Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Hàng trăm người từ Kolkata sẽ đến dự lễ tôn phong thánh cho Mẹ Têrêsa

Filled under:




 
Khoảng 350 người từ thành phố Kolkata của Ấn Độ sẽ tham dự lễ tôn phong thánh cho Mẹ Têrêsa tại Vatican vào ngày 4-9, tờ The Times of India đưa tin.

Trong phái đoàn chính thức gồm gần 200 người có Sơ Prema, bề trên tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, và Đức Tổng Giám mục Thoma D’Souza của Calcutta, người dự kiến sẽ đồng tế với Đức Thánh cha Phanxicô.

Cùng đi với phái đoàn quan chức nhà nước có thống đốc Mamata Banerjee. Một nhóm gồm 150 người Công giáo từ Kolkata cũng sẽ sang Ý tham dự thánh lễ tôn phong thánh cho Mẹ Têresa và tổ chức một chuyến hành hương ngắn ngày sau đó.

“Tôi lớn lên và thần tượng Mẹ và thường theo Mẹ đến Nirmal Hriday thuộc Kalighat, vốn gần nơi tôi sống”,  giáo dân Rumila Mukherjee phát biểu với tờ The Times of India.

“Mẹ tượng trưng cho tình thương và lòng tốt. Đối với người Kolkata, Mẹ luôn là một thánh nhân. Vì giờ đây Mẹ sắp được chính thức tôn phong thánh, nên tôi không muốn bỏ lỡ nghi lễ này”, Mukherjee nói.

Mẹ Têrêsa sinh tại Skopje, nay là thủ đô của Macedonia. Ngài sang Ấn Độ năm 1929 và gia nhập dòng Loreto. Ngài rời khỏi nhà dòng vào cuối thập niên 1940 và thành lập dòng Thừa sai Bác ái năm 1950, phục vụ “người nghèo nhất trong số người nghèo”, tại Calcutta, nay là Kolkata.

Mẹ Têrêsa qua đời vì bị đau tim tại nhà mẹ của dòng ở Kolkata ngày 5-9, 1997, hưởn thọ 87 tuổi. Quá trình tôn phong thánh cho ngài bắt đầu hai năm sau đó. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước cho ngài năm 2003. Mộ ngài được đặt tại nhà mẹ và trở thành một trung tâm hành hương.

UCAN

Chị Lucia Fatima tiên báo 'trận chiến sau cùng' của Chúa với Satan là lĩnh vực hôn nhân, gia đình


Chị Lucia dos Santos - một trong ba trẻ nhỏ đã thị kiến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima - qua đời vào năm 2005. Nhưng trước khi về với Chúa, Chị tiên báo rằng 'trận chiến sau cùng' giữa Chúa Kitô và Satan sẽ là trận chiến trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
 
 
Theo đó, Đức Hồng Y Carlo Caffarra nói rằng ngài đã nhận được một lá thư trình bày tiên báo này khi ngài đang là Tổng giám mục của Tổng giáo phận Bologna bên Ý.

Lá thư này được cho là của Chị Lucia, gửi đi trong triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Gần đây, tuần san Desde la Fe (Từ Đức Tin) của Tổng Giáo Phận Mexico đã bắt đầu quan tâm lại lá thư này, trong bối cảnh mà Tổng thống Enrqiue Pena Nieto vừa tạo ra các cuộc tranh luận khi ông tuyên bố ý định ủng hộ hôn nhân đồng tính ở đất nước Mexico này.

Tuần san Mexico đã nhắc lại những chi tiết mà Đức Hồng Y Caffarra đã nói với giới báo chí nước Ý hồi năm 2008, tức là ba năm sau khi Chị Lucia qua đời.

Vào ngày 16 tháng 2 năm 2008, Đức Hồng Y đã cử hành một Thánh Lễ tại phần mộ của Cha Thánh Padre Pio, sau đó ngài đã dành cho Đài phát thanh Tele Padre Pio một cuộc phỏng vấn. Khi được hỏi về những lời tiên báo của Chị Lucia dos Santos nói về 'trận chiến sau cùng' giữa Thiên Chúa và quỷ Satan, Đức Hồng Y Caffarra giải thích rằng, Thánh Gioan Phaolô II thời đó đã truyền lệnh cho ngài lên kế hoạch để thành lập Viện Giáo Hoàng nghiên cứu về hôn nhân và gia đình. Khi bắt tay vào công trình này, Đức Hồng Y đã viết một lá thư cho chị Lucia thông qua Đức Giám Mục của Chị vì ngài không có liên hệ trực tiếp với nữ thị nhân.

"Không hiểu sao, mặc dù tôi không mong đợi Chị sẽ hồi đáp, tôi chỉ viết để xin Chị cầu nguyện thôi, nhưng tôi đã nhận được một lá thư dài với chữ ký của Chị, bây giờ nó vẫn còn lưu trong văn khố của Viện", Đức Hồng Y người Ý nói.

"Trong lá thư mà chúng tôi nhận được viết rằng: ‘Trận chiến sau cùng’ giữa Thiên Chúa và bè lũ của Satan sẽ là về lĩnh vực hôn nhân và gia đình. 'Đừng sợ' - Chị nói thêm - bởi vì bất kỳ ai làm việc cho sự linh thánh của hôn nhân và gia đình sẽ luôn có phương cách để chiến đấu chống lại và phản kháng nó, bởi vì đây là vấn đề quyết định. Sau đó, Chị kết luận: "Tuy vậy, Đức Mẹ đã đạp nát đầu của nó [Satan] rồi".

Đức Hồng Y Caffarra nói thêm rằng "Đức Gioan Phaolô II từng nói, bạn có thể cảm nhận rằng gia đình là điều cốt lõi, vì nó được dựng xây bởi các trụ cột là công cuộc tạo hóa, sự thật về mối quan hệ giữa người nam - người nữ, và giữa các thế hệ. Nếu các trụ cột cơ bản này bị hư nát thì toàn bộ ngôi nhà sẽ sụp đổ; ngày nay chúng ta đang chứng kiến điều đó, bởi vì chúng ta đang sống ngay trong thời điểm này, chúng ta biết điều đó".

"Và tôi xúc động khi đọc tiểu sử tốt lành của Cha Padre Pio, ngài đã rất chú ý tới sự linh thánh của hôn nhân và sự thiện hảo của các cặp vợ chồng".


Chân Phương

Các Giám Mục Nhật Bản lên án tính ích kỷ của con ngưòi làm chết biển


TOKYO:  Nhân Ngày của dân biển mùng 10 tháng 7 các Giám Mục Nhật Bản đã công bố sứ điệp khẳng định biển khơi đang chết, và lý do chính là sự ích kỷ của con người.

 
Sứ điệp tựa đề “Trên cùng con thuyền. Với lòng thương xót của Thiên Chúa Cha” mang chữ ký của ĐC Michele Matsuura Gora, chủ tịch Ủy ban đặc trách người di cư tỵ nạn của HĐGM Nhật. Các Giám Mục Nhật nhấn mạnh rằng các khó khăn và nguy hiểm mà những người sống và làm việc trên biển gặp phải không chỉ đến từ thiên nhiên. Thật thế, vì biển ngày càng trở thành nguy hiểm hơn vì các vụ thử bom nguyên tử, và các chất độc hại có chất phóng xạ ô nhiễm thải vào biển, tạo ra các tình trạng vô cùng nguy hiểm cho người và các loài vật sống trong biển. Các vị nhắc lại rằng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót tất cả mọi người đều được mời gọi yêu thương nhau như các thành phần trong cùng một gia đình được Thiên Chúa Cha hướng dẫn. Nhưng tình yêu thương xót này không luôn luôn bao gồm các người sống và làm việc trên biển cả. ĐC Matsuura Goro nhận xét rằng rất ít khi chúng ta nghe được các tin tức liên quan tới họ, mặc dù hằng ngày họ phải đương đầu với biết bao nhiêu nguy hiểm.
 
ĐC nhấn mạnh rằng biển cả là ơn tạo dựng tuyệt diệu của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta không được phép gây ô nhiễm để chỉ nuôi cái tôi ích kỷ của mình. Cơm bánh chúng ta ăn hằng ngày cũng đến từ những người làm việc trên biển cả. Chúng ta tất cả đều ở trên cùng một con thuyền. Vì vậy chúng ta phải lưu tâm tới các người làm việc trên biển cả cũng như trên đất liền, và hỗ trợ lẫn nhau. Trong ngày Chúa Nhật của dân biển này chúng ta hãy cầu nguyện cho các người làm việc trên biển cả và gia đình họ (SD 8-7-2016).
 
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Đài Vatican)

Trò chơi điện tử Pókemon Go là cơ hội thu hút người ta đến với nhà thờ



“Tôi đã bắt được một con!” - Một người nào đó hét lên bên ngoài cửa sổ nhà xứ của Cha Ryan Kaup, khiến ngài tỉnh giấc lúc 00:30 sáng. Đó là bởi vì nhà thờ giáo xứ Cristo Rey của Cha Kaup (ở thành phố Lincoln, tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ) là một PokeStop.

Là một PokeStop nghĩa là gì?

Đó là một thành phần nằm trong trò chơi điện tử Pokémon Go - ứng dụng điện thoại thông minh (smartphone app.) đang ‘làm mưa làm gió’, vừa được phát hành hồi tuần trước của hãng Niantic Labs.

Với trò chơi điện tử này, người chơi sẽ đi qua khắp các khu phố trong đời sống thực để “tìm bắt các con Pókemon”. Chỉ hai ngày sau khi phát hành hồi Thứ Năm tuần trước, nó đã trở nên quá thu hút, người ta đã dành thời gian cho trò chơi này còn hơn cả việc dùng các ứng dụng phổ biến khác như Whatsapp, Snapchat và Instagram.

Khi bắt Pokémon, họ sẽ được Điểm số (points), Giải thưởng (prizes) và Cấp độ (levels), sau đó họ vào các PokeStops (Trạm Pokémon) - là những nơi được gắn thẻ địa lý (tagged locations) trong thế giới thực - để họ có thể trao đổi với nhau trong trò chơi.

Có khá nhiều PokeStop được đặt tại các nhà thờ. Từ hiện tượng này, một số linh mục và người làm công tác mục vụ giới trẻ - họ vốn thường rảo bước trên khắp các con phố để đến nhà thờ - tự hỏi: làm cách nào để chúng ta có thể khai thác sự phổ biến của trò chơi này nhằm giúp ích cho việc rao giảng Tin Mừng.

“Khi tôi thử download trò chơi này, tôi phát hiện rằng chỗ của tôi đang ở là một PokéStop”, Cha Kaup nói.

“Rồi sau Thánh Lễ, tôi có nghe một nhóm trẻ con trong giáo xứ bàn luận về trò chơi này, chúng vui mừng vì chúng đã bắt được một con thú tên là Charmanderzar trong hội trường giáo xứ. Cho nên tôi đã phải kiểm tra xem nó như thế nào”, Cha chia sẻ.

Giáo xứ của Cha Kaup tọa lạc trong một khu dân cư, cách xa lộ một đoạn, do đó, đây không phải một nơi mà mọi người thường hay lui tới. Nhưng kể từ khi có sự đột phá của trò chơi Pokémon Go này, Cha Kaup cho biết rằng ngài hay thấy có một vài chiếc xe chạy chậm đến đây, hoặc là chạy luôn vào bãi đậu xe trong chốc lát để họn “lượm” các Pokéballs (Quả trứng Pokémon).

Sau đó, Cha kể điều này với thư ký của ngài và bảo cô ấy cứ để ý xem trong những ngày tới hoặc tuần tới sẽ có nhiều xe cộ qua lại hơn nữa quanh giáo xứ khi trò chơi này được bùng nổ.

“Tôi nói với cô thư ký rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để thu hút họ và mời họ vào nhà thờ cầu nguyện”, Cha nói.

Ngài cũng tự hỏi là làm sao để có thể khiến cho PokéStop tại giáo xứ của mình trở nên hấp dẫn hơn.

“Mỗi khi chúng ta có một cuộc gặp gỡ với người khác thì đó là một cơ hội để truyền giáo. Giáo xứ Cristo Rey là một PokéStop, nên đã đưa mọi người đến cửa nhà chúng tôi, người ta sẽ không bao giờ đến nếu không phải như vậy ... Nói đùa chứ, tôi đang có ý định treo một bảng hiệu bên ngoài nhà thờ viết rằng: “Đây là Pokéstop. Hãy đến và nói xin chào!”; hoặc một điều gì đó dọc theo bên đường. Có cơ hội để chúng ta có thể chia sẻ Tin Mừng chẳng tốt hay sao .”

Anh Phil, một người đang làm việc mục vụ tại Denver nói với CNA rằng anh nghĩ trò chơi này sẽ có tiềm năng trở thành cách thể hiện bản thân. Mọi người nên quan sát họ đang sử dụng nó như thế nào, và các nhà thờ nên chào đón các “Pokémon trainers” - tức là người chơi trò chơi này, theo cách gọi của họ - để trò chơi này có tác dụng thực sự, anh nói.

Một số người Công Giáo đã sử dụng trò chơi này nói rằng nó đơn giản chỉ là một công cụ tốt để gặp gỡ những người khác một cách hữu hiệu.

Allan Phan - một thầy chủng sinh thuộc Chủng viện St. Charles Borromeo - đang dạy giáo lý hè cho Totus Tuus, thầy cho biết trò chơi này đã giúp học sinh lớp giáo lý của thầy kết thân với nhau hơn và với những người mà bọn trẻ đã gặp.

"Nó có thể là một công cụ tốt để khơi mào một cuộc trò chuyện và mở ra một mối quan hệ với người khác", thầy nói.

Craig de Aragón - một giáo dân Công Giáo đang làm trợ lý giám đốc cho một nhóm các đài phát thanh ở Denver nói rằng cho dù tại một nhà thờ hay ở nơi nào khác, trò chơi này là một cơ hội tốt để mọi người nối kết với nhau.

"Tôi nghĩ rằng Pokemon Go có khả năng nối kết mọi người. Cho dù ở nhà thờ hay ở bất kỳ Pokéstop ngẫu nhiên nào, nó làm cho những người Công Giáo chúng ta có thể nối kết và tiếp cận với những người khác".

Thời gian sẽ cho biết trò chơi này thu hút được bao lâu, nhưng chưa đến lúc ấy, nếu bây giờ bạn thấy một người nào đó đang đi lang thang quanh bãi đậu xe trong giáo xứ của bạn và đang dán mắt vào chiếc điện thoại của họ, bạn cứ hỏi họ rằng “đang đi bắt Pokémon phải không?”.

Chân Phương