Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

THẮNG LÝ NGƯỜI VÔ THẦN

Filled under:

THẮNG LÝ NGƯỜI VÔ THẦN

Có phải là bạn hãnh diện về Đức Tin của mình nhưng lại không biết cách trả lời khi người khác phê bình? Đây là 5 điều tranh luận phổ biến chống lại Kitô giáo và cách giúp bạn tự tin trả lời.
1. HIỆN HỮU
“Làm sao bạn biết Chúa Giêsu hiện hữu?” là cách đặt vấn đề rất phổ biến. Từ khi công bố phim tài liệu “Religulous” của Bill Maher (*), người ta thường so sánh Chúa Giêsu với các thần linh khác – như thần Horus của Ai Cập. Sau khi liên kết vài điểm tương tự thái quá, yêu sách của Maher đã gây ra mối nghi ngờ về sự hiện hữu của Chúa Giêsu.
May thay, các học giả rất đồng ý rằng CHÚA GIÊSU THÀNH NADARÉT THỰC SỰ HIỆN HỮU. Họ không chỉ là các học giả Kitô giáo mà có cả các học giả ngoài Kitô giáo. Giáo sư Bart Ehrman, Đh Bắc Carolina tại Chapel Hill, viết nhiều sách bàn luận về tư tưởng bảo thủ của Kitô giáo, vừa xuất bản một cuốn sách thảo luận và vạch trần việc người ta cho rằng Chúa Giêsu không hiện hữu. Ngoài ra, nhiều nguồn cổ xưa ngoài Kinh Thánh, như sử gia Tacitus người Rôma và sử gia Josephus người Do Thái, đều đề cập Chúa Giêsu theo các cách thức phù hợp với câu chuyện Kinh Thánh.
2. PHÚC ÂM
Cho tới ngày nay, một lĩnh vực nghiên cứu được tranh luận nhiều là tác giả của các sách Phúc Âm. Nhiều kinh sĩ Kitô giáo tin rằng các sách Phúc Âm không được viết theo kiểu làm chứng, mà được viết sau khi nghe truyền khẩu. Nếu các học giả Kitô giáo tin rằng các môn đệ không là các tác giả của các bản văn Kinh Thánh, vậy làm sao các Kitô hữu có thể tin tính chính xác của Kinh Thánh?
Có hai cách trả lời thông minh ở đây. Có một số vấn đề có sẵn, như cuốn “Jesus and the Eyewitnesses” (Chúa Giêsu và các Nhân Chứng) của Richard Bauckham, nói rằng các sách Phúc Âm là bằng chứng, sự chính xác về ngày tháng không là vấn đề đối với đòi hỏi của những kẻ đa nghi. Trong bộ sách “Word on Fire”, Lm Robert Barron so sánh các Phúc Âm với lịch sử hiện đại để thêm một chút ngữ cảnh. Ngài nói rằng giả sử bạn đọc một cuốn sách mới viết về vụ ám sát JFK. Mặc dù cuốn sách đó không thể được viết bởi một người chứng kiến tận mắt đầy đủ các chi tiết, chúng ta không thể cho rằng thông tin trong cuốn sách đó không đúng sự thật vì người viết bị mua chuộc. Đối với các sách Phúc Âm cũng tương tự.
3. ĐÓNG ĐINH
Nếu Chúa Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa, tại sao Thiên Chúa lại muốn Con Ngài phải chết? Christopher Hitchens, thành viên của phong trào New Atheist (Tân Vô Thần), viết: “Một lần nữa, chúng ta có một người cha thể hiện tình yêu thương bằng cách giao con mình cho tử thần, nhưng lần này người cha đó không gây ấn tượng đối với thần linh. Người cha đó là thần linh, và muốn gây ấn tượng đối với nhân loại”. Nếu sự đóng đinh chỉ là cách Thiên Chúa chứng tỏ sức mạnh, có thể chúng ta sẽ gặp rắc rối ...
May thay, không phải như vậy. Sự đóng đinh không là điều Thiên Chúa giáng trên Đức Kitô để ban ơn tha thứ. Sự đóng đinh là cách Thiên Chúa chịu đựng nơi Đức Kitô khi Ngài tha thứ. Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về tính cách của Thiên Chúa, và là các Kitô hữu, chúng ta tôn thờ một Thiên Chúa, Đấng tha thứ cho chính những kẻ đã đóng đinh Con Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!” (Lc 23:34). Điều này không phải là Thiên Chúa thể hiện quyền năng trên chúng ta, mà là thể hiện lòng thương xót và thể hiện quyền năng đối với Tử Thần.
4. PHÉP LẠ
Người ta thường nghi ngờ các phép lạ về Chúa Giêsu, từ việc Đức Mẹ đồng trinh tới sự phục sinh của Chúa Giêsu, và nhiều mầu nhiệm khác nữa. Những kẻ đa nghi cho rằng chẳng ai có lý trí lại có thể tin một con người hóa bánh ra nhiều cho hằng ngàn người ăn no nê chỉ với vài chiếc bánh và mấy con cá, hoặc gọi người chết Ladarô sống lại từ cõi chết.
Đó là điều quá đặc biệt về các phép lạ: Vô lý! Nói cho ngay, các phép lạ không là các phép lạ nếu có thể đụng chạm. Khi Chúa Giêsu làm phép lạ, đám đông và các tông đồ chứng kiến nhãn tiền thì họ không thể không tin.
5. TÍN HỮU
Thập Tự Quân hoặc Tòa Án Dị Giáo của Tây Ban Nha thì sao? Tôn giáo luôn làm cho người ta có những hành vi khủng khiếp chưa hề xảy ra nếu người ta không dễ bị tẩy não như vậy, thật vậy ư? Đây là cách tranh luận phổ biến tìm cách làm mất uy tín Thiên Chúa và tôn giáo, nhưng nó làm vậy bằng cách tấn công vào tội lỗi của con người, vấn đề mà Kitô giáo tìm cách sửa trị.
Chắc chắn rằng không phải mọi thứ “nhân danh Đức Kitô” đều thực sự giống như Ngài. Ngay từ thời Hoàng đế Constantine, Kitô giáo đã có vai trò quan trọng trong văn hóa Tây phương, thường xen lẫn với chính trị và chính phủ. Trong cuốn “Magnificent Obsession” (Ám Ảnh Dữ Dội), tác giả David Robertson cho biết rằng “khó có thể tách Kitô giáo ra khỏi vị trí nổi trội đã có trong xã hội”. Tình trạng này thường gây hiểu lầm về Kitô giáo đối với các hành động xấu của những người hành vi tham lam và không thể chấp nhận, những điều hoàn toàn đối lập với Chúa Giêsu. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là xin ơn tuân giữ các mệnh lệnh của Chúa Giêsu hết sức có thể, và chứng tỏ cho thế giới biết tình yêu Thiên Chúa thực sự là gì.
GHI NHỚ
Khi danh sách này là điểm khởi đầu, nhiều cuộc tranh luận khác sẽ không thể tránh khỏi. Ở mức độc nào đó, bạn phải chấp nhận rằng mỗi cuộc tranh luận đều tạo ra cách này hoặc cách khác trong cuộc tranh luận, một cách khác sẽ được tạo ra. Đó là lúc đức tin thể hiện. Đức tin không chỉ có nghĩa là chấp nhận vô điều kiện, mà còn có nghĩa là tin vào Chúa Giêsu, không đơn thuần dưa vào việc thắng các cuộc tranh luận trí tuệ. Cuối cùng, “cách giải thích” tốt nhất về niềm tin của bạn là sống niềm tin đó hết sức chân thành và khiêm nhường, cùng với niềm tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)
Kính mừng Chúa Phục Sinh – 2018
(*) RELIGULOUS (cách phát âm: rɪˈlɪɡjʊləs hoặc rɪˈlɪdʒʊləs/) là phim tài liệu, kịch bản của Bill Maher và đạo diễn là Larry Charles, xuất bản năm 2008. Chữ RELIGULOUS là từu ngữ kết hợp bởi hai tính từ “religious” (thuộc về tôn giáo) và “ridiculous” (lố bịch, tức cười) – ý mỉa mai tôn giáo là lố bịch. Tài liệu này kiểm tra và thách thức tôn giáo và niềm tin tôn giáo. Bill Maher còn xem xét giáo lý của Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, đồng thời gợi lên các vấn đề về đồng tính, chứng cớ về sự hiện hữu của Đức Kitô, luật Do Thái về ngày Sabát, và bạo lực của  các tín đồ Hồi giáo cực đoan.