Cúi Xuống Với Người Khổ Đau
Người xưa có câu: “ngước lên chẳng bằng ai nhưng cúi xuống vẫn còn hơn nhiều người”. Câu này không hàm ý để tự an ủi mình và xem thường người hèn yếu hơn mình. Câu này cha ông chỉ muốn nhắc nhở chúng ta được như vậy là tốt lắm rồi, hãy cúi xuống mà chia sẻ với những anh em nghèo khó hơn ta.
Trong hạnh các thánh ta thấy một con người đã sống như thế, đó là thánh Martino. Ngài sinh ra trong một hoàn cảnh chẳng bằng ai, một người da mầu trong một xã hội kỳ thị chủng tộc, một đứa con bị bỏ rơi, một hoàn cảnh gia đình khó khăn… thế nhưng thay vì nhìn lên để phẫn uất vì hoàn cảnh “đen đủi” của mình, Martino lại biết nhìn xuống những người nghèo khó hơn mình, và luôn thể hiện một tấm lòng bác ái, quảng đại. Nhiều lần được mẹ sai đi mua đồ lặt vặt hay đi chợ, cậu bé Martino đã giữ lại một ít tiền để bố thí cho những người nghèo khổ; cũng thế, khi là một người giúp việc trong nhà Dòng, một vị thế rốt bét nhất trong một tập thể, Martino lại vẫn biết nhìn xuống để khám phá thấy có nhiều người nghèo khổ cần giúp đỡ, nhiều người bệnh tật cần được chữa trị và chăm sóc…
Martin đã cúi xuống để khám phá ra sứ vụ của đời mình chính là chăm sóc cho những người nghèo khổ hơn. Chính vì thế mà cuộc đời của Martin trở thành cuộc đời của một người sống lòng bác ái, lòng bao dung với thái độ sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.
Martino đã họa lại chân dung đầy yêu thương nơi Thầy Chí Thánh Giê-su. Chính Chúa Giê-su đã luôn cúi xuống mọi phận người khổ đau. Ngài thấy và chạnh lòng thương xót. Ngài cúi xuống để xoa dịu nỗi đau cho họ. Phúc âm hôm nay tường thuật việc Ngài cúi xuống với người phong hủi với lòng thương cảm sâu xa. Ngài đưa tay chạm vào thân thể lở loét của anh. Một thân thể hôi hám và dơ bẩn mà người đời đã xa tránh. Hành động này không chỉ nhằm mục đích chữa bệnh cho anh mà còn xoa dịu nỗi đau trong lòng của anh. Anh bị người đời khinh chê. Anh bị xã hội loại trừ. Người đời xếp anh vào hàng tội nhân bị Thiên Chúa giáng hoạ. Khi chạm đến thân thể anh, Chúa Giê-su cũng chạm đến tâm hồn anh. Anh được chữa lành cả hồn lẫn xác. Thân xác anh khoẻ mạnh. Danh dự của anh cũng được phục hồi. Tâm hồn anh cũng bình an và tươi vui. Từ nay anh không bị người đời xa lánh, khinh chê. Từ nay anh không còn tủi hổ vì phận số bất hạnh của mình. Qua Chúa Giê-su, anh được cộng đồng đón nhận. Nhờ Chúa Giê-su, anh được xã hội nhìn nhận. Xã hội không còn lý do để khinh chê hay loại bỏ anh ra bên lề xã hội. Giờ đây anh có thể sống tươi vui như bao con người khác trong xã hội. Anh không còn mặc cảm về bệnh tật. Anh không còn mặc cảm bị khinh chê. Anh được quyền sống như bao con người khác, được tôn trọng và yêu thương.
Trong thời đại hôm nay người ta đang nói đến hiệu ứng cách sống của Đức Thánh Cha Phanxico. Nơi Đức Thánh Cha ta thấy dường như ngài không thích ngồi trên ngai tòa của mình mà lại thích cúi xuống, đến với những con người nghèo. Ngài không ngại tiếp xúc với những người khổ đau bởi bệnh tật, nghèo đói. Ngài cúi xuống ôm hôn từng phận người bất hạnh lầm than.
Chúa Giê-su năm xưa đã đưa tay chạm đến người bệnh để chữa lành cho anh. Ngài có thể phán một lời thì bệnh tật có thể tan biến. Thế nhưng, Chúa đã sử dụng đôi tay để trao ban tình yêu và sự quan tâm trìu mến dành cho anh. Ước gì từng người chúng ta hãy biết dâng tặng cho nhau những nghĩa cử yêu thương, những lời nói dịu dàng, những hành vi bác ái và vị tha. Ước gì người ky-tô hữu luôn ân cần cúi xuống để xoa dịu mọi nỗi đau cho anh em qua việc phục vụ, bác ái dấn thân đến mọi hoàn cảnh cuộc sống, hầu xây dựng một thế giới tràn đầy tình yêu và hạnh phúc. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
HÃY MỞ RA
Trong cuộc sống hằng ngày, việc giao tiếp với người khác bằng miệng và bằng tai là điều bình thường, không thể không có, nhưng nếu bị câm hoặc bị điếc thì không thể giao tiếp một cách bình thường, mà thường thì câm và điếc lại đi đôi với nhau. Giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày thì có nói và có nghe, nói là để người khác có thể hiểu được mình muốn gì, và nghe để mình có thể hiểu được người khác muốn gì, nhưng nếu khả năng nghe nói không còn, hoặc không có thì phải qua ngôn ngữ cử chỉ.
Lưỡi và tai là hai cơ quan quan trọng của con người. Câm là bị trói buộc không nói được gì. Điếc không thể nghe được bất cứ điều gì. Người câm và điếc hầu như không hiểu ai mà cũng không ai có thể hiểu họ. Hai cơ quan lưỡi và tai quả thực là hai cơ năng rất cần thiết cho con người. Người câm không thể nói, nên cũng không thể diễn tả được những gì tốt đẹp. Còn người điếc không nghe được gì nên cũng chẳng hiểu người khác. Do đó, người vừa câm và vừa điếc mất đi sự hưng phấn và sinh động của cuộc đời. Người bị câm điếc như bị tách ra khỏi xã hội loài người.
Đây là sự đau khổ lớn lao của người câm điếc. Chúa Giêsu hiểu thấu nỗi lòng của người câm điếc, Ngài chạnh lòng thương người câm điếc, nên hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc. Tin Mừng ghi rõ:” Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người nguớc mắt lên trời, rên một tiếng mà nói: “ Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại “ ( Mac 7, 33-35 ).
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị câm điếc về thể lý. Anh ta không thể giãi bày mà phải nhờ đến người thân trợ giúp anh, Người đã đặt tay trên anh và “ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ephata", nghĩa là: hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.”
Chúa Giêsu đã “hãy mở ra” với anh điếc câm, chính là Chúa muốn đưa anh từ một trạng thái bất toàn đi đến một sự hoàn hảo. Sứ vụ của Chúa khi đến thế gian là loan báo và chữa lành. chính Chúa cũng muốn khi được chữa lành, chúng ta phải là những người nói về Thiên Chúa. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta nói về Thiên Chúa như lòng Chúa mong muốn ?
Trong cử hành bí tích rửa tội trẻ em, có lời nguyện hãy mở ra như nhắc nhớ sự chữa lành của Chúa đã có ngay từ ban đầu và kêu mời chúng ta hãy ca tụng Thiên Chúa, nói về Ngài ngay từ tấm bé chứ không phải chỉ có lúc lớn khôn. Nhưng không hiểu sao lớn lên chúng ta dễ bị khiếm thính và câm lặng !? Nếu chẳng may có dấu hiệu khiếm thính, hãy cầu xin Chúa chữa ngay kẻo trở nên mạn tính sẽ phải chìm đắm suốt đời trong im lặng.
Chúa Giêsu đã hoàn tất lời tiên báo từ thời Cựu Ước về một Đấng sẽ đến giải thoát con người khỏi những trói buộc của bệnh tật, và mang lại sự sung túc cho con người trên mặt đất như lời tiên tri Isaia đã tiên báo. Khi dân Do thái đang sống trong kiếp lưu đày khổ sở. Bằng những hình ảnh rất cụ thể: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.” (Is 35, 4-7a)
Phép lạ của Chúa Giêsu làm cho người vừa câm vừa điếc được lành cũng có nghĩa Chúa Giêsu đưa họ lại đời sống bình thường, trả lại cho họ địa vị làm con Chúa, địa vị làm người như mọi người. Phép lạ này gợi lại cho ta về cuộc tạo dựng, sự tái tạo mới. Việc tạo dựng như sách khởi nguyên chương I và 2 đã mô tả rằng Chúa tạo dựng con người đầu tiên là Adam theo hình ảnh của Người.
Việc Chúa Giêsu làm trong Phúc âm hôm nay là việc hoàn thành lời ngôn sứ Isaia tiên báo là Ðấng Thiên sai sẽ đến làm cho người điếc được nghe (Is 35, 5) và người câm được nói (Is 35, 6). Hai việc này cũng được dân chúng trong Phúc âm hôm nay chứng kiến khi họ nói: Ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được (Mc 7, 37).
Để có thể “mở lưỡi mở tai” cho anh điếc ngọng này, Chúa Giêsu đã phải khổ công chừng nào. Qua những cử chỉ ân cần tế nhị, Chúa bày tỏ tấm lòng thương xót, luôn sẵn sàng phục vụ của Ngài : kéo riêng một mình anh ta ra khỏi đám đông náo động, tra ngón tay vào tai điếc, nhổ nước miếng, bôi vào lưỡi câm, nhìn lên trời, rên lên với Chúa Cha một lời van xin thống thiết: “Éphata! Hãy mở ra!” Và người ấy nghe được, nói được.
Điếc, què và câm là tình trạng khốn khổ của con người bị tước mất những khả năng tự nhiên; nghe, đi và nói là tình trạng được ơn Chúa phục hồi. Việc Đức Giêsu chữa cho một người câm điếc hôm nay không chỉ có ý nghĩa với người đó, mà còn có ý nghĩa đối với mỗi người trong chúng ta nữa. Trong chúng ta, nhiều người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có miệng lưỡi tốt nhưng không biết nói những điều đáng nói. Nghe được mọi chuyện nhưng lại không nghe được Lời Chúa thì cũng kể như điếc. Nói đủ thứ chuyện nhưng không biết tuyên xưng lòng nhân lành của Chúa thì cũng kể như câm.
Khi Đức Giêsu nói “hãy mở ra”, tai anh ta mở ra lập tức và “anh ta nói được rõ ràng”. Đức Giêsu nói ra và điều ấy xảy ra. Hôm nay Đức Giêsu cũng nói Lời Người trên chúng ta, “Hãy mở ra!”. Với đôi tai đã được mở ra, chúng ta không những lãnh nhận lời Người, mà lòng chúng ta cũng được mở ra để đón lấy nữa. Nghe Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta.
“Hãy mở ra!”. Những lời này mở chúng ta ra với lòng nhân từ của Thiên Chúa. Những lời đó cũng mở ra cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang ở trong chúng ta, từng ngày, trong các liên hệ giữa chúng ta và các loài thọ tạo. Đó chẳng phải là một bí nhiệm sao: một người trông thấy và nghe được Thiên Chúa trong những biến cố nhỏ bé, thậm chí không đáng kể thuộc đời sống hằng ngày?
Phép lạ Chúa Giêsu chữa cho anh câm điếc hôm nay không chỉ là việc chữa lành thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao sâu hơn : sự sống đích thực mà Chúa muốn mang lại cho con người.
Khi đem lại khả năng nói và nghe cho người câm điếc, chúa Giêsu còn muốn gửi cho chúng ta một thông điệp sâu xa hơn: con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn do lời Thiên Chúa. Con người chỉ có thể sống đích thực là con cái Chúa khi họ biết mở tâm hồn đón nhận và sống lời của Chúa.
Hôm nay ta cầu xin Chúa cho ta biết sống trong tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa cho ta có thể nói được với nhau và nói được với Chúa trong lời cầu nguyện và thờ phượng, biết ơn Chúa vì ta có thể nghe được người khác, cũng như nghe được lời Chúa khi có người tuyên xưng.
Trong thánh lễ ta lắng nghe lời Chúa trong Thánh kinh và trong bài giảng, và cả trong thánh ca và thánh nhạc.. Lời Chúa không phải là tiếng nói một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả. Nghe lời Chúa rồi ta cầu xin cho được biết đáp trả bằng cách loan truyền lời Chúa, bằng việc thờ phượng và cầu nguyện, bằng đời sống đức tin.
Rất Cần Sự Cảm Thông
Bệnh phong cùi đã có từ bao đời nay. Bệnh này thường bị coi là căn bệnh nguy hiểm và cần phải né tránh bởi con người sợ bị lây nhiễm. Người Do Thái thời xưa rất sợ bệnh phong cùi, một căn bệnh nan y bất trị thường gặp lúc bấy giờ. Căn bệnh đáng sợ này có thể tấn công các đầu dây thần kinh của người bệnh, làm cho cơ thể bị thương tổn và biến dạng vĩnh viễn. Vào thời đó, người ta không biết cách chữa căn bệnh này. Người bệnh bị cách ly và bắt buộc phải cảnh báo người khác về căn bệnh của mình (x. Lv 13, 1-2. 44-46).
Giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đặt thêm luật về bệnh phong cùi, khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp khó khăn một cách không cần thiết. Chẳng hạn, luật lệ của giới ráp-bi cấm bất kỳ ai đến gần người phong cù, phải ở xa họ khoảng khoảng 2m. Nhưng nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng khoảng 45m. Sách Lêvi đưa ra điều luật là người phong cùi phải sống "phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại"(x. Lv 13, 44-46). Tuy nhiên, một số chuyên gia luật Do Thái giải thích rằng điều luật này có nghĩa là những người phong cùi không được sống trong các thành có tường thành. Vì vậy, khi thấy một người phong cùi trong thành, một ráp-bi sẽ ném đá vào người đó và nói: “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”.
Về mặt tôn giáo, bệnh phong cùi làm cho người ta trở nên ô uế, tội lỗi. Người Việt Nam chúng ta cũng na ná tương tự như người Do Thái, ai bị bệnh thì phải xa nhà xa cả người thân, địa phương xa lánh người gần người xa, khiến người bệnh cay đắng cực lòng.
Thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi vẫn bị liệt vào loại bị cấm tiếp xúc, người bị bện phải tránh xa và phải làm hiệu để người khác tránh xa mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác, bởi vì Người đến để yêu thương và cứu giúp mọi người, nên Người đã chữa lành cho người mắc bệnh phong cùi như trong Tin Mừng Marcô 1, 40-45 thuật lại hôm nay.
Người ta coi người cùi là hạng người ô uế, kẻ nào chạm tới người cùi cũng bị lây ô uế. Nhưng Chúa Giêsu đã dám đưa tay chạm tới người cùi này. Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Chúa về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật còn là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối vớ tội lỗi con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi. Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật của con người.
Ngày nay bệnh cùi không còn là một chứng nan y bất trị. Nhưng vẫn còn nhiều loại "Người cùi" kiểu khác bị người ta ghê tởm tránh xa, chẳng hạn những người dơ dáy, hôi hám, những người mang cá tính bị người khác ghét bỏ, những người lỡ mang tai tiếng khiến người ta không dám tiếp xúc, họ bị liệt ra bên ngoài xã hội, thiếu sự cảm thông và tình liên đới cộng đồng.
Con người ta, sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình. Bệnh tật là điều phải có trong kiếp sống làm người. Ai cũng có bệnh, không nhẹ thì nặng, chẳng ai thoát khỏi căn bệnh ở đời. Vì thế, chúng ta phải liên đới, hiệp thông và trợ giúp lẫn nhau với tình yêu thương, đặc biệt với những ai mắc bệnh hiểm nghèo.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vì yêu mà vượt qua ranh giới giữa Thiên Chúa với con người, giữa người khỏe với kẻ bệnh tật để chữa lành họ. Xin trợ giúp chúng con làm được những điều Chúa muốn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