Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Phút suy niệm ngày 16/4/2018

Filled under:

“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6,27)
 Nếu thân xác cần được cung cấp đầy đủ thức ăn thì linh hồn cũng cần được nuôi dưỡng như vậy. 
Thường thì người ta dễ nhận ra và lo lắng về sự tiều tụy của cơ thể, sự xuống cấp của nhan sắc hơn là sự èo uột của linh hồn! Và do đó dễ đi đến chỗ thiên lệch “được phần xác, nhếch nhác phần hồn.”
 Lời Chúa dạy phải lo làm việc chăm lo cho phần xác nhưng không phải chỉ vì “của ăn mau hư nát” mà để thân xác cũng được thánh hóa và cùng với linh hồn hưởng phúc trường sinh.
Lạy Chúa, xin cho con khát khao những hoạt động đem lại lợi ích thiêng liêng để con dễ dàng từ chối những đam mê ti tiện ở đời này. Amen.


THÁNH BIỂN ĐỨC LBRÊ, HÀNH KHẤT
(1748-1783)
"Chớ gì ý Chúa được thể hiện", đó là lý tưởng duy nhất của các vị thánh. Các ngài khác nhau về hoàn cảnh, địa vị, giáo dục, về mầu da, nước tóc, nhưng lại gặp nhau ở một điểm: "Tìm biết ý Chúa để phụng sự Chúa và các linh hồn". Đời sống đặc biệt của thánh Biển đức dưới đây sẽ nói lên đầy đủ chân lý ấy.
Trên con đường dẫn vào họ đạo xứ thánh Xuân Bích (Saint Sulpice) thuộc địa phận Boulogne-surmer người ta thấy một cửa hiệu tạp hóa nghèo nàn, đứng thu mình trong mảnh vườn trồng cây ăn quả, đó là gia cư cha mẹ thánh Biển đức, một gia đình ít của cải nhưng nhiều nhân đức. Ông bà sinh hạ được mười lăm người con mà thánh Biển đức là con cả.  Thánh nhân sinh ngày 25-05-1748. Vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu, lại thấy con có nhiều đức tính tốt, ông bà bèn giao Biển đức cho người chú ruột coi sóc. Ông này tên là Phanxicô Giuse cũng nổi tiếng là người rất đạo hạnh.
Chính ông đã hun đúc cho Biển đức nhiều đức tính tốt, đặc biệt lý tưởng sống đời tận hiến cho Chúa và các linh hồn. Ngay khi vừa lên tám tuổi, Biển đức đã say mê đời sống khổ hạnh và bác ái. Cậu tìm nhiều giờ cầu nguyện với Chúa nơi thanh vắng, hoặc đi giúp việc và yên ủi các bệnh nhân trong nhà thương gần đó. Khác với các trẻ cùng tuổi, cậu ít nói, luôn vui vẻ giúp đỡ mọi người, nhất là lớp người xấu số và các hành khách đến trọ nhờ. Cậu mặc đơn sơ, ăn uống điều độ. Đêm ngủ cậu thường gối đầu bằng một phiến đá nhỏ. Mỗi khi gặp điều gì phiền muộn, cậu Biển đức thường chỉ trấn tĩnh mình bằng một câu vắn tắt: "Xin vâng ý Chúa, hay ước gì ý Chúa được thể hiện".
Tâm hồn đạo đức ấy hầu như lớn trước tuổi. Đến năm 16 tuổi, Biển đức muốn xin nhập dòng Trappê. Cậu đem trình bày ý định với chú và cha sở họ Erinô. Nhưng vì thấy Biển đức còn ít tuổi, dáng người lại yếu đuối gầy còm, các ngài không bằng lòng và bắt về xin phép cha mẹ. Thấy phải qua nhiều trở ngại, Biển đức lại tăng nhiều hy sinh, mục đích xin Chúa quan phòng thu xếp để được sớm theo đời sống khổ hạnh trong dòng. Nhưng Chúa chưa muốn! Thật ra những việc hy sinh quá sức không những đã làm hại sinh lực, mà còn phá huỷ sự bằng an của tâm hồn…
Trong những ngày đen tối của linh hồn, Biển đức không biết làm gì hơn là ôm chặt cây Thánh giá và than thở luôn miệng lời nguyện bất hủ "Ước gì ý Chúa được thể hiện". Ngài đến xin một linh mục nhân đức giúp tĩnh tâm. Nhờ đó tâm hồn lại dần dần được bình an. Biết ý Chúa chưa cho mình vào dòng khổ tu, Biển đức trở về quê nhà sống dưới mái gia đình thân yêu. Tuy nhiên, ngài vẫn không giảm đời sống khổ hạnh, quyết sống theo quy luật dòng khổ tu. Có lần bà mẹ sốt ruột phải can gián con, thì Biển đức chỉ khiêm tốn thưa lại: "Xin mẹ đừng cản ngăn con, vì Chúa muốn con sống đời khổ hạnh của dòng Tráp". Thấy không đổi được chí hướng của con, ông bà liền phó con cho người em là cha Vinhsơn coi sóc và dạy dỗ, hy vọng có thể đổi ơn kêu gọi dòng của Biển đức chăng… Nhưng vì nhận thấy mình không có ơn kêu gọi làm linh mục giáo phận, Biển đức cương quyết vượt mọi thử thách một mình đi bộ trốn đến gõ cửa các tu viện tại Trápê. Rủi thay! Thấy Biển đức còn trẻ tuổi, thân hình lại mảnh khảnh gầy còm, nên các bề trên buộc lòng phải từ chối. Sau cùng cha tu viện trưởng dòng khổ tu tại Nêvilla đón nhận Biển Đức. Nhưng vừa nhập dòng được hai tháng, cha lại ngỏ ý để Biển đức chọn con đường khác. Cha nói: "Này Biển Đức, Chúa quan phòng không gọi con sống ở đây. Con hãy tiến theo đường Chúa chỉ dẫn".
Lại một lần nữa, Biển đức cảm thấy chán nản. Bước ra khỏi cổng tu viện Carnutô thuộc tỉnh Nêvilla, ngài thấy phải biên thư về thú tội với cha mẹ và trình bày với các ngài ý định của mình. Ngài viết: "… Con xin thầy mẹ thứ tha cho con tội thiếu vâng lời và tội làm cho thầy mẹ phải chịu nhiều nỗi cơ cực. Con đã bỏ tu viện Carnutô, và đang trên đường đến dòng Tráp, nơi con hằng mong mỏi bấy lâu …" Biển đức đến tu viện Bảy suối. Lúc đầu cha tu viện trưởng từ chối khéo léo, bắt ngài phải sống hành khất ở ngoài bốn tháng trước khi nhận áo nhà tập và đổi tên là Thầy Ubanô. Niềm vui chan hòa trong tâm hồn, Thầy Ubanô không ngớt cố gắng tiến tới trên đường trọn lành. Vì thế, dù còn trẻ tuổi và mới nhập dòng, thầy đã có một mức độ thánh thiện và đời sống chay tịnh không kém gì các vị thâm niên trong dòng. Nhưng linh hồn càng tăng trưởng thì sức khỏe của thầy càng ngày càng hao mòn vì chứng sốt kinh niên.
Thấy vậy, bề trên không muốn thầy sống nhà tập lâu hơn nữa. Thế là lại một lần nữa Biển đức phải từ giã tu viện với câu châm ngôn: "Xin vâng ý Chúa". Ngài bỏ nhà dòng vào tháng 7-1770.
Khác với mọi khi, lần này Biển đức không chán nản, một can đảm tin vào sự quan phòng của Chúa. Lúc này ngài hiểu rằng mình không có ơn kêu gọi sống đời tu dòng. Chúa cũng không muốn ngài sống ẩn dật trong thinh lặng. Có chăng là phải sống giữa thế gian với tinh thần và nhân đức của người sống tịch liệu. Vì thế, thầy Biển đức quyết định đi hành hương sang Rôma. Trên đường hành hương, thầy chỉ sống bằng những của bố thí, và hơn thế nữa, thầy không bỏ sót một bệnh viện nào mà không ngừng lại một vài hôm để an ủi và giúp đỡ các bệnh nhân. Cũng chính trong lần hành hương này, thầy có dịp qua Đađilly và được thầy Viannê, sau làm cha sở xứ Át (Ars) niềm nở đón tiếp.
Ngày 3-12-1770, thầy đã tới Rôma lần đầu tiên. Nhìn ngắm kinh đô muôn thuở, thầy Biển đức thấy lòng chan chứa niềm vui, đến quên hết mọi mỏi mệt sau mấy tháng trường. Ngài lưu lại và dự Tuần Thánh tại Rôma. Sau lễ phục sinh năm 1771, thầy hành hương đến Fabruanô viếng mộ thánh Rômuanđô. Rồi ngài tiếp tục đi viếng nhiều thánh đường danh tiếng thuộc các nước Ý, Thụy sĩ, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Đi đến đâu thầy đều lợi dụng cơ hội giảng Phúc âm cho dân chúng ở đấy. Thầy rao giảng không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sáng và việc bác ái. Tại Bari thuộc nước Ý, vì không thể cầm lòng trước những tiếng than van của những tù binh và nô lệ đang bị giam trong trại, thầy Biển đức bèn lưu lại đó ba hôm. Ban ngày thầy xin vào yên ủi và băng bó vết thương cho họ. Đêm đến, thầy dựng cây thánh giá giữa trời rồi quì nguyện ngắm và hát kinh cầu Đức Mẹ rất sốt sắng. Noi gương thầy, nhiều khách qua đường cũng dừng lại chung lời ca tụng Thiên Chúa.
Sau ba năm hành hương, Phục sinh năm 1774, thánh nhân lại trở về Rôma. Sau mấy ngày trọ ở lữ quán thánh Lui, thầy Biển đức đến dựng lều ẩn trong một nơi hoang tàn gần hý trường Colise với mục đích suy niệm về những khổ hình các thánh tử đạo đã chịu ngày trước. Ngài cởi bỏ mọi sự, chỉ giữ nguyên vẹn một bộ quần áo vải thô, quyển sách Tân Ước và Gương Chúa Giêsu. Thầy cầu nguyện và ăn chay liên lỉ. Hơn thế, nhiều lần thầy còn tụ họp những người hành khất và bệnh tật dạy cho họ hiểu ý nghĩa của khổ giá, rồi cùng với họ hát kinh ca ngợi Chúa. Người ta bắt đầu chú ý và kéo đến thăm viếng thầy. Cảnh tượng ấy làm thầy phân vân và sau cùng thầy lại lên đường tiếp tục hành hương. Thầy leo bộ qua dãy núi Apênin đến viếng đại giáo đường Trinh Nữ tại Lôretta. Tại đây, có người ngỏ ý để thầy vào tu trong dòng các thầy Camêlô, nhưng thầy chỉ trả lời: "Thiên Chúa không muốn tôi đi theo con đường này". Cũng tại Lôrétta, thầy Biển đức gặp cha đáng kính Templo. Cha thán phục nhân đức của thầy. Một mặt thầy nhận cha làm cha giải tội, mặt khác cha lại muốn thụ huấn với thầy đời sống tận hiến lạ thường ấy. Suốt ba năm lưu tại Lôrétta thầy Biển đức chỉ sống bằng những của ăn xin. Thầy dựng một túp lều nhỏ để trú thân và làm chỗ cầu nguyện. Ngoài những giờ suy niệm, thầy đi thăm các gia đình và yên ủi các bệnh nhân. Lễ Phục sinh năm 1782, thầy đến nhà thờ chính toà dự các lễ nghi và xưng tội với cha Almerici, một linh mục thánh thiện đã khắc ghi vào tâm trí thầy nhiều kỷ niệm.
Trước khi ra về thầy mỉm cười thưa với cha: "Thưa cha, nếu năm tới này cha không thấy con trở lại, thì đó là dấu cha con chúng ta sẽ gặp nhau trên trời". Năm sau, khi được tin thầy qua đời, cha mới biết câu chào từ biệt của thầy là một lời tiên tri.
Tháng 8-1782, thầy Biển đức về tới Rôma. Tại đây, ngài sống qua những năm cuối đời đầy thánh thiện. Thầy đến trọ tại một cộng đồng các linh mục. Thầy xin giúp việc cho các cha để được thông công các lễ nghi phụng vụ với các ngài. Đời sống thánh thiện của thầy đã làm các cha thán phục. Các cha coi thầy như một người bạn tâm phúc. Không muốn được biệt đãi như thế, thầy Biển đức bèn xin cha bề trên cho phép từ giã cộng đồng tiếp tục nếp sống hành khất và suy niệm.
Trong thời gian này, thầy Biển đức được hưởng nhiều thị kiến và nhiều lần xuất thần. Có lần đang cầu nguyện, thầy tự nhiên bay cao lên khỏi đất hàng giờ đồng hồ. Quả không có gì cảm kích hơn là nhìn thấy thầy cầu nguyện. Suốt mấy giờ liền, thầy chắp tay trên ngực, ngước mắt nhìn trời, nét mặt tươi vui biểu lộ một đức tin sống động. Một hôm đến thăm thầy, cha Marconi trở về nói với các bạn của ngài: "Tôi đã gặp thầy Biển đức khó nghèo. Vì thầy quá hãm mình ép xác, nên tôi nghĩ thầy sẽ chết vì sự đền tội".
Phải, chính thầy Biển đức cũng tiên cảm thấy cái ngày hạnh phúc ấy, ngày được chết trong đau thương vì tình yêu Chúa Kitô và các linh hồn. Tháng 6-1782, thầy đến nhà thờ thánh Thêôđôrô dự lễ kính Trái Tim và bị ngã xỉu ở đấy. Cơn bệnh âm ỷ kéo dài mãi, đến nỗi chủ nhật Lễ Lá năm 1783 thầy mới có thể đến gặp cha giải tội và xin ngài cho phép rước lễ. Sáng hôm ấy, khi ở nhà thờ về, thầy Biển đức thấy mình mệt mỏi, liền mua một chút giấm để hồi sức. Nhiều người đi đường nhìn thấy, bỡ ngỡ bảo thầy: "Ồ, ông làm gì thế? Ông uống chất ấy hại lắm!" – Thầy vui vẻ giơ giấm nói với họ: "Các người có biết Chúa Kitô đã uống thứ gì trước khi tắt thở không?" Không hiểu lời thầy nói, một bà lão cau mày bảo: "Ông điên rồi". Thánh nhân bình thản trả lời: "Xin tuân theo thánh ý Chúa".
Thứ hai Tuần Thánh, thầy Biển đức đến nhà thờ Đức Bà cầu nguyện thật sớm. Cha sở ra nhà thờ thấy ngài gầy còm và kiệt sức quá, liền bảo mấy thanh niên đưa ngài vào nhà thương. Thầy Biển đức nài nẵng từ chối và can đảm đi đến nhà thờ thánh Inhaxiô dự các lễ nghi. Lúc ra về, ngài lại mua giấm để uống. Thấy nhiều người ngỡ ngàng nhìn mình, thầy Biển đức nói với họ: "Ngày xưa, cũng trong Tuần Thánh, đã có người uống giấm và chịu cơ cực hơn tôi gấp trăm ngàn lần vì tình yêu và phần rỗi nhân loại". Cách hai hôm, tức ngày thứ tư Tuần Thánh thầy Biển đức lại dong bộ đến nhà thờ Đức-Bà-trên-núi dự lễ. Nhưng đã đến giờ Chúa gọi thầy về trời! Thầy bị ngã bất tỉnh giữa đường phố. Các giáo hữu xúm quanh ngài, người đốt lửa kẻ xoa dầu. Sở dĩ người ta săn sóc ngài cách đặc biệt như thế, vì ai nấy đều kính ngài như một vị thánh. Sau cùng, một người xin rước thầy về nhà và đi mời cha sở đến cho thầy chịu các phép lần sau hết. Thầy Biển đức mệt dần cho đến hai giờ chiều thì bất tỉnh và tắt thở cách êm ái lúc tám giờ tối. Hôm ấy là ngày 16-4-1783.
Tin "vị thánh đã chết" đồn đi rất nhanh, đến nỗi ngay sáng hôm sau, nhiều đoàn giáo dân từ xa đã đến kính viếng xác ngài. Phòng bệnh nghèo nàn nghiễm nhiên trở thành một nhà nguyện ngát hương kinh. Người ta góp tiền tổ chức lễ an táng xác thầy Biển đức rất trọng thể. Xác thầy được đặt dưới bàn thờ Trinh Nữ Maria tại thánh đường "Đức-Bà-trên-núi". Nơi đây, Chúa làm vinh danh người đầy tớ khó nghèo bằng nhiều phép lạ.
Song song với những phép lạ Chúa làm trên mồ thầy Biển Đức, là lòng tôn kính nồng nhiệt của giáo dân. Vì thế, ngay năm 1860, Đức Piô IX đã nâng ngài lên bậc chân phúc và ngày 8-12-1883, Đức Lêô XIII tuyên phong chân phước Biển đức lên bậc hiển thánh.
Đời sống thánh Biển đức nhắc lại cho chúng ta lời thánh Phaolô tông đồ: "Chúng tôi như không tên tuổi mà vẫn được biết đến, như sắp chết mà vẫn đang sống hẳn hoi, như đang chịu khổ hình mà vẫn không bao giờ chết, như buồn bã mà lại luôn vui sướng, như nghèo khó mà lại rất giầu có, như không có gì mà lại có đủ mọi sự." (2 Cr. 6, 60).
Phải chăng chỉ có tình yêu Chúa mới có thể biến đổi tâm hồn và cho con người có một niềm lạc quan và tin tưởng đến như thế?