“Mười hai cây số đi bộ để đến nói với Chúa về các ơn gọi trong gia đình mình”, đó là cuộc hành hương của các bà mẹ gia đình ở giáo xứ Chesnay, Yvelines, nước Pháp ngày 27 tháng 1 vừa qua. Một cách để các bà tập trung lời cầu nguyện của mình khi nghe tin con mình muốn đi tu.
Con gái tôi vào nhà dòng! Con trai tôi vào chủng viện! Xúc động? Vui mừng? Lo lắng? Hụt hẫng? Các giọt nước mắt đủ mọi trạng thái lăn trên má cha mẹ, trên má anh chị em khi họ hay tin. Ở vào thời buổi ơn gọi sút giảm khắp nơi, cộng đoàn kitô giáo luôn giúp đỡ các người trẻ tìm sức mạnh để đáp trả tiếng gọi của Chúa.
Trong một chương trình của đài truyền hình công giáo KTO phát vào tháng tư năm 2013, Đức ông Renauld de Dinechin nhắc lại, “cầu nguyện xin Chúa cho các linh mục, các tu sĩ là thuận để Chúa trả lời theo cách Ngài muốn, dù điều này xảy ra ở xa tôi hay gần với tôi”. Vì đúng như vậy, một đời sống thánh hiến là thành quả hành vi can đảm của đương sự, và cũng là sự kiện làm xáo trộn đời sống gia đình. Cha mẹ, anh chị em, bạn bè đều có một bước đường tách dần người thân để họ bước vào một con đường mới, xa các bận tâmhàng ngày của họ trước đây.
Các ơn gọi không nảy sinh ở bất cứ nơi nào và đều nảy sinh một cách không giải thích được. Thường các gia đình trong đó có ơn gọi nảy sinh, các cha mẹ nuôi dạy con mình trong môi trường thuận lợi để đức tin được trưởng thành. Bà Delphine, 64 tuổi ở Paris cho biết, bà dựa trên đức tin “yếu đuối” của mình để dạy con, bà tự cho mình là người “không công giáo mấy!”. Khi các cô gái con của bà ra đời, bà giao nhiệm vụ làm mẹ của mình cho Chúa: dù có thế nào chăng nữa, bà chấp nhận. Lời hứa này bà không bao giờ quên, khi cô gái mới 7 tuổi thì thầm vào tai bà, con muốn đi tu. Bà kể: “Chúng tôi ghi tên cho cháu đi hướng đạo, đi nhà thờ, gia đình chúng tôi là ‘giáo xứ phù’ cho con mình”.
Với thời gian, các thuận lợi cá nhân lớn dần, kèm theo đó đương sự được người chung quanh nâng đỡ. Bà Delphine không biết con mình đi lễ mỗi ngày. Tầm quan trọng và vai trò của những nơi, của các tác nhân là không chối cãi được để giúp cho các bạn trẻ đặt các câu hỏi và có thể trả lời được tiếng gọi của Chúa. Như thế lời cầu nguyện cho ơn gọi đi song song với việc tháp tùng và khuyến khích của gia đình trên con đường đức tin của con cái mình.
Khó khăn của việc đón nhận
Dù có sự sẵn sàng này của gia đình nhưng việc đón nhận tin con đi tu cũng không dễ dàng. Linh mục Jean-Thomas (Dòng Đa Minh) nhớ lại, nhiệt tình của cha mẹ “cũng không làm cho họ không khỏi nhói lòng, thời gian chấp nhận con mình đi tu có thể dài hay ngắn, nhưng đáng công để có một đời sống cầu nguyện”. Đàng sau cái nhói lòng này che giấu một sự từ bỏ mà cha mẹ phải chấp nhận: không còn đi thăm con thường xuyên, không còn có cháu chắt…
Bà Delphine cho biết, sau một thời gian, bà thấy mình có “phản ứng rất ích kỷ”. Bà tâm sự: “Điều khó khăn nhất là phải tự nhủ, tất cả những gì mình làm sau này, con mình không biết”. Cô con gái Élisabeth của bà 20 tuổi, cô vào Dòng Xitô. Dù biết trước, nhưng ‘chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ’, nên khó mà xúc động trước, vì thế nên khi nghe con báo tin muốn đi tu, đó là một bước mà cả gia đình phải bước qua. Cha Jean-Thomas khuyên: “Tốt hơn là nên báo khi gia đình không có quá nhiều căng thẳng, nhưng dù như vậy cũng không nên dời lại lời loan báo với lý do không phải lúc thuận tiện”.
Linh mục Jean-Thomas giải thích: “Nếu phải cho một lời khuyên cho các gia đình đón nhận ơn gọi của con cái, tôi sẽ nói, vừa cùng một lúc làm thuận lợi cho sự thánh thiện của con cái, vừa để con cái tự do quyết định. Nếu các con muốn thành thánh, thì vấn đề ơn gọi có thể mọc lên, khi đó phải đón nhận với tấm lòng nhân hậu”.
Một thành quả của cả gia đình
Sau đó là công việc đích thực của gia đình, nhìn lại để thấy đâu là hoa quả của sự xáo trộn này. Bà Delphine kể, sau vài năm đi tu, bà thấy cái nhìn của con gái mình được “biến đổi”: “Tôi biết con mình hạnh phúc và ở đúng chỗ của nó”.
Marion, bây giờ 19 tuổi, lúc 12 tuổi cô thấy chị mình là Stéphanie từ Dòng tu Bê-lem về. Cô nói về gia đình mình: “Chị tôi không giải thích được, chúng tôi phải chấp nhận. Bây giờ vẫn còn khó khăn dưới nhiều khía cạnh. Dù vậy phải chấp nhận Chúa là người anh rể hoàn hảo, tôi cũng khám phá một cộng đoàn nữ tu mới, cộng đoàn có hàng trăm nữ tu xem tôi như cô em gái nhỏ! Một gia đình đặt ra cho mình nhưng mình tiếp nhận và mình thích gặp họ lại”.
Đúng, ơn gọi đôi khi là một “áp đặt” độc đoán trên gia đình. Cha Jean-Thomas thú nhận: “Phải có lòng khiêm tốn để chấp nhận xóa mờ trước huyền bí ơn gọi của con mình, và phải ở sau quyết định này.” Nhưng cả gia đình đều hưởng phần của mình. Ơn từ bỏ và ơn đức tin là ở đó để thành công trong việc có được một thực tế chứ không phải chịu đụng một cách thụ động: bây giờ Marion biết nắm lấy cơ hội để có những “cuộc thảo luận tốt đẹp nảy sinh qua việc giới thiệu gia đình” để chạm đến các trái tim và để làm chứng rằng “có Chúa là đủ”.
Marta An Nguyễn dịch
Tình cờ trên chuyến xe lửa chúng tôi gặp một cô gái lạ lùng. Cô Nolwenn Jubin, 20 tuổi, sinh viên ở Renns, cô sắp lãnh nhận bí tích thêm sức tối canh thức Phục Sinh hôm nay. Vậy mà cách đây ba năm cô đã xa Giáo hội công giáo. Cô kể cho Aleteia việc trở lại chớp nháng của mình.
Aleteia: Cô có thể cho chúng tôi biết việc trở lại của cô?
Nolwenn Jubin: Tôi ở trong một gia đình không có một chút gì công giáo, chung chung gia đình tôi chẳng thích một tôn giáo nào. Tôi luôn sống với loại “văn hóa” đó. Năm 2015 và 2016 tôi có vấn đề sức khỏe: tôi bị mổ bốn lần tất cả. Một tháng sau lần mổ thứ nhì, tôi biết tin anh tôi bị ung thư máu. Lúc đó gia đình tôi bị suy sụp hoàn toàn, chúng tôi không biết anh có sống được hay không. Trong thời gian khó khăn này tôi ở nội trú. Tôi có cô bạn theo đạo công giáo, cô và tôi hay thảo luận về các vấn đề tôn giáo. Thời đó tôi rất lý lẽ, tôi nghĩ tôn giáo chỉ ru ngủ con người. Nhưng trong một lúc tuyệt vọng hoàn toàn, tôi bắt đầu cầu nguyện trong căn phòng nhỏ xíu 9 mét vuông, tôi hy vọng có ai nghe tôi. Tôi không biết tôi cầu nguyện với ai, nhưng cầu nguyện giúp tôi nhẹ lòng. Dần dần lời cầu nguyện được nhận lời, anh tôi được cứu nhờ ghép tủy của tôi và tôi cũng nhận được ơn ngoài mọi mong chờ của tôi.
Hai anh em cô Nolwenn Jubin
Và cô có nói cho ai nghe không?
Những chuyện xảy ra làm cho tôi bị xáo trộn, tôi nói với cô bạn, cô khuyên tôi gặp cha tuyên úy của trường. Chúng tôi thảo luận hơn hai tiếng đồng hồ. Cha khuyên tôi nói chuyện với Chúa. Về lại căn phòng nhỏ của mình, tôi lại cầu nguyện và tôi cám ơn nhưng tôi cũng không biết cám ơn ai. Tôi nói: “Nếu đúng thật Chúa Giêsu đã làm tất cả những chuyện này, thì con xin cám ơn Chúa ngàn lần cho những gì Chúa làm cho con”. Và bỗng chốc, tôi cảm thấy có một làn sóng hơi ấm, tình thương, sự hiện diện… tôi nghĩ tôi điên. Tôi cảm nhận có một sức mạnh không phải là sức mạnh của loài người. Tôi như bị đóng đinh tại chỗ, một cảm giác thật lạ lùng. Tôi đến nói với cô bạn của tôi, tôi khóc, tôi muốn hiểu chuyện gì xảy ra cho tôi.
Rồi sau đó?
Vì hiếu kỳ, tôi tiếp tục đến gặp cha tuyên úy trong vòng một năm. Linh mục nói đùa với tôi, cha sắp rửa tội cho tôi, nhưng tôi chỉ cười phì! Tôi không xem mình là người công giáo. Cha đề nghị tôi đi theo một nhóm đi hành hương ở Núi Thánh Micae, tôi cũng không biết hành hương là gì! Tôi đi theo với cả ngàn sinh viên mà tôi không quen biết. Lần đầu tiên tôi tham dự thánh lễ, và đó là một cú sốc đối với tôi. Trước khi đi hành hương, tôi vẫn vẫn cầu nguyện trong căn phòng nhỏ trước bức tượng thiên thần mà cô bạn tôi cho tôi. Tôi cố gắng cầu nguyện mỗi ngày, nhưng đức tin của tôi ngừng ngang đó. Và thánh lễ đầu tiên này là một tai vạ cho tôi! Tôi ở giữa các bạn trẻ, họ ca hát, họ dấn thân, còn tôi, tôi tự hỏi không biết tôi đang làm gì ở đây. Tôi không biết gì, tôi không hiểu gì, tôi bắt đầu khóc vì tôi thấy chỗ mình không phải ở đây. Dù vậy, các sinh viên rất dễ thương với tôi. Và chính lúc đó là lúc tôi khám phá được các giá trị của đạo công giáo: các khái niệm chia sẻ, đoàn kết, hiệp thông. Điều này làm cho tôi bị chấn động.
Cái gì đã thay đổi trong cô?
Cuộc hành hương này đúng là một động lực, nó là cái bệ. Đời sống đạo của tôi thật sự bắt đầu từ lúc đó. Sự khám phá đức tin này là một bước nhảy vọt! Nhưng tôi lại bắt đầu hoài nghi… Tôi nghĩ đến cha mẹ tôi, tôi vừa có cảm tưởng mình phản bội cha mẹ, vừa có cảm tưởng mình bị phản bội vì cha mẹ hất hủi tôi. Lúc đó, cả hai bên đều không hiểu nhau. Tôi cần phải biết, có một cái giá phải trả khi tôi hy sinh tất cả để có điều tôi vừa mới biết. Khi đó là Tuần Thánh. Đức tin mới sinh của tôi bị thử thách, tôi muốn biết xem sự trở lại của tôi có thật sự nghiêm túc không. Tôi cắt liên lạc với gia đình nhiều ngày để không bị ảnh hưởng và để tham dự Tuần Thánh với nhóm của ban tuyên úy ở Vannes. Ở đây tôi gặp nhiều người phi thường, họ nâng đỡ tôi rất nhiều và Tuần Thánh đã thuyết phục được tôi. Tôi cảm thấy những gì nảy sinh ra trong lòng tôi không phải là chuyện thường. Cũng không phải là cơn khủng hoảng của tuổi vị thành niên. Chuyện này hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết của tôi.
Gia đình cô phản ứng như thế nào? Cha mẹ cô có thay đổi cái nhìn của họ về đức tin không?
Bây giờ mọi chuyện đã dịu xuống với cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi không đến dự lễ rửa tội của tôi, cha mẹ tôi muốn đứng ngoài mấy chuyện này nhưng họ chấp nhận đức tin của tôi. Cuối cùng tôi hiểu, tình trạng này đối với họ rất là khó. Sự chấn động ở cả hai phía. Nhưng nhờ kiên nhẫn và nhờ được ơn, căng thẳng cũng không còn. Chìa khóa tốt nhất vẫn là cầu nguyện và đối thoại.
Lễ rửa tội của cô vào đêm canh thức Phục Sinh? Cô đã sống như thế nào?
Thật tuyệt vời! Tôi có cảm tưởng như được gia đình tôi rửa tội cho tôi. Tôi tham dự khá nhiều sinh hoạt với các bạn trẻ, chúng tôi có những giây phút rất sâu đậm với nhau. Rất nhiều bạn đến dự lễ rửa tội của tôi. Không phải gia đình ruột thịt của tôi, nhưng gia đình trong Chúa Kitô, rất mạnh và rất cảm động.
Hàng ngày cô sống đời sống đức tin như thế nào?
Tôi còn đi học nhưng tôi tham dự nhiều sinh hoạt. Đức tin tôi luôn hiện diện. Năm nay tôi vào năm đầu tiên môn xã hội học, nhưng tôi sẽ định hướng lại, tôi muốn đi về hướng giúp người. Hiện nay tôi tập sự một tuần ở cơ quan Arche. Tôi thật sự muốn liên kết đức tin của tôi với đời sống nghề nghiệp. Nếu mình là người công giáo mà mình không sống đức tin trong công việc hàng ngày của mình thì hoài công là người công giáo.
Cô có thấy người công giáo đôi khi quá nguội lạnh khi giữ đạo, khi dấn thân không?
Tôi không nói như vậy vì các bạn trẻ tôi gặp họ rất dấn thân. Nhưng phải nhìn đức tin trong thời gian và phải biết trung thành. Như trong đời sống vợ chồng! Với tôi thì vẫn còn rất đẹp. Gặp Chúa Giêsu, là gặp tình yêu, và trong mọi quan hệ, thời gian đầu luôn là thời gian rất đẹp, mình đi đến cùng. Các cảm giác thì rất mạnh và lẽ tự nhiên mình sẽ bị cuốn hút với những gì xảy ra cho mình. Đời sống hàng ngày và thói quen sẽ làm mình bị thử thách, vì thế phải biết kiên trì trong đức tin.
Có hình ảnh các thánh nào làm cô nhớ đến?
Trong thánh lễ với các sinh viên, chúng tôi bốc một tờ giấy trong chiếc rổ, tờ giấy của tôi viết: “Thánh Mônica, xin làm cho con thành khí cụ của bình an, xin cho con biết đem yêu thương vào nơi hận thù (lời kinh của Thánh Phanxicô Axixi!) và cầu nguyện cho những người không tin được trở lại”. Câu sau thật không thể tưởng tượng: áp dụng vào đúng trường hợp của tôi! Rõ ràng là thánh bổn mạng của tôi hôm nay! Tôi cũng thích cầu nguyện với Thánh Antôn Pađua cho những chuyện nho nhỏ hàng ngày: nhờ ngài, tôi luôn tìm được mấy chuyện của tôi! Tôi cầu nguyện nhiều với Thánh Gia và Mẹ Maria. Mới đầu tôi cầu nguyện rất nhiều với Đức Mẹ, tôi lần chuỗi vì tôi không biết cách nào cầu nguyện. Tôi cũng thích Thánh Têrêxa Lisiơ, tôi thấy Thánh Têrêxa là một hình ảnh phi thường. Thánh Têrêxa đi đến tận Rôma xin gặp Đức Giáo hoàng để có thể vào Dòng Kín lúc mới 15 tuổi! Câu chuyện của Thánh Têrêxa thật sự có tiếng vang trong cuộc chiến đấu của tôi. Như Thánh Têrêxa, người đã phải chiến đấu để vào nhà Dòng, một cách nào đó, tôi cũng phải chiến đấu để được rửa tội. Mình không có được một cách dễ dàng như búng ngón tay. Mình phải chuẩn bị lâu dài và gay go.
Marta An Nguyễn dịch