Đức Phanxicô trích lời Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan được công bố vào ngày thứ hai ngày 9 tháng 4 – 2018. Hình chụp năm 2001 trong tài liệu Vatican (Photo CNS / L'Osservatore Romano via EPA)
Lẽ tự nhiên, trong một tài liệu kêu gọi tín hữu kitô về sự thánh thiện, Đức Phanxicô sẽ nêu lên một số thánh trên trời, trong đó có một số đang tiến hành án phong thánh nhưng cũng có một số sẽ chẳng bao giờ được phong thánh.
Ngài nói: “Có một núi chứng nhân khuyến khích mỗi tín hữu kitô theo bước đường nên thánh. Các chứng nhân này có thể là chính cha mẹ mình, các ông bà nội ngoại hay người thân cận”.
Trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan được công bố vào ngày thứ hai 9 tháng 4 – 2018, Đức Phanxicô trích lời các thánh đã được phong, nhưng phần lớn tài liệu trong các lời trích này, ngài đưa ra lời khuyên rất thực tế chứ không phải các ý tưởng cao siêu.
Trong một ghi chú nói về làm thế nào các thánh hạnh phúc và thường có tính hài hước, Đức Phanxicô nhắc đến lời cầu nguyện của thánh tử đạo người Anh Thomas More:
Lạy Chúa, xin ban cho con trí lĩnh hội, và cả điều để lĩnh hội.
Xin cho con thân thể khỏe mạnh và vui tính để giữ gìn sức khỏe tốt hơn.
Xin cho con có một tâm hồn thánh thiện, có đôi mắt nhìn về cái đẹp, về điều tinh tuyền để không sợ hãi khi nhìn tội, để con thấy trong sự hiện diện của Chúa con đường để đứng lên.
Xin cho con một tâm hồn không buồn chán, không càu nhàu, không thở dài than van và đừng để con quá lo âu vì “cái tôi” cồng kềnh của con.
Lạy Chúa, xin cho con vui tính, xin ban cho con ơn để hiểu sự vui đùa, để con rút tỉa được một vài hạnh phúc của đời này và để con chia sẻ hạnh phúc này với người khác.
Thánh I-Nhã Loyôla, nhà sáng lập Dòng Tên được trích nhiều lần trong tài liệu cũng như Thánh Phanxicô Axixi, Thánh Têrêxa Calcutta, Thánh Têrêxa Avila, Thánh Têrêxa Lisiơ và Thánh Thánh Gioan-Phaolô II.
Nhưng Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến các lời khuyên của cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mà ngài đã phong lên bậc đáng kính năm 2017. Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận bị giam 13 năm dưới chế độ cộng sản trong đó có 9 năm ngài bị giam cấm cố.
Trong tông huấn này, Đức Phanxicô nêu lên, trong thời gian ở tù, Đức Hồng y “đã không lãng phí thì giờ chờ ngày được trả tự do, chọn lựa của ngài là sống giây phút hiện tại với tràn ngập yêu thương .” Ngài quyết định: “Tôi lợi dụng những cơ hội xảy ra mỗi ngày, để làm các công việc bình thường một cách ngoại thường”.
Ngoài ra ngài cũng nhắc đến “chứng từ của các tu sĩ Dòng Tráp của Tibhirine, ở Algeria, trong cộng đoàn họ đã chuẩn bị tinh thần tử đạo”. Năm 1996, các đan sĩ bị bắt cóc trong tu viện của họ, bị một nhóm khủng bố do mạng lưới Al-Qạda đào tạo hạ sát. Câu chuyện của các tu sĩ được dựng thành phim “Của các thần và của con người”. Vào tháng 1 – 2018, Đức Phanxicô đã ký một tự sắc chính thức công nhận cái chết của các tu sĩ là chết tử vì đạo; việc phong chân phước cho các tu sĩ sẽ được loan báo trong một ngày gần đây.
Sự tôn kính của Đức giáo hoàng đối với các tu sĩ tử đạo Dòng Tráp là một phần nói lên tầm quan trọng của việc thuộc về một cộng đoàn, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Ngài viết: “Sự lớn lên trong thánh thiện là một hành trình trong cộng đồng, bên cạnh các người khác”.
