Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2018

Filled under:


Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2018

1. Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2018 là gì?
Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2018 là “Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình: Sự thật sẽ giải thoát anh em!”
2. Tại sao sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm nay lại đề cập đến “tin giả” ?
Chứng kiến tình hình tin giả đang lan rộng trong một thế giới chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự thay đổi nhanh chóng các kỹ thuật truyền thông, ĐGH Phanxicô muốn đưa ra một sứ điệp để cộng tác với mọi người trong nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng của tin giả, đồng thời tái khám phá phẩm giá của báo chí cũng như trách nhiệm của các nhà báo trong việc truyền đạt sự thật.
3. ĐGH Phanxicô cho thấy khả năng truyền thông của con người có những nét đặc biệt nào?
ĐGH Phanxicô cho thấy khả năng truyền thông của con người có những nét đặc biệt này là: Được tạo ra giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa, con người có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là Chân, Thiện, Mỹ; có thể mô tả kinh nghiệm của chính mình và thế giới, để tạo ra ký ức lịch sử và hiểu biết các sự kiện.
4. Khả năng giao tiếp của con người sẽ bị bóp méo khi nào và cần được sửa chữa như thế nào?
Khi con người chiều theo thói kiêu ngạo và tính ích kỷ của mình, họ sẽ bóp méo cách thế sử dụng khả năng giao tiếp. Điều này có thể được nhìn thấy ngay từ thời nguyên tổ của loài người. Nó cần được sửa lại bằng sự trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa.
5. Tin giả là gì?
Tin giả là những thông tin sai lạc dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Nó bắt chước các tin tức thực sự, đến mức xem ra có vẻ hợp lý. Nó trở nên đáng tin và lôi kéo được sự chú ý của mọi người bằng cách đánh trúng các thành kiến, khai thác các cảm xúc bộc phát như lo lắng, căm hờn, tức giận và thất vọng. Nhờ các mạng xã hội, nó được truyền bá nhanh chóng đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.
6. Do đâu mà việc loại bỏ tin giả trở nên khó khăn?
Việc vạch trần và loại bỏ tin giả trở nên khó khăn vì nhiều người thường chỉ tương tác với những kẻ hợp ý với mình trong các môi trường kỹ thuật số. Họ không có các nguồn thông tin phong phú lành mạnh và các cuộc đối thoại xây dựng, khiến họ vô tình đồng lõa trong việc loan truyền các tin giả mà họ nhận được từ những người tương tác với họ.
7. Tin giả thường dẫn đến hậu quả nào?
Tin giả thường dẫn đến việc làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, thậm chí như ma quỷ, và nung nấu lòng căm thù họ. Tin giả là một dấu chỉ của thái độ thiếu khoan dung, quá nhạy cảm, kiêu căng và thù hận.
8. Chiến thuật tạo tin giả đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã được ma quỷ thực hiện để cám dỗ con người như thế nào?
Đó là chiến thuật của con rắn, đưa ra những điều tuy giả dối nhưng lại rất quyến rũ. Con rắn giả vờ là bạn tốt của Evà, hết sức quan tâm đến lợi ích của bà, và bắt đầu câu chuyện bằng cách nói lên một điều chỉ mang một phần sự thật: “Thiên Chúa bảo rằng ông bà không được ăn bất kỳ trái cây nào trong vườn phải không?”. “Thực ra Thiên Chúa chỉ cấm không được ăn trái của cây cho biết điều lành điều dữ mà thôi; nếu ăn vào sẽ bị chết”. Người đàn bà đã sửa sai con rắn như thế, nhưng lại để cho mình bị thua trước sự trấn an và khiêu khích của nó: “Chẳng chết chóc gì đâu, nhưng ăn vào ông bà sẽ trở nên giống như thần thánh - biết lành biết dữ”. Câu trả lời này có một chút sự thật khi nhắc đến yếu tố “biết lành biết dữ”, nhưng nó đã khiến Evà nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa.
Câu chuyện Kinh Thánh này cho thấy: Chẳng hề có một thông tin sai lạc nào mà không tác hại. Tin vào sự giả dối có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Một sự thật bị méo mó -dù méo mó một chút thôi- cũng có thể có những hậu quả nghiêm trọng.
Và điều nguy hiểm nhất, đó là lòng tham của chúng ta. Tin tức giả mạo thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại là vì nó khơi dậy lòng tham không đáy về quyền lực, sở hữu và lạc thú, làm tê liệt tự do nội tâm của con người.
9. Trong kế hoạch khử trừ tin giả, cần có chương trình giáo dục về chân lý; chương trình này chủ yếu dạy về điều gì?
Trong kế hoạch khử trừ tin giả, chương trình giáo dục về chân lý cần dạy cho mọi người luôn tìm cách hiểu rõ những ham muốn của mình và điều khiển được những khuynh hướng sâu xa nhất của mình - không cho phép những khuynh hướng ấy hủy hoại khả năng nhận thức điều thiện khiến họ phải chịu thua các cơn cám dỗ.
10. Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta như thế nào?
Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối sẽ làm cho chúng ta không còn phân biệt nổi đâu là sự thật, dẫn đến mất cả lòng tự trọng và sự tôn trọng đối với người khác, để rồi đánh mất khả năng yêu thương thực sự, chỉ còn biết lao vào những đam mê lạc thú tầm thường và chìm sâu trong thú tính.
11. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi những nguy hại gây ra do những tin giả đang tràn ngập trong thế giới hôm nay?
Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối là luôn biết thanh lọc mình trong sự thật. Theo Kitô giáo, sự thật không chỉ là điều được đưa ra ánh sáng sau khi bị che giấu, mà là nơi chúng ta có thể dựa vào để cuộc đời của ta không bị sụp đổ. Và nơi đó chính là Đức Kitô, như lời Ngài xác định: “Ta là sự thật” (Ga 14: 6). Và sự thật này sẽ cho ta được tự do: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32). Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối chính là kết hiệp với Đức Kitô và thực hiện Lời Ngài.
12. Một cách cụ thể, ta phải làm gì để thể hiện sự thật?
Một cách cụ thể, sự thật đòi ta phải thoát khỏi sự giả trá và xây dựng sự hiệp thông, bởi vì sự giả dối luôn luôn có thể len vào, ngay cả khi chúng ta nói ra những điều đúng. Một lý luận cho dù không ai bắt bẻ vào đâu được, và hoàn toàn dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và làm mất uy tín của người đó trước mắt người khác, thì bất kể nó có vẻ đúng đến đâu đi nữa, nó cũng không phải là đúng. Chúng ta có thể nhận ra tính chân thực của những lời phát biểu qua hoa trái của chúng: Lời chúng ta nói ra có gây chia rẽ và thất vọng? hay thúc đẩy những suy tư trưởng thành và đầy đủ, dẫn đến sự đối thoại lành mạnh và những thành quả tích cực?
13. Các nhà báo có trách nhiệm như thế nào trong việc khử trừ tin giả?
Các nhà báo có trách nhiệm và sứ mạng rất lớn trong việc bảo vệ tin tức. Sứ mạng này đòi hỏi họ phải luôn ý thức rằng: Thông tin cho người khác chính là đào tạo người khác, vì thế các nhà báo phải luôn quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin, mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.
14. ĐGH Phanxicô mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình như thế nào?
Theo ĐGH Phanxicô, cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình không có nghĩa là cổ võ cho loại hình báo chí chỉ có mật ngọt để rồi nhắm mắt trước những vấn đề nghiêm trọng; hay loại hình báo chí chỉ đầy cảm tính. Ngược lại, cần phải khuyến khích một nền báo chí trung thực, chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu nghe thật kêu, và các tiêu đề giật gân. Đó là nền báo chí trung thực do dân tạo ra và vì dân, nhằm phục vụ mọi người - đặc biệt là những người không có tiếng nói. Đó cũng là nền báo chí ít tập trung vào các tin tức giật gân, nhưng tập chú nhiều hơn vào việc tìm ra các nguyên nhân cơ bản của các cuộc xung đột, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và góp phần giải quyết bằng cách thiết lập các quy trình đạo đức. Cuối cùng, đây là một nền báo chí biết dấn thân để tìm cách đưa ra được những lựa chọn tốt đẹp và hữu hiệu, khác hẳn với việc cổ vũ sự leo thang chiến tranh và bạo lực bằng lời nói.
15. Hãy cùng với ĐGH Phanxicô hướng về Đấng Chân Lý với lời cầu nguyện tha thiết: cầu cho sự thật được xây dựng và lan tỏa trên thế gian:
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.Giúp chúng con nhận ra sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông.Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.nơi có tiếng la hét, xin làm cho chúng con biết lắng nghe;nơi có hoang mang, xin cho chúng con gợi hứng cho hài hòa;nơi có mơ hồ, xin cho chúng con biết mang lại sự minh bạch;nơi có sự loại trừ, xin cho chúng con biết mang đến tình đoàn kết;nơi có chủ nghĩa kích động, xin cho chúng con biết dùng sự tỉnh táo;nơi hời hợt, xin cho chúng con nêu lên những câu hỏi thực sự;nơi có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức niềm tin;nơi có hận thù, xin cho chúng con mang lại niềm tôn trọng;nơi có sự giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật. Amen.


“Lòng thương xót mở ra hy vọng, tạo ra hy vọng và nuôi dưỡng niềm hy vọng”

WHĐ (11.04.2018) – Vị giải tội không được phán xét hay lên án người tội lỗi hối cải, nhưng phải mở rộng vòng tay đón nhận người ấy, và để cho người ấy được hưởng nếm trọn vẹn lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa: đó là nội dung chính của bài huấn từ Đức Thánh Cha Phanxicô nói với hơn 500 nhà thừa sai lòng thương xót từ khắp nơi trên thế giới quy tụ tại Roma trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai với Đức Thánh Cha, hai năm sau khi thừa tác vụ đặc biệt này được Đức Thánh Cha thiết lập nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương xót.
Đây là một tác vụ lẽ ra đã chấm dứt khi kết thúc Năm Thánh; nhưng nhiều chứng từ về lòng hoán cải –là hoa quả trực tiếp của tác vụ này– được gửi đến Đức Thánh Cha, đã thúc đẩy ngài gia hạn thêm một thời gian, vì chiều kích ngôn sứ và thừa sai của tác vụ ấy. “Anh em là dấu chỉ cụ thể mà Giáo hội không thể, không được phép và không muốn tạo ra bất kỳ một rào cản hoặc khó khăn nào gây trở ngại cho việc đến với ơn tha thứ của Chúa Cha”, đó là lời mở đầu của bài huấn từ dài mà Đức Thánh Cha nói với các nhà thừa sai của lòng thương xót để khích lệ họ trong trách nhiệm mà ngài uỷ thác cho họ; hầu cho lòng thương xót mà họ được kêu gọi sống và giúp người khác sống lòng thương xót ấy, sẽ được biẻu lộ một cách tốt nhất.
Linh mục là người được thương xót
Trước hết Đức Thánh Cha muốn nhắc lại bản chất sứ vụ tông đồ của linh mục: linh mục là người phân phát lòng thương xót qua việc giải tội; và linh mục làm điều ấy dựa vào nhiều đoạn văn tiêu biểu trong Kinh thánh (Isaia, Thánh Phaolô, v.v...). “Chúng ta là những cộng tác viên của Thiên Chúa ... sứ điệp mà chúng ta mang lấy nhân danh Chúa Kitô là làm hoà với Thiên Chúa”. Trách nhiệm này “đòi hỏi một cuộc sống phù hợp với sứ mạng mà chúng ta đã nhận”, và giả thiết một điểm khởi đầu, đó là kinh nghiệm nền tảng về lòng thương xót, mà Đức Thánh Cha luôn muốn nhắc lại. “Chúa đã đối xử với tôi bằng tình thương xót (...) chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót và chúng ta biến đổi mình khi thi hành thừa tác vụ của lòng thương xót”. Vì thế, vị giải tội không phải là người đứng trên người khác, nhưng cũng giống như thánh Phaolô, là người được chọn dù là tội nhân, và được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa.
Mở rộng vòng tay đón nhận người có tội
Nhận ra mình là tội nhân tức là nhận biết tác động cứu chuộc và thánh hóa của ân sủng. Hòa giải không phải là kết quả của sáng kiến riêng của chúng ta, mà là của Thiên Chúa, “Đấng vượt trên chúng ta trong tình yêu”, Đấng đi bước trước và đã ở trong lòng của tội nhân đang đến với toà giải tội. Nhiệm vụ của linh mục là nâng đỡ hành động này; nhưng đôi khi cũng có trường hợp linh mục vì thái độ của mình mà làm cho tội nhân xa tránh. “Chẳng hạn, để bảo vệ sự toàn vẹn của lý tưởng Phúc Âm, chúng ta coi thường những bước tiến bộ từng ngày mà một người thực hiện được”. Như thế là quên rằng nhìn nhận lòng hối cải của tội nhân là dang rộng vòng tay đón nhận người ấy, như người cha của đứa con hoang đàng: ông còn không để cho đứa con nói xong lời tạ lỗi.
Linh mục không ở đó để làm cho tội nhân cảm thấy tội lỗi vì điều xấu mà người ấy đã hối cải. Nhưng linh mục phải khích lệ người có tội, làm cho người ấy hiểu rằng ơn tha thứ là sự giải thoát thật sự, mang lại niềm vui và phẩm giá, và “lòng thương xót mở ra hy vọng, tạo ra hy vọng và nuôi dưỡng niềm hy vọng”, đồng thời bí tích hòa giải là lúc mà người ta cảm nghiệm niềm an ủi nội tâm.
Vững tin vào tình yêu của Thiên Chúa
Đôi khi người ta có thể phàn nàn rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình, phàn nàn về sự im lặng của Thiên Chúa, nhưng lại quên rằng khi chúng ta phạm tội là từ bỏ Thiên Chúa, quay lưng lại với Ngài để nhìn vào mình. Dù sao cảm nghiệm về sự im lặng của Thiên Chúa là có thực; nếu cảm nghiệm ấy không được lồng vào một cảm nghiệm về tình yêu, thì cảm giác bị bỏ rơi này sẽ trở thành “bi kịch, mất đi ý nghĩa”, vì ở đó không có hy vọng. Theo nghĩa này, lời của tác giả thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa của tôi, sao Ngài từ bỏ tôi?” mà Chúa Giêsu dùng làm lời của Người và kêu lên khi chịu đóng đinh trên thánh giá, đã vang lên cách hết sức đặc biệt. Chúa Cha không trả lời Người, nhưng sự im lặng của Chúa Cha, Đức giáo hoàng giải thích, “là cái giá phải trả để không còn ai cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi”.
Cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại hình ảnh “thật khó tin”, đó là Thiên Chúa ghi khắc tên người tín hữu trong lòng bàn tay của Ngài (Is 49,16), như một “dấu ấn để tôi tin chắc rằng Ngài chẳng bao giờ rời xa tôi”. Và chính với niềm tin tưởng vào tình yêu ấy mà các Thừa sai Lòng Thương xót được kêu gọi nâng đỡ những ai đến với toà giải tội, để mang lại cho họ “sức mạnh để tin tưởng và hy vọng”.

(Vatican News)