“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14,23)
Anh không những được Chúa dựng nên với tay chân mắt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, mà anh lại không yêu mến và sống theo lời dạy của Chúa sao?” (Thánh Phanxicô Assisi).
Thánh Phao-lô nói: “Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,16).
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết yêu mến Lời Chúa dạy và vâng giữ Lời Ngài, vì đó là Lời mang lại sự sống và hạnh phúc đích thực cho con.
THÁNH PIÔ V GIÁO HOÀNG
(1504 -1572)
"Những gì không thuộc về Thánh giá Chúa Kitô sẽ không làm cho chúng ta được vinh hiển". Đó là lời thánh Giáo Hoàng Piô V đã tuyên bố sau 60 năm tận tụy phụng sự Thiên Chúa, Giáo hội và phần rỗi nhân loại. Lời đó nhắc lại cho chúng ta giá trị đời đau khổ mà Chúa đã thánh hóa bằng Thập giá, nhưng đồng thời cũng tóm tắt đầy đủ đời sống thánh thiện của chính thánh nhân.
Thánh Giáo Hoàng Piô V tên thật là Micae Ghislieri. Ngài sinh ngày 17-01-1504 tại Bosco, một làng nhỏ xinh xinh thuộc địa phận Tortona và không xa thành Alexanđria. Đầu tiên cha mẹ ngài rất giầu sang và có thế lực, nhưng dần dần gia cảnh bị sa sút, ông bà phải tần tảo lắm mới nuôi nổi đàn con đông đúc. Cũng vì thế, Micae vừa lớn lên đã phải đi chăn chiên. Sau ba năm sống lặn lội với đoàn chiên, năm 1517, Micae được cha mẹ cho đi trường học. Còn gì hạnh phúc cho cậu hơn. Cậu coi đó là hồng ân Chúa quan phòng. Vì thế cậu sống ngoan ngoãn với các vị giáo sư, cần mẫn học tập và cố gắng thực hiện bác ái. Lợi dụng những giờ nhàn rỗi, Micae một mình vào nhà thờ cầu nguyện. Chính trong những giờ phút vắn vỏi nhưng quý báu này mà Micae đã được nghe tiếng Chúa gọi sống đời tận hiến. Năm 1518, Micae xin nhập dòng thánh Đaminh, và năm sau được nhận lời khấn trọng thể tại tu viện Vigevanô.
Nhận rõ trí khôn thông minh và nhất là khiếu đặc biệt về khoa thần học của thầy Micae, các bề trên quyết định cho thầy theo học tại đại học Bologne. Mãn học, thầy Micae chịu chức linh mục và được cử giữ chức giáo sư suốt 15 năm. Ngài làm việc tận tụy và gây được nhiều ảnh hưởng nhờ ở đời sống thánh thiện và trí óc uyên thâm. Ngài giữ luật từng chi tiết nhỏ, tuyệt đối vâng phục bề trên và thân mật với mọi anh em. Vì thế đời sống ngài sáng chói nhân đức "vâng lời và bác ái". Hơn thế, cha Micae còn nổi tiếng là một chiến sĩ Phúc âm. Ngài không quản ngại dùng hết trí lực bênh vực chân lý Giáo hội, chống lại với nhiều tà giáo, nhiều bè rối...
Năm 1551, Đức Giáo Hoàng Giuliô III cử ngài làm việc ở Bộ thánh vụ, đến đời Đức Giáo Hoàng Phaolô IV, thì ngài chính thức được thăng làm Bộ trưởng Bộ Thánh vụ. Tiếp đó ngài được Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám mục thành Sutri và Nêpi hai địa phận gần Rôma. Hai năm sau, ngài được cử làm Hồng y.
Địa vị cao sang đó không làm giảm đời sống khắc khổ của thánh nhân. Tuy là Hồng y nhưng ngài ăn mặc rất nghèo khó, từ chối mọi phần của cải cha mẹ chia cho. Dưới triều Đức Piô IV, ngài bỏ Rôma đi kinh lược các địa phận với mục đích cảnh tỉnh tinh thần tông đồ của hàng giáo sĩ và kêu gọi sự hợp nhất của giáo dân. Nhờ cuộc kinh lược lâu dài này, Đức Hồng y đã thu được nhiều tài liệu đem trình bày tại công đồng Triđentinộ Đời sống thánh thiện và nhiệt thành làm việc của Đức Hồng y đã khiến cho mọi người phải chú ý. Họ nhìn ngài với một thầm đoán: "Ngài sẽ làm Giáo Hoàng". Dự đoán ấy đã được Chúa Quan phòng chấp nhận và thể hiện. Ngày 07-01-1566, Đức Hồng y đã đắc cử làm Giáo Hoàng với danh hiệu là Piô V.
Lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Piô V để ý ngay đến việc thánh hoá hàng giáo sĩ. Ngài khuyến cáo những vị dù là Hồng y, Giám mục hay Linh mục thiếu tinh thần khó nghèo và chí nguyện tông đồ. Trái lại, ngài khích lệ và nâng đỡ những vị tỏ ra nhiệt thành trong việc vun xới vườn nho Thiên Chúa. Ngài rất khiêm tốn, nhưng cũng rất cương quyết. Hoạt động của Đức Thánh Cha không phải chỉ thu hẹp trong khu Vatican hay trong phạm vi truyền đạo. Nhưng Ngài đã khéo dùng quyền Chúa ban và địa vị của Giáo hội để đem hoà bình cho nhiều chính phủ, nhiều dân tộc, nhiều tổ chức. Ngài đã bận tâm không ít về chiến tranh của người Hồi giáo, đến những phương thế đưa người Do Thái về với đức tin, mặc dầu họ có thái độ kiêu căng. Đức Piô V làm việc như quên mệt, ngài hội kiến với các vị Hồng y ngay từ sáng sớm. Những khi rỗi việc, thay vì đi du ngoạn, Đức Thánh Cha kiên nhẫn ngồi nghe những lời tâm sự của đám dân nghèo. Người ta còn phải cảm phục biết bao khi thấy mỗi chiều thứ năm hằng tuần Ngài rửa chân cho 12 người nghèo và hôn kính họ, không kể chi những ung nhọt thối tha. Ngài đã cho lập hội "Nhân ái" tại Flôrencia với mục đích giúp đỡ và bênh vực những người tù tội, nô lệ, và bị oan ức. Ít lâu sau, Đức Giáo Hoàng lại truyền cho các thầy dòng thánh Gioan Thiên Chúa xây một bệnh viện tại Rôma. Công việc thành tựu, Đức Thánh Cha đến khánh thành và hàng tuần đến yên ủi các bệnh nhân. Ngoài ra Đức Thánh Cha còn trích nhiều số tiền với mục đích xây cất nhà thương và thể hiện những chương trình từ thiện khác. Đi đôi với những hoạt động bác ái, Đức Piô V còn lưu ý cách riêng đời sống thánh thiện của giáo dân. Ngài đã phát động nhiều phong trào ăn chay đền tội trong toàn Giáo hội. Và đó là phương thế Đức Thánh Cha muốn cho mọi người tín hữu cộng tác vào việc đương đầu với bè rối, nhất là các giáo phái thệ phản. Dựa vào quyền thế các Hoàng đế thiếu đức tin, các giáo phái này mỗi ngày một lan rộng và đàn áp giáo hữu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Pháp, và đặc biệt tại hai nước Anh và Đức.
Đồng thời Đức Thánh Cha ra nhiều sắc lệnh ngăn cản trào lưu tư tưởng ngoại giáo tràn vào các đại học công giáo. Ngài săn sóc cách riêng các đại học Đức quốc. Chính Đức Thánh Cha khuyến khích tu sĩ Carnutô tên là Laurensô Suriô (Lauent Surius) tiếp tục nghiên cứu và viết về "đời sống các thánh Tông phụ" nhằm mục đích ngăn ngừa những luận điệu xuyên tạc của bè rối về tiểu sử các vị thánh. Năm 1576 Đức Piô V cũng ban bố sắc lệnh Ex omnibus affictionibus lên án 80 luận đề sai lạc của nhiều giáo sư đại học Louvain đã quá thiên về tư tưởng ngoại giáo, và thệ phản. Cũng với ý chí sắt đá ấy, Đức Piô V đã bảo vệ đức tin cho giới trí thức và sinh viên tại nước Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hoà Lan, và Thụy Điển...
Ngay trong năm đầu triều đại của Ngài (1566), Đức Piô V đã phải đương đầu với nhiều cuộc xâm lấn của hồi giáo. Thời ấy, quân hồi hồi nổi lên đánh phá khắp nơi. Người công giáo phải trải qua những ngày loạn ly khổ cực. Là người cha, Đức Giáo Hoàng không thể cầm lòng thấy đoàn con tan tác vì đức tin. Vì thế, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi nhiều vương tước trung thành với đức tin dùng thế lực Chúa ban mà bênh vực Giáo hội. Đó là bước đầu cho phong trào "Đạo binh Thánh giá". Nhưng dầu sao đó chỉ là những phương tiện tùy tòng; đường lối hoạt động chính của Đức Thánh Cha vẫn là đời sống chay tịnh và cầu nguyện. Lời Quận công Soliman làm chứng điều đó: "Tôi sợ những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha hơn là đoàn quân hùng hậu của Hoàng đế". Phải, chính nhờ sự hợp lực của toàn giáo dân về cả sức tự nhiên và siêu nhiên ấy, Đức Thánh Cha đã giữ vững con thuyền Giáo hội qua bao cơn giông tố và Nghĩa binh Thánh giá đã chiến thắng ở nhiều nơi. Đến nỗi nhiều cuộc thắng trận đã được coi như những phép lạ. Người ta kể: quãng năm giờ chiều ngày 7-10-1571, khi Đức Thánh Cha đang tiếp kiến các vị Giáo chủ, các Quận công thành Bussotti, bỗng nhiên cảm động nhìn qua cửa sổ hướng về miền đông, rồi Ngài quay lại, mặt sáng lên, Ngài nói với các vị: "Chúng ta không còn phải bận tâm nhiều nữa, nhưng chúng ta hãy đi cảm ơn Chúa, vì đạo binh công giáo vừa toàn thắng, kết thúc mọi phá hoại của quân thù". Từ chiều hôm đó, niềm hân hoan tràn ngập lòng mọi người tín hữu.
Cũng chính thời này, lòng thành kính của thánh Piô V đối với Đức Trinh Nữ Maria nổi bật đến tột điểm. Ngài đã sống và làm việc cho Giáo Hội dưới sự phù trợ của Đức Mẹ. Cuộc toàn thắng của nghĩa binh Thánh giá tại hải cảng Lêpangtê xứ Hy lạp được Ngài coi là do quyền phép của Đức Mẹ. Vì thế để ghi ơn Đức Mẹ, Ngài đã truyền thêm vào kinh cầu Đức Mẹ lời: "Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con". Hơn thế, Ngài còn lập một lễ kính Đức Mẹ vào ngày 7-10 hằng năm với danh hiệu "Lễ Đức Mẹ Toàn Thắng". Lễ này được sửa đổi nhiều lần dưới nhiều triều Giáo Hoàng. Sau cùng Đức Piô VII định vào ngày 24-5 và đổi tên là "Lễ Kính Đức Bà phù hộ các giáo hữu". Còn ngày 7-10 dành kính Đức Mẹ mân Côi.
Nhưng để việc thánh hóa Giáo hội và bảo toàn đức tin được bền vững, Đức Piô V hết sức lưu tâm đến việc hướng dẫn và đào tạo hàng giáo sĩ. Ngài rất thận trọng trong việc cắt cử các vị Giám mục và truyền chức thánh cho các đại chủng sinh. Ngài dùng mọi phương thế giúp họ sống theo tinh thần kỷ luật và bác ái của Phúc âm. Nhưng nhất là Ngài có công nhiều trong Công đồng Triđentinô về việc sửa đổi lễ nghi phụng vụ, sách nguyện cho các linh mục, nhất là việc truyền giáo tại cả Đông Phương (Orient) và Tây Phương (Occident). Ngài lại chủ trương: các đại chủng sinh trước khi chịu chức linh mục phải qua nhiều năm thần học. Chính Ngài làm lễ tuyên phong Thánh Tôma (Thomas) làm tiến sĩ Giáo hội và buộc tất cả chủng sinh phải học khoa thần học của Thánh sư. Viết về những hoạt động và công việc cải cách của Đức Piô V một tác giả kinh nghiệm đã bày tỏ như sau: "Đường lối phục hưng của Đức Thánh Cha đã đưa lại nhiều kết quả tốt đẹp về đức tin, lòng đạo đức và cả về văn hoá, mỹ thuật. Ít có thời đại sung mãn sự thánh thiện như thời Đức Piô V".
Vì quá bận tâm với công việc, Đức Piô V như quên cơn bệnh đang phá hoại sinh lực; Ngài bị chứng sốt kinh niên ngay từ năm 1569. Dầu vậy Ngài vẫn yên lặng chịu bệnh và cứ hăng hái làm việc. Cuối năm 1571 cơn bệnh trở nên trầm trọng và Đức Thánh Cha phải nằm liệt giường. Biết ngày giờ đã gần đến, Đức Thánh Cha Piô V dọn mình sốt sắng và can đảm chịu bệnh hầu phụng sự Giáo hội cách hoàn hảo hơn. Suốt ngày đêm Ngài ôm chặt cây Thánh giá trên ngực và thầm thĩ với Chúa: "Lạy Chúa, xin thêm đau khổ cho con, xin giúp con nhẫn nại theo gương Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng chỉ có những cái gì thuộc về Thánh giá Chúa mới làm cho con được vinh hiển".
Sứ mệnh trần gian đã hết, ngày 1-5-1572, Ngài được Chúa gọi về trời.
Xác Ngài được táng trọng thể tại thánh đường Đức Bà Cả (Sainte Marie Majeur). Năm 1671 Đức Giáo Hoàng Clêmentê X cất Ngài lên bậc Chân phước và năm 1710 Ngài lại được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI truy phong bậc Hiển thánh và định lễ kính Ngài hằng năm.
Lạy thánh Piô, người Chúa đã chọn để áp đảo quân thù của Giáo hội và để tu bổ việc tôn thờ Thiên Chúa, xin cho chúng con biết theo gương Ngài trung thành phụng thờ Chúa, để chúng con thắng được mọi mưu mô quân thù và được hưởng phúc thanh nhàn đời đời.