Việc chia sẻ như vậy không phải chỉ dành cho các thánh nổi tiếng đã được phong thánh, ngài nói: “Trong nhiều cuộc hôn nhân thánh thiện cũng vậy, mỗi người phối ngẫu trở nên phương tiện mà Đức Kitô dùng để thánh hóa người kia. Sống hay cùng làm việc bên cạnh nhau chắc chắn là một con đường tăng trưởng thiêng liêng”. Họ sẽ đồng ý với sự quan sát của Đức Phanxicô về các thánh: “Đời sống của họ có thể không hoàn hảo, nhưng dù cho có lỗi lầm, có thất bại, họ vẫn tiếp tục đi tới đàng trước và làm Chúa hài lòng”.
Đức Phanxicô khuyến khích người công giáo lấy cảm hứng từ đời sống các thánh, nhưng cũng không phải là điều tốt nếu cứ bắt chước y hệt các thánh vì như thế chúng ta sẽ có thể “đi lạc với con đường đặc biệt mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta”. Và ngài cảnh báo, sự tôn sùng một vị thánh đặc biệt không bao giờ trở nên một hình thức lệ thuộc.
Đức Phanxicô viết: “Tất cả những gì một vị thánh nói không phải hoàn toàn trung thực với Tin Mừng, tất cả những gì họ làm cũng không phải đích thực và hoàn hảo”. “Những gì chúng ta phải chiêm niệm, đó là tổng thể đời sống của họ, trọn hành trình tăng trưởng trong thánh thiện của họ, phản ảnh lên hình ảnh Chúa Giêsu Kitô khi chúng ta nắm bắt ý nghĩa tổng thể của họ như một con người”.
Suy tư của Đức Giám mục Angelo De Donatis
Đức Giám mục phụ tá giáo phận Rôma Angelo De Donatis bình giải về Tông huấn Vui mừng và Hân hoan, theo Đức Phanxicô thì sự thánh thiện không có gì khác hơn là “đời sống bình thường của chúng ta được sống một cách phi thường”.
Khi giới thiệu tông huấn mới của Đức Phanxicô “Các con hãy vui mừng và ở trong hân hoan” (Gaudete et exsultate), Đức Giám mục Angelo De Donatis nhấn mạnh, “sự thánh thiện là đời sống thật, là hạnh phúc mà chúng ta được gọi để hướng về”. Ngược lại với thánh thiện không phải là đời sống tội lỗi nhưng là hài lòng một đời sống tầm thường, phân tán và không nhất mực”.
Đức Giám mục ghi nhận: “Đức Phanxicô muốn kéo sự chú ý của chúng ta về cái gì là thiết yếu cho đời sống kitô. Ngài muốn giúp chúng ta có một tầm nhìn mở rộng, chống lại cám dỗ ... sống lây lất như vậy được rồi. Ngài muốn nói với chúng ta, thánh thiện không có gì khác hơn là đời sống hàng ngày, nhưng đời sống bình thường này được sống một cách phi thường, bởi vì nó được làm đẹp nhờ ơn của Chúa”.
Đức Phanxicô nhắc lại, “thánh thiện không phải là việc dành riêng cho những người chỉ chú tâm cầu nguyện hay làm việc cho Giáo hội, nhưng thánh thiện ở tầm tay của tất cả mọi người trong sinh hoạt hàng ngày của mình”.
Không có chiến lược cho thánh thiện
Theo nhà báo Ý Gianni Valente, Tông huấn Vui mừng và Hân hoan nêu bật lên thánh thiện “là hoa trái và là ơn: đây không phải là ngọn núi mình phải leo một mình. Chúng ta không thể có chiến lược hay có dự án mục vụ để sản xuất ra thánh thiện”.
Trong buổi giới thiệu Tông huấn Vui mừng và Hân hoan của Văn phòng báo chí Tòa Thánh, ông đã bình giải chương 2, trong đó Đức Phanxicô lên án “hai kẻ thù tinh tế của sự thánh thiện”, phải hiểu biết về chủ thuyết chủ trương không cần ơn Chúa (pêlagiô) và chủ thuyết duy tri của thời buổi này, vấn đề được đưa ra trong một tài liệu gần đây (Placuit Deo) của Bộ Giáo lý Đức tin và đã được công bố vào đầu tháng 3 – 2018.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch