Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Suy Niệm Tin Mừng CN II Phục Sinh B

Filled under:


Suy Niệm Tin Mừng CN II Phục Sinh B - LM. Giuse Đỗ Văn Thụy

 Lòng Thương Xót của Chúa đối với Tôma (Ga,20-19-31)

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe các môn đệ nói với Tôma: Chúng tôi đã thấy Chúa. Nhưng Tôma nói với các môn đệ kia rằng:”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.

Rồi tám ngày sau, các môn đệ họp nhau trong nhà, có Tôma ở đó, Chúa đã hiện ra với các ông. Chúa Giêsu lặp lại lời của Tôma và mời ông thực hiện điều ông đòi hỏi. Bấy giờ, Tôma chỉ biết thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin, phúc cho ai không thấy mà tin."
Câu chuyện của Tôma cho chúng ta thấy con người của Tôma được bộc lộ thật rõ ràng, rất bộc trực và chân thành.

Tôma đã phạm một lỗi lầm
Ông đã vắng mặt trong buổi họp của anh em và vì không có mặt với các bạn nên ông mất cơ hội gặp Chúa Giêsu lúc Ngài hiện ra lần thứ nhất. Khi gặp cảnh đau buồn thất vọng, chúng ta thường có khuynh hướng muốn đóng cửa lại, nhốt mình riêng một nơi, không muốn gặp ai cả. Nhưng chính những lúc như thế, lại là lúc chúng ta cần đến sự chia sẻ cảm thông của anh chị em sống chung quanh chúng ta.

Nhưng Tôma có hai đức tính lớn
Ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin, không bao giờ nói mình hiểu trong khi không hiểu. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng. Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến. Chính hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến một niềm tin chắc chắn.

khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng
Ông nói: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Với Tôma không có chuyện nửa vời. Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục. Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Đức Giêsu là Chúa, người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.

Hôm nay cũng là ngày kính nhớ Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: "Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta" (Tiểu nhật ký, số 699). Dù mới thiết lập năm 2000, nhưng phong trào phổ biến lòng thương xót Chúa thật lạ lùng. 

Lòng thương xót của Chúa được diễn tả qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá. Lòng thương xót ấy vẫn còn để lại dấu vết trên thân thể Chúa, kể cả sau khi Chúa đã sống lại sáng láng vinh hiển. Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao
ban bình an, là cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, khiến các ông vui mừng và tin tưởng.

Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi, vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài. Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi.
Đặc biệt với Tôma, Chúa Giêsu rất thương mến Tôma và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của Tôma, để Tôma tiến tới một xác tín mạnh mẽ vào sự Phục Sinh của Chúa.

Nhà thần học Paul Tillich nói: "sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh". Còn Thomas Merton bảo: "người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin đích thực". Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy. Như tin vào cha mẹ, thầy cô, những người có thế giá; tin vào tình yêu và lòng tốt của người khác dù họ chưa làm gì cho ta. Tin vào lời hứa trong tương lai dù chưa thấy kết quả trước mắt. Phải chăng đấy là những dấu hiệu của đức tin và niềm hy vọng. Phải chăng vì thế mà cuộc sống của ta được bình an và phấn khởi.

Chính vì vậy, hằng ngày chúng ta vẫn được hưởng sự bình an và lòng thương xót của Chúa qua Giáo Hội khi chúng ta nghe Chúa dạy, lãnh nhận các bí tích nhất là Thánh L.
Nghĩa là Chúa đã trao cho chúng ta trách nhiệm như Tôma và các môn đệ xưa: hãy đi loan báo và làm chứng về sự bình an và lòng thương xót Chúa cho người khác. 

Thế giới, xã hội còn đầy bất công
bạo hành, chúng ta hãy đem sự bình an của Chúa Phục Sinh cho họ. Thế giới, xã hội còn đầy vết thương do sự tranh chấp, hận thù và ghen ghét, chúng ta hãy đem lòng thương xót Chúa đến cho họ để chữa lành nỗi đau thể xác và tinh thần, giúp họ tiếp tục bước theo Chúa trên con đường khổ giá để được chung hưởng niềm vui Phục Sinh với Chúa. Amen.