ĐƯỜNG LỐI CỦA THIÊN CHÚA VÀ TƯ TƯỞNG CỦA CON NGƯỜI
(St 22, 1-2.9a.10-13.15-18.Rm 8, 31b-34. Mc 9, 2-10)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Hôm nay, thánh sử Máccô trình thuật câu chuyện Đức Giêsu biến hình. Việc Đức Giêsu biến hình được diễn ra sau khi vị Tông đồ trưởng tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16). Tuy nhiên, ngay sau khi ông tuyên tín như vậy, Đức Giêsu đã tiên báo cho các ông biết trước về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu. Thấy vậy, Phêrô đã can ngăn kịch liệt khi nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ Thầy mình, ông nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" (Mt 16,22).
Nhưng Đức Giêsu đã quở mắng cách nặng nề khi nói ông là “Xatan”. Ngài cũng nói thêm: Tư tưởng của Phêrô là tư tưởng của loài người, không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.
Chính vì lý do trên, mà hôm nay, Đức Giêsu đã dẫn ba môn đệ thân tín với mình lên núi Tabor và biến hình trước mắt các ông, để qua đó, dần dần Ngài mặc khải và dẫn các ông vào đường lối cũng như tư tưởng của Thiên Chúa.
- Lý do Đức Giêsu hiển dung
Các môn đệ là những người được Đức Giêsu đích thân tuyển chọn làm trợ tá cho Ngài, để rồi mai đây chính Ngài sẽ trao phó Giáo Hội cho các ông, ngõ hầu các ông sẽ tiếp bước đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa!
Tuy nhiên, không thể trao phó một công trình vĩ đại, quan trọng, mang tính trường tồn cho những người lơ mơ…, trao phó như thế thì chẳng khác gì “trao trứng cho ác”.
Thiếu hiểu biết và nhiều khi hiểu sai đường lối của Đức Giêsu nơi các môn đệ thật là rõ nét, vì đã có những lúc các ông phỏng chiếu một Đức Giêsu oai phong, quyền lực, chẳng khác gì các vị tướng lãnh chốn trần ai.
Thế nên, nơi các ông, nhiều lần họ đã đôi co với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời; có những người lại còn dẫn cả mẹ mình đến để năn nỉ kỳ nèo cho được ngồi bên tả và bên hữu trong Nước mà Đức Giêsu sẽ thiết lập; rồi cụ thể như Phêrô, chỉ cách đó có 6 ngày, ông đã đại diện cho anh em để tuyên xưng hùng hồn niềm tin của mình vào Thầy Giêsu, nhưng sau đó, khi nghe thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu, ngay lập tức, ông đã không chần trừ, mà đã khẳng khái lên tiếng can ngăn! Như vậy, các môn đệ là những người kề vai sát cánh bên Đức Giêsu, nhưng tư tưởng của các ông vẫn lè phè dưới đất, chưa vươn lên để hiểu được tâm tư của Thầy mình.
Chính vì những lý do này, nên các ông không thể chấp nhận một Vị Tôn Sư mà mình chọn làm người dẫn dắt, lại là một người thất bại qua cái chết đau thương và nhục nhã trên cây thập tự giá như một tử tội được!
Để giúp các môn đệ, nhất là ba môn đệ thân tín mà sau này chính các ông sẽ là các chứng nhân trong những chuyện đặc biệt, nên Đức Giêsu đã đưa các ông lên núi Tabor để biến hình trước mắt các ông, nhằm củng cố đức tin, ban hành sứ điệp và đưa các ông đi vào đường lối cứu chuộc của Thiên Chúa.
- Qua đau khổ mới đến vinh quang
Câu chuyện biến hình được khởi đi từ việc Đức Giêsu dẫn ba môn đệ của mình lên núi, và đang khi Ngài cầu nguyện “rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy (x. Mc 9, 3).
