Mỗi độ xuân về, người ta thường mang một xúc cảm khó tả bởi những “ họa tiết” ngập tràn sắc xuân của tạo hóa. Trời xuân, nắng xuân, mưa xuân, gió xuân, hoa cỏ mùa xuân, …và tất cả “ cái gì cũng xuân” là những thành tố cấu thành hiện trạng đặc thù của mùa xuân.
Mùa xuân được xem là mùa lễ hội, là dịp để người ta đến với nhau; Là dịp những nam thanh nữ tú hẹn hò, chia sẻ thông điệp tình yêu đến “ đối tác” của mình; Người hoài cổ thì mang tâm trạng“ Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, một chiều xuân em đã hẹn hò…”…
Tạo hóa đã thật khéo khi dựng nên bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong một năm. Xuân, Hạ, Thu, Đông, rồi lại Xuân. Mỗi mùa thì luôn có những đặc trưng riêng và mùa xuân được xem là mùa của tình yêu, mùa của yêu thương. Hẳn nhiên, mùa xuân luôn là đối tượng gây nguồn hứng khởi để giới văn nghệ sỹ sáng tác những tác phẩm âm nhạc, thi ca, hội họa,… là những món ăn tinh thần hàm chứa những giá trị nhân văn của cuộc sống mà bất kể yếu tố thời đại.
Trong đời sống tâm linh của người Công giáo, nhiều tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng mùa xuân thật nhiều ý nghĩa, đem lại cho người ta niềm hân hoan và sự phấn khởi, gửi gắm niềm tin yêu và sự hy vọng lớn lao vào Thiên Chúa; Đồng thời cũng là lời cảm tạ ngợi khen danh Chúa vì những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho từng người, từng nhà, từng cộng đoàn giáo xứ được trải qua một năm bình an và cầu xin một năm mới an khang.
“Hòa lời tụng ca mừng tất niên Chúa ban một mùa xuân mới tràn thắm muôn hồng ân. Người người hân hoan vì Ngài ban năm tháng. Hát khen danh Ngài là Chúa Vua thời gian…”.
Với người Việt Nam, điểm nhấn của mùa xuân chính là Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc; Là thời điểm mà tự khắc người ta mang theo bên mình nhiều cảm xúc khi lắng lòng kính nhớ tổ tiên, về ơn đức sinh thành, dưỡng dục… Mọi người cũng luôn cầu xin ơn trên ban cho gia đạo một cái tết đoàn viên, đề huề, ấm áp tình thân bên cây mai vàng hay cành đào đỏ thắm và cùng bên nhau trong mâm cơm sum vầy của những ngày tết.
Những ngày trước Tết nguyên đán là khoảng thời gian mà sự chia sẻ về tinh thần và vật chất thường thấy ở nhiều nơi và ở nhiều cấp độ từ thành thị đến nông thôn. Trong xứ đạo Công giáo, sự chia sẻ tinh thần và vật chất vào dịp mùa xuân cũng luôn là một việc làm mang tính phổ biến. Từng phần quà, từng lời động viên ân cần đến với những gia đình giáo dân có hoàn cảnh khó khăn đã tự làm nên một mùa xuân yêu thương của Cộng đoàn Giáo xứ. Và mùa xuân cũng thường là thời điểm mà người ta thường đến với nhau để kiếm tìm sự khoan dung…
Thiên Chúa Mùa Xuân Là Sự Khoan Dung
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 37 tại Việt Nam với đề tài: “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói tại sao thế giới cần sự khoan dung”, em Hồ Thị Quế Chi học sinh lớp 10, Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh đã lấy ý tưởng người nhận thư là trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden. Trong thư của em có đoạn viết:
“…Người ta không thể một mình làm được tất cả mọi thứ. Nhưng người ta có thể làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống này. Tôi hy vọng ông sẽ làm được một điều gì đó có ích cho xã hội này, nếu ông gỡ bỏ được hận thù, nếu ông đánh thức sự khoan dung ẩn sâu trong lòng”…
Thiết nghĩ, sự khoan dung luôn tồn tại nơi mỗi người nhưng lắm khi chúng ngủ quên cần phải đánh thức. Trong mọi mặt đời sống xã hội thì luôn cần có sự khoan dung của mọi người chứ không dừng lại ở một người. Bên cạnh đó, sự khoan dung cũng luôn cần thể hiện đối với chính bản thân của mỗi người thì đó sẽ là phương thế hữu hiệu để kiếm tìm sự khoan dung với những người chung quanh.
Hơn hết, Chúa Giêsu đã dạy :”Khi con đi dâng lễ vật trên bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang bất hoà với con, thì hãy để lễ vật lại, trở về làm hòa với người anh em ấy trước đã, rồi mới trở lại dâng lễ vật sau” (Mt 5,23-24). Một cách suy rộng thì đây chính là sự khuyến khích tôi và bạn hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Mùa xuân trời đất giao hòa, trong không gian thiêng liêng sẽ làm cho mọi người thức tỉnh, muốn được đụng chạm vào sự khoan dung và bản thân từng người cũng mong muốn được hưởng sự khoan dung từ người khác. Như vậy, mùa xuân chính là cơ hội thuận tiện để người ta nói với nhau lời cảm ơn hay lời xin lỗi nhằm để vượt thoát ra khỏi một năm cũ bất hòa, tìm về bến bờ yêu thương trong năm mới.
Thiên Chúa Mùa Xuân Là Hướng Về Gia đình, Nguồn Cội
Thánh Kinh dạy về đạo làm con:
“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3).
Và có một đoạn văn ( tác giả khuyết danh) cũng mang thật nhiều ý nghĩa:
"Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình - đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta thì có một thứ mãi mãi không hề thay đổi vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về. Gia đình chính là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai...".
Thật vậy, khi ta trở về với gia đình thì ắt hẳn nơi đó sẽ có ông bà, cha mẹ và những người thân mà họ có thể còn sống hay đã qua đời. Mùa xuân là một dịp, là một cơ hội không thể tốt hơn cho sự trở về của ai đó khi mang theo hành lý là nén hương lòng, là tấm lòng tri ân bày tỏ sự cung kính đối với các đấng bậc tiền nhân trong tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn và chắc chắn rằng, hành động trở về sẽ trở nên quí giá và ấm áp tình thân!
Một sự kiện đạo đức rất đáng quan tâm là vào ngày Mồng Hai Tết, tại các xứ đạo Công giáo thường cử hành Thánh Lễ kính nhớ tổ tiên tại Đất Thánh. Trong ngày này, con cháu tề tựu bên mộ phần ông bà, cha mẹ hoặc những người thân để cùng nhau dâng lời kinh tiếng hát nguyện xin Thiên Chúa thương ban ân phúc cho người quá cố được hưởng nhờ cuộc sống vĩnh cửu nơi nhà Chúa. Đây là một hành vi đạo đức sớm được triển nở trong những ngày đầu xuân và có thể xem đây là một trong những chuẩn mực về đạo hiếu của người Công giáo.
Thiên Chúa Mùa Xuân Là Sự Kết Nối Yêu Thương
Ngày xuân ngày tết, người ta dễ dàng trải lòng mình để tương tác với mọi người chung quanh. Thời khắc giao thừa mặc nhiên được định vị là điểm mốc thời gian để người ta ghi nhận sự khởi đầu của một năm mới. Những lời chúc đến với nhau thật hay, thật đẹp, những nụ cười nở tươi trên môi miệng song hành với cái nhìn yêu thương trìu mến của từng người. Một đặc điểm nổi bật của người Công giáo là một khi người ta yêu mến tha nhân nghĩa là đồng thời họ yêu mến Thiên Chúa, đây có thể được xem là một “khái niệm” thoạt tiên tưởng như hàm chứa hai hành vi nhưng không phải, chỉ là một và như nhau. Như Chúa Giêsu đã phán dạy: "Qủa thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta".
Như vậy, thấm nhuần lời dạy của Chúa thì mọi lúc, mọi nơi và mùa xuân luôn là một cơ hội tốt để những người có hoàn cảnh may mắn dừng lại bên đời những hoàn cảnh không may mắn chia sẻ sự yêu thương chứ không ban phát hay lạnh lùng vô cảm. Do đó, thông điệp “ Kính Chúa Yêu Người” sẽ luôn là điều thực thi đồng nhất chứ không thể tách rời.
Thiên Chúa Mùa Xuân Là Sự Thánh Thiện
Một năm cũ qua đi, với những thành công hay thất bại, những vui buồn lẫn lộn, những cám cảnh đời thường… sẽ giúp người ta được thêm những trải nghiệm. Một năm qua đi, mỗi người tăng thêm một tuổi thì người ta cũng sẽ hiểu về bản thân mình, hiểu về người khác và hiểu về môi trường sống của mình hơn.
Một năm mới bắt đầu sẽ là một cuộc hành trình mới. Là người Công giáo, hiển nhiên trong cuộc hành trình của mỗi người sẽ luôn có Chúa đồng hành và đó chính là cuộc hành trình đời sống đức tin:
- Thánh Lễ đêm giao thừa là sự khởi đầu cho một năm mới của mỗi tín hữu khi luôn có Chúa đồng hành; là thời khắc để mọi người cùng nhau xin lỗi Chúa vì những lỗi lầm; đồng thời dâng lời cảm tạ và ngợi khen Danh Chúa vì muôn ơn lành Thiên Chúa đã ban cho từng người, từng gia đình và cả cộng đoàn trong suốt một năm đã qua. Nguyện xin Chúa thương ban bình an trong năm mới. Sau Thánh Lễ, mỗi gia đình được hưởng lộc Lời Chúa đầu năm; lời chúc xuân của Cha xứ với Cộng đoàn, của Cộng đoàn với Cha xứ và của các tín hữu với nhau trong một không gian thiêng liêng, đầm ấm.
- Thánh lễ ngày Mồng Một Tết, nguyện cầu Thiên Chúa ban sự bình an cho năm mới.
- Thánh lễ ngày Mồng Hai Tết, cầu nguyện và kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
- Thánh lễ ngày Mồng Ba Tết, nguyện cầu Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm.
Và sẽ là như thế khi một mùa xuân thánh thiện được khởi đi bằng lời tạ ơn, nguyện cầu bình an; Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ rồi nguyện cầu Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm sẽ đem lại cho người ta một mùa xuân hạnh phúc đích thực. Vì khi và chỉ khi có ý định từ nơi Thiên Chúa thì một mùa xuân yêu thương và những điều đẹp đẽ người ta cầu chúc cho nhau mới trở thành hiện thực.
Xúc cảm mùa xuân
Mùa Xuân và Tết Mậu Tuất đang đến gần.
- Xin Chúa dạy con biết dừng lại trong những bon chen toan tính nơi chốn nhân tình thế thái; Xin Ngài hãy dạy dỗ để con có thể nhận ra các giá trị chân thiện mỹ mà Thiên Chúa luôn mong muốn có ở nơi mỗi người chúng con.
- Xin Chúa dạy con biết đụng chạm vào sự yêu thương, mà đó có thể là một thai nhi, một em bé; một người già cả neo đơn; hay những người bất hạnh, lang thang cơ nhỡ, khó nghèo, khuyết tật… là những con người mà con đã gặp bên lề xã hội. Con tin rằng, Thiên Chúa luôn ngự nơi họ và đồng hành cùng họ; Do bởi Thiên Chúa là Tình Yêu mà con hằng xác tín. Nguyện xin Chúa thương ban ân phúc để chúng con có một Mùa Xuân yêu thương trong Chúa, một Mùa Xuân được Chúa đánh thức lòng trắc ẩn để sai đi, để chúng con biết đụng chạm vào sự yêu thương;
- Trong đời sống chứng nhân của mình, xin Chúa soi sáng để con luôn biết tạo ra nhiều những nụ cười, nhiều những cái bắt tay trong tình hiệp nhất và yêu thương với mọi người, nhất là với những anh chị em lương dân.
- Trong bối cảnh một thế giới bất an bởi thiên tai địch họa, nạn khủng bố, tội phạm, và những tệ nạn như là một thách thức của sự dữ luôn tìm cách len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống gia đình và xã hội. Một xã hội đã và đang dần mất đi các giá trị nhân văn; Tính thực dụng và sự vô cảm của con người ngày càng phổ biến; Các giá trị vật chất được xem là đích điểm trong nhiều mặt đời sống gia đình, xã hội. Bởi thế, xin Chúa đoái thương, dạy dỗ để gia đình con, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn biết phó thác và cậy trông nơi Chúa, biết noi theo mẫu gương Gia đình Nazareth xưa, tuy khó nghèo nhưng luôn là mực thước và đầy ắp sự yêu thương.
Mùa Xuân và Tết Mậu Tuất lại đang đến gần.
- Xin Chúa đoái thương và kết nối “từ trái tim đến trái tim” cho những người đang gặp hoàn cảnh xa cách sẽ tìm lại được nhau để hàn gắn và chia sẻ sự yêu thương;
- Xin Chúa ban lành cho những số phận kém may mắn; Những con người đang bị rào cản xã hội, đã và đang dần mất đi những cơ hội của mình thì xin cho họ được xã hội quan tâm trong tình hiệp nhất và yêu thương.
Mùa xuân này và cả một hành trình đời sống tương lai phía trước, chúng ta hãy cùng nguyện cầu cho nhau để nương nhờ sự bình an trong Chúa; Chúng ta hãy cùng nhau “đụng chạm” vào sự khoan dung và “tẩy chay” sự hiềm thù, đố kỵ để cuộc sống ngày càng trở nên đẹp đẽ và ý nghĩa hơn, để Thiên Chúa của Mùa Xuân huy hoàng luôn ngự trị trong mỗi chúng ta.
Chúng con nguyện cầu và luôn tâm niệm như thế vì bởi lẽ, chỉ nơi Thiên Chúa mới là sự bình an, là hiện thân của sự thánh thiện và yêu thương. Ngài là Chúa - Vua thời gian mang sứ mệnh kiến tạo một Mùa Xuân vĩnh cửu./.
Để thiếu nhi thêm yêu thánh lễ
Một số phụ huynh thường dẫn con theo dự lễ ngày Chúa nhật để các em gần gũi Nhà Chúa. Điều tốt đẹp này được nhiều mục tử khuyến khích và có những sắp xếp phù hợp.
1.
Có nhiều lý do để những ông bố, bà mẹ trẻ ẵm con cùng đến Nhà Chúa. Chị Phạm Thị Hoa, giáo xứ Tân Định, hạt Tân Định cho biết, bé trai nhà chị được 5 tuổi, khá dạn dĩ nên anh chị tập tành cho con thói quen đi lễ chung với cha mẹ ngay từ nhỏ: “Ở tuổi này, bé ít hay khóc la vô cớ. Nếu có ồn, nói chuyện thì cha mẹ ngồi cạnh bên nhắc nhở con. Tuy nhiên, bé còn hiếu động nên đôi khi tôi cũng mệt mỏi!”. Mặc dù từ khi có bé cùng đi lễ, anh chị hay chia trí nhưng vì muốn con tập biết và hình thành những ý niệm về Chúa - Mẹ, nên dẫu trong gia đình có ông bà nội giữ cháu, cuối tuần cả nhà vẫn đèo con theo. “Nhờ đi lễ như thế mà bây giờ bé biết làm dấu, thuộc một vài kinh cơ bản, đi ngang tượng Chúa thì cúi đầu, khoanh tay…”, chị Hoa kể về con trai mình. Nhưng đôi khi, với các cặp cha mẹ khác, việc dẫn trẻ đến nhà thờ là lý do ngoài ý muốn vì không có ai chăm nom con cái trong khi cả hai dự lễ, thế nên phương án tốt nhất là mang bé theo cùng. Anh Nguyễn Trung Thành, một di dân hay tới lui sinh hoạt tại nhà thờ giáo xứ Trung Mỹ Tây (hạt Hóc Môn) cho biết, bé nhà anh chỉ mới 3 tuổi nên người lớn không thể để con ở nhà mà bắt buộc phải để trẻ đi cùng cha mẹ mỗi chiều Chúa nhật: “Tôi nghĩ con 3 tuổi thì chưa biết gì về Chúa hay kinh kệ, nhưng khi tất cả thành viên trong nhà cùng nhau đến nhà thờ, phút giây bên nhau sao thật ý nghĩa”, anh nói.
Các bé lớp khai tâm ở Gx Vinh Son được sinh hoạt và nghe giảng lời Chúa riêng - ảnh: Tài Dũng |
Cũng không ít trường hợp trẻ quấy khóc, làm nũng… làm ảnh hưởng người xung quanh. Để tránh tình trạng này, nhiều phụ huynh có các cách làm hay, hiệu quả. Điều dễ nhận ra là các cặp gia đình trẻ thường ngồi bên rìa, cạnh cửa sổ, gần hành lang hoặc ở cuối thánh đường. Một tối cuối tuần, chúng tôi rảo quanh vài giáo xứ có khuôn viên rộng tại Sài Gòn, bắt gặp nhiều ông bố bà mẹ vừa ẵm con vừa dự lễ. Tại giáo xứ Tân Phước (hạt Phú Thọ) có khoảng ba bốn chục bé khoảng từ 2 - 8 tuổi cùng cha mẹ dự lễ ngày Chúa nhật. Thánh lễ muộn nhất trong ngày diễn ra lúc 19 giờ, do vậy không ít bé ngủ trên tay mẹ. Những em lớn hơn ngồi tương đối nghiêm trang, thi thoảng ngó quanh, đùa cợt thì cha mẹ ra hiệu nhắc nhở. Anh Trần Quang Huy, một phụ huynh chia sẻ với chúng tôi, do sân nhà thờ rộng mát nên anh chọn ngồi phía sau để dự lễ, cũng có thể nhanh chóng chăm sóc bé khi bất thình lình gặp sự cố:“Có khi bé khóc, buồn ngủ, đòi quà bánh… rồi có khi bé hay chạy tới lui giỡn cợt phiền anh chị xung quanh, nên tôi ngồi phía sau để hạn chế đến mức tối đa tiếng ồn”.Tại nhà thờ Kỳ Đồng, Huyện Sĩ, cũng hơn chục bé theo cha mẹ dự lễ, phần lớn đều ngồi ở những vị trí thuận tiện để dễ ứng xử “tình huống bất ngờ”.
2.
Ở một số nhà thờ, hiểu được những lo lắng của phụ huynh, cha xứ bố trí dãy ghế sau cùng cho cha mẹ dẫn con nhỏ theo. Có giáo xứ, để tránh tình trạng các bé làm ảnh hưởng bầu khí thánh lễ, một số vị mục tử xây dựng phòng riêng dành cho con trẻ. Linh mục Phêrô Tri Văn Vinh, chánh xứ An Hòa, GP Cần Thơ, cho biết khoảng 2 năm nay, cuối không gian nhà thờ đã có chỗ dành riêng cho phụ huynh cùng trẻ tham dự thánh lễ: “Căn phòng tương đối rộng, sức chứa từ 10-15 bé, được đặt trên gác phía cuối nhà thờ, cạnh ca đoàn. Phụ huynh có thể vào ngồi dự lễ cùng con. Ban đầu thì ít người chịu vào nhưng sau này mọi người đã quen”. Cùng mối quan tâm này, linh mục Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ, chánh xứ Trung Bắc (hạt Xóm Mới) cũng cho hay, trong định hướng mục vụ sắp tới, giáo xứ cũng sẽ dành một phòng riêng để việc dự lễ của các cặp bố mẹ trẻ được thuận tiện: “Hồi trước, lúc còn ở xứ cũ (Tân Châu), tôi cũng đã xây một phòng như thế. Giờ về đây, do nhu cầu chưa nhiều và diện tích nhà thờ khiêm tốn nên dù ưu tư, tôi vẫn chưa làm được, có thể trong thời gian tới sẽ thực hiện”. Nói về phương cách này, anh Lê Xuân Lộc, giáo dân xứ An Hòa tỏ ra đồng tình với cách làm của cha sở: “Vừa tránh được tiếng ồn của trẻ, các cặp cha mẹ cũng có thể yên tâm dự lễ. Thật ra vào phòng riêng, với không gian như vậy, bé cũng ít chơi đùa, quấy phá hơn”.
Căn phòng được bố trí riêng dành cho ông bố, bà mẹ trẻ dự lễ tại giáo xứ An Hòa. Cần Thơ - ảnh: Anh Nguyên |
Ngoài việc bố trí không gian thuận tiện cho con trẻ theo cha mẹ dự lễ, trong các thánh lễ dành riêng cho thiếu nhi, nhiều vị mục tử cũng có cách tổ chức phù hợp dành cho các em. Tại giáo xứ Vinh Sơn (hạt Phú Thọ), số lượng trẻ với nhiều độ tuổi tham dự khá đông, nên cha chánh xứ Giuse Trịnh Tín Ý quyết định để các em lớp khai tâm được sinh hoạt và nghe giảng giải Lời Chúa riêng:“Khi trẻ em đi lễ với cha mẹ, bài giảng lễ được dành cho đối tượng người lớn nên các em khó tiếp thu. Vì thế, trẻ được khuyến khích dự lễ thiếu nhi. Tuy nhiên do còn quá nhỏ so với phần lớn các em khác, nên phần đầu của thánh lễ, các bé này sẽ có không gian riêng, do các huynh trưởng phụ trách, để ca hát, sinh hoạt, học kinh, nghe giảng, sau đó mới vào nhà thờ”. Cách làm này được áp dụng từ nhiều năm nay. Ông Đỗ Ngọc Anh, giáo dân nơi đây nhận xét đây là giải pháp hay vì tập cho các em lối sinh hoạt khá nề nếp, lại không quá gò bó: “Các bé như thiên thần, nhìn chúng dự lễ là thấy vui rồi. Tất nhiên sẽ không tránh khỏi những chuyện lặt vặt như hay nói, đùa giỡn... Điều cần là từ nhỏ hướng bé đến thánh lễ, làm sao để bé thích nhà thờ trước đã”.■