điều này cho thấy một gia tộc khắng khít, yêu thương nhau biết nhìn đến các thệ hệ tương lai trong khi vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của quá khứ.
Thánh Gioankim và Thánh Anna -- dù những tên tuổi này có thật hay không -- đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Đấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.
Lời Bàn
Đây là "ngày lễ của các ông bà". Nó nhắc nhở cho các ông bà về trách nhiệm của họ là phải thiết lập gia phong cho các thế hệ tương lai: Họ phải làm sống lại các truyền thống và trao truyền cho con cháu. Nhưng ngày lễ này cũng có ý nghĩa cho các thế hệ trẻ. Nó nhắc nhở người trẻ rằng cái nhìn chín chắn, giầu kinh nghiệm của người già là sự khôn ngoan không nên coi thường hoặc bỏ qua.
Lời Trích
"... Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong đó, nhiều thế hệ đến với nhau để giúp đỡ nhau lớn lên trong sự khôn ngoan và để hòa hợp quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 52).
Vết Sẹo Nơi Bàn Chân
Ông Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa.... Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: "Chính vết thương này đã làm ta nên người".
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dàọ