Bên cạnh Ngài còn có Môsê là người đại diện cho lề luật Cựu Ước, và Elia là ngôn sứ vĩ đại nhất. Cả hai cùng hiện ra và đàm đạo với Đức Giêsu. Điều này cho thấy: toàn bộ lề luật và lời các ngôn sứ đều quy hướng về Đức Giêsu và về cuộc khổ nạn, phục sinh của Ngài như là trung tâm của công trìn
Khi thấy diện mạo Đức Giêsu biến đổi và khung cảnh thánh thiêng, huy hoàng tuyệt đẹp như vậy, tâm hồn các ông ngây ngất và lòng các ông hân hoan quá đỗi.
Chắc chắn trong cuộc đời của các ông chưa một lần nào được hạnh phúc như vậy! Vì thế, Phêrô đã thay lời cho Gioan và Giacôbê để thưa lên với Đức Giêsu, ông nói: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia" (Mc 9, 5).
Qua lời đề nghị này của Phêrô, lại một lần nữa, nơi ông toát lên tính hưởng thụ, thực dụng…! Ông muốn được ở lại trong vinh quang với Đức Giêsu mãi mãi và không chịu đối diện với thực tế mà ông và các bạn của ông sẽ còn phải tiếp tục…!!!
Thấy được điều đó, Đức Giêsu đã không để cho các ông rơi vào tình trạng bi đát của tư tưởng: “Thích sướng, ngại khổ”. Nên Ngài đã không những khước từ đề nghị của ông, mà còn mặc khải cho ông hiểu được quy luật tất yếu của Tin Mừng, đó là: “Phải qua đau khổ mới tới vinh quang.”
Sau khi cho các ông lạc vào thiên cung, cho các ông nếm trước vinh quang Thiên Quốc, Đức Giêsu đã mời gọi các ông phải xuống núi.
Xuống núi với anh em, với đồng loại, và với những công việc thường ngày.
Xuống núi để tiếp tục cuộc hành trình theo Thầy của mình. Xuống núi trong tâm tình cảm nghiệm rõ nét con đường mà Thầy đã, đang và sẽ đi, để mai đây chính mình sẽ tiếp bước.
- Sứ điệp Lời Chúa
Trong đời sống thực tế của nhiều người nơi cộng đoàn, đã có nhiều lần chúng ta cũng mang trong mình tư tưởng của các Tông đồ khi xưa, đó là: tham sân si; tranh gành địa vị; trọng hình thức mà quên đời sống nội tâm. Nhiều khi gây chia rẽ, lên mặt dạy đời, hay luôn chọn cho mình những công việc nhàn hạ, còn việc nặng nhọc để lại cho người khác. Rồi cũng không thiếu những người theo Chúa, tin Chúa, nhưng theo và tin kiểu công dân hạng hai, tức là lúc thuận tiện thì theo và tin…, nhưng khi gian nan th
Đôi khi chúng ta cũng có tư tưởng thực dụng như: tìm mọi cách để níu kéo Thiên Chúa về với mình. Thiên Chúa là Đấng ta được hưởng độc quyền, còn người khác, chúng ta luôn muốn Chúa phải thẳng tay để đánh phạt họ….
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có tư tưởng của Thiên Chúa thay cho tư tưởng của loài người. Đó là: luôn đặt ý Chúa lên trên hết. Phải biết yêu thương nhau chân thành. Xây dựng tình huynh đệ, hiệp nhất và bình an. Sẵn sàng kề vai sát cánh bên nhau cả những công việc nhẹ nhàng lẫn công việc nặng nề.
Biết đón nhận những đau khổ, thử thách trong đời sống đạo với tâm tình: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28). Và: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Sẵn sàng lột xác để biến đổi, để từ con người ích kỷ, thành bao dung; từ chỗ thực dụng thành vô vị lợi; từ chỗ chỉ biết nghĩ đến mình, thì giờ đây biết nghĩ đến người khác; từ chỗ muốn được hạnh phúc và sung sướng mà không chấp nhận đau khổ, thành một người mang trong mình tư tưởng của Thiên Chúa và đi vào đường lối của Đức Giêsu đã đi, đó là: “Qua đau khổ mới đến vinh quang”.
Muốn thực thi được những điều trên, quan trọng nhất, chúng ta phải biết lắng nghe lời Đức Giêsu, thi hành điều Ngài dạy và đi theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đã đi khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn đã có nhiều lần chúng con như các môn đệ khi xưa, đó là: chỉ thích sung sướng, hạnh phúc mà không biết đón nhận khổ đau. Xin Chúa khai trí mở lòng chúng con, để chúng con hiểu được đường lối cũng như tư tưởng của Chúa, từ đó, biết đi theo Chúa trên chính con đường mà Ngài
SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 02 MÙA CHAY
THỨ HAI
LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG
(Lc 6, 36-38)
Mahama Gandhi, một nhà ái quốc của Ấn Độ, đã dành lại độc lập cho đất nước ông bằng biện pháp bất bạo động. Nguyên nhân dẫn đến việc ông sử dụng đường lối không đổ máu để dành tự do là vì nguồn cảm hứng đến từ chính Tin Mừng, nhất là “Tám Mối Phúc” và cuộc đời của Đức Giêsu ngang qua việc ông thường xuyên đọc Lời Chúa lúc còn trai trẻ thời tu học tại Anh Quốc.
Tuy nhiên, khi tâm sự với bạn của ông, ông thốt lên: “Tôi rất yêu mến Đức Giêsu, nhưng tôi không thích người Công Giáo, vì họ không giống như Đức Giêsu. Nếu họ giống như Ngài, thì dân tộc Ấn Độ chúng tôi đã trở thành những Kitô hữu từ lâu rồi”. Chính vì lý do đó, ông đã không thể trở thành Kitô hữu!
Ôi sự thật xót xa! Tuy nhiên, chuyện tưởng chừng như xảy ra bên Ấn Độ hay Anh Quốc thời Mahama Gandhi, nhưng thực tế, nó đang xảy ra qua lời nói, hành động và lối suy nghĩ của chúng ta nơi môi trường và cuộc sống hiện thời.
Lý do, trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi chỉ có bề ngoài mà không có chiều sâu; chỉ có lượng mà không có phẩm; chỉ có nói mà không có hành động; chỉ có hô hoán yêu thương, nhưng khi gặp những chuyện cần phải giúp đỡ thì tìm cách lẩn tránh! Hay nhiều khi chúng ta ích kỷ và chia “ô cuộc đời” để tách biệt những điều trong Tin Mừng với cuộc sống thực tế!
Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không được phép chia “mảnh cuộc đời” của mình như vậy. Không ai cho phép chúng ta tách biệt nhà thờ, thánh lễ, kinh nguyện ra khỏi cuộc sống nơi xóm làng, chợ búa, nhà ga, gia đình…. Nhưng phải đưa Lời Chúa vào mọi ngõ ngách, mọi chiều kích của cuộc sống.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống những tâm tình của Chúa, đó là: đừng xét đoán hay kết án. Hãy tha thứ, cho đi, không phân biệt màu da, sắc áo....
Mong sao, chúng ta có Chúa trong tâm hồn và sống giới luật yêu thương. Khi không kết án, xét đoán, nhưng tha thứ và cho đi, chắc chắn chúng ta sẽ được cứu độ và mọi người sẽ nhận ra chúng ta là con cái Chúa và họ sẽ tin Chúa ngang qua đời sống đạo của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có lòng nhân từ, tha thứ như Chúa, để chúng con thuộc về Chúa và đem Chúa đến giới thiệu cho người khác bằng chính cung cách sống của chính mình. Amen.
THỨ BA
NGÔN HÀNH THỐNG NHẤT
(Mt 23,1-12)
Nói đến việc giữ chay, có lẽ bên Công Giáo giữ chay tương đối ít! Các tôn giáo khác họ giữ chay nhiều khi cả tháng, hay có người giữ chay cả cuộc đời!
Luật của chúng ta chỉ buộc giữ chay có hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng biết bao người đã so đo, tính toán thiệt hơn, coi việc giữ chay là chuyện nặng nề, mệt nhọc.... Sống đạo như vậy là hình thức, là cái vỏ, còn trong thực tế không có gì cả! Chúng ta trung thành từng chi tiết nhỏ của
Điều này được nhận thấy rất rõ ngang qua việc thực hành đạo nơi nhiều người! Có người tham gia rất nhiều đoàn thể, lễ hội, nhưng điều quan trọng là sống bác ái, yêu thương, nhân hậu và công bằng thì họ lại không hề mảy may quan tâm!
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vạch mặt chỉ tên những người Pharisêu giả hình. Họ thuộc hạng phô trương, hình thức, khoe mẽ. Họ giữ luật từng chi tiết, nhưng đời sống của họ thì không hề có chút tình thương nào cả! Ngài nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào; họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".Và Đức Giêsu cảnh báo: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.
Chúng ta đang sống trong những tuần đầu của Mùa Chay, mỗi người Kitô hữu được mời gọi hãy hoán cải để nhận ra sự kiêu ngạo, khoe khoang, hình thức bấy lâu nay, từ đó, hãy lo sám hối và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đồng thời biết khiêm tốn để Lời Chúa được thấm nhập vào trong tâm hồn của mình, ngõ hầu chúng ta sẽ trở thành người có
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con được ơn khiêm tốn trong việc sống đạo, nhất là trong các mối tương quan với mọi người. Amen.
THỨ TƯ
ƠN CỨU CHUỘC CỦA CHÚNG TA NƠI THÁNH GIÁ CHÚA
(Mt 20,17-28)
Có nhiều người ngày nay, theo tâm lý tự nhiên, họ đều muốn có danh tiếng cá nhân, phần thưởng cá nhân, địa vị cá nhân và sự thành công cá nhân, nhưng ít ai nghĩ đến sự hi sinh cá nhân!
Thật thế, đây là cám dỗ nguy hiểm cho con người thời nay, bởi vì ai cũng chỉ nghĩ đến mình, họ luôn xây dựng cái tôi của mình thật lớn để rồi như một thành trì bảo vệ uy lực cho cá nhân mà không hề nghĩ đến người khác và bổn phận trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Đây cũng chính là mối nguy hại cho các Tông đồ thời Đức Giêsu! Các ông theo Ngài, được Ngài mặc khải nhiều điều, và, nhất là hôm nay, Ngài loan báo cuộc khổ nạn, đồng thời mời gọi họ đi theo trên con đường khổ giá, để cùng Ngài, mang trong mình tâm tư cứu chuộc nhân loại, thay vì ưng thuận, họ đã tỏ vẻ khó chịu, bởi vì các ông đã phỏng chiếu một Đức Giêsu uy quyền, lẫm liệt khi thể hiện quyền năng của mình để đánh đông dẹp bắc theo kiểu binh đao, nhưng đằng này, Đức Giêsu đã lật đổ những mơ ước hão huyền của các môn đệ, làm cho giấc mộng công hầu khanh tướng mà các ông đang theo đuổi tan thành mây khói khi loan báo cái chết sẽ đến với Ngài.
Cám dỗ về uy quyền, danh vọng, sung túc mà các môn đệ thời Đức Giêsu mắc phải cũng chính là cám dỗ triền miên của mỗi chúng ta ngày nay!
Mùa Chay là mùa mời gọi chúng ta nhìn thẳng vào Thánh Giá Chúa để thấy được tình thương của Ngài, thấy được sứ vụ của cuộc đời chúng ta, khám phá ra ý nghĩa của ơn cứu độ ngang qua đau khổ, nhất là khám phá ra sự vĩ đại, sức mạnh phi thường và ơn giải thoát ở sự phục vụ trong yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống cho người khác như Chúa, luôn mong được phục vụ hơn là tìm sự phục vụ nơi người khác cho mình. Amen.
THỨ NĂM
DỬNG DƯNG, VÔ CẢM LÀ TỘI ÁC!
(Lc 16, 19 – 31)
Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại một câu chuyện thật ấn tượng rằng: có hai bạn trẻ nghe biết các sơ trong dòng của mẹ hàng ngày nấu ăn cho 7 ngàn người, và cung cấp thực thẩm cho khoảng 9 ngàn người. Vì thế, họ đã tặng cho mẹ một số tiền lớn để giúp người
“Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ nhiều. Sau cùng, chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức yến tiệc linh đình, và chúng con muốn dùng khoản tiền chi phí cho đám cưới và mua tặng phẩm để cho những người không được may mắn như chúng con". Khi thấy thế, mẹ phân vân! Hai bạn nói tiếp:
“Vì chúng con yêu nhau, chúng con muốn có cái gì đặc biệt, đẹp đẽ cho nhau. Vì thế, chúng con muốn tặng cho nhau một món quà cưới thật đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống của mình bằng một hy sinh mà cả hai đều dự phần vào”.
Ôi một nghĩa cử anh hùng! Vì ở bên Ấn Độ, đám cưới mà không có quần áo cưới cũng như tiệc cưới là một điều nhục nhã và gây tủi hổ cho cả hai gia đình, đàng trai cũng như đàng gái.
Câu chuyện trên đây ngược hẳn với câu chuyện của nhà phú hộ giàu có và Lazarô nghèo khổ!
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: giàu không phải là tội, nhưng nó chỉ là cạm bẫy nguy hiểm dễ dẫn đến tội nếu không có lòng bác ái. Ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay đã rơi vào tình trạng tội khi ông vô cảm với người nghèo ngay ở cổng nhà ông. Vì thế, ông đáng phải sa hỏa ngục vì tiền bạc và sự sung túc đã làm cho mắt ông mù lòa, trái tim se thắt, tấm lòng chai cứng và sự dửng dưng đã trở thành tội ác và mất hạnh phúc đời đời....
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có trách nhiệm liên đới với nhau, nhất là với người nghèo, người cô thế, cô thân, không nơi nương tựa.... Không bao giờ chúng ta được để cho chủ trương: “Sống chết mặc bay” thường trực trong tâm hồn của mình.
Có thế, chúng ta mới xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa và đáng được Người cứu chuộc.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương những người nghèo khổ hơn chúng con bằng tình yêu vô vị lợi như Chúa. Xin cho chúng con đừng bao giờ để cho tư tưởng phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị ngự trị trong tâm hồn chúng con. Amen.
THỨ SÁU
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
(Mt 21, 33-43. 45-46)
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có kể câu chuyện của vua thánh Đavít như sau: khi vua Đavít đã thỏa mãn nhục dục với Bathsêba, vợ của vị tướng Uria! Không dừng lại ở đó, ông đã tìm cách để phủ lấp chuyện đồi bại của mình bằng cách đẩy Uria ra mặt trận ác liệt, ở đó, vị tướng này chắc chắn sẽ tử trận, và sự việc đúng như kế hoạch thâm độc mà nhà vua đã hoạch định.
Khi nghe biết sự tàn ác của vua Đavít như thế, tiên tri Nathan đến kể cho vua một câu chuyện nhằm cảnh báo nhà vua, ngài kể: một anh nhà giàu kia có rất nhiều chiên, nhưng khi có khách, thì lại truyền lệnh cho quân lính sang nhà hàng xóm bắt con dê của họ để làm thịt ăn mừng. Điều đáng nói là người hàng xóm này chỉ có duy nhất một con dê là tài sản của anh ta. Nghe đến đây, vua Đavít tức giận và tuyên bố một câu xanh rờn: thằng đó phải chết! Nghe thấy thế, tiên tri Nathanel chỉ thẳng vào mặt vua và nói: “Thằng đó chính là vua!” Đến đây, nhà vua mới giật mình nhận ra tội lỗi của ông và ăn năn sám hối.
Câu chuyện trên đây thật trùng khớp với câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay.
Đức Giêsu biết rõ những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ có một cái tôi rất lớn được xây dựng bằng thành trì của sự kiêu ngạo, tự phụ, tự tôn, luôn coi mình là đạo đức hơn người, thế nên, bản thân họ rất khó nhận ra con người thực chất của chính mình để sám hối. Vì thế, Đức Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn: “Những tá điền sát nhân”.
Ngài kể về những người làm công ác nhân, thất đức khi đối xử bất nhân với những người nhà của chủ được sai đến, không những thế, sự bất nhân của họ còn được sử dụng ngay với chính con của ông chủ, nên họ đã giết luôn cả đứa con thừa tự và cướp luôn vườn nho.
Sau đó, Đức Giêsu hỏi những người đang nghe: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" Nghe vậy, các Thượng Tế và Kỳ Mục lên tiếng khí thế, họ nói: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”.
Cũng như Đavít, họ vui vẻ và khẳng khái kết án cái ác, đúng lúc ấy, trong câu 43, Đức Giêsu tuyên án với họ: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi, không cho các ông nữa, mà ban cho dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.
Đến đây, Đức Giêsu đã làm cho các Thượng Tế và Kỳ Mục nhận ra con người gian dối của họ khi dùng ngón đòn: “Gậy ông đập lưng ông”, khi chính họ tuyên án cho thảm án nặng nề nơi mình.
Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta không nhận ra tội của mình mà cứ đi lôi tội của người khác một cách không thương tiếc. Vì thế, có lúc chúng ta không khác gì những nhà lãnh đạo tôn giáo thời Đức Giêsu, hay như vua Đavít trong câu chuyện trên!
Tuy nhiên, vua Đavít thì sám hối, còn những Thượng Tế và Kỳ Mục thì không, nên họ vẫn tiếp tục sa lầy vào con đường tội lỗi...
Mùa Chay là mùa Chúa mời gọi chúng ta hãy sám hối để được cứu độ, ngược lại, nếu không sám hối sẽ đời đời diệt vong.
Sám hối sẽ lãnh nhận được nhiều hồng ân, mà hồng ân lớn lao nhất chính là ơn cứu độ. Nếu không, ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi và trao cho người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết nhận ra con người thật của mình để biết sám hối, ăn năn. Amen.
THỨ BẢY
TRỞ NÊN GIỐNG THIÊN CHÚA TRONG TÌNH THƯƠNG
(Lc 15, 1 -3. 11-32)
Có một người mẹ đã suốt một đời hy sinh cho con cái, tuy nhiên, ngay cả đến lúc già nua tóc bạc, bà vẫn không nhận được một nghĩa cử đền ơn báo nghĩa nào của người con. Nhưng mang trong mình tâm tư của người mẹ, với một tình mẫu tử bao la, bà vẫn hết mực thương con.
Câu chuyện trên đây phản chiếu một phần nào hình ảnh của người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ông đã quá vất vả vì con cái! Tuy nhiên, thay vì tuổi già, ông được con cái phụng dưỡng, đằng này, nó lại đòi chia gia tài để rồi đi ăn chơi trác táng với phường tội lỗi gian dâm. Hết tiền, hết bạc, bị người ta coi thường, khinh miệt trong thân phận
Tuy nhiên, thay vì xua đuổi, ông lại tỏ ra nhân hậu khi đứa con tội lỗi trở về. Vì thế, người cha này đã tìm mọi cách để phục hồi nhân phẩm và phục quyền cho đứa con lêu lổng một thời đi hoang, và cuối cùng là mở tiệc ăn mừng....
Thế nhưng, hành động của ông nhân từ bao nhiêu, thì hình ảnh, lời nói và thái độ của người con cả lại ngược lại với ông bấy nhiêu.
Người con cả trong bài Tin Mừng hôm nay đã không chấp nhận tha thứ cho người em của anh. Anh ta trách móc cha mình rồi tỵ nạnh với em
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thấy hình ảnh phóng đãng ăn chơi của người con thứ, hay thái độ ích kỷ, kiêu ngạo như người con cả ngay trong con người của mỗi người khi mỗi lần chúng ta đi xa đường lối của Thiên Chúa hay không chịu hiểu về tình thương cũng như lời mời gọi của Ngài.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, đứng dậy và trở về để được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đừng sợ tình thương của Thiên Chúa, vì tội lỗi của chúng ta có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta từng ngày, từng giờ
Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đừng vì ích kỷ mà ngăn cản tình thương của Chúa xuống trên anh chị em mình như người con cả trong bài Tin Mừng vừa nghe.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết quay trở về với Chúa trong Mùa Chay này như người con thứ. Biết từ bỏ thói kiêu ngạo, tự phụ như người con cả. Và biết mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu nơi người Cha trong dụ ngôn hôm nay. Amen.