Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

5 Phút cho Lời Chúa ngày 11/4/2018

Filled under:


“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Lời Chúa hôm nay quả thật là Tin Mừng cho tôi, vì Thiên Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giê-su để cứu độ cho muôn dân. 
Đức Thánh cha Phanxicô nói rằng, Thiên Chúa không cứu độ chúng ta bằng tờ giấy hay bằng một sắc lệnh nào đó, nhưng bằng chính Con Một của Ngài.  
Thiên Chúa phục hồi phẩm giá con người bị đánh mất vì tội lỗi và ban sự sống cho những ai đón nhận Đấng Phục Sinh. 
Thiên Chúa ban Đấng Cứu Độ duy nhất, đồng thời quả quyết, tin vào Chúa Giê-su là cách duy nhất lãnh nhận ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của gia đình con, ngoài Chúa ra chúng con không tìm đâu được hạnh phúc. Xin cho gia đình con yêu Chúa hằng ngày

THÁNH TANILAÔ, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO
(1030-1079)
Thánh Tanilaô sinh ngày 26-07-1030 trong một gia đình đạo đức và phú quý bên Ba Lan. Ngài là người con độc nhất của gia đình ông Wielislas và bà Bogna. Tuy sinh trưởng trong một gia đình giầu có, Tanilaô vẫn giữ được tâm hồn thanh thản, không ham mê của cải, chức quyền. Đó là dấu Chúa muốn đặc tuyển cậu làm tông đồ mai ngày! Hơn thế, tuy mới 10 tuổi, Tanilaô đã như thấu hiểu vai trò quan trọng của đức bác ái trong đời sống xã hội. Cậu dễ thông cảm với những người đau khổ, rộng tay bố thí cho những kẻ khó nghèo. Tinh thần bác ái đã biến cậu thành ngôi sao sáng trong đám thiếu niên cùng tuổi. Quen biết cậu, ai cũng kính phục và khen ngợi nền giáo dục của ông bà Wielislas. Khi tuổi hoa niên chớm nở cũng là lúc Tanilaô nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi làm tông đồ. Vì thế, sau những năm học triết lý và văn chương tại đại học đường danh tiếng Gniezno, sinh viên Tanilaô đến xin theo lớp thần học tại tu viện Lorrain. Nơi đây, vì hiểu rõ ơn thiên triệu hơn, thánh nhân đã nhất quyết đoạn tuyệt với thế tục để hiến thân làm việc trong vườn nho của Giáo hội. Nhưng khi vừa quyết định thì một tin buồn đưa đến làm xáo động tâm hồn Tanilaô: cha mẹ thầy từ trần. Đau đớn, ngài phải giãn việc học, trở về thu xếp việc gia đình. Thánh nhân bán hết tài sản cha mẹ để lại, lấy tiền phân phát cho người túng thiếu, rồi lại lên đường trở về tu viện tiếp tục học. Mãn thần học, thánh nhân được Đức Giám mục Lambertô ban chức linh mục và cử làm kinh sĩ tại nhà thờ chính toà năm 1062. "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít". Tiếng Chúa kêu gọi mỗi ngày một thêm mãnh liệt trong tâm hồn thánh thiện của vị tân linh mục. Ngài đem hết tài năng vun xới đồng lúa đến nỗi chẳng bao lâu, kết quả thu được đã làm chấn động cả địa phận. Nhiều linh mục lui tới xin ngài dẫn đường trọn lành và chỉ bảo phương pháp truyền giáo. Từ Đức Giám mục tới người giáo hữu sống nơi đồng ruộng nương khoai đều công nhận ngài là một linh mục tài đức. Ai gặp ngài cũng nhận thấy tấm lòng hào hiệp và tình yêu thương tha thiết của một người cha nhân từ. Dầu vậy thánh nhân vẫn khiêm tốn coi mình là không trước những lời đồn thổi khen lao. Ngài coi đó là một dịp để hạ mình, cố gắng học hỏi và chuyên chú làm việc hơn. Vì thế, tuy bận rộn nhiều công việc, thánh Tanilaô không bao giờ sao nhãng việc nghiên cứu Thánh kinh, tham khảo giáo phụ và thần học.
Khi Đức Giám mục Lambertô mệnh chung, toàn thể giáo sĩ và giáo dân địa phận Cracovia bầu thánh Tanilaô làm Giám mục. Nhưng thánh nhân cương quyết từ chối bằng những lời lẽ khiêm tốn. Cho đến năm 1072, khi Đức Giáo Hoàng Alêxanđria II truyền cử ngài làm Giám mục, vì đức vâng lời ngài mới lãnh nhận chức vụ trọng đại ấy. Người đời thường nói: "Càng cao càng cả gió lay, càng nhiều danh vọng càng dầy gian nan". Câu ấy thật đúng với những chức vụ trong Giáo hội và đặc biệt với trường hợp thánh Giám mục Tanilaộ Để làm tròn nhiệm vụ Chúa giao phó, thánh nhân quyết sống nhiệt thành bác ái và vâng lời. Dù công việc vất vả và bề bộn, thánh nhân không chịu giảm bớt đời sống thiêng liêng nhiệm nhặt đã quen. Ngài ăn chay đánh tội hằng ngày. Chiều đến ngài lại đi thăm các bệnh nhân và các người nghèo khó. Ngài còn tổ chức nhiều cuộc phát chẩn cho kẻ nghèo túng. Hơn thế, với niềm thông cảm bao la, ngài niềm nở hỏi han từng người hành khất. Cử chỉ yêu thương và nhân từ của Đức Giám mục đã làm nhiều người cảm kích đến sa lệ. Từ giáo sĩ đến giáo dân, mọi người đều nhận thấy nơi ngài nhiều nhân đức trọn hảo chứng tỏ "Ngài là một chúa chiên hiền hậu, một vị thánh sống".
Nhưng đức bác ái, dịu hiền không có nghĩa là không dám nói sự thật. Thái độ của Đức Giám mục đối với bạo chúa Bolesla chứng tỏ điều đó. Ông Bolesla, một bạo vương quen tính ức hiếp nhân dân, phạm nhiều tội ác. Từ kẻ cận thần cho đến hàng giáo sĩ, không một ai dám nói sự thật đáng trách đó với ông. Riêng Đức Giám mục Tanilaô, sau nhiều ngày cầu nguyện sốt sắng, ngài đã đến cảnh cáo bạo chúa và truyền ông phải làm việc đền tội. Nhưng "thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng", lời nghiêm nhặt của Đức Giám mục đã làm cho ông nổi khùng. Bị thúc đẩy bởi lòng tự ái mù quáng, ông đã dám nặng lời nhục mạ Đức Giám mục. Trước những lời lẽ ngạo mạn ấy, vị chủ chiên bình tĩnh trả lời: "Thưa đức vua, tôi vẫn trọng thiên chức đức vua, và vì lòng kính trọng chân thành, tôi thấy có nhiệm vụ phải nói sự thực cho đức vua dù với giá nào đi nữa. Chức Giám mục của tôi là hồng ân Chúa ban mà bất cứ vua chúa nào cũng phải kính trọng và tòng phục, kể cả những vị được cất nhắc lên từ địa vị nhỏ bé như tôi. Nếu đức vua còn tha thiết đến phần rỗi, đức vua hãy nghe lời tôi. Đó là phương thế độc nhất để đức vua giảng hòa và ký kết trung thành với Thiên Chúa, Đấng vĩnh trị trong vinh quang và trên mọi vua chúa".
Dầu vậy, bạo vương Bolesla vẫn khăng khăng không chịu nghe, ông còn tìm cách sát hại thánh Giám mục. Dịp ông mong chờ đã đến. Vì biết thánh Giám mục có mua một khu đất để xây cất nhà thờ, chỉ giao tiền trước nhiều chứng nhân mà không làm giấy tờ và lấy chữ ký của chủ đất tên là Phêrô, nên ba năm sau, khi chủ đất qua đời, bạo vương Bolesla lập mưu triệu vời các chứng nhân đến, doạ nạt và bắt phải khai rằng Đức Giám mục Tanilaô đã chiếm đoạt thửa đất kia một cách bất công. Rồi vua hạ lệnh đòi Đức Giám mục đến với mục đích kết án hòng nhục mạ ngài trước mặt công chúng. Với lòng khiêm tốn và trông cậy, Đức Giám mục thản nhiên trước công việc xẩy ra. Ngài thưa với bạo vương: "Thưa đức vua, dù ông Phêrô chủ nhân khu đất này đã chết từ ba năm nay, nhưng xin Đức vua cho giãn lại ba ngày nữa, tôi sẽ dẫn con người quá cố ấy đến làm chứng cho công việc". Mỉm cười cho đó là lời nói ngây ngô, bạo vương đồng ý cho hoãn lại ba ngày nữa.
Đức Giám mục Tanilaô và đoàn tuỳ tùng tin tưởng trở về. Hằng ngày các ngài đến nhà thờ mới xây dâng thánh lễ cầu xin ơn Chúa giúp đỡ. Đến ngày thứ ba sau khi đã dâng lễ trọng thể, thánh Tanilaô dẫn đoàn người ra mồ ông Phêrô. Ngài cầu nguyện và truyền cho họ quật mồ ông lên. Ba năm qua, thân xác ông đã tan rã. Nhưng sau lời kinh sốt sắng, thánh Giám mục giơ tay chạm vào hài cốt mà nói: "Nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần, tôi truyền cho ông sống lại và bước ra khỏi quan tài, để về làm chứng một sự thật đã bị xuyên tạc". Lập tức Chúa cho ông Phêrô sống lại, và thánh nhân cầm tay ông dẫn về toà án. Nhiều người đã vội về báo cho bạo vương hay sự việc đã xẩy ra. Nhưng ông vẫn không cho rằng mưu gian của ông sẽ bị bại lộ. Dẫn ông Phêrô ra tới toà án, thánh Tanilaô thưa với bạo vương: "Đây là chứng nhân đích thực của sự việc, mà Đức vua và đồng loã đã xuyên tạc". Trông thấy ông Phêrô, bạo vương Bolesla hoảng hốt không nói được nửa lời. Ông Phêrô trịnh trọng tuyên bố: "Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của thánh Tanilaô. Người sai tôi đến đây minh chứng sự thật trước toà án. Trước mặt mọi người, tôi trân trọng tuyên khai rằng tôi đã bán thửa đất đó cho Đức Giám mục Tanilaô, để ngài xây cất thánh đường, chính tôi đã nhận tiền thửa đất đó". Rồi ông Phêrô quay lại phía các chứng nhân xảo quyệt và nói: "Các ông thật điên dại, các ông đã phạm một tội tầy đình. Nếu các ông không kíp ăn năn thống hối, hình phạt Chúa sẽ đổ trên đầu các ông đời này và đời sau". Xấu hổ vì mưu gian bị bại lộ, nhưng bạo vương Bolesla vẫn không bỏ ý định sát hại thánh Giám mục. Một hôm đang khi thánh nhân làm lễ trong nhà thờ kính Tổng lãnh Thiên thần Micae, thì bạo vương cho quân kéo đến bao vây thánh đường. Chúng muốn xông vào chém đầu thánh nhân. Nhưng lạ thay, có một sức mạnh vô hình đã ngăn cản không cho quân lính tiến lên bàn thánh. Còn Đức Giám mục, ngài cứ bình tĩnh sốt sắng dâng lễ như không có chuyện gì xẩy ra. Bạo vương tức giận, cho đoàn quân thứ hai tiến lên, nhưng cũng như lần trước tất cả đều bị một sức mạnh vô hình vật ngã chồng chất lên nhau. Điên khùng trước tiếng la hò của quân lính và dân chúng, bạo vương Bolesla cầm gươm xông lên bàn thờ chém đầu thánh Giám mục. Máu chảy lai láng trên bàn thánh làm chứng một của lễ tinh tuyền Thiên Chúa đã chấp nhận. Chưa nguôi giận, bạo vương còn truyền chặt xác thánh nhân ra làm nhiều phần rồi quẳng ra ngoài đồng không cho mai táng.
Tưởng thế là đắc thắng, bốn ngày sau, bạo vương cùng đoàn tùy tùng ngao du ngoài đồng nội có ý xem chim trời đã ăn hết xác thánh nhân chưa. Nhưng trái với dự đoán, họ phải sửng sốt khi thấy bốn con chim phượng hoàng luôn bay lượn trên cánh đồng, đánh đuổi các loài chim khác, không cho xúc phạm đến thi thể vị thánh. Đêm đến, những người đạo đức trong vùng còn trông thấy nhiều luồng sáng chiếu rọi lên từ những phần chi thể thánh nhân rải rác ngoài đồng ruộng. Phép lạ Chúa làm để tán thưởng thánh Tanilaô đã làm sáng mắt bạo vương Bolesla. Ông vội vã trở về phòng kín thống hối tội lỗi và xin hàng giáo sĩ tổ chức chôn cất xác thánh Giám mục cách trọng thể. Hơn thế, khi người ta thu các phần thi thể rời lắp lại thì tự nhiên xác thánh Giám mục lại dính liền và lành mịn như ngài đã chết vì bệnh tật chứ không vì bị cắt chém. Vì thế ngày lễ táng xác thánh Tanilaô trở thành ngày hội linh đình nhộn nhịp như chưa từng có. Xác thánh ngài được đặt trong nhà thờ thánh Micae. Ngài được phong bậc hiển thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Inôxentê V ngày 17-09-1253.

Lạy thánh Tanilaô, người đã bị ngã gục dưới lưỡi kiếm của quân thù, vì đã thẳng lời chỉ trích sự tàn bạo và vô luân của những con người kiêu căng, mù quáng. Xin cho chúng con biết theo gương ngài, thành tâm trông cậy Chúa và can đảm dùng lời nói để bênh vực chân lý hoặc sửa dậy nết xấu của anh em vì bác ái.

Ðám Cưới Vĩ Ðại Nhất

Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đó là đám cưới của Alexandre Ðại đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.
Khi quyết định một người Á châu, dĩ nhiên, Alexandre theo tiếng gọi của con tim. Nhưng qua cuộc hôn nhân này, ông muốn biểu tỏ ý muốn thống nhất tất cả lãnh thổ đã được chinh phục từ Ðông sang Tây. Ông cũng hy vọng có một người con nối dõi với hai dòng máu Ðông Tây để thống nhất hai phần đất của địa cầụ
Ðám cưới được cử hành trong vòng bảy ngày, bảy đêm. Nơi nơi đều có yến tiệc. Và để tăng thêm phần long trọng, Alexandre đã cho tổ chức những cuộc tranh tài thể thao: thế vận hội đã được khai sinh từ đó. Chính Ðại đế là người đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc. Thông thường hoàng đế trao tặng những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng, người được coi là đoạt được nhiều giải thưởng nhất trong cuộc thi thế vận hội đầu tiên ấy chỉ nhận được có mỗi một cành lá. Alexandre Ðại đế giải thích như sau: chỉ có vinh hiển mới có thể tưởng thưởng được người xuất sắc nhất.
Có một hôn lễ còn vĩ đại gấp bội so với hôn lễ của Alexandre Ðại đế với công chúa Roxane: đó là hôn lễ của Trời với Ðất, của Thiên Chúa với Nhân Loại. Ðây là cuộc hôn lễ mà loài người đã chờ đợi từ khi có mặt trên trái đất. Hôn lễ ấy diễn ra qua việc Con Thiên Chúa xuống thế mặc lấy xác phàm. Ngài đến không kèn không trống, không quân đội, không thế vận hội. Ngài không mang lại các cúp vàng, Ngài không chỉ trao cành lá vinh thắng cho một người, nhưng cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể chiến thắng cho cuộc sống của mình và ai cũng có thể nhận lãnh cành lá vinh hiển ấy.
Ai trong chúng ta cũng có một phần thưởng vô giá, ai trong chúng ta cũng là người đoạt giải nhất và ai trong chúng ta cũng nhận được cành lá vinh hiển của sự sống đời đờị
Với Chúa Giêsu là Ðấng đã thắng thế gian và đang tiếp tục chiến đấu bên cạnh chúng ta, chúng ta tin chắc rằng chúng ta cũng sẽ chiến thắng.