Sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra nhiều lần, một con số có thể làm bạn ngạc nhiên!
Sau khi Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, Ngài hiện ra với các tông đồ trong nhiều dịp khác nhau. Ngài không chỉ hiện ra một ngày nhưng nhiều ngày từ khi phục sinh cho đến khi Ngài về trời.
Vậy chính xác bao nhiêu lần? Chúng ta không biết rõ số lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trong suốt 40 ngày. Vì trong Tin Mừng Thánh Gioan có chép: “Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ, nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này” (Ga 20: 30).
Tuy nhiên, các sách Tin Mừng ghi lại khoảng 10 lần trong tất cả các lần Ngài hiện ra với các môn đệ với thân xác phục sinh của Ngài.
Hiện ra với bà Maria Madalêna
Đức Giêsu nói với bà Maria Madalêna: “Maria” . Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri, “Lạy Thầy” (Rabboni!) Đức Giêsu liền nói: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’ (Ga 20: 16-17)
Đức Giê-su hiện ra với các bà (có thể là Maria Clêôpat, Maria, mẹ của Giacôbê và Gioan)
Vì vậy, các bà nhanh chóng rời khỏi mộ lòng đầy sợ hãi và rất đỗi vui mừng, chạy về báo cho các môn đệ. Đức Giêsu đã gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Họ chạy lại, ôm chân và quỳ gối trước mặt Ngài. Đức Giêsu liền nói: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó. (Mt 28: 8-10)
Hai môn đệ trên đường Emau
Cùng ngày hôm đó, hai môn đệ đang trên đường đến làng Emmau, cách Giêrusalem chừng bảy mươi dặm. Dọc đường đang khi họ trao đổi với nhau về tất cả mọi chuyện đã xảy ra, chính Chúa Giêsu tiến lại và cùng đi với họ. (Lc 24: 13-43)
Thánh Phêrô (lần đầu tiên)
“Thật, Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon!” (Lc 24-34)
Các môn đệ (không có Tôma)
Khi họ còn đang nói, thì chính Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông và nói, “Bình an cho anh em” (Lc 24-36).
Các môn đệ (có cả Tôma)
Các cửa bị đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.Ông Tô-ma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! Đức Giê-su bảo: ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20: 26-29).
Bảy môn đệ
Sau đó, Chúa Giêsu lại tỏ mình ra với các môn đệ ở biển hồ Tibêria; Ngài đã tỏ mình ra theo cách này. Simon Phêrô, Tôma gọi Thân đôi, Nathanaen người Ca-na ở Ga-li-lê, con của Giêbêđê, và hai người khác trong các môn đệ của Ngài đang ở với nhau. (Ga 21: 1-2)
Năm trăm môn đệ
Sau đó, Ngài hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc, hầu hết trong số họ vẫn còn sống, mặc dù một số đã chết. (1 Cr 15 -6)
Giacôbê và các môn đệ
Ngài hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ (1 Cr 15-7)
Trước khi Đức Giêsu lên trời
Rồi Ngài đưa họ ra ngoài, đến tận Bêtania, và đưa tay chúc lành cho họ. Trong khi chúc lành, Ngài rời bỏ các ông và lên trời. Họ quỳ xuống trước mặt Ngài, và trở về Giêrusalem lòng đầy hân hoan. Và các tông đồ ở lại trong Đền thờ chúc tụng Chúa. (Lc 24: 50-53)
Têrêxa Bích Vân dịch
Khi nào Đức tin biến mất.
Tôi thường tự hỏi mình câu đó, bởi chính bản thân tôi đã chứng kiến một sự suy giảm chưa từng có về con số những người đi nhà thờ thường xuyên, và gần hơn nữa, là một sự tăng vọt cũng chưa từng có những người tuyên bố mình đã hoàn toàn mất đức tin và tự nhận mình là “Không” tôn giáo.Khi Friedrich Nietzsche tuyên bố “Thiên Chúa đã chết”, ông có kèm thêm một câu hỏi: “Cần thứ gì đủ để xóa sạch toàn bộ nhìn nhận này?”
Nhóm này, những người tự nhận là không tôn giáo, đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua, và hiện nay đang chiếm 30% dân số Canada và Hoa Kỳ. Ở Tây Âu và các nước thế tục hóa trên thế giới, con số này cũng tương tự như vậy.
Nhưng những người này thật sự đã mất đức tin của mình? Khi họ tuyên bố mình “không tôn giáo” là họ giải thích thế này: Chỉ là tôi không còn tin nữa! Tôi thấy nó không còn có ý nghĩa gì nữa! Tôi mất đức tin vào tôn giáo và giáo hội! Tôi không thể giả vờ tin thêm nữa! Tôi đã mất đức tin vào những niềm tin đó! Tôi không chắc mình còn tin vào Chúa không nữa!
Một điểm chung trong những câu này, là khái niệm về “tin .” Chỉ là tôi không tin nữa! Nhưng không còn tin vào điều gì đó có phải là đánh mất đức tin không? Không hẳn. Không còn tin vào điều gì đó là một chuyện, nhưng đánh mất đức tin có thể lại khác đấy. Không còn tin vào một tập hợp các tuyên bố đức tin không nhất thiết phải đồng nghĩa với đánh mất đức tin. Sự thật là, mất đi hệ thống niềm tin thường là điều kiện để có được một đức tin nguyên tuyền.
Niềm tin và đức tin khác nhau thế nào? Thường thì, nói rằng chúng ta tin điều gì đó là sự thật, nghĩa là chúng ta có thể làm cho sự thật đó tương khớp với trí tưởng hình dung của mình. Thế nghĩa là chúng ta có thể xác định nó theo trí hình dung sao cho nó có ý nghĩa với chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta không thể hình dung điều gì đó cho có ý nghĩa thì không hẳn có thể nói được rằng điều đó không đúng sự thật. Những niềm tin của chúng ta dựa vào những gì chúng ta có thể tương khớp với trí tưởng hình dung và suy nghĩ của mình.
Nhưng nhiều đối tượng của đức tin, về bản chất và theo định nghĩa, lại là những sự không thể hình dung, không thể hiểu thấy, và vượt ngoài tầm khái niệm hóa. Do đó, trong lĩnh vực đức tin, nói rằng tôi không thể tin điều này hay điều kia, thường là biểu hiện cho sự hạn chế của chúng ta trong trí hình dung và năng lực lý luận, hơn là biểu hiện cho sự mất đức tin. Tôi tin rằng chúng ta thấy bất khả tri về các niềm tin, hơn là thấy bất khả tri về Thiên Chúa, và như thế, đây không phải là mất đức tin.
Đức tin thì thâm sâu hơn niềm tin, và không phải lúc nào đức tin cũng là một sự mà chúng ta có thể hình dung trong đầu. Vi dụ như, một số đoạn trong Kinh Tin kính của các Tông đồ: Thật không thể nào hình dung những đoạn đó là thật theo kiểu một hình tượng hữu hình. Những xác quyết đó có thật, nhưng hình ảnh về chúng chỉ là những biểu tượng mà thôi. Và nhiều đoạn khác trong kinh tin kính Kitô giáo và các bản văn giáo lý đức tin cũng thế. Như đã nói, chúng đơn thuần là những hình ảnh và từ ngữ hướng chúng ta đến một sự mà chúng ta không thể hình dung nổi, bởi nó vượt quá tầm hình dung.
Chẳng hạn như: Điều tiên quyết phải nói về Thiên Chúa, là Thiên Chúa là Đấng khôn tả, không thể mô tả nổi, Thiên Chúa vượt ngoài tầm khái niệm hóa, vượt ngoài mọi hình dung, mọi hình ảnh, và mọi từ ngữ. Về Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, cũng thế. Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, nhưng làm sao có thể hình dung hay tạo lại hình ảnh đó? Không thể. Làm sao một Thiên Chúa mà lại là ba ngôi? Đây không phải chuyện toán học, mà là mầu nhiệm, một sự không thể định nghĩa theo kiểu hình dung. Nhưng chúng ta tin mầu nhiệm đó, và hàng triệu triệu người trong hai ngàn năm đã mạo hiểm cả mạng sống và linh hồn mình vì sự thật đó dù cho không thể hình dung được nó. Đức tin là nhận biết một sự gì đó quá lớn lao và vô hạn, nên không thể được minh họa tương xướng theo cơ chế hình dung. Từ ngữ của chúng ta diễn tả những niềm tin, và hướng chúng ta về hiện thực đức tin, nhưng lại không phải là hiện thực đó.
Bác bỏ một tác phẩm nghệ thuật không đồng nghĩa với chúng ta bác bỏ nghệ thuật. Nên khi ai đó nói “Tôi không còn tin điều này,” là người ấy đang bác bỏ một tập hợp các tuyên bố, các biểu tượng nhất định hơn là thật sự bác bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Và người đó có bác bỏ cũng là bởi không họa hình theo hình dung một sự gì đó không thể họa hình.
Chúng ta từng nghe rằng, vô thần chỉ là một cái tên để gọi những người không hiểu được ẩn dụ. Có lẽ nói thế là quá tối giản, nhưng nó cũng cho chúng ta thấy rằng bác bỏ một tập hợp các tuyên bố thần học không đồng nghĩa với đánh mất đức tin của mình.
J.B. Thái Hòa dịch