Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 05.02.2018

Filled under:

Chạm đến thì được khỏi
Lời Chúa: Mc 6, 53-56
Khi qua biển rồi, Ðức Giêsu và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghennêxarét và lên bờ. Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Ðức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì người ta cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
Suy nim 1
Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác:
sờ, mó, đụng, chạm, rờ…
Xúc giác là một trong năm ngũ quan.
Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ.
Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.
Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy.
Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ:
“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!
Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39).
Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm:
“…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh,
không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
Đức Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27).
Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta,
nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen.
Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này:
“Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe,
Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).
Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu.
Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh.
“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó.
Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56).
Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu.
Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ,
mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người;
và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56).
Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu.
Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28).
Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.
Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa,
cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma.
Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa.
Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa.
Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo
nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.
Cầu nguyn:

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm 2

Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra một điều là các bệnh nhân rất cần đến Chúa. Họ cần Chúa, họ muốn đụng chạm đến Chúa để từ sức mạnh quyền năng của Người, bệnh tật trong con người họ được chữa khỏi. Nên nghe tin người đi đến đâu, thì bệnh nhân kéo đến đó. Có những người chỉ chạm vào Người, bệnh tật khỏi hẳn. 

Bệnh nhân cần đến thầy thuốc, đó lẽ thường. Con người ngày hôm nay mắc rất nhiều bệnh tật. Nên càng bệnh nhiều thì càng phải cần thầy thuốc để chữa chạy, cần thuốc men để tăng sức đề kháng. Bệnh viện nào cũng đông đúc người, thậm chí không còn đủ giường bệnh để nằm. Trong nước không đáp ứng được nhu cầu chạy chữa, những người giàu thậm chí phải ra nước ngoài, với phương tiện và thầy thuốc tiên tiến và tốt hơn, giỏi hơn để mong mua lấy sức khoẻ. Nhìn vào cảnh đó, chúng ta thấy dường như sức khoẻ của chúng ta nói chung không tốt. Chẳng đặng đừng mà phải vào bệnh việc, cần đến thầy thuốc. Nhưng đến với thầy thuốc quá nhiều chứng tỏ ta không khoẻ chút nào. Sức khoẻ thể xác cũng quá quan trọng với chúng ta. Không có sức khoẻ, không thể hoạt động hay làm việc được. 

Chúa Giêsu tất bật với việc giảng dạy, chữa lành. Nhìn vào cảnh đông đảo những người thực sự cần đến Người quá nhiều, chúng ta nhận ra sức khoẻ thể xác và tinh thần của những người sống thời đại Chúa Giêsu cũng gặp quá nhiều bất trắc. Họ bệnh, họ cần được Chúa chữa lành, như chúng ta cần đến thầy thuốc. Nhưng chắn chắn chúng ta còn cần đến Người, bởi không dừng lại là một lương y chữa lành bệnh, Người còn là thầy thuốc của tâm hồn. Người còn chữa lành những vết thương tâm hồn chúng ta, làm lành lặn những vết sẹo do tội lỗi chúng ta gây ra, những thương tích hằn sâu trong ta. Chúng ta rất cần đến Chúa vì ngày nay, hơn bao giờ hết chúng ta có tội, là tội nhân, chúng ta cần đến với Người, đụng chạm vào trái tim của Người, đụng được lòng thương xót của Người để ta được xót thương, tha thứ và phục hồi. 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết chúng con cần Chúa, vì chúng con là những kẻ tội lỗi. Chúng con cần tới lòng thương xót của Chúa, cần đến ơn tha thứ của Người. Amen.  

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường