WHĐ (20.04.2018) – Một buổi gặp gỡ có tên gọi “Cùng nhau đến với Đức Maria” đã được các tu sĩ dòng Đa Minh tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp, vào sáng thứ Bảy, 14-04-2018 vừa qua.
Đây là nét độc đáo trong một bối cảnh có rất đông người Hồi giáo Sunni, đặc biệt là người Hồi giáo Shia và Sufi: họvào trong nhà nguyện tu viện Truyền Tin của Dòng Đa Minh (Quận 8, Paris) để nghe các bài hát và bài đọc.
Các bài đọc – bằng tiếng Ả Rập và tiếng Pháp, từ Kinh Koran, từ Phúc âm, và cả thư của Imam Ali gửi cho một người bạn của ông là Thống đốc Ai Cập – xen kẽ với các bài hát, trong đó có kinh Ave tuyệt hay do ca đoàn nhà thờ Saint-Ephrem-le-Syriaque ở Paris trình bày; kết thúc là một “lời cầu khẩn chung”.
“Nếu chúng ta có mặt ở đây, đó là vì tất cả chúng ta đều yêu mến Đức Maria”, đó là khẳng định của Đức cha Michel Dubost, nguyên giám mục Evry và cựu Chủ tịch Hội đồng Quan hệ liên tôn của Hội đồng Giám mục Pháp; đồng thời cũng là điều mà Sheikh Ismael Al-Khaliq, Imam của Hiệp hội Imam Shia Al-Khoei, có trụ sở tại Lilas thuộc ngoại ô Paris, nhấn mạnh.
Nói với cả “trái tim” và “khối óc”
Trong khi hầu hết các cuộc gặp gỡ loại này, tại Pháp, nối kết người Kitô hữu và người Hồi giáo Sunni, nét đặc biệt của cuộc gặp gỡ nói trên là cho thấy “Hồi giáo ở Pháp” trong sự đa dạng của nó: người Shia – với sự tham dự của một phái đoàn gồm nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo từ Najaf ở Iraq; người Sufi, với đại diện là Abdelhafid Benchouk, giám đốc Nhà Sufi, có trụ sở tại Saint-Ouen ở ngoại ô Paris, và cộng đoàn Dervish Spirit; và cả người Sunni. Gérard Testard, Chủ tịch Efesia, người đưa ra sáng kiến tổ chức các cuộc gặp gỡ “Cùng nhau đến với Đức Maria” ở Pháp, đã rất vui mừng với “bước mới này trong cuộc gặp gỡ, nhờ sự giúp đỡ của Amir Jaje, một tu sĩ Đa Minh người Iraq và là chuyên gia về Hồi giáo Shia, mới đến Pháp từ vài tháng nay.
Theo những mong muốn của những người tổ chức, chương trình nhắm đến cả “con tim” và “khối óc” của những người tham dự: các Kitô hữu của cộng đoàn dòng Đa Minh hay ở ngoài, và nhiều người Hồi giáo đi với gia đình hoặc bạn bè. “Những gì các Kitô hữu và người Hồi giáo nói về Đức Maria không phải là như nhau. Nhưng cũng chính là người nữ ấy, và chúng tôi tin chắc rằng bà yêu mỗi người chúng tôi, theo như chúng tôi là ai”, Đức cha Dubost khẳng định. “Với người Hồi giáo, chúng ta biết Mẹ là Nữ vương Hòa bình, và được tôn kính ở Trung Đông, nơi có rất nhiều người đau khổ vì bị thù ghét, chúng ta có thể xin Mẹ giúp chúng ta xây dựng bình an, hết lòng vâng nghe lời Thiên Chúa, là lời ban bình an”.
Khám phá lại bản sắc của chính mình
Dựa trên kinh nghiệm 25 năm của mình tại Cameroon, vị giám tỉnh dòng Đa Minh Pháp, Michel Lachenaud, cho thấy rằng có thể “chia sẻ tình bằng hữu trong buổi gặp gỡ”. Hơn cả việc “đối thoại về học thuật” vốn bị khựng lại vì “nhiều trở ngại”, cuộc gặp gỡ gần gũi này có thể và phải “giúp chúng ta tái khám phá bản sắc riêng của chúng ta”, để “sửa đổi những định kiến” và cuối cùng là để “thấy rằng quan điểm riêng của chúng ta về Phúc Âm bị hạn chế”.
“Thiên Kinh Koran mời gọi chúng ta đoàn kết với nhau quanh những điểm chung. Ở đây, tất cả chúng ta đều thờ phượng Thiên Chúa. Hãy trân trọng những điểm chung của chúng ta và tôn trọng những điều khác biệt”, đó là phát biểu của vị Sheikh trẻ Seyyed Jawad al-Khoei, một thành viên của Hội đồng Liên tôn Baghdad. Ông cho rằng một diễn từ nhà đạo phải “tôn trọng quyền con người, chứ không phụ thuộc vào điều kiện sắc tộc hay tôn giáo”.
Một buổi gặp gỡ “Cùng nhau đến với Đức Maria” cấp quốc gia (nước Pháp) sẽ được tổ chức tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm ở Montmartre vào thứ Bảy 7 tháng Năm sắp tới, đặc biệt sẽ có bài phát biểu của Đức cha Jean-Marc Aveline và của Mohamed Bajrafil, lãnh tụ Hồi giáo tại Ivry-sur-Seine, là diễn giả và thần học gia Hồi giáo.
(La Croix)
Minh Đức
Thánh Lễ Mừng Ngọc Khánh 60 năm Linh mục của Cha Jean Baptiste Etcharren
Thánh Lễ Mừng Ngọc Khánh 60 năm Linh mục của Jean Baptiste Etcharren, Nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris (MEP) được cử hành vào lúc 10g00 ngày 19.4.2018 tại Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam - TGP Huế. Cùng đồng tế với Cha Jean Baptiste Etcharren trong Thánh lễ này còn có 12 Giám mục, Cha Gilles Reithinger, Bề Trên Tổng Quyền MEP, quý linh mục thuộc triều và dòng trong ngoài giáo phận.
Cha Jean Baptiste Etcharren thụ phong linh mục ngày 02.02.1958 tại Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris, và ngày 22.4.1958 ngài lên đường lãnh sứ mệnh truyền giáo tại Huế. Năm 1959, ngài làm cha phó xứ La Vang; năm 1960 lại làm mục vụ tại Mai xá; từ năm 1961-1966 ngài làm Giáo sư trường Thiên Hựu và Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện; năm 1966 Quản xứ Đông Hà; năm 1972 ngài đưa giáo dân Đông Hà vào Hòa Khánh, Đà Nẵng và Bình Tuy để định cư; từ năm 1974-1975 ngài làm Bề trên miền Việt Nam. Sau đó, ngài về Pháp làm Bề trên Tổng Quyền Hội Thừa sai Paris hai nhiệm kỳ (1998-2004 và 2004-2010). Hiện nay, ngài đang vui sống trong địa bàn Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam và mong được sống những năm tháng còn lại tại Giáo phận Huế thân yêu này.
Trước Thánh lễ, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh giới thiệu và chào mừng sự hiện diện của các Đức Giám mục, quý Linh mục đã từng được MEP bảo trợ, quý linh mục trong Giáo phận, quý Thầy Đại Chủng Viện, quý Tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam đến chúc mừng và hiệp ý tạ ơn với Cha Jean Baptiste Etcharren trong Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay.
Tiếp đó, Cha Gilles Reithinger, Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris chia sẻ những tâm tình rất vui khi được có mặt tại Việt Nam trong dịp này. Với tư cách là người đứng đầu và đại diện cho toàn thể linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, Cha Gilles Reithinger chúc mừng Cha Jean Baptiste Etcharren trong dịp mừng 60 năm Linh mục. Chính bản thân Ngài cũng nhận ra được sự dấn thân và tinh thần truyền giáo nhiệt thành của Cha Jean Baptiste Etcharren tại vùng đất này. Và những nhịp cầu giữa MEP và Giáo Hội Việt Nam trước đây Cha Jean Baptiste Etcharren đã từng xây dựng sẽ được tiếp tục duy trì trong tương lai.
Sau lời chúc mừng của Cha Bề Trên Tổng Quyền MEP, Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại Diện TGP Huế thay mặt cho toàn thể mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận, kính dâng lời chúc mừng đến Cha Jean Baptiste Etcharrentrong dịp trong đại này. Cha Antôn cũng như tất cả mọi người nhìn nhận Cha Jean Baptiste Etcharren là người cha, là vị ân nhân vĩ đại, là bậc thầy và là đàn anh, nhà truyền giáo, là người bạn thương yêu của các linh mục nói riêng và của Giáo Hội Việt Nam nói chung.
Khi nhìn lại những công việc Ngài đã từng làm trên mảnh đất quê hương thân yêu này, thì mới thấy được Cha Jean Baptiste Etcharren là vị thừa sai luôn được mọi người yêu mến, vì cha đã yêu mến người Việt, hiểu tâm tính người Việt, nói rất sành sỏi tiếng Việt, đặc biệt Ngài đã cùng giáo dân trải qua những giây phút khó khăn nhất của Giáo phận trong thời chiến tranh. Xin tri ân Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris đã gởi đến cho Giáo phận Huế một vị thừa sai tuyệt vời như vậy.
Tiếp đó, trong trang phục của các linh mục và nữ tu, cùng với những điệu múa dễ thương của các em thiếu nhi Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam, như gợi lại về những tháng ngày trong suốt hành trình ơn gọi của Cha Jean Baptiste Etcharren, từ những ngày đầu khi lãnh nhận chức Linh mục lúc 26 tuổi và sau vài tháng đã lên đường để nhận sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam.
Đáp lại những tấm chân tình của mọi người hiện diện, Cha Jean Baptiste Etcharren đã có đôi lời chia sẻ với mọi người. Trước hết, Ngài cám ơn cha Antôn đã đại diện cho toàn thể dân Chúa đang tụ họp tại đây và cả bên ngoài xa hơn nữa, để nói lên những lời tâm tình làm cho Ngài rất cảm động. Qua Thánh Lễ này, Ngài mong muốn diễn tả tâm tình biết ơn của mình với tất cả mọi người, đang hiện diện hay vắng mặt nhưng đã cùng với Ngài hiệp lời tạ ơn Chúa về những năm đã tháng qua.
Cha Cha Jean Baptiste Etcharren cũng cám ơn Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, đã có ý tưởng tổ chức những ngày Hội Ngộ dành cho các cựu học sinh được MEP bảo trợ, và đặc biệt là những tình cảm dành cho Ngài qua Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay. Có thể thấy Giáo Hội Việt Nam và Hội Thừa Sai Paris, từ khi khai sinh đã cùng chung chia một dòng lịch sử, lịch sử của xây dựng, những chứng tá và lòng dũng cảm qua nhiều giai đoạn khó khăn. Cha Jean Baptiste Etcharren cũng cám ơn quý Giám mục, Linh mục, nhất là những người đến từ xa, những người Ngài được diễm phúc quen biết khi còn du học bên Pháp và đã để lại trong lòng Ngài những kỷ niệm không bao giờ phai. Cám ơn quý Nữ tu tại Huế về những tận tình phục vụ dành cho Ngài trong suốt thời gian qua và nhất là trong cuộc đời truyền giáo của Ngài.
Trong tâm tình yêu thương và biết ơn, Cha Jean Baptiste Etcharren nhớ đến quý Đức Cha từng cai quản Giáo phận Huế nay đã qua đời, các vị đã để lại trong lòng của ngài nhiều ấn tượng tốt đẹp qua những đón tiếp, những hướng dẫn trong bước đầu truyền giáo tại vùng đất này. Đặc biệt, Cha Jean Baptiste Etcharren cũng cám ơn Đức Cha Têphanô Nguyễn Như Thể và Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, đã có lời mời và bảo lãnh để Ngài có thể ở lại Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Cuối cùng, Cha Jean Baptiste Etcharren cũng cám ơn các anh em linh mục trong Giáo phận Huế, bằng những nâng đỡ, cầu nguyện và chia sẻ đã giúp ngài hội nhập trong công cuộc truyền giáo tại đây. Cám ơn những người tuy không cùng niềm tin tôn giáo, nhưng đã luôn yêu thương nâng đỡ đồng hành trong suốt hành trình của cuộc đời Ngài.
Cộng đoàn sốt sắng bước vào Thánh lễ Tạ ơn do chính Cha Jean Baptiste Etcharren chủ tế bằng Tiếng Việt. Thánh lễ thấm đượm bầu khí hiệp thông, huynh đệ, tràn đầy tình yêu thương, hòa với tiếng ca lời nguyện du dương, quyện trầm hương để dâng lên ngai Thiên Chúa.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm, thuộc Giáo phận Đà Lạt, cũng là cựu du học sinh tại Pháp được MEP bảo trợ đã có những tâm tình chia sẻ với cộng đoàn hiện diện. Trước hết, Ngài nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các Tông đồ trong Giáo Hội, và có thể thấy một con người cũng muốn trở thành Tông đồ của Chúa Giêsu chính là Cha Jean Baptiste Etcharren. Qua cuộc đời ơn gọi linh mục của ngài, có thể tóm gọn "Tình đầu cũng là tình cuối" chính là sứ mạng Tông Đồ, mong muốn được ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Và sự hiện diện của Cha Jean Baptiste Etcharren hôm nay tại Việt Nam đã nói lên những điều nó, và tình yêu của Ngài dành cho nơi đây vẫn còn nguyên vẹn khi quyết định chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình.
Cha Athanasiô cũng mời gọi cùng nhìn lại những ơn lành của Chúa trong cuộc đời của mỗi người. Và qua bài đọc I, có thể thấy tấm gương của Thánh Phaolô khi luôn đặt lời tạ ơn lên hàng đầu, và ân sủng của Chúa ở đầu cội nguồn của đời ngài, và ngài luôn muốn sống dìm mình trong ân sủng đó: “Sống với tôi là Đức Giêsu Kitô và chết là mối lợi”, “tôi sống không phải tôi mà là Đức Giêsu Kitô”...
Và qua bài Tin Mừng theo Thánh Luca nói về mười người phong cùi được chữa lành chỉ một người trở lại cám ơn. Cha Athanasiô muốn chia sẻ rằng cũng có thể hiểu trong hoàn cảnh này Thiên Chúa không cần lời cám ơn của chúng ta, nhưng điều chính yếu là mỗi người có nhận ra được bản thân mình đã nhận được ơn của Thiên Chúa như thế nào.
Kết thúc bài chia sẻ, Cha Athanasiô muốn nhắn gởi đến mọi người, trong cuộc sống không chỉ nói lời cám ơn mà còn cần phải biết ơn, biết ơn mình đã lãnh nhận như con cái nhận ơn từ cha mẹ. Ngoài ra, con người không chỉ biết ơn mà còn phải nhớ ơn, mang ơn, và mỗi ơn là mỗi chiều sâu khác nhau. Đôi khi có những người sống biết ơn mà không nhớ ơn, không mang ơn nên sống phụ ơn. Chớ gì lời cám ơn của chúng ta, ơn trời, ơn người, không quá nhẹ và quá nhanh như thể chăm sóc một món đồ. Vì người ta thường nói: vội vã trả ơn cũng là một thứ tệ bạc.
Thánh lễ tiếp tục với tâm tình tạ ơn của cộng đoàn tham dự, những tâm tình tri ân được dâng lên cho Thiên Chúa, với niềm tin những ơn lành sẽ tuôn đổ trên mỗi người, mỗi gia đình và đặc biệt trên vị chủ tế mừng lễ hôm nay.
Cuối Thánh Lễ, Đức TGM Giuse thay mặt cho tòa thể cộng đoàn hiện diện chúc mừng Cha Jean Baptiste Etcharren trong Thánh Lễ ý nghĩa này. Đồng thời, ngài cũng cám ơn các ban ngành, mọi thành phần dân Chúa đã tích cực cộng tác để dịp lễ được diễn ra một cách long trong và tốt đẹp.
Mọi người tham dự sốt sắng lãnh nhận phép lành của Cha Chủ tế và các Đức Giám mục, sau đó cùng tiến ra trước tiền đường để cùng chụp hình lưu niệm để ghi nhớ ngày ý nghĩa này.
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế