Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 09/02/2018

Filled under:

Lời ChúaMc 7, 31-37
31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
Suy nim 1
Đức Giêsu đã đi một vòng khá xa : từ vùng Tia đi lên phía bắc để đến Xiđon,
rồi ngài phải quẹo sang hướng đông để đến bên kia Hồ Galilê, 
và cuối cùng đi về miền nam để đến vùng Thập Tỉnh. 
Vùng này là nơi ngài đã từng trừ quỷ và cho chúng nhập vào bầy heo (Mc 5, 1-20).
Người được khỏi bệnh đã đi rao truyền khắp vùng về điều Đức Giêsu làm cho anh. 
Có thể vì thế mà khi ngài trở lại đây, 
người ta đã đem đến cho ngài một người bị câm điếc.
Họ chỉ xin một điều đơn giản : xin ngài đặt tay trên anh.
Đức Giêsu chữa cho anh một cách cầu kỳ.
Ngài kéo anh khỏi đám đông, đặt những ngón tay mình vào tai anh,
rồi ngài nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh (c. 33).
Tay của ngài chạm đến những cơ quan bị khiếm khuyết của anh.
Sau đó ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói “Ép-pha-ta.”
“Ép-pha-ta” , “Hãy mở ra!” : đây không phải là một câu thần chú bí ẩn,
nhưng là một lời quyền năng có sức giải phóng anh khỏi những trói buộc từ lâu.
 “Lập tức tai anh được mở ra.”
Người điếc là người tai bị khép lại, nên không nghe được, 
bị bưng bít, không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài, 
không hiểu được điều người khác muốn nói.
Ngày nay người ta nói nhiều đến nghệ thuật lắng nghe,
bởi lẽ đôi lúc chúng ta đã mất khả năng nghe, hay trở nên lãng tai.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
Xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
Xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
Xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
Xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
Sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
Trong nụ cười của con,
Thấy sự dịu dàng của Chúa
Trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
Có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
Cùng đi với Chúa và với tha nhân
Trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

Một người câm và điếc đã được Chúa Giêsu chữa lành. Chúa kéo riêng anh ta ra một nơi, thực hiện liên tục nhiều động tác: đặt ngón tay vào lỗ tai của anh, nhổ nước miếng, bôi vào lưỡi anh, ngước mắt lên trời, và phán: "Ephata! - Hãy mở ra!". Sau một chuỗi hành động của Chúa: "Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh nói được rõ ràng".

Câm và điếc là tật nguyền của lưỡi và tai. Lưỡi không thể nói và tai không thể nghe. Không nói được và không nghe được khiến cho người câm điếc không hiểu được thế giới chung quanh và thế giới chung quanh cũng bị ngăn cách với họ.  Đó là câm điếc thể lý. 

Nhưng đâu chỉ có điếc câm thể lý. Ở đời hình như vẫn tồn tại nhiều thứ điếc câm khác: Người ta trở nên câm điếc vì khác biệt ngôn ngữ, khác biệt văn hóa; câm điếc vì hiểu lầm, vì định kiến, câm điếc vì bịt tai không muốn nghe và ngậm môi vì giận dữ; câm điếc trước sự thật; giả câm giả điếc vì e ngại thiệt thân, mặc dù chứng kiến chân lý, quyền sống, quyền làm người của đồng loại bị chà đạp; câm điếc khi không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác; câm điếc khi dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, của trẻ thơ bơ vơ, v.v.

Nhưng còn có một loại câm điếc khác lớn hơn, nguy hiểm hơn: câm điếc tâm linh. Ta không vâng nghe lời Chúa, không cố gắng sống lời Chúa; nặng hơn, ta bất chấp lời Chúa để sống tự do theo cách nghĩ, cách sống riêng tư của mình.

Câm điếc tâm linh còn là nguyên nhân khiến ta không dám mở miệng ngợi khen Chúa, không dám sống chứng tá cho danh Chúa. Câm điếc tâm linh khiến ta "đề kháng" mọi thứ nhạy cảm với lương tâm, cố tình phạm tội, ngoan cố ở lỳ trong tội.  

Nếu câm điếc thể lý đáng buồn và đáng sợ, thì câm điếc tâm linh còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội. Bởi nó có thể dẫn ta đến sự xa cách Thiên Chúa đời đời, dẫn ta vào con đường của sự chết đời đời.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đến và mời gọi ta: "Ephata - Hãy mở ra". Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa, lắng nghe lời anh em. Hãy phá đi bức tường định kiến, hãy phá đi bức tường ích kỷ, hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận lời Chúa.

Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh chị em và đi đến với Chúa. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương và ân sủng của Chúa.

Lạy Chúa, khi con không nghe được lời của Chúa, con là kẻ điếc; khi con không nói được về Chúa, không làm chứng được cho Chúa, con là người câm. Đó là một hình thức câm điếc tâm linh. Xin Chúa chữa trị cho con khỏi câm, khỏi điếc.  Xin cho tai và miệng con được mở ra, để con biết lắng nghe và hiểu lời Chúa, để cuộc đời con luôn là một lời tri ân và cảm tạ tình yêu và ân sủng của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường