Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

SUY NIỆM CHÚA NHẬT - NGÀY 08-04-2018

Filled under:

Lời ChúaGa 20, 19-31
    Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!”  Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
    Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
    Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
    Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an.” Rồi Người bảo Tôma: “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”  Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Ðức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
    Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Suy nim 1
Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo,
hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã.
Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm.
Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua.
Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ,
Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo.
Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn.
Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng:
Thầy chính là Ðấng đã bị đóng đinh và đâm thâu;
Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.
Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo,
dù điều đó chẳng đẹp gì.
Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem.
Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc.
Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau.
Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh.
Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức
cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã.
Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của mình.
Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích.
Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu
thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ.
Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành.
Có những vết thương tưởng  chẳng thể nào thành sẹo.
Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?
Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương.
Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó.
Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh.
Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một Tình Yêu.
Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.
Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.
Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến
để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình.
Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.
Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập,
để bước vào thế giới của lòng tin.
Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy.
Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy,
nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.
Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.
Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma,
nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.
Cần tập thấy Chúa để rồi tin.
Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình,
của Hội Thánh, của cả thế giới,
để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt
giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau.
“Phúc cho những ai không thấy mà tin”,
và phúc cho những ai biết thấy nên tin.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người -cũng như con- đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con sẽ về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM 2

Chúa đã phục sinh. Vinh hiển và khải hoàn vẫn không xóa bất cứ dấu ấn nào của thánh giá. Hôm nay, dù đã sống lại, đã chiến thắng khải hoàn, thân xác phục sinh của Chúa chói ngời đã cùng quyền năng Thiên Chúa bước vào vô biên, bước vào vĩnh cửu, nhưng bây giờ hiện ra với các môn đệ, thân xác ấy vẫn không che khuất dấu thánh giá. 

Cả hai lần, Chúa hiện ra cùng Hội Thánh của Người đều có chung một cách thức. Thánh Gioan ghi nhận: 

- Chính trong ngày phục sinh, ngay khi hiện ra, “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”. Nơi cánh tay, nơi cạnh sườn vẫn nguyên vẹn vết thương của những cây đinh, của lưỡi đòng đâm thấu. Chỉ sau khi xem tay và cạnh sườn bị thương tích như thế, các môn đệ mới hết nghi ngờ, mới “vui mừng vì xem thấy Chúa”. Như vậy dấu của thánh giá là bảo đảm cho đức tin của các môn đệ. 

- Nhưng lần ấy, thánh Tôma không có mặt, thánh nhân nhất quyết không tin. Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra một lần nữa, có mặt thánh Tôma. Lần này thái độ của Chúa mạnh hơn, dứt khoát hơn. Chúa không chỉ đưa tay và cạnh sườn cho xem, nhưng Chúa còn lên tiếng: “Tôma, hãy xỏ ngón tay của con vào lổ đinh trên tay Thầy đây, hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thầy. Con đừng cứng lòng tin nữa, mà hãy tin”. 

Đứng trước dấu thánh giá còn in sâu một cách hùng hồn trên thân thể của Đấng Phục Sinh, thánh Tôma đã phải cúi đầu tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Một lần nữa, thánh Gioan lại cho thấy, dấu thánh giá là bảo đảm cho đức tin của chúng ta. 

Dấu vết kinh hoàng của thánh giá trên thân thể Đấng Phục Sinh là một nhắc nhở cho ta về khuôn mặt tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Chính vì tình yêu, Thiên Chúa cúi mình thật sâu trong thân phận con người để con người được diễm phúc làm con Thiên Chúa. 

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Thánh giá trở thành nơi hoàn tất lòng thương xót Chúa” (x. Tông huấn Dives in Misericordia – Thiên Chúa giàu lòng thương xót số 7). Bởi đó, muôn đời thánh giá vẫn tiếp tục là khí cụ cứu độ của lòng thương xót Thiên Chúa và Chúa Kitô hằng trao ban cho loài người. “Thiên Chúa đã ban Đức Kitô như hy tế xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin, để bày tỏ sự công chính của Ngài” (Rm 3, 24-25). 

Thánh giá là sự chiến thắng vinh quang của Người Con, là đỉnh cao của công cuộc cứu độ (x. DM 8), đỉnh cao của lòng thương xót xuất phát từ Chúa Cha. Thánh giá là dấu chỉ của tình yêu lớn lao vô cùng, một tình yêu không thể tưởng tượng: Tình yêu trung thành của Chúa Cha đối với nhân loại. Tình yêu ấy, chỉ trong một lời ngắn gọn, Tin Mừng theo thánh Gioan diễn tả hết sức đầy đủ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). 

Thánh giá là niềm hy vọng dẫn đưa những kẻ tin vào lòng thương xót của Chúa đi về cùng Thiên Chúa. Bởi thánh giá là nền tảng hoàn tất cánh chung vì những ai được thánh giá cứu chuộc, sẽ trở thành những người được chọn trong Nước Thiên Chúa (x. DM 8). 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết chạy đến cùng lòng thương xót của Thiên Chúa, để tìm được sức mạnh nâng đỡ chúng con trong mọi nỗi vui buồn của loài người. Xin giúp chúng con một khi lãnh nhận lòng thương xót cũng biết xót thương từng anh chị em xung quanh. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường