Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 28/04/2018

Filled under:

Lời ChúaGa 14, 7-14
    Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”
Suy nim 1
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài :
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
 yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM 2

Lịch sử cứu độ là một cuộc đối thoại triền miên giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa bầy tỏ và mời gọi con người đến chia sẻ hạnh phúc với Ngài và ở trong Ngài. 

Ngài nói với con người bằng nhiều thể cách khác nhau: Ngài nói qua các kỳ công của Ngài trong thiên nhiên, qua dòng lịch sử của nhân loại, qua các tiên tri của Ngài, và sau cùng Ngài nói qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. 

Không có ngôn ngữ nào tuyệt hảo cho bằng ngôn ngữ của tình yêu. Khi hai người yêu nhau, họ không nói nhiều với nhau, mà chỉ cần hiện diện bên nhau. Sự cảm thông của hai người vượt lên trên mọi thứ ngôn ngữ và mọi cách diễn tả. 

Chúa Giêsu đến với con người bằng sự hiện diện của tình yêu. Người chia sẻ cuộc sống của con người, Người chấp nhận nổi khổ đau của con người. Người yêu thương và tha thứ cho con người đến cùng. 

Sống và chết đối với Chúa Giêsu là để bầy tỏ cho con người một chân lý. Chân lý đó là: “Thiên Chúa là tình yêu”. Như thế, thấy Chúa Giêsu có nghĩa là thấy tình yêu của Thiên Chúa, thấy Thiên Chúa. Do đó không lạ gì Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”. 

Với các Tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu, những người đã từng sống, từng chia sẻ những nỗi vui buồn với Chúa, từng chứng kiến cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Chúa, các Tông đồ thấy Chúa Cha. 

Qua cuộc sống mình, người khác có thấy Chúa không? 

Người ta đã nói về thánh Gioan Vianey: Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người. Và ai thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa Cha. 

Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu ý thức được sứ mạng bầy tỏ và giới thiệu Đức Kitô, bằng chính cuộc sống và con người của mình, để cho người khác, khi nhìn vào Kitô hữu, họ nhận ra Đức Kitô. Đó chính là sứ mạng truyền giáo mà mỗi người chúng ta phải chu toàn.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con luôn có được con mắt đức tin, để chúng con không ngừng nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa qua mọi biến cố của cuộc sống thường ngày. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường